Skip to content

Titanfall 2 – Đánh Giá Game

Titanfall 2

Titanfall 2 – Ngày xửa ngày xưa (thật ra mới chỉ cách đây 7 năm thôi), khi mà Call of Duty vẫn còn là một cái tên thu hút đầy đủ sự chú ý về phía mình (đến giờ vẫn thế mà), thì một ngày nọ, bỗng dưng những con người tài năng tạo nên loạt game Modern Warfare “tan đàn xẻ nghé”, để lại cho chúng ta một Infinity Ward “chắp vá” cho ra đời hai trong số những tựa game Call of Duty thiếu thuyết phục nhất, chỉ trong vòng 3 năm ngay sau đó.

Titanfall – được nhào nặn bởi chính những “người xưa” của Infinity Ward, từng là tựa game được cho là kẻ soán ngôi Call of Duty của thể loại bắn súng quân sự hiện đại, thế nhưng quãng thời gian thành công của trò chơi kéo dài không lâu vì nhiều lý do khác nhau.

Có lẽ vì thế nên chẳng lạ gì khi mà đa số cộng đồng làng game vẫn không hào hứng gì với Titanfall 2 cho lắm, mặc cho tiếng tăm bắt nguồn từ văn hóa truyền miệng kể từ khi trò chơi ra mắt vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Thật đáng buồn, bởi vì Titanfall 2 không chỉ tiếp tục chuỗi thành công vang dội của thể loại FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) năm 2016, mà nó còn là một tựa game đầy kiệt xuất, một hậu bản tuyệt vời không chỉ đáng được bất kỳ người hâm mộ FPS nào thưởng thức, mà còn xứng đáng sánh vai với những Half-Life 2, Metro: Last Light hay Call of Duty 4: Modern Warfare trở thành trong số những tựa game bắn súng hiện đại xuất sắc nhất cho tới nay.


BẠN SẼ THÍCH

PROTOCOL <3

Bạn có biết lý do vì sao nhiều người e ngại không muốn bỏ ra 60 USD để rinh Titanfall về kệ game của mình không?

Đó là vì sự thiếu vắng một phần chơi đơn đúng nghĩa mà theo như Respawn Entertainment nói, số người chơi qua và hoàn thành nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng người chơi tổng thể của một tựa game FPS hiện đại.

“Họ muốn thi thố, ganh đua với bạn bè và những người lạ mặt trên internet, họ muốn giành lấy cảm giác chiến thắng và xem như rằng mình đạt được một thành tựu gì đó quan trọng lắm khi chơi game”, và ngạc nhiên chưa, một trong những yếu tố mà Respawn Entertainment thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong chiến dịch quảng bá của Titanfall 2 lại là… phần chơi đơn!

Có lẽ đến đây, ắt hẳn bạn đang cho rằng hãng chỉ tạo ra một phần chơi đơn cho “có lệ” mà thôi, bởi vì trái khoáy thay, rất ít ai bỏ 60 USD chỉ để mua một tựa game rồi chơi xong phần chơi chiến dịch tốn 6 hay 7 giờ đồng hồ rồi… bỏ xó, nhưng cũng rất ít ai bỏ 60 USD để mua một tựa game thuần chơi mạng hoàn toàn và không có cái “cục” 6 hoặc 7 giờ đồng hồ đó.

Thế mà Respawn Entertainment, với tư cách là những con người đã nhào nặn lên Call of Duty 4: Modern Warfare, đã thoải mái nói rằng “xõa đê”, và tạo nên một phần chơi đơn đầy sinh khí, thú vị bậc nhất, có một không hai trong Titanfall 2.

Đó không phải là một phần chơi hoàn hảo, nhân vật chính Jack Cooper có thể chưa thể hiện nhiều… cảm xúc cho lắm, những trận đấu trùm còn hơi dễ dãi, và nhịp độ của cốt truyện trôi qua hơi chóng vánh.

Thế nhưng, phần chơi đơn của Titanfall 2 tỏa sáng thực sự và lấp đầy những lỗ hổng trên bằng lối thiết kế màn chơi xuất sắc cùng với sự xuất hiện của một nhân vật đồng hành đầy thú vị.

Câu chuyện về Jack Cooper – một Pilot bất đắc dĩ, được điểm xuyết bằng sự góp mặt của một Titan hệ Vanguard mang tên: BT-7274.

Respawn Entertainment, với tư cách là những con người đã nhào nặn nên Call of Duty 4: Modern Warfare, đã thoải mái nói rằng “xõa đê”, và tạo nên một phần chơi đơn đầy sinh khí, thú vị bậc nhất, có một không hai trong Titanfall 2

Nó là một câu chuyện “buddy cop” đơn thuần nhưng cũng thật kỳ lạ về David và Goliath, biến chuyển thành The Iron Giant với đầy đủ các cung bậc cảm xúc khác nhau giữa những câu bông đùa thiếu nghiêm túc, những lời chế nhạo đầy mỉa mai đối với hoàn cảnh trớ trêu mà cả hai gặp phải, và dĩ nhiên là sự tôn trọng lẫn mối ràng buộc đáng ngưỡng mộ giữa con người và máy móc.

Bối cảnh của Titanfall 2 là một thế giới trong tương lai đầy đổ nát do chiến tranh để lại, máy móc đóng vai trò vũ khí và con người hoặc đồng hành với chúng, hoặc phải kinh sợ trước chúng.

Thế nhưng BT-7472 không chỉ là một Titan đơn thuần, không có một con robot “bình thường” nào lại bông đùa cợt nhả như nó, sử dụng SERE để diễn tả… tâm trạng từ đôi mắt như nó, hành động gần với con người như nó và trên hết, khiến bạn muốn nói rằng “tôi sẽ quay lại ngay” như nó.

Bởi vì sao?

Đơn giản thôi, chỉ có những kẻ với trái tim sắc đá mới không lay động trước dòng chữ “PROTOCOL <3” mỗi khi nhoài mình ra khỏi tảng sắt hủy diệt vài trăm tấn này cả!

Nếu như BT-7274 là nhân tố khiến bạn muốn dõi theo cuộc hành trình này, thì lối thiết kế màn chơi của Titanfall 2 sẽ là thứ khiến bạn “há hốc mồm” bởi sự sáng tạo đầy độc đáo và chỉn chu được khắc nên trong mỗi khu vực, mỗi khoảnh khắc mà người chơi trải qua.

Đây là một phần chơi đơn không dài với 9 màn chơi và chỉ kéo dài khoảng 5-6 giờ đồng hồ, thế nhưng mỗi màn chơi đều sở hữu cho mình nét riêng biệt với phong cách thiết kế và những cơ chế mới khác nhau, mà người chơi tuy chỉ có thể được thưởng thức trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng cũng quá đủ để ghi lại dấu ấn sâu đậm.

[Into The Abyss] đưa người chơi vào một khu hợp xướng kỳ lạ với chiều rộng không gian khó tưởng cùng những cỗ máy khổng lồ, [The Beacon] khiến người chơi không dám nhìn xuống những… đám mây dưới chân mình, [Trial By Fire] quay ngoắc 180 độ và đưa người chơi vào một cuộc tập kích diện rộng với quy mô lớn giữa Titan đối đầu Titan… thế nhưng điểm sáng lớn nhất của Titanfall 2 là màn chơi [Effect and Cause] – một sự kết hợp đầy xuất sắc giữa Portal, Quantum Conundrum, Singularity và chút ít dư vị điên rồ đầy táo bạo của những nhà thiết kế game.

Chỉ với một cơ chế đơn giản cùng với đề tài không hẳn là mới, thế nhưng Respawn Entertainment đã gầy dựng lên một màn chơi đặc biệt có thể nói là sáng ngang với những [All Ghillied Up] hay [Ravenholm] huyền thoại.

[Effect and Cause] không chỉ là một màn chơi đầy sáng tạo, nó được tạo ra để khiến người ta nói về nó, nhớ đến nó như một một nốt cao của giai điệu âm hưởng FPS hiện đại.

Phần chơi đơn của Titanfall 2 tập hợp những ý tưởng hay ho và tuyệt diệu với cách thức thực hiện cũng thông minh chẳng kém.

Nó được tạo ra để khiến cho người ta chỉ đơn thuần chọn ra cho mình đâu là khoảnh khắc ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất về nó.

Và thực sự, nếu như gọi phần chơi đơn của Titanfall 2 là một “trò chơi bắn súng có những con robot bự chảng”, thì đó quả là một lời đánh giá thấp nặng nề.


CUỘC CHIẾN GIỮA LINH HỒN CỦA NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ

Titanfall 2 được xây dựng trên một nền tảng đầy vững chắc, trong đó là một hệ thống di chuyển tự do đầy mượt mà và chỉn chu, nhân vật chính Pilot cùng với “thú cưng” Titan, nay được mở rộng thêm bằng những tính năng và thêm thắt mới mẻ.

Số lượng vũ khí tăng lên đáng kể với những loại vũ khí… kỳ lạ mà có lẽ là một số lấy cảm hứng từ Borderlands, từ những khẩu LMG năng lượng hoặc tăng tốc độ bắn tương ứng với thời gian kéo cò, một khẩu SMG hai nòng bé tí tẹo như… súng cầm tay nhưng lại “tóe đạn” cực nhanh, cho đến một khẩu Sniper bắn… hai phát cùng lúc theo phương ngang.

Dĩ nhiên, địch thủ chẳng bao giờ sống sót nếu như ăn quá 3 viên đạn của bạn, thế nhưng chúng ta đang nói đến một tựa game từ những nhà phát triển của Call of Duty 4, và cho dù bạn có tốn bao nhiêu thời gian để tiêu diệt bất kỳ kẻ địch nào đi chăng nữa, thì điều đó không quan trọng bằng cái cảm giác kéo cò và cái cách mà bạn thực hiện điều đó.

Đó là lý do vì sao mà tôn chỉ của Titanfall 2 là… chạm vào sàn nhà càng ít càng tốt.

Hệ thống di chuyển tự do của game không hề rối rắm và phức tạp như Mirror’s Edge, bạn vẫn có thể đu tường, nhảy hai bậc, trượt dài, nhảy lên Titan, nhảy qua bất kỳ nơi nào bạn muốn (dĩ nhiên trừ những nơi… cao quá), chạy và nhảy mọi lúc mọi nơi, nhất là khi giờ đây đu tường càng lâu thì tốc độ của bạn càng tăng cao.

Titanfall 2

Cái cách mà bạn di chuyển thể hiện tính cách của bạn, lối chơi của bạn, thông điệp của bạn đối với những gã Pilot đối địch.

Thậm chí bạn chẳng cần phải chạy và nhảy thông thường, vì giờ đây bạn còn có những thiết bị phụ trợ cơ mà!

Từ chiếc móc câu khiến bạn đu bám chẳng khác nào một phiên bản Rico Rodriguez tương lai, thiết bị tàng hình gây khó khăn cho địch thủ trong việc tìm kiếm vị trí của bạn, Holo tạo nên hình chiếu bản sao, Stim khiến bạn di chuyển nhanh tạm thời, hay thậm chí là khả năng “phá trọng lực” khiến người chơi đứng yên giữa không trung.

Sự khéo léo trong việc di chuyển chỉ là một phần nhỏ, mà cách thức né tránh địch thủ và giành lấy lợi thế của mình bằng kỹ năng cá nhân và tận dụng trang bị mới chính là thứ giúp cho mọi Pilot giành chiến thắng.

Nếu như phần chơi đơn của Titanfall 2 xuất sắc vì sự mới mẻ và độc đáo của nó, thì phần chơi mạng gây ấn tượng bởi rất nhiều thay đổi và thêm thắt tích cực so với các phiên bản trước.

Vẫn giữ cho mình nhịp độ nhanh và “tất sát” đúng nghĩa, Titanfall 2 vẫn là một tựa game cân bằng rất tốt giữa kỹ năng cá nhân và lối chơi đồng đội ở gần như mọi chế độ chơi.

Phần chơi [Atrition], [Last Titan Standing] và [Capture The Flag] đã quá quen thuộc với những người chơi cũ nhưng cũng không thiếu sự xuất hiện của những cái tên mới.

Việc không còn sở hữu giáp trụ và mọi sát thương nhận được đều gây tổn hại trực tiếp tới lượng “máu” khiến cho Titan trở nên “mỏng manh” hơn trước
[Bounty Hunt] là phần chơi “cướp tiền”, nơi mà hai đội giành giật số tiền của nhau thông qua việc tiêu diệt các toán Grunt, Spectre, Stalker, Titan và dĩ nhiên Pilot của nhau rồi gửi vào “ngân hàng” trên bản đồ, những Pilot nào bị hạ sẽ bị trừ 50% số tiền đang giữ trên mình.

Tuy nhiên, phần chơi mà người viết ưa thích nhất nhưng lại không có cơ hội tiếp xúc nhiều trong Titanfall 2 lại là chế độ chơi kém phức tạp nhất – [Coliseum], phần chơi 1 chọi 1 thể thức “Best of 3” (thắng 2 trong 3 hiệp) nơi mà hai người chơi sẽ được đặt trong một khu vực đấu trường nhỏ chỉ với một khẩu súng phóng lựu bên mình.

Đó là một phần chơi biến chuyển khái niệm “Instagib” thú vị mà người viết với tư cách là một “người hâm mộ bự” của Unreal Tournament, mong muốn có thêm nhiều người chơi tham gia hơn nữa.

Một số cơ chế trong phần chơi mạng của Titanfall 2 được tinh chỉnh để củng cố phong cách chơi đồng đội hơn.

Giờ đây khi một Pilot “cưỡi” Titan của địch, họ sẽ không bắn vào lõi của Titan nữa, mà thay vào đó sẽ rút pin của Titan và mang về cho Titan đồng minh để hồi máu, ở lần “cưỡi” thứ hai thì Pilot sẽ ném lựu đạn vào khe đặt pin của Titan để gây thêm sát thương.

Nó là một cơ chế đầy thú vị đặt trọng tâm vào lối chơi hỗ trợ đồng đội, đồng thời nâng cao sự cơ động của Pilot giữa các trận đấu Titan vs Titan hơn.

Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến các nhân vật “phụ mà không phụ” kỳ này của Titanfall 2.

Có đến 6 chủng loại Titan cùng những bổ trợ và hệ thống cấp bậc riêng: Scorch – ưa thích lửa, súng lửa, khiên lửa, khói cũng là… lửa; Ion – một phiên bản Havoc của Titanfall có khả năng thả laser (không rõ từ ngực hay từ mồm); Ronin – gã hipster thích cầm kiếm vào những cuộc đấu súng; Northstar – *ê hèm* chắc chắn không lấy cảm hứng từ Pharah của Overwatch với khả năng phóng lựu đạn khi đang gồng trên không trung; Tone – ưa thích hỏa tiễn và lựu đạn và cuối cùng là Legion (không nhầm lẫn với “người ấy” trong Mass Effect đâu nhé) – sở hữu khả năng aimbot với cặp súng minigun bự chảng của mình.

Việc không còn sở hữu giáp trụ và mọi sát thương nhận được đều gây tổn hại trực tiếp tới lượng “máu” khiến cho Titan trở nên “mỏng manh” hơn trước, đánh đổi cho sự nâng cấp rõ rệt trong kho vũ khí cũng như cân bằng lại ảnh hưởng của Titan trên chiến trường.

Ronin cực kỳ nguy hiểm ở tầm gần, song lại không thể “hứng đạn” nhiều như các Titan khác; Legion sở hữu cặp minigun với lượng đạn dư dả đánh đổi cho việc không thể trượt (Dash) sang tứ phía, và còn nhiều hơn nữa…

Và vẫn còn rất nhiều thứ nhỏ nhặt nữa, từ hệ thống Network hoạt động như các Clan phiên bản mở rộng nơi mà người chơi có thể gia nhập và có khả năng tìm phòng chơi với những người cùng nhóm; Faction thay đổi nhân vật dẫn dắt bạn qua bộ đàm, sở hữu cấp bậc riêng và sẽ thưởng cho bạn các biểu tượng Emblem và Banner mới khi bạn “lên cấp”; hệ thống mở khóa trang bị và vũ khí hoạt động dựa theo cấp bậc cổ điển, với một đơn vị tiền riêng cho phép người chơi mở khóa bất kỳ thứ gì mình muốn trước khi đạt cấp độ cần thiết cho những món đồ đó.

Đó là những thứ cực kỳ nhỏ nhặt thôi, thế nhưng người viết phải nhắc lại rằng Titanfall 2 là một tựa game bắn súng ra mắt vào năm 2016 mà không có Microtransaction, không có DLC và mọi nội dung mới trong tương lai sẽ hoàn toàn miễn phí.

Điều đó càng khiến cho Titanfall 2 đáng được ủng hộ, đáng nhận được sự chú ý của cộng đồng hơn là con số lẹt đẹt 10.000 người chơi trên PC.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Respawn Entertainment
  • Phát hành: EA
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 28/10/2016
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Win 7/8/8.1/10 64bit.
  • CPU: Intel Core i5-6600
  • RAM: 16GB.
  • VGA: NVIDIA Geforce GTX 1060 6GB / AMD Radeon RX 480 8GB.
  • HDD: 45GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i5-6600K 3.5ghz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: ASUS GeForce GTX 1070 8GB STRIX OC Edition
  • HDD: 2TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EA

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


Bạch kim 10

Những gã khổng lồ sẽ không bao giờ ngã xuống, và Respawn Entertainment đã giành mọi nỗ lực của họ để khiến điều đó luôn bất biến. Sẽ không phải là điều bất ngờ nếu như chỉ vài năm sau, làng game nhìn lại Titanfall 2 như là một trong số những tựa game tiêu biểu của thể loại FPS đương đại.



Titanfall 2 không phải là một tựa game hoàn hảo, nhưng những điều mà trò chơi thực hiện lại xuất sắc đến mức khó tưởng, và nó là một tựa game đáng được trải nghiệm bởi bất kỳ tầng lớp game thủ nào, điều đó càng khiến cho ý nghĩ về việc những gã khổng lồ không có được cho mình vinh quang mà họ đáng được hưởng càng trở nên "khó nuốt" hơn bao giờ hết.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận