Skip to content

Lịch sử “tiến hóa” của Steam

Lịch sử "tiến hóa" của Steam

Steam – chỉ một từ ngắn gọn gồm năm chữ cái thôi nhưng đã gom vào trong đó không biết bao nhiêu là hỉ nộ ái ố của cộng đồng game thủ PC toàn cầu suốt hơn một thập kỷ qua. Không ngoa khi nói rằng, nền tảng phân phối game của Valve đã góp công rất lớn, thậm chí là chủ đạo trong việc định hình diện mạo ngày hôm nay của làng game PC nói riêng và ngành game nói chung với phương thức phát hành game kĩ thuật số trực tuyến tiện lợi của mình, chưa kể rất nhiều những tính năng hữu ích khác giúp người chơi sở hữu, thưởng thức cũng như chia sẻ trải nghiệm game của mình một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Thành Rome đâu thể được xây xong trong một ngày và thành công của Steam cũng đâu thể được tạo dựng chỉ sau một đêm. Để có được vị thể như ngày hôm nay, nền tảng này cũng đã phải trải qua không ít những thăng trầm với những cột mốc phát triển đáng ghi nhớ. Các đợt giảm giá cuối năm của Steam đã lại đến nên theo một cách khá là có lý, hôm nay chúng ta hãy cũng nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống này nhé!

“BIÊN NIÊN SỬ” PHÁT TRIỂN CỦA STEAM

2003

Steam được khai sinh với tư cách là một công cụ giúp Valve đưa các bản cập nhật, các gói nội dung của các đầu game do họ sản xuất như Counter-Strike đến với người chơi một cách thuận tiện, cũng như ngăn chặn các thành phần gian lận phá hoại các tựa game này. “Vạn sự khởi đầu nan”, vào thời điểm đó, rất nhiều người chơi không hề mặn mà với Steam, thậm chí còn coi đây là một mối nguy hiểm cho làng game PC – một điều dễ hiểu khi tại thời điểm đó, chỉ có 20% số gia đình tại Mỹ có kết nối Internet.

Tuy nhiên, sự kì thị không ngăn được Steam liên tục bị… quá tải bởi lượng người dùng đông đảo, dẫn đến không ít những vấn đề phiền toái cho người chơi như tốc độ tải game “rùa bò”, không thể truy cập vào những tựa game mà mình đã bỏ tiền ra mua. Tất nhiên, đó không hề là những trải nghiệm hay ho gì nhưng như đã nói, “vạn sự khởi đầu nan” và Steam cũng chẳng là ngoại lệ.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2004

“Thần thoại” Half-Life 2 ra đời, đánh dấu một bước ngoặt hết sức quan trọng mà rất nhiều người khẳng định là quan trọng nhất trên con đường phát triển của Steam. Đăng ký tài khoản, đăng nhập vào Steam, mua game, tải game, cài đặt, cập nhật – tất cả những “phiền toái” đó bỗng nhiên trở nên hết sức bõ công trong mắt người chơi khi họ có thể “đắm mình” vào cuộc phiêu lưu mới nhất của tiến sĩ Gordon Freeman.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2005

Ragdoll Kung FuDarwinia là hai tựa game đầu tiên không do Valve sản xuất được phát hành trên Steam. Kể từ đây, Steam không còn chỉ là một công cụ tải game và tìm phòng chơi mà đã chính thức trở thành một “cửa hàng” đúng nghĩa với đầy đủ những chức năng cần có.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2006

Steam mà chúng ta biết đến ngày nay đã bắt đầu thành hình. Các đợt giảm giá – “ác mộng” của người chơi – cũng bắt đầu được tổ chức một cách quy củ. Ngoài ra, các bản chơi thử cũng đã lác đác xuất hiện. Tại thời điểm này, danh sách game được phát hành trên Steam đã đạt đến con số 100, đồng nghĩa với việc nhu cầu về một phương thức tìm kiếm hữu hiệu dành cho người chơi trên hệ thống này cũng ngày một trở nên cấp thiết.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2007

Steam có cho mình tính năng tìm kiếm hẳn hoi kết hợp với việc tích hợp điểm số MetaCritic của mỗi game vào từng game tương ứng để giúp người chơi dễ dàng tìm kiếm những tựa game chất lượng. Ngoài ra, tại thời điểm này, bạn cũng đã có thể tìm kiếm danh sách các tựa game được mua nhiều nhất (Top Sellers) cũng như mới ra mắt gần nhất (New Releases).

Đặc biệt, một loạt các tính năng cộng đồng như diễn đàn cộng đồng, danh sách bạn bè, nhóm cộng đồng, trò chuyện trực tiếp (voice chat) ra mắt đã giúp tính kết dính của “hiệp hội người dùng” Steam tăng chóng mặt. Nếu không có những tính năng này, chắc hẳn cộng đồng Steam mà ta biết đến ngày nay đã không tồn tại.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2008

Giao diện của Steam được đổi mới theo hướng chú trọng việc giới thiệu đến người chơi những cái tên nổi bật như những tựa game mới ra mắt hoặc đang được cộng đồng quan tâm. Hai mươi triệu người dùng Steam tại thời điểm này cũng đã có thể tìm kiếm game theo từng thể loại mà họ yêu thích.

Cũng trong năm này, Valve đã bổ sung cho Steam tính năng Steam Cloud giúp đồng bộ hóa tập tin lưu game của người chơi lên mạng, đồng nghĩa với việc người chơi có thể thưởng thức nhiều tựa game trên nhiều máy tính khác nhau mà không cần bận tâm đến việc sao chép và mang theo bên mình các bản lưu game.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2009

Sự xuất hiện của hai danh mục “Game dưới 10 USD” và “Game dưới 5 USD” giúp những người chơi có hầu bao eo hẹp dễ dàng tìm kiếm những tựa game phù hợp với túi tiền của mình nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân khiến hàng núi tiền được chi cho những bản game sẽ chẳng bao giờ được chơi chỉ vì chúng… rẻ.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2010

Mức giảm giá của các tựa game được hiển thị theo phần trăm, giúp người chơi dễ dàng nhận ra những “món hời” hơn bao giờ hết (và tất nhiên là dễ dàng vét sạch ví cho chúng hơn bao giờ hết!). Đây cũng là thời điểm Steam bắt đầu “tiến đánh” nền tảng MAC bằng việc phân phối những tựa game hỗ trợ hệ điều hành của Apple.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2011

Để giảm thiểu khả năng người chơi lạc vào “mê hồn trận” của hơn 1.000 tựa game được phát hành trên Steam, Valve bắt đầu tiến hành “cá nhân hóa” trải nghiệm của người dùng mà mở đầu là việc bổ sung tính năng giới thiệu đến người chơi những tựa game phù hợp với thói quen chơi game riêng của họ.

Nhằm chống lại nạn lừa đảo, đánh cắp tài khoản Steam, Steam Guard đã ra đời, yêu cầu người chơi xác nhận các phiên đăng nhập tài khoản của mình bằng các mã động được gửi vào địa chỉ thư điện tử mà họ đã dùng để tạo tài khoản (hiện nay, như các bạn đang thấy, Valve đã tiến đến việc yêu cầu người dùng xác nhận đăng nhập bằng điện thoại thông minh thông qua ứng dụng Steam trên iOS, Android và Windows Phone).

Ngoài ra, tính năng Steam Workshop xuất hiện đã giúp người chơi dễ dàng hơn rất nhiều trong việc xây dựng, chia sẻ, trải nghiệm các gói nội dung do mình và cộng đồng thực hiện trong các tựa game được hỗ trợ. Giới modder cũng từ đây như “hổ được chắp thêm cánh”.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2012

Trước sự phát triển mạnh mẽ của… DLC, Steam được bổ sung bộ lọc giúp người chơi phân loại các gói nội dung bổ sung này. Steam Greenlight được giới thiệu đã giúp cộng đồng các nhà làm game nhỏ có cơ hội tiếp cận với Steam cũng như hàng chục triệu người dùng của nền tảng này lớn hơn rất nhiều so với trước đây.

Ứng dụng di động của Steam được khai sinh, cho phép người chơi trò chuyện với bạn bè, mua sắm các tựa game, gói nội dung,… một cách tiện lợi. Tiếp nối sau đó, Steam Marketplace được đưa vào hoạt động đã mở đường cho hoạt động mua bán vật phẩm game diễn ra mạnh mẽ trên Steam, hình thành cả một “nền kinh tế” bên trong nền tảng này.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2013

Steam bắt đầu phân phối các tựa game hỗ trợ hệ điều hành Linux – một động thái “mở đường” cho việc phổ biến nền tảng SteamOS của Valve. Song song với đó, việc bổ sung chế độ Big Picture cho Steam thể hiện rõ ý định “đánh chiếm” phòng khách của người chơi – nơi vốn là “lãnh địa” của các hệ máy console – của hãng game dưới trướng “thánh Gaben”.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự ra đời của hình thức phát hành game Early Access, cho phép các nhà làm game đưa các tựa game còn đang trong quá trình phát triển nhưng đã có thể “chơi được” của mình đến với cộng đồng, giúp họ thu thập ý kiến đóng góp của người chơi cho dự án của mình bên cạnh việc sớm thu hồi vốn để có thể tái đầu tư tiếp tục phát triển những tựa game mà họ theo đuổi.

Cũng trong năm này, người chơi bắt đầu có thể chia sẻ game cho nhau thông qua tính năng Family Share hữu ích cũng như bình phẩm về các tựa game mà mình trải nghiệm qua hệ thống đánh giá game của Steam. Cuối cùng, hệ thống cấp độ tài khoản Steam xuất hiện đã thúc đẩy mạnh mẽ việc trao đổi, mua bán vật phẩm game giữa người chơi với nhau.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

2014

Steam được bổ sung bộ lọc “Recently Updated” giúp người chơi dễ dàng nhận ra các tựa game vừa được cập nhật các gói nội dung, các bản vá lỗi,… Song hành với đó, tính năng In-Home Streaming giúp bạn truyền các tín hiệu hình ảnh, âm thanh của các tựa game được xử lý trên PC của bạn đến TV, máy tính xách tay hay chiếc máy tính bảng của mình để có thoải mái thưởng thức chúng theo ý thích.

Người dùng cũng đã có thể theo dõi bạn bè mình chơi game trực tiếp trên Steam thông qua tính năng “truyền hình” tương tự như Twitch mới được tích hợp vào nền tảng của Valve. Đối với các bậc phụ huynh, tin vui đối với họ là sự xuất hiện của tùy chọn Family View giúp họ kiểm soát những nội dung mà con cháu của họ có thể tiếp cận trên Steam.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

CUỐI 2014 – 2016

Bản cập nhật “Discovery Update” đẩy mạnh việc “cá nhân hóa” trải nghiệm của người dùng với Steam lên một tầm cao chưa từng có dựa trên việc phân tích chi tiết, sâu sát thói quen chơi game, tìm kiếm trên Steam của người chơi cũng như bạn bè của họ để đưa ra các lời khuyên định hướng việc mua sắm, trải nghiệm dành cho từng cá nhân trên nền tảng này.

Danh mục phần cứng xuất hiện như một lẽ tất nhiên khi các thiết bị phục vụ chơi game mang thương hiệu Steam như Steam Controller, Steam Link và Steam Machines bắt đầu được phân phối. Sang năm 2016, danh mục thực tế ảo được ra đời để hỗ trợ cho hai chiếc kính Oculus Rift và HTC Vive cũng như các tựa game được phát hành cho hai nền tảng này.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

08-11-2016

“Discovery Update 2.0” mang đến cho Steam một diện mạo mới trực quan hơn với điểm nhấn là việc cho phép người chơi nắm bắt thông tin về các lời khuyên mua sắm dành cho mình chi tiết, đa dạng hơn so với trước cũng như mang lại cho người dùng khả năng tương tác trực tiếp với game ngay trên các danh mục được hiển thị theo nhiều cách khác nhau (bổ sung vào danh sách yêu thích, tùy chỉnh kết quả tìm kiếm hiển thị) mà không phải trực tiếp truy cập vào trang thông tin của game.Lịch sử "tiến hóa" của Steam

LỜI KẾT
Bạn thấy đấy, Steam có được vị thế như ngày hôm nay chẳng hề chỉ trong ngày một ngày hai mà phải trải qua cả một chặng đường phát triển dài hơn một thập kỷ với không ít những sự thay đổi, lột xác. Steam mà chúng ta biết đến ngày nay không chỉ gói trong đó tâm huyết của Valve mà còn là của toàn thể cộng đồng các nhà làm game và đặc biệt là người chơi PC toàn cầu. Nền tảng phân phối game số một thế giới này đã, đang và chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển không ngừng, hứa hẹn sẽ luôn làm tròn trách nhiệm của một chiếc “lỗ đen” khiến số dư tài khoản của người chơi mất tăm mất tích một cách hết sức “thần kỳ”, đặc biệt là trong các đợt giảm giá mà trừ khi bạn đã cháy túi hoặc có một quyết tâm phi thường mới có thể “ngó lơ”.

Tác giả

Thảo luận