Skip to content

Sang-Froid: Tales of Werewolves – Đánh Giá Game

Sang-Froid: Tales of Werewolves

Sang-Froid: Tales of Werewolves – Nhắc đến các thể loại giải trí sử dụng đề tài “Undead”, không khó để nhận ra ngay rằng: bọn xác sống (zombie) đã và đang “thống lĩnh” màn bạc điện ảnh cùng “game giới”, trong khi lũ ma cà rồng (vampire) lại là “ông hoàng” của văn học tiểu thuyết.

Ít ai còn nhớ, vẫn còn một đề tài khác cũng khá hấp dẫn mà chưa có sự quan tâm khai thác đúng mức: ma sói (Werewolf).

Lý do đặt ba loại quái vật như trên đại diện cho cả một họ “Undead” đông đảo, hằn là vì một điểm chung của chúng: “chế tạo” thêm “đồng minh” bằng cách… cạp cạp nạn nhân xấu số!

Người bị cắn sẽ nhanh chóng nhiễm bệnh, chết đi, và tái sinh lại thành đúng “boong” cái thứ vừa cắn mình.

Game về ma sói đã khan hiếm, mà xét đến nhân tố “hay” lại càng ít ỏi hơn.

Đến từ Artifice Studio, Sang-Froid: Tales of Werewolves có vẻ như là một “con bò lạc” khi mang lại cho dòng game đề tài “ma sói” một hương vị mới, một sức sống mới.

Hãy cùng Vietgame.asia điểm qua những điểm sáng cũng như điểm… tối của tựa game kỳ lạ này nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện kỳ lạ!

Cốt truyện trong Sang-Froid: Tales of Werewolves tương đối mới mẻ, khi xoay quanh Josephine – một thiếu nữ xinh đẹp nhưng lại mắc phải một lời nguyền khủng khiếp, khiến cô bị một căn bệnh kỳ lạ.

Bi kịch chưa dừng lại ở đó, khi ngoài thể chất yếu ớt do dịch bệnh kinh khủng kia bào mòn, Josephine còn bị ám bởi ma quỷ, khiến cho nơi cô ở luôn xuất hiện lũ sói khát máu quẩn quanh, chỉ chực chờ xé xác kẻ xấu số nào đi ngang qua.

Quá sợ hãi vì chính bản thân và lời nguyền đeo bám, Josephine quyết định rời xa thành thị, đến một ngọn đồi hoang nơi có căn nhà gỗ mà hai người anh mình: Jacques và Joseph, đang sống.

Mặc dù luôn bất đồng ý kiến và hục hặc với nhau suốt ngày, nhưng vì thương em gái, cả Jacques và Joseph đã tạm gác qua những vấn đề cá nhân và chung sức đối mặt với bọn ma sói đang đến gần, trong khi vẫn phải tìm kiếm một giải pháp để chữa trị lời nguyền tai ác do chính chúa quỷ của địa ngục ếm lên người Josephine.

Người chơi sẽ được lựa chọn nhân vật dựa theo độ khó: Jacques (Hard) và Joseph (Normal).

Cốt truyện trong Sang-Froid: Tales of Werewolves tương đối mới mẻ

Có lẽ, do thể chất to lớn và sức khỏe hơn người của một chàng tiều phu, mà điều khiển Joseph có vẻ dễ dàng mạnh mẽ hơn, lối chơi cũng “dễ thở” hơn. 

Ngược lại cho Jacques, “khó nhằn” hơn khi chơi!


Lối chơi lý thú!

Kết hợp lối chơi thủ trụ, một nhánh rẽ của dòng game chiến thuật, pha thêm một chút yếu tố nhập vai – hành động, Sang-Froid: Tales of Werewolves có một lối chơi độc đáo đầy sức hút.

Đầu mỗi màn, người chơi sẽ được mang đến với bản đồ chiến thuật quanh khu nhà mình.

Tại đây, các đợt tấn công từ mọi phía cùng “danh tính” của các loại quái vật sẽ được hiển thị, từ đó người chơi có thể tính toán đường đi nước bước của mình sao cho hợp lý.

Cạm bẫy chính là “bạn đường” tin cậy nhất, khi với những đợt (wave) tấn công từ nhiều hướng, lẽ dĩ nhiên người chơi không thể phân thân ra để lo hết được.

Khi đó, những loại cạm bẫy được bố trí hợp lý sẽ phát huy uy lực vô cùng, chẳng hạn như bẫy kẹp có thể vô hiệu hóa được tốc độ cao của bọn sói, bẫy lưới treo sẽ lôi chúng lên và biến chúng thành… bia tập bắn, hoặc bẫy chông luôn là chí mạng với những con quái đi lẻ.

Kết hợp lối chơi thủ trụ, một nhánh rẽ của dòng game chiến thuật, pha thêm một chút yếu tố nhập vai – hành động, Sang-Froid: Tales of Werewolves có một lối chơi độc đáo đầy sức hút

Khi những tuyến đường phụ đã được bố trí những cạm bẫy hiệu quả, thì đích thân người chơi sẽ phải đối đầu với tuyến đường chính, với góc nhìn người thứ ba.

Được trang bị hai món vũ khí: rìu và súng trường, người chơi có nhiều lựa chọn để kết liễu bọn ma sói.

Tuy nhiên cần lưu ý, với những con ma sói thực sự (Lycanthrope), chỉ có đạn nước thánh hoặc rìu bạc mới có thể gây sát thương chí mạng được.

Nếu thời gian trong Sang-Froid: Tales of Werewolves được chia thành hai mảng ngày – đêm, với ban đêm là những trận khổ chiến đẫm máu, thì ban ngày sẽ là thời gian vàng để người chơi chuẩn bị cho cuộc chiến.

Với mỗi con sói giết được, người chơi sẽ có tiền (có thể là lột da sói để bán hoặc bán thịt cho… tiệm cầy tơ chăng?), và tiền này có thể dùng để mua các vũ khí tốt hơn, hoặc các loại thực phẩm để tăng cường sức mạnh.

Người chơi cũng có thể đến viếng nhà thờ để vũ khí của mình được ban phép, tuy nhiên sức mạnh thần thánh này chỉ có tác dụng tạm thời chứ không phải “bá đạo” như vũ khí làm từ bạc được.

Yếu tố nhập vai cũng góp phần khiến Sang-Froid: Tales of Werewolves có thêm những hương vị lạ, khi dù chơi Jacques hay Joseph thì người chơi vẫn có thể phát triển các nhánh kỹ năng khi “thăng cấp”.

Các kỹ năng này đa phần đều là thụ động, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu và sinh tồn của người chơi.


Cơ chế mô phỏng tốt

Để khiến game gia tăng độ thử thách, Sang-Froid: Tales of Werewolves áp dụng khá nhiều cơ chế mô phỏng vật lý, đơn cử là chỉ số thể lực (Stamina).

Gần như tất cả mọi hành động trong game, từ chạy nhanh, né tránh đến tấn công, đều tiêu tốn một lượng thể lực.

Việc đưa thể lực vào lối chơi khiến người chơi phải tính toán rất nhiều ngay cả khi đang chiến đấu, vì cạn thể lực sẽ đồng nghĩa với việc gần như bị hạ gục bởi một đám sói đói đang bao vây.

Mỗi một cú đánh ra phải chuẩn xác, hạn chế động tác thừa, di chuyển hợp lý – đây chính là các điều kiện tiên quyết để… còn sống đặng mà ngắm mặt trời lên!

Việc đưa thể lực vào lối chơi khiến người chơi phải tính toán rất nhiều ngay cả khi đang chiến đấu, vì cạn thể lực sẽ đồng nghĩa với việc gần như bị hạ gục

Súng trường là một thứ vũ khí mạnh, nhất là khi nó hoàn toàn có thể “tất sát” một con ma sói nếu nhắm vào đầu.

Vấn đề là Sang-Froid: Tales of Werewolves lấy bối cảnh tương đối cổ, vì vậy súng trường trong đây là loại dùng đạn chì, chỉ bắn được từng phát một.

Người chơi sẽ phải mất nhiều thời giờ để thông nòng, nhồi đạn và điểm hỏa sau mỗi lần bắn xong – vì vậy bắn hụt không phải là một chuyện vui vẻ gì!

Chưa kể tiếng súng nổ sẽ thu hút bọn quái ở gần đó bao vây người chơi còn nhanh hơn nữa.

Sang-Froid: Tales of Werewolves cũng áp dụng cơ chế “sợ hãi” cho cả người chơi và kẻ địch nữa.

Ví dụ, khi người chơi trúng đòn, một thanh chỉ số sợ hãi sẽ tăng dần và bọn sói cũng cảm nhận được điều đó.

Chúng sẽ đồng loạt tấn công khi thanh này chạm mốc.

Để đối phó, người chơi có thể dùng kỹ năng hét lớn hoặc nổ súng để đe dọa bọn sói, hay đơn giản nhất là cố chạy đến cạnh một đống lửa.

Bọn quái sẽ trở nên dè dặt và thận trọng hơn, cho người chơi đủ thời gian để phục hồi.

BẠN SẼ GHÉT

Hình tệ – Âm kém

Có lẽ do phát triển bởi một xưởng game nhỏ với kinh phí thấp, mà đồ họa của Sang-Froid: Tales of Werewolves khá tệ, y như các game ra mắt hồi đầu năm 2000 vậy.

Các mô hình được xây dựng khá thô và sơ sài với nhiều răng cưa.

Cảnh trí các màn chơi chủ yếu diễn ra trong một khu rừng giữa mùa đông vào ban đêm, khó có thể nói rằng game được đầu tư trau chuốt về mặt đồ họa được.

Cử động của nhân vật khi chiến đấu cũng khá vụng về, thiếu đi chất “lực” mà lẽ ra phải có mỗi lần chiếc rìu bổ xuống.

Sang-Froid: Tales of Werewolves

Những đoạn cắt cảnh được dựng hình 2D có lẽ là “khá” nhất nếu xét về chất lượng đồ họa, thì vẫn mắc phải khuyết điểm nhiều răng cưa “chết người”.

Với một game đề tài kinh dị như Sang-Froid: Tales of Werewolves, lẽ ra tạo hình bọn quái vật phải là thứ được chú ý nhiều nhất, để khuấy lên nỗi sợ hãi trong lòng người chơi.

Có lẽ do phát triển bởi một xưởng game nhỏ với kinh phí thấp, mà đồ họa của Sang-Froid: Tales of Werewolves khá tệ, y như các game ra mắt hồi đầu năm 2000 vậy

Đằng này, từ bọn sói đói cho đến ma sói, hoặc cả chúa quỷ, đều được tạo hình khá “chuối”, dễ gây cười nhiều hơn là gây sợ hãi!

Mảng âm thanh trong Sang-Froid: Tales of Werewolves cũng không khá hơn là bao, khi những đoạn lồng tiếng “đều như máy” và thiếu sức sống sẽ đảm đương vai trò dẫn truyện, khiến cốt truyện khá hay bỗng “mất giá” thậm tệ!

“Cứu cánh” duy nhất về mảng âm, có lẽ là những trường đoạn anh hùng ca pha lẫn chút âm hưởng nhạc đồng quê vùng Canada thời cổ, rất có khí chất sử thi!


Sang-Froid: Tales of Werewolves

Thời lượng chơi ngắn

Với chỉ vẻn vẹn 20 ngày trên lịch, tương ứng với 20 màn chơi, có thể nói thời lượng chơi của Sang-Froid: Tales of Werewolves không dài.

Tuy rằng mỗi màn chơi sẽ “ngốn” của người chơi khá nhiều thời gian, bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị trang bị, sắp xếp chiến lược và thực chiến – nhưng nhìn chung chỉ cần khoảng trên dưới 20 giờ chơi là có thể hoàn thành game.

Sang-Froid: Tales of Werewolves

Điều này thật sự là một điều đáng tiếc, vì với độ đa dạng của chiến thuật, cạm bẫy, kỹ năng và quân địch, người chơi sẽ khó có thể trải nghiệm tất cả với thời lượng chơi ngắn như vậy.

Với chỉ vẻn vẹn 20 ngày trên lịch, tương ứng với 20 màn chơi, có thể nói thời lượng chơi của Sang-Froid: Tales of Werewolves không dài


THÔNG TIN

  • Sn xut: Artifice Studios
  • Phát hành: Artifice Studios
  • Th loi: Hành động | Nhập vai
  • Ngày ra mt: 06/04/2013
  • H máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows XP | Windows Vista | Windows 7
  • CPU: Intel® Dual Core 2 GHz trở lên
  • RAM: 2GB
  • VGA: NVIDIA® GeForce™ 9 series | ATI HD4000 trở lên
  • HDD: 4GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • HDD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PC

7.5

Sang-Froid: Tales of Werewolves có thể nói là một tác phẩm kỳ lạ, khi sở hữu lối chơi hết sức đặc sắc và lôi cuốn.
Nhưng vì thiếu sót về nhân lực và tài chính, đồ họa thời “đồ đá” của game khó có thể níu kéo những game thủ đang vội vã tìm cho mình một tựa game bắt mắt, để họ có thể “trụ” lại và cảm nhận được cái hậu vị tuyệt vời còn ở đằng sau.
Rất mong những dự án sau của Artifice Studios cũng giữ được phong độ này, hoặc tốt hơn nữa!