Skip to content

RYSE: Son of Rome – Đánh Giá Game

RYSE: Son of Rome

Ryse: Son of Rome – Thấm thoắt cũng đã một năm kể từ ngày Ryse: Son of Rome ra đời, đón đầu xu thế mới và cũng là một trong những tựa game đầu tiên đặt chân lên “miền đất hứa” mang tên next-gen – Xbox One, trong vai trò một tựa game độc quyền.

Ryse: Son of Rome cũng là tựa game đầu tiên trên nền Xbox One khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ bởi đồ họa quá sức lộng lẫy của nó trên nền tảng mới này.

Chuyện cũng không hề lạ khi game được chăm chút bởi một “họa sĩ” của thế giới game như Crytek.

Song sau trailer ra mắt đầy “máu lửa” của nó, người ta tiếp tục đặt ra một câu hỏi tưởng như rất “bình dân” rằng: “Game có hay hay là không?”– khi mà hàng loạt những pha Quick Time Event (QTE) được “túa” ra liên hồi.

Và rồi những bài đánh giá với điểm số tệ hại mà Ryse: Son of Rome “gặt hái” được như phần nào chứng minh được những hoài nghi của game thủ trước đây.

Đó là với những game thủ may mắn sở hữu Xbox One, còn với những người chơi PC, Ryse: Son of Rome vừa “cập bến” cách đây vài hôm liệu sẽ mang đến những cảm nhận như thế nào?

Hay game chỉ là một “phép thử đồ họa” mới như Crytek đã quảng bá trước giờ ra mắt?

Hãy cùng Vietgame.asia duyệt xem Ryse: Son of Rome có đáng để game thủ PC phải bỏ thời gian hay không nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Câu chuyện “cũ” nhưng đầy cuốn hút

Mạnh dạn từ bỏ thể loại FPS/bắn súng vốn là thế mạnh của mình và muốn thử sức trong một thể loại mới hơn khi lấy bối cảnh Đế chế La Mã cổ đại, nổi tiếng với hằng sa số những cuộc chinh phạt sẽ được tái hiện dưới “nét bút” của Crytek trong Ryse: Son of Rome.

Bạn sẽ vào vai Marius – một chiến sĩ đầy lòng trung thành với Rome, với La Mã nhưng lại vấp phải một quá khứ quá sức đau thương khi chứng kiến gia đình của mình lần lượt bị sát hại bởi quân đoàn Barbarian man rợ…

Găm mối thù ngất trời trong mình, Marius như biến thành một con thú điên cuồng của quân đội thành Rome lúc này, đóng vai trò như một mũi nhọn dẫn đến chiến thắng trên mọi chiến trường nhờ vào sức mạnh khơi dậy bởi nữ thần thù hận Nemesis.

Nghe qua, một mô-típ cũ kỹ về một nhân vật chính điên cuồng lao vào cuộc báo thù đẫm máu, dễ đoán nhưng “cũ” liệu có chán hay không cũng cần phải xem xét lại.

Trên một khía cạnh đánh giá cốt truyện khách quan, Ryse: Son of Rome có cách dẫn dắt đưa người chơi lún sâu vào cốt truyện của game một cách rất tự nhiên đầy tài tình.

Những bí ẩn, những mâu thuẫn và cả sự lầm đường lạc lối kéo theo những gút thắt trong kịch bản được Crytek thực hiện cực kỳ thuyết phục.

Những bí ẩn, những mâu thuẫn và cả sự lầm đường lạc lối kéo theo những gút thắt trong kịch bản được Crytek thực hiện cực kỳ thuyết phục

Mặc dù dễ dàng đoán biết được những diễn biến cốt truyện sau này, song Ryse: Son of Rome thừa sức khiến người chơi như quên đi việc mình đang chơi một tựa game, mà thay vào đó là cuốn theo mạch truyện của một bom tấn điện ảnh hấp dẫn về Đế chế La Mã.

Ryse: Son of Rome

Chưa hết, cốt truyện còn được ghi điểm thêm bởi dàn “diễn viên” đắt giá.

Từng nhân vật trong Ryse: Son of Rome xuất hiện với một cá tính đặc trưng riêng và khơi gợi khá nhiều sự hứng thú của người chơi trong quá trình theo dõi cốt truyện game.

Như tướng quân Vitallion, một con người mẫu mực vì lòng trung thành, chính trực và sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương, sự bí ẩn của nữ thần Nemesis, hay chính Marius – một nhân vật thú vị, thật thà nhưng nhanh chóng bị cuốn sâu vào cái vòng luẩn quẩn báo thù không có hồi kết…

Chính họ cũng là những nhân tố độc đáo khiến cốt truyện của Ryse: Son of Rome trở nên cuốn hút nhờ sự đầu tư cực kỳ kỹ lưỡng từ phía nhà sản xuất.


Sống lại một Đế chế La Mã hùng mạnh

Người chơi mong đợi điều gì nhất ở Ryse: Son of Rome?

Có thể đối với nhiều người người, họ mong đợi ở một cốt truyện mới đặc sắc hơn là một mô-típ cũ mà game có, nhưng chắc chắn nền đồ họa cực khủng của Ryse: Son of Rome sẽ khiến game thủ khó tính nhất cũng phải “gật gù”.

Như đã nói ở trên, Crytek đã là một cái tên quá “nổi tiếng” trong ngành công nghiệp game khi luôn là người tiên phong khai phá những giới hạn đồ họa, hình ảnh và Ryse: Son of Rome lại một lần nữa chứng minh được điều đó.

Đóng vai trò như một “cục nam châm” cực mạnh, nền đồ họa của game “hút” trọn tất cả ánh mắt của người chơi ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Vô cùng lộng lẫy, đẹp một cách tuyệt vời!

Tất cả đều được tái hiện một cách chi tiết đền từng milimét, những đường nét trang trí trên chiếc áo giáp bóng lộn, mạnh mẽ đầy dũng mãnh lấp lánh trong ánh nắng chói chan của ánh chiều tà, cái thời điểm như đánh dấu cho sự sụp đổ của Rome trước đợt tấn công vũ bão của quân đoàn Barbarian hoang dại.

Ấn tượng nhất phải kể đến những trận chiến “long trời lở đất” trong game, mặc dù không phải áp đảo tầm mắt bởi một cơ số quân lớn, nhưng khả năng tái hiện sự khốc liệt của chiến trường vô cùng sống động dễ dàng ghi điểm với bất kì tay người chơi khó tính nào.

Crytek đã là một cái tên quá “nổi tiếng” trong ngành công nghiệp game khi luôn là người tiên phong khai phá những giới hạn đồ họa, hình ảnh và Ryse: Son of Rome lại một lần nữa chứng minh được điều đó

Đầy máu lửa, nghẹt thở, nồng mùi chết chóc trong những góc quay cực đẹp càng khiến người chơi thêm “phát run” vì hồi hộp và một cảm giác “sướng” khó tả, như được hòa mình chiến đấu trong chính cái bối cảnh đầy mê hoặc này…

Bẵng đi những khói lửa chiến tranh, không khí yên bình của một La Mã bình yên ngập trong ánh nắng chói chan, ánh sáng của sức sống trong những trường đoạn ký ức cũng không khỏi khiến người chơi trầm trồ thán phục những “tay nghề” của Crytek.

Từ những công trình nổi tiếng như đấu trường Colosseum kì vĩ, cho đến những ngọn thác trong vắt đổ rì rào xen lẫn trong hoa cỏ thiên nhiên xanh hút một màu tựa như một khu vườn địa đàng thực thụ, dù sâu bên trong nó là một sự hôi thối của xác chết chất thành núi và mùi tanh của máu đổ thành sông.

Sức mạnh next-gen của Xbox One đã được Ryse: Son of Rome thai thác một cách triệt để, và rồi nó lại được nâng lên một tầm cao mới trên PC nhờ những thế mạnh về phần cứng vốn có.

Độ phân giải của Ryse: Son of Rome được đẩy lên mức siêu thực 4K ngay trên những màn hình có độ phân giải thấp hơn.

Ryse: Son of Rome

Các khung hình giờ đây sắc nét đến từng chân tơ kẻ tóc, hay từng vết chân lông trên khuôn mặt của nhân vật cả chính lẫn phụ.

Đặc biệt ấn tượng hơn cả chính là công nghệ mô phỏng khuôn mặt và diễn hoạt động tác cơ thể mà Ryse: Son of Rome có được, dễ dàng xóa nhòa tất cả những bom tấn đồ họa vài năm trở lại đây.

Mỗi nhân vật đều toát lên được một cái hồn trong nó, trong từng câu nói và hoàn cảnh để tạo nên một sự sống động rất “con người”.

Như nỗi đau xé thịt của những tên Barbarian tép riu bị Marius “băm vằm”, sự dũng mãnh trong từng đòn tấn công của nhân vật chính, hay cả sự đểu cán, khốn nạn lộ rõ trên nụ cười man rợ của những nhân vật phản diện cũng đủ khiến người chơi “giật mình” cảnh giác.

Ryse: Son of Rome

Đổi lại, Ryse: Son of Rome cần một hệ thống khủng để “cân” tốt mức đồ họa tối đa là điều dễ hiều, song một điểm cộng ưu tú mà nền đồ họa của Ryse: Son of Rome ghi thêm là sự mượt mà, ổn định dù chỉ được vận hành trên một cấu hình trung bình.

Điều này tạo cơ hội tiếp cận một cách dễ dàng hơn cho những người chơi có cấu hình tương đối chứ không “phân biệt đối xử” như những sản phẩm mang danh “sát thủ” trước đây của Crytek.

Nói không ngoa, nền đồ họa của Ryse: Son of Rome là một bước đột phá khổng lồ khỏa lấp được những “con mắt tham lam” của bất kì game thủ khó tính nào, trở thành một chuẩn mực đồ họa cho thời đại mới như Crytek đã từng làm với Crysis trước đây.


review_off_ryse_son_of_rome (21)

Hệ thống chiến đấu thú vị, mới lạ phút ban đầu

Một nền đồ họa làm “bàn đạp” cho việc tái hiện những cuộc chiến tranh khốc liệt được kết hợp cùng một lối chơi hành động “chặt chém” đã tay, chắc chắn sẽ là một cặp bài trùng hoàn hảo đưa người chơi thăng hoa.

Ryse: Son of Rome có một khởi đầu tương đối thú vị, mới mẻ trong hệ thống chiến đấu của mình nhờ nắm rõ được “con bài chốt” đó.

Khác với những tựa game hành động thời gian gần đây, game tập trung chủ yếu vào các pha ngữ cảnh QTE thường thấy như dòng game God of War.

Người chơi sẽ có hai đòn chiến đấu cơ bản là đòn chém kiếm và “tát” khiên.

Đây sẽ là hai đòn tấn công chính tương hỗ lẫn nhau và buộc người chơi phải phối hợp một cách nhịp nhàng nhằm mang đến được sức mạnh tấn công toàn diện nhất.

Ngược lại, Ryse: Son of Rome còn cung cấp cho người chơi một chiêu né đòn và cả một chiêu thức đỡ/phản đòn khá hiệu quả, dùng để đối phó lối “đánh lén” khó chịu khi đụng phải đối thủ đông đảo.

Những chiêu này ngoài khả năng phòng thủ, cũng có thể góp công vào loạt combo chính khi có thể trực tiếp gây choáng đối thủ nếu phản đòn chính xác và đúng thời điểm.

Ryse: Son of Rome có một khởi đầu tương đối thú vị, mới mẻ trong hệ thống chiến đấu của mình nhờ nắm rõ được “con bài chốt”

Đặc biệt nhất trong mảng chiến đấu là những trường đoạn Marius chỉ huy quân đoàn của mình thành lập thế trận tấn công, xuyên thủng hàng ngũ của đối phương, mang lại nhiều nét hấp dẫn độc đáo mà không một tựa game nào có.

Ryse: Son of Rome còn đưa ra một số lựa chọn chiến thuật ảnh hưởng khá sâu sắc đến màn chơi chẳng hạn bạn sẽ cho cung thủ tấn công ở đâu trước, quân bạn sẽ chia ra phòng thủ/tấn công ở đâu… mỗi lựa chọn này đều dẫn đến khá nhiều diễn biến khác nhau mà nếu không suy xét kĩ, màn chơi sẽ trở nên “dài dòng” hơn, hoặc tệ hơn cả chính là thiệt hại toàn bộ quân số.

BẠN SẼ GHÉT

Đồng đội “bắt tay” với kẻ thù?

Dĩ nhiên, không phải vô tình mà hầu hết những điểm số đánh giá của các trang game uy tín và cả người chơi từng thử qua phiên bản Ryse: Son of Rome trên Xbox One trước đây đều rất “bét nhè”, dù những gì game thể hiện ở trên cực kỳ tiềm năng.

Đầu tiên phải kể đến chính là những “kẻ” mà chúng ta vẫn lầm tưởng là đồng đội trong game.

Bạn sẽ không dưới hàng-chục-lần chứng kiến cảnh những tên lính cùng phe đứng trố mắt ra xem Marius “ngụp lặn” trong “biển kẻ thù”.

Đôi khi bạn tiếp tận 5-6 tên cùng lúc và chúng chỉ đứng xung quanh, nhún nhảy tạo không khí một mình, hoặc xếp thành vòng tròn tạo “sàn đấu” cho người chơi!

Tiếp đó, trong rất nhiều tình huống, bạn phải cứu lấy chính những tên đồng đội “máu lạnh” này trước quân thù, bởi nếu chúng chết, màn chơi cũng sẽ kết thúc.

Quả là oái oăm…

Bạn sẽ không dưới hàng-chục-lần chứng kiến cảnh những tên lính cùng phe đứng trố mắt ra xem Marius “ngụp lặn” trong “biển kẻ thù”

Đối thủ cũng chẳng tỏ ra thông minh hơn là bao khi có vẻ như những tên “người rừng” này chẳng bao giờ… ăn được muối.

Chiến thuật mạnh nhất và cũng là duy nhất mà chúng có, chính là “đánh hôi” người chơi.

Bạn dễ dàng phòng thủ và tránh tất cả những chiến thuật tấn công rẻ tiền này và nhanh chóng tiễn chúng lên đường bằng một đống QTE của các pha kết liễu màu mè.

Trên thực tế, cho dù kẻ thù có được chia ra làm nhiều loại và các thức tấn công khác nhau đi chăng nữa, chúng cũng đều tuân theo một chiến thuật nhàm chán này.


Lối chơi quá tuyến tính, thiết kế nghèo nàn

Mặc dù Ryse: Son of Rome tạo được thiện cảm tốt với một cơ chế hành động mới, có chút độc đáo và thú vị nhưng Crytek lại quá “nghèo nàn” trong việc nghĩ ra những ý tưởng thiết kế để thuyết phục game thủ hơn trong lối chơi của game.

Mọi chuyện sẽ không bị “đổ lên đầu” hệ thống ngữ cảnh trong các pha kết liễu của Ryse: Son of Rome nếu nó không lặp lại quá nhiều đến mức… chán ngán khi chỉ mới được nửa game.

Bạn sẽ liên tục, lặp lại các ngữ cảnh QTE, bấm các nút tương tứng xuất hiện trên màn hình để kết liễu tên lính quèn xấu số, lặp lại và lặp lại đến “điên cuồng” và gần như là bắt buộc mỗi khi bạn muốn “hạ thủ” bất kì đối thủ nào thì đều phải trải qua QTE.

Đối đầu với 10 đối thủ, đồng nghĩa với 9 đến 10 ngữ cảnh QTE này.

Sự đa dạng cũng không hề có khi chắc chắn người viết chỉ sẽ đếm được khoảng 5 chiêu Execution lặp lại từ đầu tới cuối game, và chúng diễn rất dài dòng, nhấn lui nhấn tới chỉ hai đến ba nút lặp lại.

Nếu có may mắn lắm, trong một phút cao hứng nào đó game mới xuất hiện một chiêu Execution mới.

Chưa hết, việc thực hiện các ngữ cảnh này cũng chỉ là “làm màu” bởi cho dù bạn có bấm đúng hay không, hoặc kể cả chẳng bấm gì, chiêu kết liễu vẫn được thực hiện một cách hoàn hảo, chỉ là mất thời gian hơn một chút mà thôi.

Trong khi đó, việc bấm đúng ngữ cảnh chỉ mang đến một vài thông báo nhỏ rằng người chơi đã thực hiện chiêu thức A, tuyệt chiêu B và một số điểm kinh nghiệm dồi dào hơn chút ít.

Nhắc đến điểm kinh nghiệm, Ryse: Son of Rome cũng có một hệ thống nâng cấp nhân vật tương đối đa dạng được chia theo nhiều mảng khác nhau như: chỉ số các chiêu Execution (nói trên), chỉ số của nhân vật, sát thương hay sức khỏe các kiểu…

Nhưng vô nghĩa!

Nó vô nghĩa ở chỗ, chẳng tác động gì đến game hay ngay cả sát thương của nhân vật bởi bạn sẽ vẫn chém chừng đó nhát và tiến đến chiêu kết liễu với QTE.

Có tác động thiết thực nhất có chăng chỉ là thanh sức khỏe và thanh giận dữ (Focus) của người chơi dài hơn mà thôi.

Vậy hệ thống nâng cấp này sinh ra để làm gì?

Mọi chuyện sẽ không bị “đổ lên đầu” hệ thống ngữ cảnh trong các pha kết liễu của Ryse: Son of Rome nếu nó không lặp lại quá nhiều đến mức… chán ngán khi chỉ mới được nửa game

Bên cạnh mục chơi đơn chính của Ryse: Son of Rome, người chơi còn có thể tham gia vào một mục chơi khác là chế độ cộng tác mang tên “Gladiator Mode”.

Tuy nhiên, người chơi cũng sẽ sớm “quit” chế độ này bởi ngoài những gì đã chán ngán kể trên, Gladiator Mode tiếp tục khiến bạn phải chau mày “nhờ” thiết kế cực kỳ nông cạn của mình.

Những gì bạn tìm thấy trong Gladiator Mode vẫn là những những pha chặt chém đầy ngữ cảnh lặp đi lặp lại, những tên đồng đội đóng vai ma-nơ-canh (trừ người chơi khác) và một hệ thống trang bị nửa vời, vừa nhạt nhẽo, vừa khó chịu ở cơ chế mua bán và chỉ số của chúng.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Crytek
  • Phát hành: Crytek
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 10/10/2014
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows Vista SP1 | 7 | 8 64bit
  • CPU: Intel Core i5 2.0 GHz trở lên
  • RAM: 8GB
  • VGA: Geforce GTX760 hoặc ATI Radeon tương đương với 2GB trở lên
  • HDD: 26GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM: 32GB
  • VGA: Red Devil VEGA 56
  • SSD: 250GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CRYTEK – CHƠI TRÊN HỆ PC

7.0

Quả thực, nếu Ryse: Son of Rome không có cốt truyện cuốn hút và nền đồ họa đỉnh cao, có lẽ trải nghiệm của người viết chỉ dừng lại ở khoảng nửa game, bởi nó quá sức nhàm chán, nhàm chán đến phát ngán. Tất cả những gì hay ho ban đầu và chúng đều được bày biện hết ở ngay nửa đầu game.



Thật may mắn là cốt truyện chính của game khá ngắn, kéo dài khoảng 5-7 giờ chơi mà thôi.



Đó có phải là một điểm cộng? Đánh giá trên một cái nhìn tích cực, Ryse: Son of Rome có rất rất nhiều tiềm năng mà đáng ra nó cần phải được khai thác triệt để. Nhưng Crytek lại làm người chơi thất vọng và trên hết họ không đối xử công bằng với "đứa con" đầy tiềm năng của mình.



Có lẽ đúng như những gì nhà sản xuất quảng cáo, Ryse: Son of Rome có thể chỉ là một "bản demo công nghệ" đắt giá, nhưng cũng không đến nỗi nào để bạn "ghé mắt" qua đấy.

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^

Thảo luận