Skip to content

Darksiders III – Đánh Giá Game

Darksiders III

Darksiders III – “Trò chơi điện tử” có thể được xem như một ngành công nghiệp còn mới, nhưng môi trường cạnh tranh lại vô cùng khắc nghiệt.

Thế giới đã chứng kiến những nhà sản xuất, phát hành game thành công thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng cũng chứng kiến không ít những cuộc chia ly đầy tiếc nuối bởi áp lực về doanh số và hướng đi trong tương lai.

Trong số những “cái chết tức tưởi” khiến cộng đồng game thủ bất xúc, có lẽ THQ là cái tên được nhắc đến đầu tiên.

Sự sụp đổ của THQ kéo theo hàng loạt những dòng game đình đám lẫn triển vọng lâm vào nghịch cảnh, hoặc sẽ chỉ còn là cái tên được mua đi bán lại, hoặc sẽ may mắn tìm được cho mình một bến đỗ mới.

Darksiders cũng là dòng game gây được nhiều tiếng vang cũng như tình cảm từ game thủ bởi những nét cá tính riêng trong hai phiên bản DarksidersDarksiders II, cũng đã may mắn mang Khải Huyền trở lại với người hâm mộ bởi sự cứu vớt từ Nordic Games, nay là THQ Nordic.

Hưởng ứng thời đại của nữ quyền đang trỗi dậy, THQ Nordic tiếp tục Darksiders III trở lại với sự hiện diện của Fury – nữ kỵ sĩ duy nhất trong bộ tứ Khải Huyền, sẽ cho cả tam giới biết tận thế chưa phải là thứ tồi tệ nhất mà bộ tứ kỵ sĩ này mang đến…


BẠN SẼ GHÉT
Darksiders III

“KÉM SANG”

Đối với những phàm nhân, ngắm nhìn hoàng hôn hay bình minh có lẽ là những phút giây thả hồn vào thiên nhiên, để cảm nhận cuộc sống và nhìn nhận ý nghĩa của nó bởi cuộc đời của họ rất ngắn ngủi.

Nhưng với một kẻ bất tử như Fury, những thứ trên quả thực vô nghĩa, bởi chị chỉ có thể chết do… quá buồn chán vì không có việc gì để làm mà thôi. Bỗng một ngày, cuộc đời chị được lật sang trang mới khi được “Tổ quốc gọi tên”, hứa hẹn một hành trình đầy nguy hiểm và thú vị!

Ngờ đâu, cuộc triệu gọi những tưởng sẽ là một nhiệm vụ đầy quang vinh ấy, thật ra lại là… dọn dẹp “đống sh*t” do đứa em trai bất tài của mình gây ra.

Nhưng không, chị nhận thấy có quá nhiều bí ẩn trong cái “drama bự chảng” này, có lẽ những gì đang diễn ra chỉ là một vở kịch được dựng nên bởi những thế lực có khả năng giật dây và đẩy vũ trụ tiến đến bờ vực diệt vong.

Đó là cách mà Darksiders III và chị Fury của chúng ta bắt đầu hành trình dọn hết đám ung dịch mang tên Kiêu ngạo, Tham lam, Dâm dục, Thù hận, Phàm ăn, Đố kỵ và Lười biếng đang lang thang khắp trần thế sau quả “drama” kinh hồn này.

Cách dẫn dắt vào câu chuyện của Darksiders III đối với người viết mà nói là một… thảm họa bởi sự lố lăng không đáng có trong cách khắc họa cá tính mạnh bạo của Fury.

Vốn biết, Fury không phải là một nhân vật lấy gì làm duyên dáng bởi ngay cái tên đã cho thấy sự “đanh đá” của chị, nhưng xui cho chị khi cá tính ấy như được “lột tả” bởi một tên diễn viên nghiệp dư kém tài.

Lời ăn tiếng nói của Fury không khác một tên giang hồ là mấy, sử dụng những câu chữ cũng kém sang để nói về “người thân”, cũng như thái độ có thể được xem như “trịch thượng” với bất cứ ai mà chị gặp trên đường hành hiệp của mình.

Cách dẫn dắt vào câu chuyện của Darksiders III đối với người viết mà nói là một thảm họa bởi sự lố lăng không đáng có trong cách khắc họa cá tính mạnh bạo của Fury

Cách xây dựng cá tính của Fury nói trên cũng có thể nói là ý đồ của nhà làm game, bởi trải qua rất nhiều vấp váp, những trận chiến về sau… Fury cũng dần bộc lộ được con người thật của mình nhiều hơn, thay vì chỉ được xây dựng thông qua những thứ chị “chém gió”.

Tuy vậy, cách xây dựng nhân vật này lại quá một chiều và… ngây thơ, Fury như hiện thân của một đứa trẻ mới lớn, đầy hời hợt và vội vã trong mọi quyết định mà không cho thấy sự tinh quái và “kinh nghiệm sống” của một kẻ bất tử mang sức mạnh hủy diệt.

Game thủ chỉ có thể cảm nhận Fury của Darksiders III là một con rối biên kịch gia mà thôi.

Chúng ta từng có một War cực kỳ kiệm lời, khắc kỷ, nhưng rất sâu sắc với những rung động nhỏ chủ yếu được thể hiện qua hành động; một Death lạnh lùng và chững chạc, biết quan tâm đến đàn em của mình và ra dáng là một người anh cả.

Còn Fury, hành trình của chị cho thấy 90% con người là một kẻ thô lỗ, 10% còn lại là một cây hài (xoàng), chị tự tin thái quá trước sức mạnh của mình, chị cao ngạo và khinh thường bất cứ thứ gì di chuyển trước mặt, chị buông lời chế nhạo sếp và cố gắng dìm hết mấy thằng em của mình để có thể trở thành thủ lĩnh của bộ tứ kỵ sĩ mà chẳng màn quan tâm đến cái “drama” to đùng đang xảy ra…

Thái độ lồi lõm của chị về sau được “tổ lái” một cách vụng về khi sự tương tác giữa chị với The Watcher cũng không đủ sức thuyết phục, dù rằng đến đối thủ của chị còn thừa biết ai chơi xỏ chị.

Với cách xây dựng nhân vật nông cạn như vậy, Darksiders III cũng vẫn cố gắng tạo cho game một cú ngoặc trong cốt truyện để Fury thay đổi 180 độ con người của mình, từ một kẻ hời hợt trở nên chín chắn và nghiêm túc trong vòng một nốt nhạc.

Đó là còn chưa kể đến mỗi lần đối mặt với một con trùm, kịch bản đối thoại của Darksiders III cứ thế lặp đi lặp lại.

Thành thật mà nói, cho dù bạn có là một game thủ lười xem cắt cảnh, chuyên bấm “skip”, không màng đến cốt truyện của cả dòng game thì cốt truyện và cách dẫn dắt của Darksiders III cũng vẫn là một thảm họa.

Còn nếu so sánh với DarksidersDarksiders II thì lại càng ngây ngô hơn.


Darksiders III

ĐÁNH MẤT DI SẢN

Nhiều người xem Darksiders là một tựa game kinh điển bởi những yếu tố xây dựng nên phiên bản đầu tiên chủ yếu đều được vay mượn từ những tượng đài lớn của làng game thời điểm đó như God of War hay Castlevania.

Nhưng với sự tài tình của mình, Vigil Games đã đem đến một sự kết hợp không thể hài hòa hơn trong lối chơi, cân bằng giữa hành động và giải đố, xây dựng được một mạch game đầy cuốn hút từ đầu chí cuối.

Darksiders II tiếp tục đánh dấu một sự tiến bộ mạnh mẽ của dòng game khi đưa yếu tố game nhập vai vào game, cho người chơi một thế giới rộng lớn hơn để khám phá và những bản nhạc nền hùng tráng

Nhưng đến với Darksiders III, những gì được vun đắp từ hai phiên bản trước đã bị gạt phăng đi, thế chỗ vào đó là lối chơi vụng về và thiếu điểm nhấn.

Để theo xu thế… Souls hóa, Darksiders III được thiết kế lại hệ thống chiến đấu, khiến người chơi giờ đây phải thận trọng hơn, đặc biệt là những cuộc chám trán có nhiều đối thủ góp mặt.

Không giống như War hay Death, Fury sử dụng một chiếc roi làm vũ khí chính nên tốc độ vung roi cũng có độ trễ nhất định và các pha xử lý cũng vì thế mà trở nên thụ động hơn nhiều.

Do đó, trước khi xông pha, người chơi cần thật sự thận trọng và chọn thời điểm ra đòn, né tránh cũng như phản đòn hợp lý để chiếm thế thượng phong.

Darksiders III

Trên lý thuyết là thế, nhưng thực tế hệ thống chiến đấu của Darksiders III lại chưa có được sự cân bằng hiệu quả khi quyết định lấy cảm hứng từ dòng game Souls mang vào.

Cụ thể hơn là cơ chế né tránh của game hoạt động rất tệ, chập chờn và thiếu sự nhạy bén ứng với phản ứng của người chơi.

Những pha tấn công của đối thủ đôi khi không chỉ là những đòn đơn lẻ mà là cả một chuỗi combo chết người, Darksiders III không có cơ chế đỡ đòn nên né tránh là cách duy nhất được khuyến khích.

Ngặt nỗi, động tác né tránh của Fury quá rườm rà, không thực hiện được liên tục và cũng để lại một cái đà tiếp đất quá lâu, khiến người chơi rất dễ bị ăn đòn, dù có cố gắng né kiểu gì đi nữa.

Ngược lại, kẻ thù cũng mạnh bất thường với sát thương rất cao và tốc độ triển khai đòn cũng rất nhanh, khó cho người chơi kịp né bởi sự rườm rà trong động tác né tránh của Fury.

Kết hợp với khoảng từ 3 kẻ thù trở lên, mỗi cuộc đối đầu trong Darksiders III là một cơn ác mộng thực sự: không thể đỡ đòn, né tránh kém linh hoạt, tốc độ ra đòn quá chậm và đôi lúc còn bị trễ nhịp bấm nút của người chơi.

đến với Darksiders III, những gì được vun đắp từ hai phiên bản trước đã bị gạt phăng đi, thế chỗ vào đó là lối chơi vụng về và thiếu điểm nhấn

May mắn là Darksiders III không “gài” người chơi thêm một thanh sức bền, nếu không người chơi sẽ còn “khóc thét” bởi sự bất công trong cách thiết kế của game.

Tiện thể nhắc đến sự bất công, Darksiders III đúng là… rất bất công trong thiết kế độ khó!

Game không tạo một thử thách thực sự bởi sự yếu kém trong cân bằng cơ chế chiến đấu, mà ngược lại còn tạo sức ép từ sát thương của kẻ thù.

Có là một con bọ tép riu hay một tên xương xẩu đi nữa thì mỗi sự “tương tác” của chúng đều cực kỳ đau đớn, lấy đi một lượng máu đáng kể của người chơi.

Ở độ khó cao hơn, AI máy thay vì chiến đấu khôn ngoan hơn thì lại đơn giản chỉ là gây sát thương đau hơn mà thôi.

Đây là cách thiết kế độ khó ngu ngốc mà Gunfire Games đã áp dụng cho Darksiders II – Deathinitive Edition, đáng buồn thay nó lại được tiếp tục áp dụng cho Darksiders III.

Đây không phải là thử thách, đây là một cách thiết kế độ khó lười biếng, thiếu chiều sâu và giỏi áp bức người chơi.

Darksiders III

Những trận cân trùm trong Darksiders III cũng rất một màu, những con trùm có lối chiến đấu rất dễ đoán và cũng dễ hạ gục, không tạo được bất kỳ khó khăn nào cho dù cơ chế chiến đấu của game vốn sinh ra là để làm khó người chơi rồi.

Chiến đấu với những con trùm trong Darksiders III có thể nói là nhạt còn hơn cả lao vào ẩu đả với đám lính tép riu.

Việc đánh mất những tinh hoa mà hai phiên bản đầu xây dựng nên còn được thể hiện qua việc nhà phát triển mạnh tay lược bỏ hầu hết hệ thống trang bị, lược bỏ hết các khung cảnh tráng lệ, vứt bỏ luôn một một thế giới rộng lớn và thu hẹp quy mô ngày tận thế xuống chỉ như một hành trình “đòi nợ” của… một tên côn đồ.

Darksiders III là một chuỗi những màn chơi chật hẹp, đi hết cái hành lang này đến hành lang khác, không có một cái bản đồ mà chỉ dựa vào một cái la bàn được lập trình để dò theo những con trùm cho dù chúng cũng đếch chạy trốn đi đâu.

Những khung cảnh tráng lệ của Darksiders II từng khiến người chơi phát cuồng trên nền nhạc hùng tráng được thay thế bằng những khung cảnh nhạt nhẽo, thiếu đầu tư về thiết kế, rồi biến chúng thành những mê cung loằng ngoằng.

Sự thất bại trong thiết kế màn chơi của Darksiders III chính là việc cố gắng phức tạp hóa với các lối đi bí mật thông nhau nhưng lại chẳng cho người chơi một lý do gì để đi những lối đi tắt này.

Kể cả khi cho người chơi một loạt các cổng dịch chuyển thông qua Vulgrims thì hình ảnh mô phỏng vị trí cổng dịch chuyển tại đó cũng chẳng hề trực quan, nên người chơi gần như chẳng biết cái chỗ mình sắp dịch chuyển đến có phải là chỗ mà mình đang muốn đến hay không.

Một lần nữa Darksiders III cố gắng thể hiện thêm một “cảm hứng” lấy từ Souls với thiết kế màn chơi “đóng mà như mở” rồi thất bại thảm hại.

À mà, nếu bạn nghĩ Fury là một “kỵ sĩ” oai hùng trên lưng ngựa thì xem ra hơi lầm, bởi trong Darksiders III “You have to go alone, this is no place for a horse”.

Thực sự đáng tiếc, quá đáng tiếc cho những gì mà Vigil Games đã từng xây dựng nên trước đây…


BẠN SẼ THÍCH
Darksiders III

NHỮNG ĐIỂM VỚT VÁT

Một loạt điểm trừ với cách xây dựng nhân vật ấu trĩ, một kịch bản thiết cuốn hút, một hệ thống chiến đấu quá nhiều bất cập và thiếu cân bằng, một thế giới kém hấp dẫn và tuyến tính, đánh mất hết những tinh hoa, những điểm mạnh mà hai phiên bản trước đã gầy dựng…

Vậy còn điều gì ở Darksiders III đáng để người chơi phải bỏ tiền ra rước Fury về nhà nữa?

Xét trên một góc nhìn phổ thông và dễ dãi hơn, Darksiders III cũng không phải là một tựa game quá tệ lậu, chỉ là nó đánh mất quá nhiều giá trị mà các phiên bản trước đã có, khiến nó trở thành một sản phẩm đơn điệu hơn về nhiều mặt.

Nhưng dù sao thì nếu chọn Darksiders III như một món giải trí mà không đặt trên bàn cân với các phiên bản tiền nhiệm thì xem ra game vẫn còn cơ hội để game thủ để mắt đến.

Đến với Darksiders III, người chơi sẽ có khoảng hơn 10 giờ tha hồ chiến đấu, vẩy roi và thể hiện sức mạnh của tứ kỵ sĩ trước những kẻ thù thấp hèn nếu chọn độ khó trung bình.

Cơ chế chiến đấu tuy có bất cập nhưng vẫn mang lại cảm giác thõa mãn khi ra đòn, những cú nện uy lực sau khi phản đòn, hay những lần “phát tiết” khi kích hoạt trạng thái cuồng nộ của Fury.

thiết kế câu đố trong Darksiders III có chất lượng tốt, không bị lợi dụng quá đà để câu giờ như Darksiders II và cũng không quá sơ sài như Darksiders

Sức mạnh của Fury thay vì được nâng cấp qua vật phẩm như trước thì nay được phân theo hai hình thức là nâng cấp chỉ số và nâng cấp các ngọc khảm lên vũ khí.

Và để đạt được chỉ số cao nhất, người chơi cần phải bỏ công đi lục lọi và khám phá khắp các màn chơi để tìm kiếm các nguyên vật liệu nâng cấp.

Tuy vậy, hai hệ thống nâng cấp này không đóng vai trò thiết yếu lắm bởi độ khó của game khá… bất công và thiếu sự cân bằng, nhưng nếu thích một chút gì đó chất nhập vai như Souls trong Darksiders III thì xem như cũng thõa mãn được chút ít.

Xen lẫn vào các trường đoạn chiến đấu liên tục là những câu đố mà theo người viết là điểm cải thiện đáng khen ngợi.

Darksiders III thiết kế các câu đố với số lượng không nhiều nhưng được bố trí rất hợp lý, trực quan. Chúng không hề khó nếu so với hai phiên bản trước, mà ngược lại còn dễ hơn, ít tốn thời gian hơn, nhưng vẫn tạo được khoảng nghỉ hợp lý, vừa để thư giãn, vừa khuyến khích người chơi lang thang để lục lọi hết mọi ngóc ngách.

Hình thức thiết kế những câu đố này cũng đa dạng hơn hẳn hai phiên bản trước. Khi thì tận dụng địa hình để đấu trùm, khi thì lợi dụng sức gió để mở cửa, khi thì té xăng châm lửa đốt cháy cả một cái vòi rồng khổng lồ, khi thì tạo các lối đi thông nhau giữa các khu vực lớn…

Tóm lại, thiết kế câu đố trong Darksiders III có chất lượng tốt, không bị lợi dụng quá đà để câu giờ như Darksiders II và cũng không quá sơ sài như Darksiders.

Nhịp độ của Darksiders III về nửa sau được đẩy lên khá cao trào với nhiều tình tiết tạm gọi là tạo bước ngoặc trong cốt truyện, kéo theo đó là những câu đố và các trường đoạn chiến đấu cũng được sắp đặt với mật độ dày hơn.

Người chơi chưa kịp thở sau một đợt “clear map” thì lại phải đụng một câu đố tìm đường được lồng ngay trong khu vực đó…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Gunfire Games
  • Phát hành: THQ Nordic
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 27/11/2018
  • Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 / 8 / 10 64 bit
  • CPU: AMD FX-8320 (3,5 GHz) / Intel i5-4690K (3,5 GHz)
  • RAM: 8 GB
  • VGA: GeForce GTX 660 / Radeon R7 370
  • HDD: 25 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: i5-6200U
  • RAM: 08 GB
  • VGA: AMD Radeon M335
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI THQ NORDIC

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

5.5

Trải qua hơn 4 tháng kể từ ngày phát hành vào cuối tháng 11 năm ngoái, Darksiders III đã chịu không ít sự chỉ trích của cộng đồng game thủ bởi chất lượng nghèo nàn của nó, bất chấp cho nhiều sự cố gắng từ phía nhà phát triển khi liên tục sửa lỗi và cân bằng lại lối chơi, camera hay hiệu năng đồ họa…



Nhưng dù có cải thiện không ít, nền móng cốt lõi xây dựng nên Darksiders III lại vấp phải quá nhiều vấn đề trong thiết kế khiến việc “sửa” là điều gần như không thể. Nếu xem Darksiders III là một sản phẩm giải trí đơn thuần, không đặt quá nhiều kỳ vọng thì xem ra game vẫn không đến nỗi nào.



Còn với những người hâm mộ của hai phiên bản trước, Darksiders III là cả một sự thất bại nặng nề. Hy vọng THQ Nordic và Gunfire Games sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc” trước khi bắt tay vào phát triển phiên bản cuối cùng.

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^

Thảo luận