Skip to content

101 thuật ngữ game và ý nghĩa “thật sự” – Kỳ 2

thuật ngữ game

Thuật ngữ game – Trong kỳ trước, Vietgame.asia đã giới thiệu đến các bạn độc giả nửa đầu trong cuốn “bí kíp” về thuật ngữ game được cóp nhặt từ hàng trăm năm… à ừm, chính xác là kể từ khi ngành công nghiệp game bắt đầu nở rộ rồi “đẻ” ra cả nghìn thuật ngữ game để cho người “ngoại đạo” thấy rằng video game nó… phức tạp như đồng hồ Thụy Sĩ vậy.

Sau đây là 51 thuật ngữ game còn lại mà Vietgame.asia cho rằng chúng sẽ rất có ích dành cho những ai thích… đấu khẩu về game trên mạng.

Hy vọng các bạn sẽ có những giây phút thoải mái sau khi đọc qua loạt bài viết “vớ vẩn, vô tích sự và phí thời gian” này.


51. LEVEL

Cấp độ, thuật ngữ game này được áp dụng trong rất nhiều thứ, từ chỉ số của nhân vật hoặc vũ khí, cho đến việc mở khóa cái “camo” hình Hello Kitty cho khẩu súng M16A4 của bạn.

52. LUDOLOGY

Những nghiên cứu, luận thuyết về video game. Đơn giản chỉ là cách miêu tả hào nhoáng về việc “tám” trên trời dưới biển về game.

53. MICROTRANSACTIONS

Giao dịch mua vật phẩm ảo trong game bằng tiền thật. Tựa game nào mà được xác nhận rằng sẽ có Microtransaction trước khi ra mắt thì sẽ nhận được tràng gạch đá khổng lồ của cộng đồng, hoàn toàn trái ngược với định nghĩa “micro”.

54. MANA

thuật ngữ game chỉ năng lượng giới hạn số lần thực hiện phép thuật, là thứ duy nhất “nerf” các nhân vật pháp sư trong game.

55. MATCHMAKING

Hệ thống tự động dò tìm phòng chơi, lúc thì kết nối rất nhanh, lúc thì pha cà phê xong vẫn thấy mình trơ trọi ngoài phòng chờ. Liệu hệ thống này hoàn toàn tự động hay được điều khiển bởi một đàn rùa hoàn toàn là một ẩn số.

56. MIDDLEWARE

Những phần mềm làm nhiệm vụ “cầu nối” giữa hệ điều hành hoặc cơ sở dữ liệu và các ứng dụng, ví dụ như mấy cái giới thiệu Havok engine hay NVIDIAAMD mỗi khi bạn bắt đầu game, khiến cho người dùng thỉnh thoảng… phát khùng vì game không cho bỏ qua mấy đoạn giới thiệu “ảo lòi” này.

57. MOB

Trong tiếng Anh tức là đám đông, vì một lý do nào đấy mà thuật ngữ game này có nghĩa là một (chỉ một) địch thủ trong video game.

58. MOBA

Multiplayer Online Battle Arena – Game chiến thuật đối kháng chơi mạng, thường hay phân ra hai luồng sóng, một bên luôn chế nhạo bên kia vì không thể “deny” được (“deny” cũng lại là một thuật ngữ game MOBA mà khi Google cũng không cho ra kết quả thỏa đáng).

59. MOUSELOOK

Dùng chuột để nhìn xung quanh mình và xả đạn trong lúc di chuyển. Nghe qua thì có vẻ thuật ngữ game này là điều mà trẻ con lên 3 cũng làm được, cho đến khi bạn xem phụ huynh làm thử.

60. MULTIPLE ENDINGS

Các kết cục khác nhau, là thứ mà đa số người chơi sẽ xem trên Youtube sau khi hoàn thành game.

Mob: Trong tiếng Anh tức là đám đông, vì một lý do nào đấy mà thuật ngữ game này có nghĩa là một (chỉ một) địch thủ trong video game

61. MMORPG

Massively Multiplayer Online Role-Playing Game, game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi. Trước đây thuật ngữ game này là một thể loại game cực kỳ phổ biến vì tính cộng đồng cao, mỗi tội những tựa game thuộc thể loại này về sau lại bị nhét vào hệ thống nhiệm vụ mang tính cày cuốc cá nhân, và cổ vũ việc cày đồ đua top server thay vì đi “đàn đúm” (ít nhất là ở Việt Nam).

62. MYST

Tựa game phiêu lưu nhấn-trỏ chuột kinh điển ra mắt vào năm 1993, là cú “hit” bất ngờ (và cũng đầy mỉa mai) của ngành công nghiệp game.

63. NERF

Vũ khí hoặc nhân vật của bạn giờ sẽ “hoạt động như hạch”, trong khi đấy của người khác thì vẫn mạnh một cách bất hợp lý (xem thuật ngữ gameoverpowered“). Ở Việt Nam thì phát âm là “nép” hoặc “nớp”.

64. NOOB

thuật ngữ game chỉ những người luôn nhận phải gạch đá từ đồng đội khi luôn bị “gank” và đứng bét trên bảng xếp hạng, nhưng ít người biết rằng họ đang giữ cấp bậc Global Elite trong một game khác.

65. NPC

Non-playable characters, là những nhân vật thỉnh thoảng để lạc mất thú cưng và nhờ vả bạn đi tìm hộ. Thỉnh thoảng lại bán phế liệu cho bạn với giá cắt cổ.

66. NVIDIA

Khiến cho mọi người nghĩ rằng là dòng card đồ họa chơi game duy nhất vì có dòng chữ “The way it’s meant to be played” trong đoạn phim giới thiệu, ngoại trừ những game được tài trợ bởi “đội đỏ”.

67. OPEN-WORLD

Thế giới mở, thật ra chỉ đơn giản là ném bạn vô một cái “hộp cát” (sandbox) bự hơn bình thường.

68. OVERPOWERED (OP)

Mạnh quá đáng, là mấy cái thứ mới đá đít bạn (xem thuật ngữ gamenerf“).

69. PERMADEATH

Cơ chế “chết là hết”, xuất hiện trong rất nhiều tựa game phổ biến, song ít ai nhận ra.

70. PERSISTENT WORLD

Thế giới trong game sẽ tiếp tục “hoạt động” cho dù người chơi có tham gia hay không, thật ra chả thay đổi gì nhiều lắm trừ phi người chơi bỏ game vài năm rồi quay lại.

71. PIXELBITCHING/PIXELHUNTING

Dò con trỏ chuột khắp màn hình để tìm một mẩu “pixel” tý tẹo để giải đố trong game phiêu lưu nhấn-trỏ chuột, là lối thiết kế kinh điển được phát minh từ quyển sách “Hướng Dẫn Thiết Kế Game Theo Phong Cách Đ*t M* Người Chơi”.

72. PORT

Bản chuyển thể, nếu đi đôi với những từ “Assassin’s Creed Unity” hoặc “Batman: Arkham Knight” và “tốt” sẽ khiến cho cả đống người cười phá lên.

73. PROCEDURAL GENERATION

thuật ngữ game ám chỉ nghệ thuật chế tạo thế giới game ngẫu nhiên bằng thuật toán thay vì thiết kế bằng tay, đảm bảo giá trị chơi lại cao đến mức con cháu bạn có thể tiếp tục phần chơi của bạn.

74. PvE

Players vs. Environments, nơi người chơi hợp tác chống lại các sinh vật không trả lời “mục đích xuống Trái Đất” là gì.

Procedural Generation: Là thuật ngữ game ám chỉ nghệ thuật chế tạo thế giới game ngẫu nhiên bằng thuật toán thay vì thiết kế bằng tay, đảm bảo giá trị chơi lại cao đến mức con cháu bạn có thể tiếp tục phần chơi của bạn

75. PvP

Players vs. Players, là trò chơi mô phỏng đối kháng trực tuyến nhiều người chơi tại các diễn đàn game hoặc bất cứ nơi nào có thảo luận sôi nổi về game. Thỉnh thoảng Admin hoặc Moderator cũng tham gia.

76. QUEST

Nhiệm vụ, là thuật ngữ game có hàm nghĩa khá chung chung liên quan đến việc nhận và trả. Đánh đuổi một con rồng và cứu lấy vương quốc? Nó là một Quest. Ăn 10 quả cà chua? Nó cũng là một Quest.

77. QUICK TIME EVENT

Một thuật ngữ game dùng để chỉ cơ chế game trong đó người chơi trải nghiệm những phân đoạn gay cấn, đậm chất điện ảnh, nhưng thay vì chứng kiến những gì đang diễn ra trên màn hình thì lại chờ xem nút bấm nào hiện ra để mình nhấn vào.

78. REPLAY VALUE

Giá trị chơi lại, là thứ mà ai cũng khen về một tựa game nào đó, nhưng thực chất phá đảo xong thì cũng bỏ xó.

79. RETRO GAMING

Chơi lại các tựa game cổ điển. Nhớ cái game bạn từng bỏ vài tháng để cày nát bét hồi còn “trẻ trâu” chứ? Giờ bạn sẽ thoát game sau 5 phút vì lối điều khiển như hạch.

80. ROCKETJUMPING

thuật ngữ game được phát minh bởi Quake, trong đó người chơi chĩa khẩu súng phóng lựu dưới chân và bắn khiến cho nhân vật bay lên chín tầng mây, trông giống như một gã… xì hơi ra trái hỏa tiễn nhưng thực chất lại là một kỹ thuật di chuyển quý báu.

81. ROGUELIKE

Một thể loại game mà ngày nay chả có có điểm gì tương đồng với tựa game “Rogue” kinh điển ngoài cơ chế permadeath và độ khó như có ai đấy cố tình đấm vào mặt bạn.

82. ROMANCE

Những lời đối thoại chân thành giữa hai linh hồn (thỉnh thoảng không phân biệt giới tính) gắn kết với nhau thông qua một loạt câu hỏi và trả lời, nếu trả lời sai thì cứ quay lại điểm lưu gần nhất rồi chọn câu trả lời đúng, chả có gì phải xoắn (ước gì ngoài đời cũng vậy).

83. RPG

Game nhập vai, là thể loại game khiến người chơi hớp hồn bị vào những thế giới tuyệt đẹp và đầy mộng ảo, có điểm chung là hay có nhện, yêu tinh tai nhọn (elves) và những nhân vật nữ với bộ giáp thiếu tính thiết thực. Thỉnh thoảng diễn ra ngoài vũ trụ.

84. SIMULATOR

Game mô phỏng, nghe qua thì các hoạt động như lái xe tải, thực hiện nghĩa vụ quân sự hay quản lý công viên giải trí khá là buồn tẻ, song những trò chơi dựa trên những hoạt động này cực kỳ gây nghiện và hấp dẫn một bộ phận đông đảo người hâm mộ.

85. SEASON PASS

Trong lúc thuyết phục bạn rằng trò chơi abcxyz rất hay và đáng tiền, nhà phát triển sẽ sờ ví bạn thêm chút nữa.

86. SLI

Scalable Link Interface, công nghệ giúp người dùng kết hợp hai card đồ họa của NVIDIA trên một hệ thống PC và khiến khổ chủ “khóc thét” khi nhìn vào hóa đơn tiền điện mỗi tháng.

87. SLIDING BLOCK PUZZLE

Game xếp hình khối, là cái game mà có lẽ bạn từng “chọt chọt” trên điện thoại hồi học cấp 2 mà ai cũng ghét, nhưng đều cố phá đảo để ganh đua với nhau.

88. SPEEDRUN

Nghệ thuật sử dụng “kiến thức” về game và “glitch” của game để hoàn thành một trò chơi trong thời gian ngắn nhất. Bao gồm việc nhấn nút nhảy vào đúng tích tắc thứ 13 của giây 37 hay leo lên cây cột đánh số 6 trong 9 giây kể từ khi xuất phát.

89. SMURF

thuật ngữ game chỉ những người chơi có kỹ năng “bá đạo” tìm cách xuống hàng ngũ “gà công nghiệp” để hưởng niềm vui “bán hành”. Người cùng đội rất hoan nghênh, địch thủ thì không thể làm gì hơn ngoài việc nhấn nút “Report” và… chửi.

Wallhack: Là thuật ngữ game ám chỉ một kiểu ăn gian cho phép người chơi nhìn thấy địch thủ xuyên vật thể trong game, là công cụ chơi trốn tìm khá hiệu quả

90. STEALTH MISSION

Những nhiệm vụ bí mật vớ vẩn buộc người chơi phải lê mông đằng sau vật chắn và không để bị phát hiện, trong khi mình đang có trên tay một khẩu súng máy có thể càn quét cả một quốc gia.

91. STRATEGY

Những chiến thuật mang tầm “vĩ mô” được đưa ra trước thực chiến. Nghe qua thì thuật ngữ game này rất cao cả và có cái gì đấy rất chi là “lớn lao”, cho đến khi đồng đội nói vào mic “YOLO” và bắt đầu xông pha vào chiến trường với một con dao nhựa.

92. SURVIVAL HORROR

Game kinh dị – sinh tồn, ngoại trừ game của Frictional Games thì chả có game nào dán mác này thật sự đáng sợ cả.

93. TACTIC

Chiến thuật tự phát trong khi chơi, ví dụ như 4 mạng cầm AWP để hạ tên nào xấu số chạy qua cửa mid ở Dust 2, hay ném bom lửa Molotov vào trái C4 để “nướng” 3 tên địch cố gỡ bom.

94. THEORYCRAFTING

Việc phân tích số liệu giúp tạo nên các chiến thuật hoàn hảo nhất cho người chơi bắt nguồn từ StarCraft.

Có lẽ là thứ duy nhất gắn kết toán học và video game, và dĩ nhiên như thường lệ, chả ai quan tâm.

95. TOUCHSCREEN

Màn hình cảm ứng, hay còn gọi là “bộ sưu tập vân tay và mồ hôi” miễn phí.

96. TWINKING

Hành động “thả” vật dụng hàng xịn cho các nhân vật có cấp bậc thấp hơn, thật ra chủ yếu dùng để khoe khoang.

97. VIETGAME.ASIA

E hèm, đây là đơn vị mang đến cho các bạn bài viết ngớ ngẩn này!

98. WASD

Nếu như bạn nhìn vào bàn phím của một ai đó bị mờ nét chữ ở bốn phím này, thì 140% rằng chủ nhân của nó chơi game rất nhiều (hoặc là bàn phím dởm).

99. WALLHACK

thuật ngữ game ám chỉ một kiểu ăn gian cho phép người chơi nhìn thấy địch thủ xuyên vật thể trong game, là công cụ chơi trốn tìm khá hiệu quả.

100. ZOMBIE

Trước đây là những con quái vật khiến người chơi sợ hãi, ngày nay là “bia tập bắn” cho các xạ thủ.

101. ZONING

Kỹ thuật thường thấy trong game đối kháng trong đó người chơi giữ khoảng cách với địch thủ.

Những ai “bá đạo” kỹ thuật này cũng giống như khi bạn theo đuổi một cô nàng nào đó vậy, nếu bạn đứng ở ngoài nhìn vào thì không sao, lại gần rồi chạm vào thì đừng thắc mắc vì sao mình lại cắm hàm răng xuống đất vài giây sau đó.


BÀI VIẾT THAM KHẢO THÔNG TIN TỪ PCGAMER


BÀI MỚI NHẤT


Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận