Skip to content

6 tựa game pixel art ấn tượng nhất trên Nintendo Switch!

game pixel art

Game Pixel Art – Nếu không để ý, có lẽ ít ai biết rằng “videogame” – một cụm từ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với hầu hết con người trên thế giới này, là một loại hình giải trí đã trải qua hơn 40 cái “xuân xanh” rồi.

Ngày nay, khi nói đến “videogame”, nếu không nghĩ ngay đến những siêu phẩm bom tấn AAA với cấu hình cực cao, đồ họa cực mượt trên màn ảnh rộng; thì cũng là những công nghệ tiên tiến để nâng tầm trải nghiệm như VR (Virtual Reality) hoặc AR (Augmented Reality).

Lẽ dĩ nhiên, theo dòng phát triển của thời gian, videogame cũng buộc phải tiến hóa để thích nghi với những nhu cầu càng ngày càng khắt khe của cộng đồng game thủ. Ít ai nhớ rằng những bức hình cực đẹp với độ phân giải 4K ngày nay, vốn có tiền thân là những chấm pixel trắng đen, vuông vức, trông rất chi là “đau mắt”.

Không cần phải thông thái cho lắm để hiểu rằng một bức ảnh số được cấu tạo từ vô số điểm ảnh, và chất lượng cao HD có nghĩa là càng nhiều điểm ảnh nhỏ li ti hợp lại để tạo thành chúng.

Nếu giảm đi số điểm ảnh, thì dĩ nhiên bức hình tổng thể sẽ bị nhòe đi, xuất hiện răng cưa… còn nếu tối giản hết mức, chỉ còn giữ lại những pixel cơ bản nhất để cấu thành hình thù và màu sắc – chúng ta sẽ thu được thứ được gọi là “pixel art”, một thủ pháp thường thấy được sử dụng rộng rãi ở các tựa game indie.

Không phải cái gì cũ cũng dở, cũng kém hơn cái mới – bằng chứng là có những giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ trọn vẹn sau hàng trăm, hàng ngàn năm dài đằng đẵng. Videogame tiến hóa đến “cảnh giới” HD siêu nét, nhưng không có nghĩa rằng pixel art trở thành lạc hậu, lỗi thời. Sự thật thì những tựa game được thể hiện với phong cách pixel art vẫn luôn có một lượng “fan cứng” rất lớn thuộc đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi.

Nintendo là một trong những hãng game tiên phong đầu tiên trong ngành công nghiệp này, và vì vậy, không có gì lạ khi nói rằng họ cũng là những bậc thầy trong lĩnh vực làm game bằng phong cách pixel art, qua những hệ máy retro như NES, SNES, Gameboy Advance, Nintendo DS… Tuy hệ máy mới nhất của hãng, Nintendo Switch, được xếp như một loại console cấu hình mạnh, nhưng nó vẫn mở rộng vòng tay chào đón rất nhiều những tựa game pixel art, và vô tình hai tổ hợp Switch + Pixel-Art lại vô cùng “hợp cạ” với nhau.

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia điểm qua 6 tựa game pixel art ấn tượng nhất trên hệ máy Nintendo Switch qua bài viết sau.

1. PHANTOM BREAKER: BATTLE GROUNDS OVERDRIVE

Phantom Breaker: Battle Grounds Overdrive là một tựa game thú vị thuộc phong cách “beat ‘em up” cổ điển. Người chơi điều khiển các nhân vật nữ với tỉ lệ chibi trong các màn chơi, di chuyển qua lại giữa hai lằn đường và “smash” nút liên tục để đánh bại hằng hà sa số kẻ địch, từ bọn đầu gấu học đường cho đến quái vật ngoài hành tinh.

Với hệ thống chiến đấu khá phong phú gồm nhiều chiêu thức, bộ di chuyển né đòn, cùng các tuyệt chiêu cuối “màu mè hoa lá hẹ” trong phong cách pixel-art, Phantom Breaker: Battle Grounds Overdrive mang đến nhiều giờ trải nghiệm thú vị cho người chơi, đặc biệt là khi cùng bạn bè thỏa sức chiến đấu ở chế độ chơi Co-op 2 người đặc biệt nhờ vào tính năng chơi nội bộ một máy của Nintendo Switch.

Chọn cho mình một phong cách thể hiện pixel-art với tông màu khá tươi và nhí nhố, Phantom Breaker: Battle Grounds Overdrive gợi nhớ đến những tựa game thùng (arcade) đi cảnh gặp ai đánh nấy từng gắn liền với tuổi thơ “dữ dội” của mỗi người chúng ta.

Phần cảnh nền phong phú và chi tiết như sạp báo, ngân hàng, hành lang trường học… được nhấn nhá khá chi tiết, đánh tan những suy nghĩ đại loại kiểu “game pixel art là vẽ kiểu rẻ tiền, ăn gian” như nhiều người vẫn lầm tưởng.

2. INTO THE BREACH

Đến từ hãng sản xuất của tựa game nổi tiếng FTL: Faster Than Light, Into the Breach là một “hiện tượng lạ” vào lần đầu ra mắt, khi dung hợp một cách khéo léo giữa 3 yếu tố đặc thù là chủ đề mecha/ quái vật hành tinh, chiến thuật theo lượt dạng ô, và phong cách đồ họa pixel-art. Into the Breach thật sự là một thử thách lớn với thậm chí những game thủ “đầu sạn” bởi những toan tính sâu sắc mà nhà thiết kế game mang lại.

Với mức độ trừng phạt “siêu cấp”: chỉ cần thua một lần là phải chơi lại tất cả từ đầu, Into the Breach buộc người chơi phải vận dụng 12 thành công lực, tận dụng hết những thứ có trong tay từ những cỗ máy mech với đặc tính riêng, bố trí địa hình, cùng luật chơi “tưởng đơn giản mà không phải đang giỡn”. Tuy có độ khó và mức độ trừng phạt cực cao, nhưng Into the Breach mang đến sức hấp dẫn khó cưỡng lại, đủ sức khiến người chơi dù phải lặp lại hàng chục lần trải nghiệm vẫn không thấy chán nản.

Một phần sức hút to lớn của Into the Breach đến từ mảng đồ họa rất độc đáo, khi thể hiện bản đồ chơi ở góc nhìn isometric chia ô như các siêu phẩm chiến thuật thời kỳ trước (Tactics Orge, Final Fantasy Tactics…).

Tuy sử dụng phong cách pixel-art, nhưng những mô hình mech và quái vật, cũng như nhà cửa, môi trường… đều được gia công rất chi tiết, tái hiện thành công cảm giác “chiến trận” mà những ai đam mê dòng phim Pacific Rim hay Godzilla từng yêu thích.


3. COSMIC STAR HEROINE

Đến từ một hãng phát triển nhỏ hầu như không tên tuổi, khó ai ngờ được rằng Cosmicstar Heroine lại có thể tạo nên tiếng vang lớn đến thế từ mọi “mặt trận” mà nó tham chiến như PC, PS4, PS Vita, và Nintendo Switch. Lấy ý tưởng từ các siêu phẩm thời đại trước như Chrono TriggerSepterra Core, Cosmic Star Heroine kiến tạo nên một thế giới giả tưởng tương lai cùng cốt truyện cực kỳ lôi cuốn và đặc biệt.

Với lối chơi nhập vai theo lượt mang tính truyền thống, tính chiến thuật trong Cosmic Star Heroine được đề cao, mỗi nước đi đều phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, chứ không phải chơi kiểu “lấy chỉ số đè người” là xong. Tính năng tùy biến nhân vật với nhiều trang bị thêm/ bớt kỹ năng mở đường cho nhiều trải nghiệm chiến thuật thú vị, khiến giá trị chơi lại của Cosmic Star Heroine được nâng cao đáng kể.

Tuy nhiên, điểm nhấn thật sự của Cosmic Star Heroine nằm ở mảng đồ họa cực kỳ xuất sắc. Chỉ bằng những chấm pixel màu đơn, Zeboyd Games đã kiến tạo nên một thế giới giả tưởng nửa hiện đại, nửa thần bí với những cảnh nền cực kỳ chi tiết và trau chuốt. Không có gì lạ khi người chơi sẽ tìm thấy nhiều điểm quen thuộc từ các dòng phim viễn tưởng như Blade Runner hay Alita: Battle Angel tại đây.


4. WIZARD OF LEGEND

Ra mắt đồng loạt trên nhiều hệ máy như PC, PS4, Xbox One, Nintendo Switch, Wizard of Legend nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn nhờ vào lối chơi cực kỳ cuốn hút của mình. Với kết cấu màn chơi kiểu Rogue-like, người chơi sẽ vào vai một siêu pháp sư đang trên hành trình thử sức mình với những bậc thầy ma thuật khác.

Với lối chơi chiến đấu nhịp nhanh và các pha tung chiêu thần tốc, Wizard of Legend đảm bảo sẽ mang đến cho người chơi nhiều giờ thư giãn khi chiến đấu một mình hoặc cùng bạn bè thông qua chế độ Co-op tại chỗ của Nintendo Switch. Đặc tính thu thập các chiêu thức mới để tạo nên những combo riêng biệt càng là điểm nhấn để tôn vinh giá trị chơi lại của tựa game vốn dĩ hơi ngắn này.

Đặc thù của Wizard of Legend ở mảng đồ họa, đó là game không sử dụng quá nhiều chi tiết rối rắm mà chỉ tạo hình mọi thứ, từ nhân vật, chiêu thức đến môi trường, ở mức độ đơn giản. Thế nhưng chính khâu diễn hoạt “thần sầu” lại là điểm sáng khi khai thác được sự đơn giản này, bởi với nhịp độ quá nhanh khi chiến đấu trong Wizard of Legend, bất cứ chi tiết thừa rối rắm nào cũng chỉ trở thành gánh nặng cho thị giác mà thôi.


5. DRAGON MARKED FOR DEATH

Đã từ lâu, việc một hệ máy tìm cách kiếm được những hợp đồng “độc quyền” game cho mình để nâng tầm giá trị đã không có gì lạ. Vì vậy, cũng càng không có gì đáng ngạc nhiên khi hệ máy Nintendo Switch có vẻ như đang là người dẫn đầu cuộc đua “game độc quyền” nhiều nhất hiện nay (bởi Nintendo có một lực lượng hùng hậu các tựa game “nhà giồng” cơ mà). Đến từ Inti Creates, studio nổi tiếng từng chịu trách nhiệm thực hiện nhiều phiên bản Mega Man, Dragon Marked For Death chính là một trong các tựa game độc quyền xuất sắc nhất trên hệ máy Nintendo Switch.

Với lối chơi dung hòa khéo léo giữa hành động, leo trèo, nhập vai, Dragon Marked For Death mang đến những trải nghiệm thú vị khi người chơi có thể sử dụng 4 nhân vật với lối chơi hoàn toàn khác biệt nhau. Tuy sở hữu độ khó “kinh hoàng” có thể làm nản lòng nhiều người, nhưng lối chơi cuốn hút của Dragon Marked For Death đã thừa đủ để níu kéo người chơi ở lại và tìm cách vượt qua các thử thách đó, thay vì “chạy mất dép” như những tựa game khó khác.

Điểm nhấn của Dragon Marked For Death, song hành cùng lối chơi hấp dẫn, chính là mảng đồ họa cũng xuất sắc chẳng kém. Game chinh phục người chơi từ khâu thiết kế nhân vật độc đáo, những hiệu ứng chiến đấu “bùng chái” và kịch tính, cho đến những cảnh nền và môi trường được gia công hết sức tỉ mỉ và tinh tế – dù là bằng vô số “chấm hột” của phong cách pixel-art cổ điển.


6. OCTOPATH TRAVELER

Square Enix chắc chắn không phải là một cái tên lạ lẫm gì với thế giới game, vì đây chính là “ông tổ” của dòng game nhập vai theo lượt, mang tính định hình “thương hiệu” J-RPG nổi tiếng với các siêu phẩm như Final FantasyDragon Quest. Sau một quãng thời gian trượt dài khi cắm đầu chạy đua theo công nghệ đồ họa mà bỏ qua các giá trị cốt lõi như lối chơi và cốt truyện, thật sự Square Enix đã khiến nhiều người hồ nghi về năng lực sáng tạo của mình – cho đến khi Octopath Traveler ra đời.

Bỏ qua lớp vỏ bọc đầy hoa mỹ của những đoạn cắt cảnh đậm chất “điện ảnh” và những mô hình nam thanh nữ tú, Octopath Traveler mang người chơi trở lại thời kỳ hoàng kim của dòng game J-RPG với cốt truyện lôi cuốn đầy dư vi cảm xúc, chồng chéo lên nhau, cùng lối chơi đậm tính chiến thuật. Những trận đánh kinh điển trong Octopath Traveler thừa sức thỏa mãn bất cứ “fan cứng” khó tính nào của dòng game lâu đời này bằng những luật chơi tuy không mới, nhưng lại được phối hợp vô cùng khéo léo và tinh tế.

Tuy sử dụng thủ pháp pixel-art để thể hiện, nhưng Square Enix không hề khiến cái danh “siêu chuộng đồ họa đẹp” của mình bị uổng phí, khi Octopath Traveler sử dụng thủ pháp “3D hóa” để tạo phân lớp giữa cảnh nền và nhân vật, kiến tạo nên những thành phố hoa mỹ hay những hầm mộ âm u, ngập tràn bất trắc.

Thật sự, với Octopath Traveler, lại một lần nữa Square Enix đã thành công khi nhắc lại cho mọi người nhớ về một kỷ nguyên huy hoàng khi người ta say mê cùng những khúc trường ca lãng mạn trong Final Fantasy VII, VIII, IX, và X.


Trong số các tựa game nói trên, có không ít sản phẩm được phát hành đa nền chứ không riêng gì trên Nintendo Switch. Thế nhưng, các phiên bản trên Switch hầu như đều có một điểm khác biệt lớn nhờ vào khả năng chơi Co-op tại chỗ khi quay ngang 2 chiếc Joy-Con, khiến trải nghiệm chơi trở nên khác hẳn các hệ máy khác.

Hy vọng bạn đọc Vietgame.asia sẽ cùng chia sẻ thêm nhiều ý kiến của mình ở mục bình luận bên dưới – đừng quên bạn nhé!