Skip to content

Sudden Strike 4 – Đánh Giá Game

Sudden Strike 4

Sudden Strike 4 – Mặc dù công nghệ đồ họa ngày càng phát triển, nhưng thể loại game chiến thuật thời gian thực lại bị “kéo tụt” ra khỏi thời kỳ hoàng kim của mình với nhiều những sản phẩm bình bình bậc trung, thiếu đi những “cây đinh” tạo nên sức ảnh hưởng đến cả làng game, như những tượng đài xuất hiện dồn dập vào những năm cuối thập niên 90.

Là một “hậu duệ” trực hệ của một trong những tượng đài đó, Sudden Strike 4 lại được nhà phát hành cho xuất quân khá lặng lẽ vào khoảng thời gian không mấy “vàng” của làng game thế giới, trong khi các game thủ đang… “đói meo” chờ đợi những tựa game đỉnh sẽ ra mắt vào dịp cuối năm.

Liệu một Sudden Strike 4 có cứu vãn được tiếng tăm của một tượng đài đã có đến 16 năm tuổi?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

THỎA MÃN CẢ VỀ ĐỒ HỌA, LẪN ÂM THANH!

Sudden Strike 4 là một trò chơi chiến thuật thời gian thực (Real Time Tactics), nên chắc chắn rằng những pha chiến đấu “máu lửa” là điểm nhấn của cả tựa game.

Đây thậm chí là điểm thiếu hụt của phiên bản thứ ba của dòng game khi engine “nhà trồng” khó có khả năng thể hiện được độ khốc liệt của chiến tranh nếu so sánh với các đối thủ cùng năm như Supreme Commander, Company of Heroes: The Opposing Fronts hay World in Conflict năm xưa.

Để giải quyết vấn đề này, đội ngũ phát triển của Kite Games không cố gắng tự tạo engine cho chính mình, mà tìm đến engine đồ họa đa nền tảng đầy sức mạnh Unity nhằm tạo ra những trận đánh hoành tráng nhất, và thực tế cho thấy lựa chọn này hoàn toàn chính xác.

Về mặt tổng thể, đồ họa của Sudden Strike 4 được phát triển theo khuynh hướng tả thực, với rất nhiều mô hình được thiết kế tỉ mỉ và chi tiết.

Bạn sẽ phát hiện ra hàng tá các phương tiện, khí tài có thể điều khiển được trong game, từ chiếc chiến xa hạng nặng cho đến cả những chiếc… công nông lạch cạch cổ lỗ sĩ.

Tất cả đều được thể hiện vô cùng sắc sảo với nhiều mô hình ngữ cảnh cho từng tình huống cụ thể.

Chẳng hạn như xe bọc thép tuột xích khi trúng đạn vào bánh hay khi vấp phải mìn bộ binh, xe tăng bị “thổi bay” tháp pháo khi nổ thùng đạn…

Hiệu ứng cháy nổ là một phần quan trọng không thể thiếu khi đề cập đến một tựa game chiến tranh như Sudden Strike 4.

Các vụ nổ được thể hiện khá tốt với nhiều mức độ khác nhau, từ vụ nổ nhỏ do lựu đạn cầm tay, đến các viên đạn trái phá trên pháo phóng lựu, hay “hạng nặng” hơn là vụ nổ gây ra do các quả bom 250kg thả xuống từ máy bay… với mức độ tàn phá khác nhau.

Hiệu ứng Volumetric Cloud cũng được vận dụng nhuần nhuyễn tạo ra những vệt khói súng, những đám mây vụ nổ hay những đám cháy âm ỉ vô cùng chân thực, tăng mạnh thêm độ khốc liệt cho trận chiến, có thể so sánh một chín một mười với những tựa game chiến thuật có đồ họa đẹp hàng đầu hiện nay.

Âm thanh cũng là một thế mạnh khác của Sudden Strike 4 khi tiếng súng, tiếng nổ, tiếng rít của đạn pháo hay tiếng ù ù của máy bay đều được thể hiện vô cùng chân thực với cơ chế không gian ấn tượng, nhất là với những game thủ có thói quen sử dụng tai nghe.

Các vụ nổ được thể hiện khá tốt với nhiều mức độ khác nhau, từ vụ nổ nhỏ do lựu đạn cầm tay, đến các viên đạn trái phá trên pháo phóng lựu, hay “hạng nặng” hơn là vụ nổ gây ra do các quả bom 250kg thả xuống từ máy bay...

Nó lột tả chiều sâu của chiến trường với các lớp trận chiến diễn ra cùng lúc nhưng không lẫn lộn, rối rắm vào nhau.

Điều này giúp cho trận chiến trong game trở nên khốc liệt và chân thực!

Âm nhạc của Sudden Strike 4 chỉ ở mức khá, đủ để tăng cảm xúc khi chơi nhưng có chút nhạt nhòa khi thiếu đi những bài nhạc “đinh” để làm nên thương hiệu của trò chơi.

Mặc dù có khá nhiều trường đoạn game được dàn dựng công phu và rất… kinh điển, nhưng nếu như âm nhạc có thể đẩy thêm một chút cao trào thì ấn tượng của người chơi có lẽ sẽ sâu sắc hơn.


Sudden Strike 4

CÁI “CHẤT” CỦA CHIẾN TRANH!

Thật khó để diễn tả được thế nào là một game chiến thuật có chiều sâu, nhưng có thể nói, với nhiều chi tiết nhỏ, Sudden Strike 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Nếu như với Company of Heroes 2, chiều sâu chiến trận là bố trí khí tài, với Total War: Warhammer là những trận đánh… đông “lúc nhúc” thì Sudden Strike 4 ăn điểm bằng việc quản lý hậu cần khi các cỗ máy chiến tranh “uống xăng như nước lã”, bắn đạn vương vãi khắp mọi nơi và hay… hỏng vặt.

Cứ thử tưởng tượng mà xem, lượng xăng cho mỗi chiếc chiến xa chỉ đủ chạy… vài vòng quanh căn cứ, bắn hạ vài chiếc xe của đối phương là trở thành… một cục phế liệu, nếu không được chi viện hợp lý thì việc quản lý các chiến dịch quy mô trong Sudden Strike 4 là chẳng dễ dàng gì.

Nó quan trọng đến nỗi thậm chí có khi chỉ một người lính, một quả mìn cỡ nhỏ bẫy được xe hậu cần của đối phương cũng có thể làm thay đổi kết quả của cả cuộc chiến.

Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi bạn chơi đến các chiến dịch nổi tiếng “thiếu thốn” trong lịch sử như trận “Vòng cung Kursk” hay “Chiến dịch Market Garden” đầy tai tiếng vì các vấn đề hậu cần.

Người chơi sẽ phải đối mặt với việc điều tiết chiến đấu trong khi khắp các mặt trận “kêu gào” đòi tài nguyên.

Thậm chí có khi bạn phải cắt xén xăng nhớt của quân phòng thủ để bơm cho các nhóm quân phản công để rồi… nghệch mặt ra khi “sân nhà” bị đè bẹp vì … không có xăng để chạy!

Cứ thử tưởng tượng mà xem, lượng xăng cho mỗi chiếc chiến xa chỉ đủ chạy… vài vòng quanh căn cứ, bắn hạ vài chiếc xe của đối phương là trở thành… một cục phế liệu nếu không được chi viện hợp lý

Chi tiết hơn nữa, các đơn vị lính trong Sudden Strike 4 cũng không “bị thịt” mà hoàn toàn có thể sử dụng các loại khí tài rải rác trên màn chơi, gỡ mìn, hay thậm chí núp lùm phục kích hậu cần đối phương, điều mà các nhóm chiến xa không thể thực hiện được.

Nhóm phát triển Kite Games còn “hài hước” đến độ cho phép bạn sử dụng các… xe công nông của nông dân trong màn làm phương tiện kéo pháo, cũng thực tế đấy chứ!

Hiển nhiên là phương án này sẽ giúp bố trí trận địa nhanh hơn, nhưng điều này cũng đồng nghĩa bạn lại phải… tốn xăng cho một chiếc xe vô dụng.

BẠN SẼ GHÉT

Sudden Strike 4

CHẾ ĐỘ SKIRMISH “NỬA MÙA”

Nếu như chế độ chơi đơn của Sudden Strike 4 được thể hiện rất tốt và gần như chẳng có bao nhiêu phàn nàn thì chế độ chơi Skirmish nói chung và chế độ chơi mạng nói riêng lại vô cùng… “nửa mùa”, nếu không muốn nói là gần như chẳng có chút giá trị nghiền ngẫm nào.

Rất đơn giản, người chơi sẽ được lựa chọn chiến lược (doctrine) như phần chơi đơn, thả vào một vài bản đồ ọp ẹp với một nhúm quân ít ỏi, đánh chiếm dần các điểm quân nhu và các điểm chiến thuật, kéo thêm tiếp viện cũng như gọi đến một số hỗ trợ chiến thuật (tactics) bằng đường không.

Tất cả chỉ có thế, hầu hết thời gian của phần chơi Skirmish trong Sudden Strike 4 tập trung vào tranh giành các cứ điểm và với một nhóm binh lực chẳng mấy làm đông đảo, các trận đánh gần như vỡ vụn ra khắp mọi nơi “người tranh ta đoạt”, nhưng tựu chung lại vẫn thiếu đi cái không khí hoành tráng cần có làm điểm nhấn.

Điều này đã được Company of Heroes 2 thể hiện rất tốt qua các cuộc công/phòng cứ điểm chủ chốt hay căn cứ chính (Headquarters) trong phần chơi Skirmish của mình.

Các trận đánh gần như vỡ vụn ra khắp mọi nơi “người tranh ta đoạt”, nhưng tựu chung lại vẫn thiếu đi cái không khí hoành tráng cần có làm điểm nhấn

Hậu quả là phần chơi mạng đi kèm theo phần chơi Skirmish trong Sudden Strike 4 cũng gần như chẳng có bất kỳ yếu tố hấp dẫn nào đối với các game thủ gạo cội.

Điều này cũng làm giảm đi rất nhiều giá trị chơi lại của game, cũng như giảm đáng kể hứng thú của game thủ và ấn tượng tổng thể của toàn bộ trò chơi.

Về mặt này, hãng phát hành Kalypso Media cũng từng có một số tiền lệ với một số game sở hữu phần chơi đơn hoành tráng nhưng phần chơi mạng “đầu voi đuôi chuột”, chẳng hạn như Tropico 5.


Sudden Strike 4

NHỮNG LỖI KỸ THUẬT VỤN VẶT

Là một game phát hành trên nhiều hệ máy bao gồm cả các máy console XBOX One và PlayStation 4, Sudden Strike 4 dĩ nhiên cũng hỗ trợ người chơi điều khiển bằng tay cầm.

Tuy vậy, thật không ngoa khi phải nói rằng điều khiển game chiến thuật trên tay cầm là cả một… thảm họa!

Mặc dù đội ngũ phát triển của Kite Games đã rất cố gắng gán các nút sao cho các thao tác điều khiển thuận tiện hơn với tay cầm, nhưng trên thực tế, bạn vẫn khó có thể thao tác nhanh được trong tình huống chiến trường diễn ra ở khắp mọi nơi.

Chẳng hạn như với màn chơi “Vòng cung Kursk”, bạn sẽ cảm thấy… phát điên khi phải nhoay nhoáy bấm đủ các nút và xoay các cần điều khiển ở tốc độ cao nhất để có thể kịp thời tác chiến ở cả ba mặt trận, bao gồm cả gọi hỗ trợ không kích, đào đắp công sự, hay cho bộ binh tạo ra các bãi mìn nhằm ngăn cản phần nào sức tấn công của đối phương.

Thêm vào đó, AI (trí tuệ nhân tạo) trong Sudden Strike 4 cũng hay gặp phải một số lỗi tìm đường… ngớ ngẩn.

AI (trí tuệ nhân tạo) trong Sudden Strike 4 cũng hay gặp phải một số lỗi tìm đường… ngớ ngẩn

Bạn sẽ phát hiện ra chiến xa của mình sẵn sàng ủi các xác xe tăng khác từ đầu này đến đầu kia bản đồ, hay binh lính cứ chạy lòng vòng khi gặp một số vật cản phức tạp.

Vấn đề này khá nhỏ, nhưng cũng là một điểm trừ nếu so sánh với AI của các game được phát hành gần đây.


THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 (64bit)
  • CPU: Intel Core i3-3220 3.3 GHz
  • VGA: GeForce GTX 470 hoặc AMD Radeon HD 7850
  • RAM: 4GB
  • HDD: 25 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 64bit
  • CPU: Intel Core i7 8700
  • RAM: 16GB
  • VGA: MSI RX 480 4GB Armor
  • HDD: 2TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI KALYPSO MEDIA DIGITAL CHƠI TRÊN HỆ PC

7.0

Kế thừa truyền thống tượng đài chiến thuật Sudden Strike lẫy lừng vào những năm đầu thế kỷ 21, Sudden Strike 4 sở hữu những nâng cấp hợp lý, tăng thêm khá nhiều độ hào hứng cho một dòng game mà cách chơi đã dần đi vào lối mòn trong những năm vừa qua.
Mặc dù vậy, phần chơi Skirmish "nửa mùa" và phần chơi mạng nghèo nàn đã kéo tụt giá trị cũng như những ấn tượng tốt đẹp của Sudden Strike 4 đi khá nhiều.
Do đó, về tổng thể, game chỉ ở mức khá dù phần chơi đơn có khả năng dễ dàng hấp dẫn các game thủ yêu thích thể loại game chiến thuật.