Skip to content

DiRT Rally – Đánh Giá Game

DiRT Rally

DiRT Rally – Kể từ khi ra mắt đến nay, dòng game đua xe đường trường nổi tiếng DiRT đã không mất nhiều thời gian để vươn lên trở thành ông vua của những chặn đường bụi.

Còn nhớ vào năm 2011, DiRT 3 ra mắt và củng cố ngôi vị, cũng như thị uy với đối thủ WRC (World Rally Championship), thì DiRT Showdown của một năm sau đó lại là bước đi không hợp lý, để rồi dòng game này chìm vào im lặng suốt 3 năm trời.

Đến đầu năm nay những thông tin đầu tiên về một phiên bản tiếp theo của DiRT mới chính thức được tung ra, nhưng thay vì một số 4 như mong đợi, thì kẻ được giới thiệu lại là DiRT Rally.

Trong suốt 8 năm, đây có lẽ là phiên bản yên ắng nhất và cũng ít được quan tâm nhất, một phần cũng bởi kinh phí thấp hơn so với các bậc đàn anh, một phần khác lại nằm ở việc đội ngũ nhỏ phát triển DiRT Rally chính là những con người đã từng “sa lầy” với DiRT Showdown ngày trước.

Tuy nhiên, đời không ai biết được chữ ngờ, ngay từ phiên bản early acces, DiRT Rally lại thể hiện một phong cách hoàn toàn khác so với các “tiền bối”.

Đó là một DiRT đầy gai góc và đúng chất đường trường như chính cái tên Rally.

Lúc này những ánh mắt hoài nghi mới được thay bằng những cái nhìn thiện cảm.

DiRT Rally quay hẳn về nét cổ điển ngày xưa nhưng trong lớp vỏ của thời hiện đại, tất cả, tạo nên một tựa game chân thực, thử thách và đầy hấp dẫn, mà chắc chắn sẽ là hình mẫu tiêu biểu nhất khi nhắc đến thể loại đua xe đường trường.

BẠN SẼ THÍCH

Thử thách đường đua bụi

Dù được xem là ông vua đường đua bụi và chất lượng vẫn trên đỉnh của làng đua xe, nhưng trong mắt những tay lái lão luyện, các phiên bản của dòng DiRT vẫn chưa đủ để khiến người chơi phải “toát mồ hôi”, họ đơn giản tìm đến Dirt bởi vì cũng chẳng có mấy lựa chọn khi đối thủ WRC chưa cùng đẳng cấp.

Tuy nhiên, tất cả sẽ phải thay đổi đối với DiRT Rally.

Nhìn lại quá khứ một chút, nếu như phiên bản DiRT đầu tiên có được vài con đường thật sự gọi là đua đường trường, thì các phiên bản sau này lại có thể hoàn thành cả màn đua với vỏn vẹn từ 3 đến 4 phút.

Và đến với DiRT Rally, khoảng thời gian này chỉ dành cho những tay lái giỏi nhất mà thôi.

Vì sao?

lối chơi của DiRT Rally nay đã thuần chất mô phỏng, mỗi cú phanh, mỗi pha bẻ cua, mỗi cú “drift” (xoay cua lết bánh) đều phải được tính toán kĩ lưỡng, nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường!

Thật vậy, nếu đang ở tốc độ cao mà vào cua, lực quán tính sẽ cho bạn văng vào lề, nếu đang lao thục mạng trên đoạn đường gồ ghề mà không đạp nhả số đúng lúc, thì tương lai phía trước chỉ có bất hạnh…

Tư tưởng tới sát góc cua mới thắng như trước hoàn toàn không còn chỗ “dụng võ”… Dĩ nhiên, đua đường trường sẽ khác xa với đua trên mặt đường nhựa tại các trường đua danh tiếng.

Tại đây, thời tiết, môi trường sẽ đóng một vai trò quan trọng góp phần… làm tăng khả năng mắc sai lầm!

Một cơn mưa với mặt đường trơn trợt sẽ làm giảm lực ma sát, một con đường trên sườn đồi nắng gắt sẽ khiến chiếc xe trở nên nặng nề hơn, một mặt đường đầy tuyết phủ sẽ cản bước và hạ một cách đáng kể tính ổn định giữa 4 bánh xe…

Đỉnh điểm của cơn ác mộng đó là phải đua trong màn đêm, nếu lỡ làm bể đèn pha của xe thì gần như vô phương để định vị chứ chưa nói gì đến cán đích ở vị trí thứ nhất.

lối chơi của game nay đã thuần chất mô phỏng, mỗi cú phanh, mỗi pha bẻ cua, mỗi cú drift đều phải được tính toán kĩ lưỡng, nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường

Tính mô phỏng của DiRT Rally còn “ăn tiền” ở việc thiết kế cực kì chi tiết cảm giác lái của mỗi chiếc xe, những chiếc năm 1960 sẽ không mạnh về động cơ nhưng lại nhẹ về trọng lượng, những chiếc năm 2000 sẽ có khả năng bám đường tốt hơn và mạnh mẽ hơn ở những đoạn leo dốc…

Không những thế, để tăng thêm tính chân thực, Codemasters đã thẳng tay bỏ luôn hệ thống radar, thay vào đó bắt người chơi định vị chặng đua thông qua lời hướng dẫn của người bạn đồng hành, cùng những mũi tên kí hiệu giống như những game đua xe đường trường cổ điển.

Cũng vì thế mà độ khó nhằn tăng lên gấp bội, tuy nhiên, lại đem đến sự chân thực nhất dưới góc nhìn của một tay đua.

Chính nhờ vào lối đi mô phỏng này, DiRT Rally dù với kinh phí và quy mô eo hẹp hơn so với các bậc tiền bối, nhưng lại có thể được xem là một cuộc cách mạng thật sự, đem đến những chặng đua “đổ mồ hôi hột” mà từ trước đến nay, dòng game này vẫn còn thiếu.

Nếu là một người mới đến, hãy kiên nhẫn và thay vì hấp tấp để giành vị trí cao nhất, phải tìm cách ghi nhớ từng cung đường, từng đoạn rồi tập lắng nghe lời của đồng nghiệp chung xe.

Nên tập hoàn thành đường đua mà không bị “trầy xước” trước rồi mới nghĩ đến rút ngắn thời gian ở mỗi chặng.


Những chặng đua hào hứng

Đối với DiRT Rally, Codemasters đã đưa người chơi qua tận 6 quốc gia và thử sức với 36 chặng đua.

Không chỉ có thế, mỗi con đường lại đem đến những trải nghiệm tưởng chừng như chung nhưng lại rất riêng.

Nếu như tại hẻm núi ở Hy Lạp, người chơi phải khéo léo giữ cho chiếc xe lạng lách an toàn trên sườn đồi với một bên là núi, một bên là vực, thì tại xứ Wales, thử thách sẽ lại nằm ở độ khéo tay khi nhả ga, tăng tốc đúng lúc để tránh cảnh bay vào giữa rừng cây, hay tại Monte Carlo, điểm nhấn lại nằm ở khả năng phán đoán các đoạn dốc quanh co…

Ở mỗi chặng đua, người chơi chỉ cần thay đổi điều kiện thời tiết là trải nghiệm sẽ lại được làm mới và ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích chung chứ không đơn thuần là “làm cảnh” như trước.

Trước đây, người viết rất thích thú với các chặng đua tại Phần Lan, nhưng khi hoàn thành lại có cảm giác chưa “đã” cho lắm vì tất cả có thể kết thúc vỏn vẹn chỉ dưới 4 phút.

mỗi chặng đua, người chơi chỉ cần thay đổi điều kiện thời tiết là trải nghiệm sẽ lại được làm mới và ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích chung

Nay cái sự thiếu thốn đó đã được “bù đắp” bằng các màn chơi dài tận… 10km và kết quả là người viết mất tận một đêm ròng để về nhất.

Cái cảm giác phải đua đi, đua lại để rồi “lên đỉnh” thật sự khó tả vô cùng!

Quả thật, nếu đặt lên bàn cân so sánh với các tiền bối, “sân chơi” mà DiRT Rally đem tới hấp dẫn và lôi cuốn hơn rất nhiều, không chỉ dài hơn mà còn đa dạng, hào hứng hơn và góp phần làm người chơi dễ… nghiện!


DiRT Rally

Hình âm hoàn hảo

Vẫn với bộ engine Ego 3.0 được sử dụng từ 2013, nhưng so với tựa game gần nhất là F1 2015, DiRT Rally đang ở một “tầm” hoàn toàn khác.

Không lòe loẹt như DiRT Showdown, không đầy màu sắc DiRT 3 hay rực rỡ như DiRT 2, tất cả màu sắc đều đã được tinh giảm và tăng độ chân thật trong từng gam màu.

Có thể nói, DiRT Rally thể hiện đúng tinh thần của một tựa game đua xe đường trường, đó là sự bụi bặm, gai góc không chút màu mè.

Ở góc quay lại khi hoàn thành xong chặng đua DiRT Rally, kì công của Codemasters mới hiện ra hoàn toàn, đơn cử như cái cảm giác thực tế khi chiếc xe lao đi, chi tiết hơn lúc những mảng bụi bám vào bánh hay từng giọt mưa nảy trên tấm kính chắn gió…

Không những thế, từng màn đua đều toát lên một cái “hồn” rất riêng ứng với điều kiện khí hậu tại từng quốc gia.

DiRT Rally thể hiện đúng tinh thần của một tựa game đua xe đường trường, đó là sự bụi bặm, gai góc không chút màu mè

Bạn sẽ cảm nhận được sự ẩm ướt, mát mẻ tại xứ Wales, không khí gay gắt nhưng đầy sức sống tại Hy Lạp… Nói không ngoa, nếu là một fan lâu năm của thể loại đua xe “bụi”, sẽ thật khó để cưỡng lại cái hồn mà Codemasters gửi gắm qua DiRT Rally.

Còn về âm thanh, DiRT Rally sẽ rất hoàn hảo về mặt này, nếu không mắc phải một điểm trừ duy nhất, đó là nhạc nền quá ít ỏi cũng như giai điệu chưa đủ độ “ép phê” để làm người chơi có tinh thần trước khi vào cuộc.

BẠN SẼ GHÉT

DiRT Rally

Ít chế độ đua, còn vài lỗi không đáng có

Sau khi đã thỏa mãn với số lượng đường đua, cảm giác lái, kho xe đa dạng thì người chơi sẽ… rơi tuột cảm xúc khi biết rằng DiRT Rally chỉ có vỏn vẹn… 3 chế độ chơi.

Đó là Rally, Hillclimb và Rally Cross.

Nói một cách công bằng, hai trong số chúng là Rally và Rally Cross đều có những bước tiến đáng kể, còn Climbhill cũng rất hấp dẫn, song cái người chơi mong đợi là một thứ gì đó mới lạ như DiRT 3 với Gymkhana hay DiRT 2 với Gatecrasher thì lại hoàn toàn không có.

Dẫu biết hai đàn anh kể trên không hoàn toàn nằm trong phạm trù mô phỏng, nhưng thật sự DiRT Rally cần một chế độ mới mẻ để khai thác hết tiềm năng của lối chơi.

người chơi sẽ… rơi tuột cảm xúc khi biết rằng DiRT Rally chỉ có vỏn vẹn… 3 chế độ chơi đó là Rally, Hillclimb và Rally Cross

Cùng với đó, màn chơi DiRT Rally cũng còn những “lỗ hổng” trong quá trình phát triển nằm cạnh mặt đường chính, nếu lỡ tay sa vào, bạn sẽ bị văng ra gần đó và… bị trừ điểm, tương tự như khi không quay lại kịp đường đua theo thời gian quy định.

Điều này đôi lúc tạo ra khó chịu vì khi bị văng vào lề, người chơi có thể sửa sai bằng cách cố gắng trở lại đường đua, thay vì bị mất đi 15 giây quý giá.

Cuối cùng, những hòn đá nhỏ nằm rải rác cũng có thể làm người chơi bị… rớt hạng ngoài ý muốn.

Bản thân người viết đã tụt từ hạng 3 xuống hạng 6 chỉ vì xe lộn vòng khi vấp trúng cục đá… to bằng một phần mười bánh xe ở tốc độ 20 km/h!

Thật kinh khủng!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Codemasters
  • Phát hành: Codemasters
  • Thể loại: Mô phỏng
  • Ngày ra mắt: 07/12/2015
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7, Windows 8, Windows 10
  • CPU: AMD FX Series hoặc Intel Core i3 Series
  • RAM: 4GB
  • VGA: AMD HD5450, Nvidia GT430, Intel HD4000 1GB VRAM
  • HDD: 35 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i7 4790
  • RAM: 16 GB
  • VGA: RTX 2070
  • SSD: 256 GB
  • HDD: 1 TB

GAME ĐƯỢC CODEMASTERS HỖ TRỢCHƠI TRÊN HỆ PC

Vàng 9.0

DiRT Rally còn hơn là "làn gió lạ", làm tươi mới cả một dòng game ngót nghét 8 năm tuổi, đó là một cảm giác thật sự thử thách ở mỗi chặng đua và thỏa mãn mỗi khi cán đích.



Sẽ là rất bất công nếu trong tương lai Codemaster lại không phái triển phiên bản tiếp theo của DiRT Rally.



Với màn thể hiện này, DiRT Rally thật sự là hình mẫu chuẩn mực nhất của thể loại đua xe đường trường, vốn đang dần ít đi các sản phẩm chất lượng...