Skip to content

Middle-earth: Shadow of Mordor – Đánh Giá Game

Middle-Earth: Shadow Of Mordor

Middle-earth: Shadow of Mordor – Một trong những điều đáng lo ngại nhất của một game được phát triển dựa trên một tác phẩm văn học hoặc sản phẩm giải trí khác đó là: định kiến.

Xuyên suốt những năm qua, đã có rất nhiều game “mì ăn liền” như vậy ra đời với mục đích là “kiếm thêm chút đỉnh” và quảng cáo cho sản phẩm mà chúng bắt chước theo.

Hầu hết đều có chất lượng rất tệ và chính điều này đã vô hình trung hình thành nên “định kiến” trong giới phê bình game, cũng như các game thủ.

Bước chân vào vùng đất Mordor lần này trong Middle-earth: Shadow of Mordor – trò chơi mới nhất về thế giới The Lord of the Rings, mặc nhiên người viết đã có sẵn “định kiến”: lại là một “game ăn theo”, nó sẽ ra sao đây khi game về “Chúa Nhẫn” thành công cực hiếm mà thất bại vô cùng nhiều?

Thế nhưng chỉ sau ít phút nhập vai vào anh chàng Talion, người viết đã bị hút hoàn toàn vào thế giới của Middle-earth: Shadow of Mordor: sở hữu một lối chơi đầy sáng tạo, cộng với diễn xuất tuyệt vời của các nhân vật trong game và được truyền tải thông qua một thế giới mở. 

Như vậy đã đủ cho một game hành động nhập vai hay?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu về trò chơi!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT GAME “THE LORD OF THE RINGS” MÀ CÁC FAN MONG CHỜ!

Có thể thẳng thắn nói rằng: Middle-earth: Shadow of Mordor là một trò chơi hấp dẫn nhất từ trước đến nay về thế giới The Lord of the Rings, dù rằng trước đây đã có khá nhiều game (gần 40 đầu game) đến từ nhiều hãng game khác nhau, đi theo nhiều thể loại, nền tảng.

Một vài ví dụ điển hình như: loạt game hành động “ăn theo” phần đầu (ba tập) của bộ phim cùng tên do VU Games, EA thực hiện (2002-2003), game chiến thuật thời gian thực War of the Ring (2003) của bộ đôi Sierra & Liquid Entertainment, loạt game dàn trận bản đồ The Battle for Middle-Earth I & II (2004-2006) của EA, hay thậm chí cả dạng game bắt chước hơi hướng dòng Battlefield – The Lord of the Rings: Conquest (2009) của hãng game đã “dẹp tiệm” ngay sau khi ra mắt trò chơi: Pandemic, v.v. đủ thấy sức hút rất lớn của một thương hiệu vĩ đại mà nhà văn J.R.R. Tolkien đã tạo ra.

Nhưng, nhiều không hẳn là chất.

Đa phần các game về The Lord of the Rings đều “rụt rè” không dám “thả” người chơi tự do khám phá thế giới rộng lớn, thú vị mà Tolkien đã dày công tạo ra, không dám “chế” ra một cốt truyện sáng tạo nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc của Tolkien, mà thay vào đó là phát triển từ những tình tiết sẵn có, ai ai cũng biết.

Middle-earth: Shadow of Mordor đã mạnh dạn bước qua lằn ranh giới hạn bằng sự sáng tạo của riêng mình và không ngại “vay mượn” những điểm hay đặc thù của một dòng game hành động thế giới mở nổi tiếng: Assassin’s Creed.

Không khó để nhận ra sự ảnh hưởng từ Assassin’s Creed trong lối chơi của Middle-earth: Shadow of Mordor: những pha leo trèo thoăn thoắt các công trình; leo lên các tòa tháp để lấy tầm nhìn bản đồ và hé lộ các nhiệm vụ, bí mật; cưỡi ngựa chu du (trong game là quái thú Caragor, Graug); ám sát kẻ địch từ trên không hay bên dưới chân (lúc leo trèo), thu thập các vật dụng hay hệ thống chiến đấu/phản đòn trước vô số đối thủ.

Một game “nhái” thì sao mà hấp dẫn được?

Chính Bob Roberts, người đứng đầu nhóm thiết kế Middle-earth: Shadow of Mordor, đã không ngại chia sẻ quan điểm bị so sánh với Assassin’s Creed và mạnh dạn cho rằng: một khi bạn đã vào game, sự so sánh sẽ không còn nữa.

Càng chơi sâu vào Middle-earth: Shadow of Mordor, bạn sẽ khám phá ra nhiều thứ khác biệt: “mở khóa” các kỹ năng chiến đấu đặc biệt, độ vũ khí, kẻ thù trở nên mạnh hơn và hậu quả của những sai lầm trong các trận quyết chiến có thể dẫn tới một cái chết chớp nhoáng!

Phong cách hành động của Middle-earth: Shadow of Mordor được chia thành hai trường phái: ồn ào và lén lút, tùy theo “khẩu vị” của người chơi mà chọn.

Nếu thích làm người hùng “một chọi trăm”, cả đội quân Uruk vài chục tên sẽ vây kín bạn, lúc này đây không phải cứ bấm nút lia lịa như kiểu Dynasty Warriors là được.

Các tên Orc thông thường vốn đã rất khó “nhai” (ở chế độ khó nhất chỉ vài nhát là chúng đủ tiễn bạn “lên đường”) khi biết phối hợp, cứu nguy đúng lúc (chạy đi báo động, bắn lén từ xa, khiên dày giáp cứng…).

Còn những tên trùm thì không chỉ “trâu” mà chúng còn có những ưu/nhược điểm khác nhau, nếu không biết khai thác sẽ làm cho các cuộc đối đầu trở nên khó khăn hơn.

Đánh nhau là phải có công/thủ đúng lúc, phải vận dụng tuyệt chiêu để phá nguy khốn, phải biết khai thác điểm yếu của địch thủ.

Thật sự những pha “mãnh hổ địch quần hồ” của Middle-earth: Shadow of Mordor không có dễ dàng như những bản Assassin’s Creed về sau này!

Nếu chọn hướng chơi thầm lặng, người chơi có thể dễ dàng “ám sát” đối thủ qua nhiều cách như huýt sáo “dụ” đối thủ ra chỗ vắng, núp lùm và bất chợt ra tay kéo địch thủ vào “thủ tiêu”, bắn lén từ xa hay “dịch chuyển tức thời” tới hạ thủ chớp nhoáng hoặc lợi hại hơn là dùng kỹ năng “sai khiến”, biến cả đội quân Orc thành phe ta, tha hồ ra lệnh cho quân ta đấu với quân địch.

Phải công nhận một điều, dù là chơi theo trường phái nào thì hệ thống chiến đấu của Middle-earth: Shadow of Mordor “rất đã tay” và thử thách, với những pha dứt điểm “tàn khốc” cùng các tư thế diễn hoạt (animation) rất uyển chuyển của nhân vật.

dù là chơi theo trường phái nào thì hệ thống chiến đấu của Middle-Earth: Shadow Of Mordor phải nói “rất đã tay” và thử thách, với những pha dứt điểm “tàn khốc” cùng các tư thế diễn hoạt (animation) rất uyển chuyển của nhân vật

Middle-earth: Shadow of Mordor còn mang đến cho người chơi những thú vị nho nhỏ: sự tương tác với môi trường, mà nếu biết tận dụng sẽ giúp ích không nhỏ trong các trận giao tranh.

Chẳng hạn người chơi có thể bắn vào đống lửa hay các thùng dầu để tiêu diệt nhanh số đông kẻ địch, phá chuồng Caragor hay bắn rơi các tảng thịt để dụ lũ ác thú này tới và thưởng thức màn “xâu xé” với bầy Orc hoặc dùng tổ ong khổng lồ để giải nguy, hoặc đơn giản hơn là leo lên lưng Caragor và tất sát mọi thứ!

Nâng điểm kỹ năng phù hợp, “độ” vũ khí hợp lý cũng là những cách hỗ trợ người chơi tồn tại lâu hơn trên chiến trường.

Thế mới thấy, dù “vay mượn” rất rõ ràng những thế mạnh của dòng game Assassin’s Creed, nhưng với sự đào sâu về lối chơi, về ý tưởng và cách thực hiện thì Middle-earth: Shadow of Mordor đã mang đến một sự cuốn hút hơn hẳn!

Người chơi lúc này đây đã “bận rộn” với game, không còn đâu ý nghĩ “so sánh” nữa.


HỆ THỐNG “NEMESIS” THÚ VỊ!

Điều làm người viết bất ngờ nhất khi chơi Middle-earth: Shadow of Mordor chính là hệ thống “Nemesis” (kẻ thù).

Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa Middle-earth: Shadow of Mordor Assassin’s Creed, trò chơi tạo nên ảnh hưởng cho game.

Ý tưởng của Nemesis là tạo ra một hệ thống cấp bậc cho đạo quân Uruk, gồm vô số Captain (đầu lĩnh) và cao hơn là 5 Warchief (thủ lĩnh).

Hạ được các Warchief, một trong ba con trùm chủ đạo của game sẽ xuất hiện.

Đội quân Uruk là đội quân Orc ô hợp, hiếu chiến không chỉ với kẻ thù mà còn ngay trong hàng ngũ của mình.

Chúng sẵn sàng “choảng” nhau ngay khi có cơ hội hoặc không từ thủ đoạn nào để thăng cấp.

Ratbag Kẻ Hèn Nhát, một nhân vật hiện diện trong cốt truyện mà người chơi sẽ gặp phải, là một ví dụ điển hình.

Dựa vào bản chất hiếu chiến của đội quân Uruk, kết hợp với hệ thống cấp bậc, Nemesis mang tới một lối chơi xoay chuyển thú vị cho Middle-earth: Shadow of Mordor.

Dựa vào bản chất hiếu chiến của đội quân Uruk, kết hợp với hệ thống cấp bậc, Nemesis mang tới một lối chơi xoay chuyển thú vị cho Middle-Earth: Shadow Of Mordor

Bạn sẽ không thể biết được danh tính của các Captain và Warchief, mà phải truy tìm, bắt sống và tra khảo những tên Orc mang thông tin (hoặc tìm các ghi chép).

Chưa dừng lại ở đó, để tăng khả năng thành công trong các trận quyết chiến với những tên tướng Orc này, bạn nên thu thập thêm các thông tin về điểm mạnh và yếu của chúng.

Việc đối đầu trực diện không phải là cách duy nhất để hạ các tướng Orc, người chơi còn có thể… “xúi” các Captain hay Warchief thách đấu nhau, phá hoại các buổi “diễu võ giương oai” hay gửi lời “đe dọa” tinh thần làm đối phương hoảng sợ.

Đôi khi những cách “ném đá giấu tay” lại hữu hiệu hơn hẳn!

Một điểm hay của Nemesis là không ngừng “lấp chỗ trống” hoặc tăng thử thách trong hàng ngũ đội quân Uruk.

Tên này “teo” thì sẽ có tên khác leo lên, hoặc khi người chơi bị đánh bại, tên Orc đó sẽ leo hạng, mạnh mẽ hơn và nếu đụng độ lần nữa, hắn sẽ nhớ mặt bạn mà tiếp tục… xỉ vả (thông qua các câu nói) cũng như khó đánh hắn hơn!

Vì vậy, với Nemesis, người chơi sẽ không thiếu mục tiêu, không thiếu thử thách cho bản thân!


TẠO DỰNG TÍNH CÁCH, LỒNG TIẾNG TUYỆT VỜI!

Tuy trong Middle-Earth: Shadow Of Mordor không có nhiều các nhân vật chính, thế nhưng mỗi lần xuất hiện, họ đều để lại một ấn tượng nhất định.

Từ vai chính nghĩa cho tới phản diện đều được lột tả khá chi tiết.

Một Talion đầy hận thù thể hiện qua thái độ và giọng nói hằn học, một Celebrimbor thâm sâu khó lường, Ratbag tên Orc hèn nhát và cơ hội với chất giọng “đê tiện”, hay gã người lùn thợ săn quái Torvin ương ngạnh, v.v.

Tất cả đều được thể hiện một cách xuất sắc!

Điều làm người viết ấn tượng nhất chính là các tính cách khác nhau của đội quân Uruk.

Từ Captain cho tới Warchief, không tên nào giống tên nào từ ngoại hình đến cá tính.

Tên thì hung hãn khát máu, tên thì the thé chất giọng “thái giám”, thậm chí có gã còn… làm thơ rồi tự cười hô hố rất ư “nhảm ruồi”!

Chính sự mô tả tuyến nhân vật, dù chính hay phụ, một cách tuyệt vời này đã góp phần không nhỏ tạo sự cuốn hút người chơi vào Middle-Earth: Shadow Of Mordor.

Chính sự mô tả tuyến nhân vật, dù chính hay phụ, một cách tuyệt vời này đã góp phần không nhỏ tạo sự cuốn hút người chơi vào Middle-Earth: Shadow Of Mordor

BẠN SẼ GHÉT

Shadow of Mordor

MÀN CHƠI KHÁ BÉ

So với “tiêu chuẩn” của một game hành động thế giới mở, nhất là bản thân game lại dựa theo kết cấu của Assassin’s Creed, bản đồ khu vực của Middle-Earth: Shadow Of Mordor tạo cho người viết một cảm giác khá gò bó, chưa kể toàn game chỉ có vỏn vẹn… hai bản đồ.

Cũng chính vì vậy mà khả năng rất cao là bạn sẽ gặp phải trường hợp đụng độ từ hai đến ba tên thủ lĩnh cùng lúc, không phải “dễ xơi”!

bản đồ khu vực của Middle-Earth: Shadow Of Mordor tạo cho người viết một cảm giác khá gò bó, chưa kể toàn game chỉ có vỏn vẹn… hai bản đồ


Shadow of Mordor

HỎNG CẢ MỘT NỘI DUNG HAY…

Cốt truyện và tình tiết của Middle-earth: Shadow of Mordor tuy có phần “phịa” ra, không liên quan gì đến nguyên tác nhưng đáng nể ở chỗ được tư vấn bởi chính đạo diễn Peter Jackson, bởi nhóm họa sĩ của Weta Workshop – nơi thực hiện kỹ xảo hình ảnh cho bộ phim “Chúa Nhẫn” lừng danh, và cả công ty nắm giữ bản quyền The Lord of the Rings, Middle-earth Enterprises; chưa kể đích thân biên kịch của Red Dead Redemption – Christian Cantamessa, chấp bút.

Với tất cả các yếu tố tuyệt vời trên đã giúp cho Middle-earth: Shadow of Mordor tạo nên một thế giới sống động, bám sát tinh thần của The Lord of the Rings và làm cho nội dung “hư hư thật thật” rất thú vị!

Lẽ ra mọi thứ dành cho nội dung sẽ rất hoàn hảo… Đáng tiếc, khi mọi thứ được đẩy lên tới cao trào cần thiết: đụng độ với ba tên trùm chủ lực của Middle-earth: Shadow of Mordor, thì việc tiêu diệt chúng lại trở nên quá dễ dàng, gần như chỉ dùng vài nút bấm trong tíc tắc, thiếu sự thuyết phục thỏa đáng đáng phải có!

Thật đáng tiếc!

khi mọi thứ được đẩy lên tới cao trào cần thiết: đụng độ với ba tên trùm chủ lực của Middle-Earth: Shadow Of Mordor, thì việc tiêu diệt chúng lại trở nên quá dễ dàng, gần như chỉ dùng vài nút bấm

Bạc 8.5

Không ngại bị ví von là "bản sao" của dòng game Assassin's Creed, từng bước một, Middle-Earth: Shadow Of Mordor đã chinh phục người chơi bằng lối chơi rất đa dạng, bằng sự sáng tạo tự do nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc của thế giới The Lord of the Rings, định kiến về game cũng theo đó mà tan biến đi.



Một trò chơi hành động đã tay, đúng chất mà các fan của "Chúa Nhẫn" đã mong chờ bấy lâu nay!

Thông tin

  • Middle-Earth: Shadow Of Mordor
  • Nhà phát triển
    Monolith Productions / Behaviour Interactive
  • Nhà phát hành
    Warner Bros. Interactive Entertainment
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    30/09/2014
  • Nền tảng
    Windows, Xbox 360, Xbox One, PlayStation 3, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64-bit: Vista SP2, Win 7 SP1, Win 8.1
  • CPU
    Intel Core i5-750, 2.67 GHz | AMD Phenom II X4 965, 3.4 GHz
  • RAM
    3GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 460 | AMD Radeon HD 5850
  • Lưu trữ
    44GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM
    32GB
  • GPU
    Red Devil VEGA 56
  • Lưu trữ
    250GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi INGRAM MICRO GAMES. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

trungtoto

Lambda team

Thảo luận