Skip to content

5 lý do khiến Grim Dawn trở thành “ông hoàng của A-RPG đương đại” (kỳ II)

BÀI VIẾT SỬ DỤNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC GOOGLE HỖ TRỢỞ phần đầu của loạt bài 2 kỳ “5 lý do khiến Grim Dawn trở thành ông hoàng của A-RPG đương đại”, Vietgame.asia đã giới thiệu đến bạn đọc 2 nguyên nhân lớn đầu tiên, đó là cốt truyện sử thi hoành tráng và quan hệ phe phái lắt léo của siêu phẩm RPG đến từ Crate Entertainment này.

Trong bài viết phần 2 (và cũng là phần cuối) này, Vietgame.asia xin tiếp tục nói về 3 nguyên nhân còn lại cấu thành nên một tuyệt tác A-RPG của thập kỷ này. Mời bạn đọc theo dõi tiếp bên dưới đây.

HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU XUẤT SẮC
Grim Dawn – Bình minh ảm đạmVới một tựa A-RPG, hệ thống chiến đấu có thể nói là khá tương đồng với nhau khi các thao tác điều khiển chính là “spam click chuột” và “mash nút bàn phím”. Vấn đề là làm sao để truyền tải đến người chơi những trải nghiệm tốt nhất, khiến họ có được cảm giác chơi game tuyệt vời nhất? Đó là một câu hỏi khó mà chỉ có lơ thơ vài tựa game gần đây như Victor Vran, Torchlight 2, Grim Dawn… làm được.

Trước hết, cần phải nói về hệ thống sát thương đồ sộ trong Grim Dawn. Có rất nhiều loại sát thương, từ sát thương nguyên tố (Elemental) như Fire, Lightning, Cold cho đến các sát thương sinh lý như Acid, Vitality, Bleeding… hoặc sát thương ngoại giới như Aether và Chaos. Mỗi loại sát thương chính lại đi kèm với một dạng sát thương kéo dài – chẳng hạn như Physical thì có Internal Trauma, Fire thì có Burn, Acid thì có Poison, Cold thì có Frostburn… Điều này dẫn đến việc xây dựng nhân vật trong Grim Dawn luôn là một bài toán phức tạp giữa việc cân bằng sát thương và chống chịu.Kế đến, Grim Dawn mang tới một lượng vũ khí tuy không quá nhiều, nhưng lại thật sự khác biệt và tạo cho người chơi nhiều lựa chọn. Ví dụ như kiếm có tốc độ nhanh, sát thương trung bình, chỉ số xuyên giáp trung bình – còn súng thì chia ra súng ngắn với tốc độ cao, sát thương kém và súng trường với tốc độ chậm, bù lại sát thương cao và có khả năng xuyên giáp mạnh. Sự khác biệt giữa chùy, rìu hay dao găm cũng rất lớn, khiến người chơi có khá nhiều điều phải cân nhắc khi chọn lựa vũ khí.

Tuy nhiên, điểm nhấn xuất sắc nhất trong hệ thống chiến đấu của Grim Dawn lại nằm ở cơ chế mô phỏng vật lý rất tuyệt vời. Đầu tiên là cảm giác “lực” trong từng cú đánh: một nhát chém bởi kiếm sẽ có âm thanh sắc lẻm (tùy vào chém vào dạng vật chất gì) đi kèm với cảm giác “ngọt” khi lưỡi kiếm sắc bén cắt vào da thịt kẻ địch. Còn với một cây chùy, tiếng vụt gió khi nhân vật lấy đà phang cùng cảm giác va chạm thô cứng, theo sau là cảm giác hơi “hẫng” khi hất kẻ địch văng đi… tất cả đều được Crate Entertainment thể hiện hết sức chân thật và tinh tế.Grim Dawn – Bình minh ảm đạm

Sự khác biệt giữa chùy, rìu hay dao găm cũng rất lớn, khiến người chơi có khá nhiều điều phải cân nhắc khi chọn lựa vũ khí
Môi trường trong Grim Dawn cũng được xây dựng trên cùng một nguyên lý đó. Với các kỹ năng đánh diện rộng hoặc các đòn phép hùng mạnh, người chơi hầu cảm nhận được màn hình đang rung chuyển với những cường độ rung khác nhau, tạo nên một cảm giác hệt như đang chứng kiến một trận bão sét, một cơn mưa thiên thạch, hay một bức tường lửa hừng hực trước mắt vậy. Với những hiệu ứng diện rộng, tầm “quét” của sát thương sẽ khiến các bức tường bong tróc gạch vữa, những thân cây nhỏ đổ rạp… như thật, càng mang lại những trải nghiệm hết sức tuyệt vời.
TÙY BIẾN NHÂN VẬT CỰC KỲ ĐA DẠNG
Grim Dawn - Đánh Giá GameNăm xưa, Titan Quest đã từng gây sóng gió làng A-RPG với hệ thống Dual Class (chức nghiệp kép) trứ danh. Với 9 lớp nhân vật cơ bản, Titan Quest cho người chơi chọn lựa 2 trong số đó để xây dựng nên vô số nhân vật khác biệt. Vẫn duy trì truyền thống đó, Grim Dawn đã hạn chế số lớp nhân vật xuống còn 6 bao gồm Soldier, Demolitionist, Occultist, Arcanist, Night Blade và Shaman. Số lượng giảm, tuy nhiên sự biến hóa và những đa dạng trong các cây kỹ năng lại được tăng thêm rất nhiều.

Bằng cách tăng điểm tối đa của một kỹ năng lên rất cao (12 hoặc 16 cấp), Grim Dawn khiến người chơi phải đi đơn tuyến một thời gian khá dài (khoảng cấp 30) trước khi tăng điểm qua chức nghiệp thứ hai (mặc dù từ cấp 10 đã mở khóa bảng chức nghiệp thứ hai). Việc làm này khiến người chơi phải loay hoay tìm tòi hướng phát triển tối ưu nhất cho nhân vật của mình với số điểm kỹ năng ít ỏi.

Nhiều lúc người chơi sẽ nhận ra rằng tuy cùng một nhân vật, nhưng thực tế lại có đến 3 – 4 hướng đi hoàn toàn khác nhau, dẫn đến việc “tẩy tủy” để trải nghiệm thử các hướng khác là chuyện quá bình thường
Để giải quyết phần nào “nút thắt” này, Grim Dawn đưa vào game hệ thống khảm nạm Component khá quen thuộc. Bằng cách săn tìm từ các loại quái vật hoặc chế tạo, người chơi có thể khảm các Component vào trang bị trên người để thừa hưởng những chỉ số và thậm chí là những kỹ năng đặc biệt. Đôi lúc những kỹ năng này lại khơi gợi nên những đường xây dựng nhân vật mới mà không có trong “sách vở”.

Chẳng hạn, theo hạn chế gốc thì khi dùng súng ngắn, tay còn lại của nhân vật chỉ có thể cầm khiên hoặc sách phép. Thế nhưng với một số trang bị đặc biệt, nhân vật trong Grim Dawn sẽ có thể cầm… 2 súng ngắn trên 2 tay, tạo nên một hướng đi chưa từng có. Hoặc, các nhân vật đi đường Demolitionist và Arcanist thường rất thoải mái, do không cần tăng điểm vào kỹ năng tấn công mà chỉ cần dùng chiêu Fire Blast có từ Component để farm rất dễ dàng đến tận cấp 50.

Một số kỹ năng trong Grim Dawn có hướng “rẽ nhánh” khá đặc biệt, thay đổi hoàn toàn bản chất của nó. Ví dụ chiêu phóng dao Phantasma Blades vốn có thời gian hồi là 2.8 giây, nhưng với một điểm Modifier đặc biệt sẽ biến nó thành chiêu đánh thường không có thời gian hồi, bù lại bị giảm mạnh sát thương. Hay ngược lại, chiêu Blade Arc vốn không có thời gian hồi lại có Modifier biến nó thành chiêu cực mạnh với 5 giây hồi chiêu. Thậm chí, có những Modifier biến tính cả chiêu hoàn toàn như khiến Albretch’s Aether Ray từ sát thương Aether chuyển thành 100% sát thương Chaos…
5-ly-do-khien-grim-dawn-tro-thanh-ong-hoang-arpg-2016-10Tuy vậy, điểm nhấn thực sự của hệ thống xây dựng trong Grim Dawn phải nhắc đến cơ chế Devotion độc nhất vô nhị. Xuyên suốt quá trình chơi game, người chơi sẽ tìm thấy những ngôi đền bí ẩn bị phong ấn. Bằng cách mở khóa phóng ấn (hiến tế đồ, giết quái vật…), người chơi sẽ nhận được các điểm Devotion để tăng vào một bảng kỹ năng đặc biệt được thể hiện như một biểu đồ tinh tú khổng lồ. Mỗi một chòm sao được cấu thành bởi các tinh điểm, và chúng sẽ tăng cho nhân vật rất nhiều chỉ số mà lẽ ra họ không bao giờ sở hữu được.

Một số chòm sao khi tăng max sẽ mở khóa một kỹ năng phụ trợ gọi là Celestial Power. Các kỹ năng này sẽ được “gắn” vào kỹ năng chính của nhân vật để gây ra các hiệu ứng mới khi tấn công (tỉ lệ xảy ra trên đòn đánh, tỉ lệ xảy ra khi chí mạng, tỉ lệ xảy ra khi bị đánh…). Chính hệ thống Devotion này sẽ tạo cho người chơi vô số lựa chọn khi xây dựng nhân vật. Bạn muốn một pháp sư “trâu chó”, tank lính như thật? Bạn muốn một con Lý Tầm Hoan phóng phi đao rào rào như vũ bão? Bạn muốn một vị Lôi Thần đi tới đâu sét rải ngập màn hình tới đó? Grim Dawn đáp ứng được hết.

Nhiều lúc người chơi sẽ nhận ra rằng tuy cùng một nhân vật, nhưng thực tế lại có đến 3 – 4 hướng đi hoàn toàn khác nhau, dẫn đến việc “tẩy tủy” để trải nghiệm thử các hướng khác là chuyện quá bình thường. Có thể nói, nếu thật sự muốn tạo đến 100 nhân vật với lối chơi hoàn toàn khác nhau, Grim Dawn vẫn có thể làm được điều đó – và game vẫn giữ được sự cân bằng vi diệu giữa các lựa chọn này.

GIÁ TRỊ CHƠI LẠI RẤT CAO
Grim Dawn - Đánh Giá GameGrim Dawn – Bình minh ảm đạmTinh hoa của một tựa game RPG chặt chém nằm ở hai chữ “cày cuốc”, và công thức này đã được chứng minh tuyệt đối qua vô số sản phẩm trong 20 năm nay rồi. Một tựa A-RPG mà người ta chỉ chơi xong một lần rồi thôi là một tựa A-RPG thất bại. Và về khoảng này, Grim Dawn chứng minh được rằng mình chỉ có “lầy” hơn chứ không kém người tiền nhiệm Titan Quest. Tính đến thời điểm viết bài này, tài khoản Steam của người viết đã có hơn 400 giờ chơi Grim Dawn với khoảng 13 nhân vật trên cấp 65 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Vậy, điều gì đã giữ người ta ở lại lâu như vậy với một tựa game A-RPG? Trước hết, có thể nói ngay đến lý do ở phân mục bên trên: sự đa dạng trong lối chơi và sự biến hóa vô tận trong cách xây dựng nhân vật. Thật sự nếu là một “fan cứng” của A-RPG và thích tìm tòi, người chơi sẽ không bao giờ cảm thấy viên mãn nếu chưa trải nghiệm hết được các đường xây nhân vật “biến thái” trong Grim Dawn cả. Có những hướng đi ban đầu khá “thọt”, nhưng về sau lại cực mạnh – và chỉ bằng cách đi hết tối thiểu đến cuối chương 3 (khoảng cấp 40), người chơi mới đưa ra được nhận xét đại khái về lựa chọn của mình.

Kế đến, đó là cơ chế “Newgame+” quen thuộc tương tự như các RPG chặt chém khác. Khi kết thúc cốt truyện ở độ khó Normal, người chơi có thể dùng tiếp nhân vật đó đi lên độ khó Elite, và sau đó sẽ là Ultimate. Ở Elite, tất cả kháng tính của nhân vật bị giảm đi 25%, còn ở Ultimate là 50%. Với mức độ trừng phạt nặng như vậy, và sức mạnh của quái vật được tăng lên rất đáng kể, mỗi lần chơi lại thực sự là một thử thách to lớn với hầu hết các đường xây dựng phổ thông. Nhưng điều gì thôi thúc họ phải cứ mãi lao đầu vào những “bức tường thử thách” vô lý như vậy?

Với Grim Dawn, hứng thú của mỗi lần chơi lại không hề giảm đi mà còn nhân lên rất nhiều lần với hàng lô hàng lốc thứ để khám phá và săn tìm
Đáp án nằm ở kho trang bị khổng lồ và phong phú của Grim Dawn – trang bị trong game được chia ra 5 cấp độ là Common (trắng) > Magic (vàng) > Rare (xanh lá) > Epic (xanh lam) > Legendary (tím). Bằng cách bố trí cấp độ và sắp xếp theo chủ đề rất hợp lý, Grim Dawn tạo được cho người chơi sự hào hứng khi tìm thấy một món đồ xịn cấp Epic hoặc Legendary. Không hề có một trang bị nào trong Grim Dawn được thiết kế để “cho có” hoặc thừa thãi cả, mà chúng luôn ẩn hàm một ngụ ý nào đó. Cấp trang bị càng cao, chỉ số mang lại càng “khủng khiếp”, và thậm chí chúng còn mang theo các kỹ năng chủ động hoặc nội tại hùng mạnh có thể ảnh hưởng hoặc thay đổi cả hướng xây dựng nhân vật của người chơi.

Các trang bị quý hiếm trong Grim Dawn xuất hiện trong 3 trường hợp: một là phần thưởng khi hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng (cuối Normal chắc chắn sẽ được một món Legendary: vũ khí cho cấp Normal, trang sức cho cấp Elite, và giáp trụ cho cấp Legendary), hai là bằng cách đánh quái/ Boss rơi ra, và ba là chế tạo. Việc bắt gặp một cuộn giấy da ghi công thức chế tạo đồ hiếm còn hứng thú hơn cả việc nhặt được nó – bởi vì chỉ cần có công thức là người chơi sẽ chế được một món đồ khủng nhiều lần, miễn có đủ nguyên liệu.

Chơi Grim Dawn thì người chơi thường xuyên rơi vào tình trạng đang chơi con này mà lượm được đồ của một/ nhiều con khác. Và một hậu quả tất yếu thường thấy là khi chơi xong con đó, họ lại tạo ngay một con khác để cày và mặc được các trang bị trước đó – và rồi cái vòng lẩn quẩn kia lại cứ tiếp diễn… vô tận. Vì vậy, với Grim Dawn, hứng thú của mỗi lần chơi lại không hề giảm đi mà còn nhân lên rất nhiều lần với hàng lô hàng lốc thứ để khám phá và săn tìm.

5-ly-do-khien-grim-dawn-tro-thanh-ong-hoang-arpg-2016-6Có thể bối cảnh tăm tối và cốt truyện nặng nề của Grim Dawn không khiến nó trở thành tựa game yêu thích của mọi người trên thế giới được. Có thể phong cách đồ họa kỳ lạ của Grim Dawn không thể lộng lẫy hơn The Witcher 3 hay Divinity: Original Sin 2 được. Tuy nhiên, với những giá trị chơi mà nó mang lại, Grim Dawn xứng đáng được xem là “ông hoàng của A-RPG” đương đại, vượt trên cả những tượng đài khác của dòng game hấp dẫn này.

Một cốt truyện sử thi đồ sộ hấp dẫn nhưng không quá rối rắm và gượng ép, những mối quan hệ chính trị vừa vặn và mang lại lợi ích thiết thực, những trải nghiệm chiến đấu sướng tay – đã mắt, vô số hướng xây dựng nhân vật có chiều sâu lẫn chiều rộng, và một giá trị chơi lại cực lớn gần như vô tận. Thử hỏi, có một tựa A-RPG nào khác trong vòng 10 năm trở lại đây quy tụ được những điểm sáng này ngoài Grim Dawn hay không?

Tác giả

Thảo luận