Skip to content

Game of Thrones – The Roleplaying Game – Đánh Giá Game

Game of Thrones

Game of Thrones – The Roleplaying Game – “Khi đã tham gia vào trò chơi vương quyền, chỉ có thắng hoặc là chết, không có lựa chọn khác” – Nữ hoàng Cersei Lannister.

Năm 298, sau cuộc nổi dậy của Robert Baratheon, vương triều Targaryen sụp đổ sau hàng thế kỷ thống trị Bảy Phụ Quốc của lục địa Westeros.

Robert trở thành vị vua mới. Một cuộc chơi mới được tạo ra bởi những tay chơi mới, với những âm mưu và thủ đoạn chính trị lần mò và trực chờ xâu xé lẫn nhau như lũ sói đói mồi.

Nhưng đó không phải là nơi câu truyện bắt đầu, mà là tại một nơi khác, xa tít tắp về phương Bắc, nơi mà mùa đông không bao giờ chấm dứt, nơi có dãy núi đá cao ngút trời được mệnh danh Tường Thành (The Wall) ngăn cách Bảy phụ quốc với phương Bắc bí ẩn.

Đó là lãnh địa của Đội Tuần Đêm (Night’s Watch), những người đã thề nguyện từ bỏ tất cả chỉ để bảo vệ sự bình yên của Bảy Phụ Quốc trước sự đe dọa của những bí ẩn phía sau Bức Tường hàng ngàn năm qua.

Tưởng chừng như ở cái nơi khắc nghiệt này, người ta chẳng có gì đáng để bận tâm ngoài việc cố gắng sinh tồn trước mùa đông chết chóc nhưng với Mors Westford, một chiến binh Đội Tuần Đêm dày dạn kinh nghiệm thì có khối việc để lo: săn tìm những kẻ đào ngũ, huấn luyện tân binh, truy tìm đội tuần tiễu mất tích, giáp chiến với những kẻ Ngoại Nhân hung hãn và đối phó với những đe dọa đến từ kinh thành xa xôi…

Game of Thrones – The Roleplaying Game đã có thể bắt đầu?

Đừng vội, đây chỉ là một nhánh nội dung của Game of Thrones – The Roleplaying Game.

Một câu truyện khác sẽ đưa chúng ta đến với Riverspring, thủ phủ của Nhà Sarwyck.

Tại đây, nhân vật Alester Sarwyck, con trai trưởng của dòng tộc lãnh chúa cai trị Riverspring, sau 15 năm mất tích trở về sẽ đối mặt với những rắc rối của gia đình, sự nổi loạn của dân chúng trong vùng và việc tranh chấp quyền lực từ phía người em họ đầy dã tâm.

Rắc rối nối tiếp rắc rối… 

BẠN SẼ THÍCH

Game of Thrones

Rời rạc nhưng lại chặt chẽ

Hai câu truyện rời rạc và hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau, lại tồn tại trong cùng một game.

Chuyện gì đang xảy ra?

Chính người viết khi khởi đầu game cũng hết sức ngỡ ngàng vì… không hiểu gì cả!

Tuy nhiên, đó là dụng ý mà hãng phát triển Game of Thrones – The Roleplaying GameCyanide, đã cố tình thực hiện!

Bằng cách sử dụng thủ thuật “nhảy” cảnh thường thấy trong các loạt phim truyền hình Mỹ: tình tiết A được “phơi” ra, đẩy lên cao trào rồi đột ngột nhảy sang tình tiết B sau đó lại quay về A, làm người xem vừa hào hứng vừa tò mò theo dõi tiếp, thoạt trông có vẻ lộn xộn nhưng càng đi sâu khám phá thì chúng càng có liên kết nội dung chặt chẽ với nhau.

Tạo được sự tò mò, liên kết các tình tiết giữa bộ truyện và game chặt chẽ, cách dẫn dắt lôi cuốn, cao trào, Cyanide đã thực hiện tốt mặt nội dung cho Game of Thrones – The Roleplaying Game

Một điểm thú vị khác là mặt nội dung của Game of Thrones – The Roleplaying Game bám sát theo nguyên tác nhưng không xung đột với các tình tiết chính mà đan xen vào một cách khéo léo!

Thật thú vị khi những nhân vật chính của người chơi gặp gỡ với các nhân vật của bộ truyện như nữ hoàng Cersei Lannister, thủ lĩnh Đội Tuần Đêm – Jeor Mormont, trùm mật vụ kiêm thái giám Varys, tương tác với họ và lèo lái câu truyện (game) theo những hướng khác nhau mà không phá vỡ nguyên tác.

Tạo được sự tò mò, liên kết các tình tiết giữa bộ truyện và game chặt chẽ, cách dẫn dắt lôi cuốn, cao trào, Cyanide đã thực hiện tốt mặt nội dung cho Game of Thrones – The Roleplaying Game.

Và với một game nhập vai, nội dung chính là linh hồn của trò chơi, coi như đã đạt được 50% thành công.


Game of Thrones

“Khởi động” nhẹ nhàng!

Game of Thrones – The Roleplaying Game chọn cho mình phong cách nhập vai cổ điển theo trường phái phương Tây với thiết lập đơn giản (so với truyền thống).

Khởi đầu game, người chơi sẽ chọn nhân vật theo phân loại nhân vật có sẵn (thay vì phải vắt óc đọc và suy nghĩ thật kỹ khi lựa chọn như trong các game cùng loại như Neverwinter Nights, Dragon Age Origins, v.v.).

Kế đến là tinh chỉnh chỉ số bản thân (Attributes), tuyệt kỹ (Abilities) và kỹ năng sử dụng vũ khí (Skills).

Và cuối cùng là hệ thống cân bằng (Traits) khá “lạ”: chọn các điểm mạnh và yếu cho nhân vật sao cho điểm số hai bên… bằng nhau!

Ví dụ: nhân vật có khả năng gây sát thương lớn khi dùng tuyệt kỹ nhưng bù lại thời gian hồi chiêu hoặc mana sẽ lâu hơn thông thường.

Chính hệ thống này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến nhân vật trong suốt cuộc hành trình và làm cho nhân vật của bạn không thể “bá đạo” được!

Với sự “khởi động” khá nhẹ nhàng, Game of Thrones – The Roleplaying Game đã giúp người chơi bớt “ngán” và bước vào game dễ dàng hơn, trong khi với các game tuân theo “công thức” truyền thống thì lại nặng nề và dễ làm ta nản khi mới nhập cuộc.

Với sự “khởi động” khá nhẹ nhàng, Game of Thrones – The Roleplaying Game đã giúp người chơi bớt “ngán” và bước vào game dễ dàng hơn

Một điểm đáng nói khác là việc di chuyển giữa các địa danh bằng bản đồ thế giới, người chơi gần như không có cơ hội dùng đến do việc xếp đặt tình tiết quá chặt chẽ: bạn nhận nhiệm vụ đi tới điểm A và giải quyết chúng ở đấy, cơ hội để “lan man” sang B hay C hầu như không!

Game of Thrones

Trong khi ở những game nhập vai, việc lang thang từ nơi này sang nơi khác là một thú vui tìm tòi và luôn được nhà phát triển game khuyến khích, đồng cũng thể hiện sự tự do trong lối chơi. Game of Thrones – The Roleplaying Game đã tước mất “niềm vui” này của người chơi.

Chưa kể việc thiết kế màn chơi cũng có vấn đề, có không ít màn được thiết kế khá dư thừa: chạy vòng vòng cầu thang tòa tháp chỉ để.. mở một cánh cửa, tạo nên một khu rừng đầy ngõ ngách mà hầu như rất ít có sự kiện xảy ra… Game of Thrones – The Roleplaying Game cũng cố gắng tuân theo quy luật: lựa chọn hội thoại sẽ ảnh hưởng đến nội dung game.

Nhưng cách thể hiện chưa tới và rất dễ đoán thấy kết quả.

Nguyên nhân là do hội thoại trong Game of Thrones – The Roleplaying Game không bị chi phối bởi tuyệt kỹ ăn nói (thường thấy trong các game tương tự), thêm nữa ngữ nghĩa các đoạn hội thoại khá đơn giản hoặc tốt hoặc xấu, không chơi kiểu “gài độ” hiểm hóc nên người chơi dễ đoán được kết quả!

Thậm chí, có một số lúc việc chọn sai chẳng ảnh hưởng gì cảGame of Thrones – The Roleplaying Game còn “mời” người chơi chọn lại!

Tựu trung, xuyên suốt game rất hiếm khi bắt gặp được nhiệm vụ có sự ảnh hưởng rõ rệt bởi quyết định hội thoại. 

Người chơi cứ một đường mà tiến! 

BẠN SẼ GHÉT

Chất RPG “nửa vời”…

Tương tự các game nhập vai cùng loại, Game of Thrones – The Roleplaying Game tạo nên một thế giới khá lớn với những địa danh bước ra từ nguyên tác như Bến Vua (King’s Landing), Tường Thành (The Wall), v.v. nhiệm vụ người chơi là lân la các nơi này để tìm hiểu nhiệm vụ chính cũng như lấy thêm các nhiệm vụ phụ.

Trên đường hành hiệp, người chơi sẽ gặp gỡ các nhân vật của nguyên tác (như đề cập trên) cùng các nhân vật phụ NPC.

Tùy theo việc lựa chọn hội thoại, các kết quả khác nhau sẽ xảy ra.

Đó là trên “lý thuyết”, thực tế, việc thể hiện của Game of Thrones – The Roleplaying Game tuyến tính và bức bối!

Chẳng hạn việc thu nạp NPC, người chơi hoàn toàn “thụ động” không thể can thiệp vào số lượng lẫn nhân vật mà mình thích.

người chơi cũng không thể can thiệp vào tư trang của các NPC như giao trang bị hoặc tinh chỉnh chỉ số, kỹ năng

Game of Thrones – The Roleplaying Game sẽ quyết định NPC nào, số lượng ra sao (thường tối đa chỉ khoảng hai NPC) và thời điểm sẽ đi theo (hoặc rời nhóm) người chơi tùy theo tình tiết câu chuyện.

Thậm chí, người chơi cũng không thể can thiệp vào tư trang của các NPC như giao trang bị hoặc tinh chỉnh chỉ số, kỹ năng.

Điều duy nhất có thể tương tác với các NPC là ra chỉ thị chiến đấu!


Hệ thống chiến đấu “yếu nhớt”

Thế còn hệ thống chiến đấu của Game of Thrones – The Roleplaying Game?

Vẫn tác phong thời gian thực và cho phép người chơi ngưng game để xếp đặt các lệnh thực thi nhưng Game of Thrones – The Roleplaying Gamehiệu chỉnh một tí, khi khuyến khích người chơi phối hợp tuyệt kỹ của các nhân vật trong nhóm lại để đạt kết quả tối ưu nhất.

Thật vậy, với những trận giáp chiến về sau nếu không luân chuyển qua lại giữa các NPC và nhân vật chính thì rất khó đạt được chiến thắng.

Nhưng, lại một lần nữa người viết phải thốt lên “nhưng”, Game of Thrones – The Roleplaying Game đã không làm cho người chơi mãn nhãn và thỏa thuê với những trận giáp chiến bởi khả năng diễn hoạt (animation) của các nhân vật quá yếu ớt, nghèo nàn về động tác và các pha dứt điểm thiếu đi sự dũng mãnh cần có.

Đó là chưa kể những tiểu tiết nhỏ như việc máy luôn “đàn áp” người chơi bằng số lượng và gây sát thương cao, việc xài tuyệt kỹ tốn năng lượng nhưng hiển thị cột năng lượng lại không rõ ràng làm người chơi lúng túng không biết khi nào sử dụng được, đã phá hỏng cả hệ thống chiến đấu vốn có tiềm năng!

Game of Thrones – The Roleplaying Game đã không làm cho người chơi mãn nhãn và thỏa thuê với những trận giáp chiến bởi khả năng diễn hoạt (animation) của các nhân vật quá yếu ớt


Ngoại hình “dơ bẩn”!

Với một game nhập vai, phần “nhìn” vốn không được người chơi đòi hỏi thật khắt khe như các game thuộc thể loại khác nhưng không có nghĩa là “tầm thường”.

Game of Thrones – The Roleplaying Game, tuy lột tả được không khí nặng nề, u ám và trông có vẻ dơ bẩn hệt như trong bộ phim của HBO – “Trò Chơi Vương Quyền” (Game of Thrones), nhưng sự thiếu chăm chút chi tiết cho mô hình nhân vật, hiệu ứng, ánh sáng đã làm cho hình ảnh game trở nên thô ráp, “bẩn” (theo đúng nghĩa đen) và thiếu đi sự cuốn hút, trông cứ như các game ra mắt hồi đầu những năm 2000 vậy.

Cũng may, phần “nghe” của Game of Thrones – The Roleplaying Game cũng “vớt vát” được phần nào khi mời được một số diễn viên của bộ phim vào vai tương tự trong game và sử dụng âm nhạc nguyên mẫu của bộ phim

sự thiếu chăm chút chi tiết cho mô hình nhân vật, hiệu ứng, ánh sáng đã làm cho hình ảnh của Game of Thrones – The Roleplaying Game trở nên thô ráp, “bẩn” (theo đúng nghĩa đen) và thiếu đi sự cuốn hút


THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows® 7 (SP1) / Windows® 8 / Windows® 8.1 / (64-bit)
  • CPU: 2.6 GHz Intel® Core™ i5-750 / 3.2 GHz AMD Phenom™ II X4 955
  • RAM: 4GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 460 / AMD Radeon HD5850 (1 GB VRAM)
  • HDD: 30 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i7-6700K 4.0 GHz
  • RAM: 16GB
  • VGA : INNO 3D iChill GTX 1070Ti 8GB
  • HDD: Seagate Barracuda 1 TB 7200 rpm

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI FOCUS HOME INTERACTIVE  CHƠI TRÊN HỆ PC

6.5

George R.R. Martin từng khen ngợi bộ phim của HBO bám rất sát nguyên tác của ông, bộ truyện sử thi viễn tưởng “Khúc Tráng Ca của Lửa và Băng” (A Song of Ice and Fire), Cyanide cũng có quyền tự hào tương tự khi thể hiện được nội dung lôi cuốn mà vẫn không làm đổi những tình tiết chính của truyện.



Chỉ có điều, khi đi vào trọng tâm chính – tức lối chơi, họ đã tự tay mình làm hỏng đi những điều cốt yếu mà một game nhập vai truyền thống cần có. Và chính vì điều đó, ý định lôi kéo các fan hâm mộ của bộ truyện, phim đã bất thành.



Chưa kể, cái danh xưng không mấy tốt đẹp “game ăn theo” vô hình chung đã tự gán cho Game of Thrones - The Roleplaying Game. Thật tiếc thay!

Tác giả

deadeyes

"Only in death does duty end."

Thảo luận