Skip to content

TOP 15 thảm họa quảng cáo game “chẳng thể nào quên”

Quảng cáo game

Quảng cáo game – Để bán được sản phẩm, bạn không chỉ cần chú ý tới chất lượng mà còn cần phải lôi kéo được người dùng.

Việc gán những thông điệp cho sản phẩm để thu hút thị hiếu, khuyến khích người mua bằng tên tuổi nhãn hiệu hay đầu tư những hình ảnh tích cực cho quảng cáo đều cực kì quan trọng trong quyết định thành bại của kinh doanh.

Một khi đã được mọi người chú ý, tin tưởng thì dù sản phẩm của bạn… dở ẹc, hay ít ra là không như những gì bạn đã hứa, người dùng vẫn có thể ùn ùn kéo tới mua.

Kiến thức cơ bản của marketing này áp dụng cho gần như tất cả mọi ngành nghề kinh doanh, và đương nhiên quảng cáo game cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, nói lý thuyết thì lúc nào cũng dễ hơn thực hành. Không thiếu những chiến dịch tiếp thị mong muốn có được thiện cảm người dùng, nhưng thay vào đó là nhận được vô kể “gạch đá”.

Hãy cùng Vietgame.asia điểm qua 15 quảng cáo game thất bại nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành game nhé.

1. XBOX ONE: CONSOLE CHO MỌI GAMER… TRỪ NHỮNG AI KHÔNG CÓ INTERNET

Quảng cáo game

Tới thời điểm cận kề đời console mới này, chúng ta đều đó thể đồng ý rằng chiếc Xbox One đã có phần kém cạnh xíu so với “kẻ thù không đội trời chung” PlayStation 4.

Nhưng Microsoft đã “lỡ bước” ở đâu để mang lại Sony lợi thế vậy?

Thất bại có lẽ là một quá trình, nhưng thời điểm quyết định nhất, và cũng là lúc mà Microsoft đã làm hỏng be bét, chính là lúc chiếc Xbox One được phát hành.

Đầu tiên, chiếc console này có giá khởi điểm 499 USD, hơn những 100 USD so với chiếc PlayStation 4. Kế đó, Xbox One không hỗ trợ chơi các game đã mua, và phải được mua kèm bộ cảm ứng chuyển động Kinect 2.0.

Cuối cùng, để “vươn tới tương lai”, chiếc Xbox One sẽ yêu cầu kết nối Internet 24/24h.

Nghe qua có vẻ tệ thật, nhưng giám đốc phụ trách mảng Xbox thời đó là Don Mattrick đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi trả lời phỏng vấn của Geoff Keighley tại E3 2013.

Được hỏi về vấn đề luôn yêu cầu kết nối Internet, Don Mattrick đã nói rằng: “Chúng tôi có một sản phẩm dành cho những người không thể kết nối mạng. Đó là chiếc Xbox 360”.

Không cần có bằng cấp trong ngành marketing chắc bạn cũng hiểu việc “không tiếp” một lượng lớn người dùng, bảo họ tiếp tục ôm lấy chiếc Xbox 360 của 7, 8 năm trước ngay tại buổi ra mắt đời console mới… chẳng khác nào chào hàng hộ Sony.

Chúng tôi có một sản phẩm dành cho những người không thể kết nối mạng. Đó là chiếc Xbox 360

Ít lâu sau đó, Don Mattrick được Microsoft cho đi “thuyên chuyển công tác” và trở thành CEO của công ty phát triển trò chơi Zynga. 

Phil Spencer trở thành giám đốc của mảng Xbox, và từ đó đến nay, gần như toàn bộ những điểm “không mấy vui vẻ” được công bố tại buổi ra mắt của Xbox One đều được ít nhiều sửa đổi cải thiện.

Nhưng thiên cơ đã lỡ, thời điểm ra mắt luôn là quan trọng, và chiếc Xbox One đã không thể chiến thắng PlayStation 4 trong ván cờ này.

Liệu tới đời console thứ 9, mọi sự có đổi thay?

Chúng ta hãy chờ xem.

2. GOD OF WAR II: GIỐNG THÔI, ĐỪNG GIỐNG QUÁ!

Quảng cáo game

Tới thời điểm hiện tại, có lẽ Sony chẳng cần chạy quảng cáo game cho cái tên God of War làm gì, bởi nó đã gắn liền với tên tuổi hệ máy PlayStation.

Tuy nhiên, trở lại hơn 10 năm trước, khi mà tiếng tăm dòng game chưa quá “huyền thoại” vào lúc God of War II sắp ra mắt, Sony đã có một ý tưởng sáng tạo để quảng cáo game, đẩy tiên tuổi nó lên cao: tổ chức một buổi tiệc với chủ đề “Thần thoại Hy Lạp” tương tự như tựa game.

Mọi sự sẽ đâu vào đó nếu như công ty biết giới hạn của hai thế giới thực – ảo… Nhưng đáng tiếc là không.

Tại bữa tiệc, Sony trình diễn một con dê “hiến tế”: nó bị hạ thủ cấp và người tham dự được “mời” thò tay vào trong bụng, vặt thịt sống của con dê đó và ăn.

Ý tưởng này phù hợp với chủ đề của game? Chắc chắn rồi!

Mọi sự sẽ đâu vào đó nếu như công ty biết giới hạn của hai thế giới thực – ảo

Ý tưởng này sẽ nhận một đống gạch? Chắc chắn luôn!

Sau khi thông tin về bữa tiệc được hé lộ, rất nhiều tờ báo, nhà phê bình và nhà yêu động vật đã lên tiếng kịch liệt phản đối những gì công ty làm, cho rằng đó là một hành động quá man rợ chỉ để quảng cáo một sản phẩm.

May thay, God of War II vẫn bán chạy, Sony đã xin lỗi về những việc đã diễn ra, và vẫn chưa có thêm một con dê nào bị chặt đầu liên hoan tại buổi ra mắt các tựa game God of War sau đó.

3. SEGA SATURN: CHUYẾN DU HÀNH QUÁ SỚM

Quảng cáo gameBạn còn nhớ cái ngày SEGA sản xuất console?

SEGA Dreamcast là console cuối cùng của hãng và cũng được nhiều người cho là thất bại lớn nhất, nhưng những sai lầm của SEGA đã bắt đầu từ trước đó lâu rồi, và điển hình là việc ra mắt sớm console SEGA Saturn.

Tháng 11/1994, SEGA cho ra mắt máy Saturn tại Nhật Bản và bước đầu cũng đã đón nhận một số thành công nhất định.

Tuy nhiên, chỉ khoảng một tháng sau đó, Sony đưa tới sân chơi một đối thủ đáng gờm: PlayStation đời đầu.

Động thái này đã khiến SEGA run sợ trong hoảng loạn và… mất khôn?

Quảng cáo game

SEGA Saturn được công bố ra mắt phương Tây vào khoảng tháng 9/1995, nhưng trước sức ép từ PlayStation, tại kỳ E3 1995 vào tháng 5, SEGA đã quyết định ra mắt Saturn… ngay lúc đó với mức giá 399 USD.

Thông báo ra mắt đầy bất ngờ và sớm hơn dự định 4 tháng này đã khiến một số chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại Mỹ như Best Buy và Walmart bối rối!

Hơn thế nữa, việc chiếc console ra mắt quá nhanh và “nguy hiểm” làm các nhà sản xuất game không kịp trở tay, đưa người sở hữu chiếc SEGA Saturn vào tình trạng có máy mà… không có game!

Nhưng tệ hơn tất cả, chiến dịch này của SEGA đã bị Sony cho “ra rìa” ngay chính tại E3 1995.

Biết được giá thành sản phẩm của đối thủ sớm, Sony chễm chệ thông báo console của mình sẽ ra mắt với mức giá 299 USD và được khán giả đón nhận trong những tràng pháo tay nồng hậu!

những sai lầm của SEGA đã bắt đầu từ trước đó lâu rồi, và điển hình là việc ra mắt sớm console SEGA Saturn

Cuối cùng, lịch ra mắt Saturn tại châu Âu cũng bị đẩy nhanh, khiến cho các công ty phân phối không có đủ thời gian để chuẩn bị quảng cáo game và console.

Điều gì tới cũng đã tới. Đến tháng 11/1995, doanh số của chiếc PlayStation đã vượt Saturn gấp 3 lần chỉ sau 2 tháng ra mắt ra mắt, và Saturn trở này thành thất bại lớn của SEGA… hay ít ra đó là điều công ty nghĩ vậy, trước khi ra mắt máy Dreamcast.

4. SPLINTER CELL: CONVICTION: FPS PHIÊN BẢN THỰC TẾ

Quảng cáo game

Khoa học đã chứng minh rằng, khác với game, khi bị bắn chết, con người sẽ chết chứ không lập tức hồi lại.

Do vậy, trong game, bạn có thể thấy các sát thủ chuyên nghiệp ôm súng ra giữa đám đông, một mình cân chục kẻ thù mà vẫn lành lặn vô sự.

Tuy nhiên, ở ngoài đời thật, câu chuyện đó có lẽ sẽ hơi khác một tí…

Tại buổi ra mắt cho Splinter Cell: Conviction, Ubisoft đã thuê người đóng giả những kẻ xấu trong game vào một quầy bar ở Auckland, New Zealand để “khuơ súng cho vui”.

Tuy mọi phụ kiện đều là đồ giả và tiết mục chỉ là để quảng bá cho game, nhưng bạn nghĩ những người dân thường có biết điều này?

Những gì diễn ra tiếp theo chắc cũng không khó đoán. Ai đó đã nhanh chóng gọi cảnh sát và họ đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường.

Xém chút nữa, anh diễn viên xấu số suýt được “kẹo đồng” hóa kiếp!

Do vậy, bài học rút ra là: nếu cuộc đời bạn tình cờ được mời đi làm quảng cáo game bằng cách đóng kẻ xấu để tấn công mọi người, có lẽ bạn nên từ chối.

Điều đó tốt cho sức khỏe hơn.

nếu cuộc đời bạn tình cờ được mời đi làm quảng cáo game bằng cách đóng kẻ xấu để tấn công mọi người, có lẽ bạn nên từ chối

5. DEAD SPACE 2: TỰA GAME MẸ BẠN GHÉT!

Để quảng bá cho phần tiếp theo của trò chơi kinh dị sinh tồn nổi tiếng Dead Space, Electronic Arts đã nghĩ ra một ý tưởng quảng cáo game độc đáo.

Công ty chọn ra khoảng 200 phụ nữ trung niên, không hiểu biết về game nói chung và chiếu cho họ xem các hình ảnh kinh dị từ Dead Space 2.

Phản ứng của họ được ghi lại và trở thành quảng cáo game với slogan “Mẹ của bạn ghét điều này”.

Đối tượng lớn của game là các thanh niên “trẻ trâu” mới lớn, và khá nhiều người trong số đó nghĩ rằng nếu mẹ mình ghét thứ gì, thì chắc chắn thứ đó rất “ngầu”!

Mặc dù khá hài hước, sáng tạo và đánh đúng đối tượng nhưng chiến dịch cũng khiến EA nhận khá nhiều chỉ trích.

Cụ thể, nó giúp “quảng bá” tư tưởng “cổ hủ” là phụ nữ và người già không biết chơi game. 

Bất chấp các ý kiến trái chiều, Dead Space 2 vẫn là một tựa game hay và chiến dịch quảng cáo game này cũng giật giải thưởng MI6 Game Marketing năm 2011 cho chiến dịch quảng cáo của năm.

 

 

 

 

 

 

6. NOKIA N-GAGE: CHIẾC ĐIỆN THOẠI – CONSOLE THẤT BẠI

Vào năm 2003, khi Nokia vẫn còn là một cái tên lớn trong ngành điện thoại di động, công ty đã muốn sử dụng chính sản phẩm của mình để cạnh tranh với console. Từ đó, chiếc N-Gage ra đời, và sớm trở thành một… thất bại.

Sản phẩm được quảng cáo có thể “dung hợp” điện thoại với console và sẵn sàng đối đầu với Nintendo Game Boy Advance, thiết bị chơi game cầm tay số một thời bấy giờ. Nhưng một cách “kì diệu” nào đó, N-Gage thất bại toàn phần, không thể làm một chiếc điện thoại, và càng không thể làm một chiếc console.

Về cấu hình phần cứng, chiếc N-Gage có phần nhỉnh hơn, nhưng với mức giá 299 USD, nó thực sự không có cửa so với đứa con của Nintendo vốn có giá khởi điểm 99 USD. Thay vì mua chiếc N-Gage, gamer có thể tậu hẳn một bộ Sony PlayStation đồng giá và có được trải nghiệm chơi game cao cấp, hoàn chỉnh hơn nhiều. Chưa dừng ở đó, điểm thẩm mĩ của N-Gage gần như bằng 0. Thiết kế kì lạ làm gamer không thoải mái khi trải nghiệm các trò chơi, và lại càng làm người dùng chung khó chịu khi sử dụng nó như chiếc điện thoại di động bình thường.

Vào 2004, Nokia vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng N-Gage với một phiên bản mới, thiết kế mới cho sản phẩm, nhưng hãng vẫn không thể đạt được thành công mong muốn. Cuối cùng, một năm sau đó, N-Gage bị Nokia chính thức “khai tử”.Quảng cáo game

7. SONY TẠI E3 2006: NỖI ÁM ẢNH CỦA KAZ HIRAI – CỰU “SẾP LỚN” SONY
Quảng cáo gameCó lẽ buổi trình diễn Xbox One của Microsoft dở tệ vì hãng đã “học tập” kinh nghiệm của Sony từ 7 năm trước, tại E3 2006.

Đó là thời điểm mà Sony ra mắt chiếc PlayStation 3 và công ty đã rất tự tin với sản phẩm của mình, và có lẽ là tự tin hơi quá, đến nỗi phó chủ tịch của Sony là Kaz Hirai đã không ngần ngại gán cho nó mức giá 599 USD. Ngay thời điểm này, tới chiếc console mạnh nhất hiện tại là Xbox One X, hỗ trợ một dàn các tính năng khủng như hỗ trợ 4K, HDR, Spatial audio… cũng không dám chạm tới con số đó, huống hồ một chiếc máy chơi game vào năm 2006. Thậm chí sau này, Jack Tretton, “sếp lớn” của Sony Computer Entertainment tại Mỹ hứa với mọi người rằng sẽ trả cho họ 1200 USD cho mỗi chiếc PlayStation chưa được bán khỏi kệ sau 5 phút.

Quá ngạo nghễ và cái giá phải trả là doanh số của PlayStation 3 thua xa Xbox 360, và thậm chí công ty phải chịu lỗ cho mỗi thiết bị được bán ra. Một năm sau khi chiếc PlayStation 3 ra mắt, Ken Kutaragi, chủ tịch của Sony Computer Entertainment, xin từ chức.

Quay trở lại với buổi E3 2006, cái mác “599 USD” mởi chỉ là thất bại đầu tiên của Sony thôi. Lúc đó, biết được mức giá của chiếc PlayStation 3 khiến hội trường gần như hết nhiệt huyết. Do vậy, khi phó chủ tịch Kaz Hirai ‏quảng cáo game và chơi thử Ridge Racer sau đó, chả ai thể hiện sự hứng khởi cả. Độc thoại trong im lặng, Kaz Hirai đã cố “thổi lửa” bằng cách hét to “RIIIDGE RACER!”… và đương nhiên vẫn chả ai quan tâm. Đáng tiếc thay, phút giây cố  gắng cứu vãn buổi lễ trong tuyệt vọng và hổ thẹn của Kaz Hirai đã được ghi lại và lưu truyền trên Internet tới bây giờ.

8. HOMEFRONT: HÀNH TRÌNH… DỌN RÁC
Quảng cáo gameTrở lại năm 2011, nhà xuất bản trò chơi “kém may mắn” THQ hồi đó đã thuê công ty TrashTalkFCM giúp làm chiến dịch quảng cáo game cho trò chơi bắn súng sắp tới của họ: Homefront.

Tại buổi quảng bá, THQ đã tiến hành tung ra 10 ngàn quả bóng bay màu đỏ tại thành phố San Francisco. Đáng tiếc là các quả bóng không “bỗng dưng biến mất” như công ty tính toán, mà chúng “hạ cánh” rải rác khắc nơi trong khu vực Vịnh San Francisco.

Các nhà chức trách chẳng mấy vui vẻ lắm khi tự dưng có 10 ngàn quả bóng xuất hiện, gây ra mối đe dọa cho các loài chim và động vật thủy sinh trong khu vực này. Thế là mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt và THQ đã nhận được khoản tiền phạt 7000 USD. May mắn thay, loại bóng bay được sử dụng cũng thuộc dạng thân thiện với môi trường, có khả năng tự phân hủy sinh học được.

9. DANTE’S INFERNO: CUỘC BIỂU TÌNH “GIẢ TẠO”
Quảng cáo gameDante’s Inferno là trò chơi được chuyển thể từ Thần Khúc, bài thơ nối tiếng của Dante Alighieri từ thế kỉ 14. Nắm trong tay một chủ đề “nóng” như tôn giáo và địa ngục, thay vì làm điều gì đó khá bình thường, EA cảm thấy rằng họ có thể tạo ra một chiến dịch tiếp thị chưa từng có.

Thế là tại E3 2009, EA đã thuê một số người đi biểu tình xung quanh khu vực triển lãm. Những diễn viên này được giao nhiệm vụ vào vai người cơ đốc giáo và hô các khẩu hiệu với đại ý là EA đang “tự đào mồ”, sẽ “chết cháy” nếu dám tạo ra một tựa game về địa ngục.

Tuy cũng có không ít người bị lừa nhưng cũng chả mấy chốc, tất cả họ đều phát hiện ra rằng cuộc biểu tình chỉ là giả, và mọi thứ là một chiêu trò PR.

Nhưng sau đó, khi thông tin về cuộc biểu tình này được phát tán, rất nhiều người cơ đốc giáo xịn đã không lấy làm vui vẻ gì về việc một công ty nào đó phác họa họ với hình ảnh xấu, như những kẻ cuồng tín, để quảng cáo game. Và từ đó, có lẽ EA đã bớt mạo hiểm hơn với những chủ đề nóng sau này.

10. NO MAN’S SKY: NHỮNG LỜI THẤT HỨA
Quảng cáo gameỞ thời điểm hiện tại, gần như ai cũng đồng ý rằng No Man’s Sky là một tựa game đáng trải nghiệm. Nhưng thực tại đâu thể thay đổi được lịch sử bởi vào thời điểm ra mắt, No Man’s Sky là một thảm họa, mà phần lớn tiếng xấu bắt nguồn từ những lời hứa hẹn quảng cáo game “nuột nà” của nhà sản xuất.

Là một sản phẩm của nhà phát triển game độc lập Hello Games, No Man’s Sky được “tô vẽ” là một tựa game với 18 tỷ tỷ hành tinh hoàn toàn khác nhau, đảm bảo chuyến thám hiểm không gian vô tận cho người chơi. Sau khi có được sự chú ý của dư luận, rất nhiều video trình diễn và cuộc trò chuyện, tương tác với fan đã diễn ra, và cứ mỗi lần như vậy, Hello Games lại “hứa” thêm một chút, quảng cáo game thêm một chút… Chỉ tiếc là vô kể những lời hứa hẹn, quảng cáo đó đều đã đổ sông đổ bể sau khi game ra mắt.

Mô phỏng vật lý trên các hành hình, các hạm đội lớn, các trận chiến quy mô khổng lồ, các NPC bên ngoài khu buôn bán, các sinh vật phức tạp, hạy thậm chí tương tác với những người chơi khác… Tất cả những dự định ấy đều được nhà sản xuất thầm lặng bỏ ngỏ khi game “chào đời”. Nếu bạn muốn biết tất tần tật những lời thất hứa của Hello Games về No Man’s Sky, người dùng Reddit Cyman90 đã tổng hợp chúng cực kì đầy đủ. Tệ hơn nữa, sau khi nhận hàng tấn “gạch” từ cộng đồng, nhà sáng lập Sean Murray cùng Hello Games bỗng im hơi lặng tiếng…

May thay, sau một thời gian dài đeo chiếc biển “thất bại”, No Man’s Sky được cập nhật trở lại dần dần, dần dần… Và cứ thế tới giờ, tựa game đã vực dậy khỏi cái mác tệ hại “Overwhelmingly Negative” của Steam và trở thành một sản phẩm khá hoàn chỉnh, đáng trải nghiệm, đủ sức làm người chơi quên đi cái bóng của những lời thất hứa năm nào.

11. SONY PSP WHITE: THẤT BẠI “ÁM LẠI” 10 NĂM SAU
Quảng cáo gameTại thời điểm 2006, sau khi ra mắt chiếc PSP và đã gặt hái chút thành công, Sony quyết định mở rộng thị phần cho chiếc console cầm tay này bằng cách mang tới các mẫu mã mới với màu sắc khác cho người dùng. Một trong số đó là phiên bản PSP trắng.

Câu chuyện đã chẳng có gì đáng bàn nếu như Sony không nghĩ ra một hình ảnh quảng cáo “đậm chất” phân biệt chủng tộc tại Hà Lan. Poster thể hiện một người phụ nữ da trắng, mặc quần áo trắng bó sát người đang nắm lấy hàm của một anh da đen mặc đồ đen. Quảng cáo này đã nhận được vô kể chỉ trích và Sony đã có lời xin lỗi công chúng.

Bây giờ, bạn dừng một phút và thử tưởng tượng, vào năm 2006, một quảng cáo như vậy đã làm cộng đồng khó chịu, thì nếu ở thời đại này, kỉ nguyên của mạng xã hội và các hiệp sĩ bàn phím, quảng cáo ấy sẽ khiến Sony hứng bao nhiêu bom đạn…

Vào năm 2017, một người dùng twitter đã “đào mộ” bức poster trên và chỉ trong thời gian ngắn, nó nhận được hàng vạn lượt chia sẻ. Đương nhiên cũng có một số người hiểu biết ý nghĩa lịch sử của tấm ảnh, nhưng phần đông đều theo tâm lý “quăng gạch bầy đàn” mà chẳng quan tâm bức ảnh có từ đâu, hay thậm chí còn chả rõ PlayStation Portable là cái gì. Chỉ một cái tweet đó đã khiến Sony đang yên đang lành tự dưng phải nhận lại một đống gạch cho việc đã giải quyết ổn thỏa chục năm trước. Tội nghiệp Sony thay, và hi vọng 10 năm sau, không có ai “đào mộ” bức ảnh này lại nữa.

12. RESIDENT EVIL 6: THỨ BẠN KHÔNG NÊN “ĂN”

Sau khi đạt tới cực đỉnh tiếng tăm là Resident Evil 4 và một Resident Evil 5 được đón nhận không mấy nồng hậu, Capcom đã cố gắng “cứu cánh” dòng game qua Resident Evil 6. Nhưng thay vì làm một cái gì đó “tầm thường” như… tạo ra một tựa game hay chẳng hạn, thì công ty đã nghĩ ra ý tưởng về một chiến dịch quảng cáo game “lạnh gáy”.

Bằng một sự kì diệu nào đó, Capcom cho rằng con người sẽ cảm thấy ngon miệng hơn khi món ăn của họ có hình dạng giống… đồng loại. Do vậy, công ty đầu tư một cửa hàng bán thịt tại London với tên gọi “Wesker & Son Human Butchery”. Ở đó bán các loại thịt được cắt và nhào nặn cho giống những bộ phận của con người như tay, chân, thân, đầu, mặt và cả nội tạng.

Mặc dù tất cả doanh thu được Capcom chuyển tới tổ chức từ thiện dành cho người tật nguyền Limbless Association, nhưng lợi nhuận thu về thì chưa rõ, mà gạch đá thì vô kể. Rất nhiều người cảm thấy kinh tởm với cách quảng cáo game này. Đồng thời, nhiều bài báo đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch này của Capcom và công ty đã phải dừng nó sau một thời gian ngắn.Quảng cáo game

 

 

 

13. HITMAN: ABSOLUTION: “HÀNH QUYẾT” NGƯỜI THÂN

Quảng cáo game

Thuê sát thủ để giết bạn bè, người thân là một ý tưởng hay… ít ra theo logic quảng cáo của Square Enix là như vậy.

Để quảng cáo game Hitman: Absolution sắp ra mắt của mình, công ty đã tạo ra một ứng dụng Facebook cho phép bạn thuê sát thủ đi “thanh trừ” những người trong danh sách bạn bè của mình.

Và tệ hơn, tựa game còn sử dụng những ngôn từ tục tĩu để miêu tả về các “nạn nhân” ấy.

Ứng dụng đùa vui này có thể khiến bạn thấy hài hước, nhưng bạn của bạn có lẽ sẽ không vui chút nào.

Do vậy, chỉ sau vài giờ được đăng tải, Square Enix đã phải gỡ nó xuống kèm với lời xin lỗi cho chiến dịch quảng cáo game quá đáng này.

14. CALL OF DUTY: INFINITE WARFARE DISLIKE

Thật sự mà nói, so với toàn bộ danh sách này, chiến dịch quảng cáo game của Activision chẳng có gì phá cách cả.

Tất cả những gì họ làm là đăng tải một đoạn trailer cho Call of Duty: Infinite Warfare. Và tới thời điểm hiện tại, nếu không kể tới các video ca nhạc, đoạn trailer này vẫn là clip được nhiều dislike nhất Youtube.

Video với số lượng dislike ngay dưới nó tới từ… Pewdiepie, bởi vì chính anh đã bảo khán giả dislike video của mình.

Nhưng tại sao Call of Duty: Infinite Warfare lại được đón nhận “nồng hậu” tới vậy?

Có lẽ phần lớn bởi vì Activision đã không nghe những đóng góp của fan.

Trong khi rất nhiều người mong muốn một tựa game Call of Duty cố điển, hãng lại mang dòng game lên vũ trụ và biến nó thành… Halo.

Để rồi một khi lượng dislike đã nhiều thì như một “xu hướng”, mọi người sẽ dìm nó nghỉm hẳn.

Do vậy, để tránh một chiến dịch quảng cáo game tệ hại, ngoài đừng làm gì “lố” ra, bạn cũng nên đảm bảo sản phẩm của mình không “lố” nữa.

15. STAR WARS: BATTLEFRONT II: “THÀNH CÔNG VÀ KIÊU HÃNH”

Quảng cáo game

Để đạt được danh hiệu bình luận bị downvote nhiều nhất Reddit không phải chuyện đơn giản. Bạn cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, biết sử dụng đúng văn vẻ để không những làm người đọc bực tức, nhức nhối, mà còn phải làm họ thấy hài hước, để họ còn chia sẻ cho những người khác cùng downvote nữa.

Và một đại diện của EA đã làm được “kỳ tích” đó.

Với ý định “vắt sữa” người dùng, Star Wars: Battlefront II ban đầu được thiết kế để những nhân vật quen thuộc, nổi tiếng phải tốn rất nhiều công cày cuốc, mở khóa.

Cụ thể, muốn có Darth Vader, bạn cần khoảng 60 ngàn đơn vị tiền tệ trong game, tức 40 giờ “làm nông”. Còn nếu không muốn tốn thời gian… đơn giản là xì 80 USD ra.

Cảm thấy bị vòi tiền quá đáng, người chơi đã lên trên trang Reddit của game để phàn nàn, và một đại diện của EA đã để lại bình luận huyền thoại, nói rằng: “Hàm ý của việc để số giờ cày cuốc khổng lồ như vậy là giúp mang tới cho người chơi cảm giác thành công và kiêu hãnh khi mở khóa các nhân vật”, dịch ngắn là “Chúng tôi muốn bạn nôn tiền ra”.

Và bình luận đó đã đi vào lịch sử vì được downvote nhiều nhất, gấp gần 30 lần kẻ về nhì, mà đó là bình luận trực tiếp bảo mọi người “downvote” chính nó.

Sau khi Star Wars: Battlefront II ra mắt, EA cũng đã nhận được một đống trỉ chích, bê bối và kiện tụng. Hi vọng như vậy đủ để khiến hãng nhận ra: Đừng quảng cáo game nào đó với tư tưởng “trấn ví” được khách hàng.