Skip to content

AMD RX 5700 – Đánh Giá Gaming Gear

amd rx 5700 danh gia gaming gear

AMD RX 5700 – Theo đúng với “truyền thống” của AMD trong những năm gần đây thì sau khi đổi tên, rồi lại đổi tên các chip xử lý đồ họa cũ RX480 thành RX 580 rồi sau nữa thành RX590 với một số cải tiến nho nhỏ, hãng đã chính thức cho ra mắt dòng card xử lý đồ họa tầm trung mới với tên mã Navi RX 5700 Series để đáp lại dòng card đồ họa RTX sử dụng kiến trúc Turing mới của “đội xanh”.

Trong hai dòng sản phẩm mới được ra mắt, “em út” AMD RX 5700 được hãng kỳ vọng nhiều nhất khi đánh mạnh vào phân khúc card đồ họa tầm trung đang bị hai sản phẩm “cỡ bự” đến từ đội xanh là RTX 2060GTX 1660Ti chiếm lĩnh.

Thế nhưng mọi chuyện sẽ chẳng hề suôn sẻ với các “chiến binh Navi” của đội đỏ khi ngay sau màn trình diễn ấn tượng của AMD tại sự kiện E3, “đội xanh” lại đáp trả bằng một “liều thuốc mạnh” mới với tên gọi RTX 2060 Super.

Có thể xem như đây là một đối thủ vô cùng “nặng ký” trong phân khúc tầm trung và cũng là hòn đá “thử lửa” cho một sản phẩm còn mới mẻ như AMD RX 5700 khi một vài sản phẩm sử dụng nhân xử lý RTX 2060 Super khi được ép xung thậm chí có thể “cân được” cả đàn anh RTX 2070 trước đây.

Liệu đây có phải là sản phẩm đáng mong đợi của “đội đỏ” trong phân khúc tầm trung?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

AMD RX 5700 – HAI TÍNH NĂNG ĐỒ HỌA MỚI

Nếu đã là fan của “đội đỏ” từ khi hãng sản xuất đồ họa vẫn còn nằm dưới “mái nhà ATI” thì chắc chắn nhiều bạn lựa chọn sản phẩm của đội nhà chỉ vì “chết mê” với chất lượng hình ảnh của các card đồ họa vốn “thoát thai” từ các card chỉnh sửa video của thập niên 90 thế kỷ trước.

Với sự phát triển nhanh mạnh của công nghệ, khi về “dưới mái nhà AMD“, ấn tượng này đã phần nào lu mờ khi khả năng thể hiện của sản phẩm từ cả hai đội đều có chất lượng tương tự nhau và không toát ra bất kỳ đặc trưng nào có thể đem lại chất lượng hình ảnh đủ “chất” như xưa.

Thế nhưng mọi chuyện thay đổi với Navi, và đặc biệt là trên “đối tượng thử nghiệm” AMD RX 5700, hãng đã mang đến hai tính năng tăng cường trải nghiệm hình ảnh bao gồm Radeon Image Sharpening (RIS) và AMD Fidelity FX.

Hai tính năng này được lập trình viên huyền thoại Timothy Lottes, người đã phát triển thuật toán khử răng cưa FXAA cách đây 10 năm phát triển nhằm tăng cường chất lượng hình ảnh cho game với Fidelity FX dành cho nhóm các studio phát triển game còn RIS được hỗ trợ mã nguồn mở từ trình điều khiển hoạt động trên bất kỳ game nào hỗ trợ DirectX9, DirectX12 hay Vulkan.

Trên thực tế, cả hai tính năng này sẽ lựa chọn các vùng cần khử răng cưa, tăng cường độ tương phản cho các vùng ảnh và “làm rõ” các chi tiết nhỏ để có thể so sánh được với các hình ảnh dựng sẵn ở độ phân giải cao hơn, chẳng hạn như các hình ảnh dựng ở 1440p có chất lượng gần đạt được mức như hình ảnh dựng ở độ phân giải UHD 4K 2560p trong khi chỉ hy sinh một ít sức mạnh xử lý đồ họa không đáng kể.

Hai tính năng này được lập trình viên huyền thoại Timothy Lottes, người đã phát triển thuật toán khử răng cưa FXAA cách đây 10 năm phát triển nhằm tăng cường chất lượng hình ảnh cho game

Trải nghiệm thực tế, có thể thấy các hình ảnh trong tối vẫn giữ được chi tiết tốt với các đường viền được “làm mịn” đáng kể trong khi ở các vùng mờ, nhòe do chuyển động trong hiệu ứng “motion blur” lại không bị can thiệp hợp lý, dẫn tới hình ảnh dù ở độ phân giải thấp vẫn “đẹp hơn” đôi chút.

Khác với tính năng DLSS của NVIDIA có khuynh hướng làm nhòe hình ảnh khi xử lý bằng AI với khử răng cưa để làm giảm tải cho máy, các hình ảnh được xử lý trên RIS lại… rõ nét hơn hẳn lại cũng mang đến tác dụng tương tự, nhất là với các màn hình có độ phân giải cao 4K hiện nay có thể chơi ở các độ phân giải thấp hơn như 1440p mà vẫn giữ được chất lượng hình ảnh suy giảm không đáng kể.

Nếu xem xét kỹ vùng khoanh đỏ của hai hình trên, có thể dễ dàng thấy được khi bật tính năng RIS lên, các khu vực trong tối được làm tương phản cao hơn, độ nét cũng ấn tượng hơn

Tính năng Fidelity FX lại có hiệu quả rộng rãi hơn đối với tất cả các card đồ họa hiện đại, kể cả các dòng RX590 hay RX Vega trước đây chứ không chỉ riêng với dòng card Navi mới như RIS, nhưng điều này lại phụ thuộc khá nhiều vào studio phát triển, trong đó chỉ mới có game RAGE 2 được “nhúng” vào ngay từ khi ra mắt và sắp tới đây nữa là Borderland 3.

Nếu tận dụng tốt hai tính năng này, người dùng có thể chơi được game ở các mức độ phân giải thấp hơn độ phân giải mặc định (native resolution) với chất lượng ít suy giảm, nhờ đó đạt được tốc độ khung hình cao hơn (tương tự tính năng DLSS của “đội xanh”) nhưng với chất lượng hình ảnh tốt hơn khá nhiều.

Điều đáng tiếc là trong các tính năng mới ra mắt lần này cùng với dòng card đồ họa Navi, người viết vẫn chưa thể cảm nhận được sự khác biệt trong tính năng Radeon Anti Lag (RAL) giúp giảm độ trễ hình ảnh khi chơi các game thể thao điện tử.

Một phần vì mức chênh lệch thực tế khá nhỏ, tính bằng milisecond (1/1000 của giây) còn “trình” người viết lại “gà” với các game thể thao điện tử nên khó nhận biết được khác biệt, một phần khác tính năng này sẽ kết hợp tốt hơn với các màn hình có tốc độ phản xạ siêu thấp mà người viết cũng chưa có dịp được thử nghiệm cùng với AMD RX 5700 lần này.


SỨC MẠNH ẤN TƯỢNG

Trong những “úp mở” đầu tiên của AMD về sức mạnh của hai dòng sản phẩm mới của mình, bà Lisa Su cho rằng sản phẩm AMD RX 5700XT sẽ mạnh hơn sản phẩm RTX 2070 khoảng 10% và cũng tương tự với AMD RX 5700 với đối thủ RTX 2060.

Điều này khiến cho khi “đội xanh” cho ra mắt dòng sản phẩm RTX Super với RTX 2060 Super có những cải thiện tăng nhẹ nhàng so với RTX 2060 thông thường khoảng trên 10% thì đây lại trở thành đối thủ trực tiếp “ngang cơ” với tân binh đến từ “đội đỏ”.

Thật vậy, ngay từ phép thử đầu tiên 3DMark FireStrike, sản phẩm đã đạt được mức điểm số khá cao 19,365 điểm, ngang ngửa với mức điểm số 19,282 mà sản phẩm RTX 2060 Super đạt được trong các thử nghiệm gần đây.

Thậm chí ở phép thử 3DMark TimeSpy ở phép dựng hình DirectX12 thì điểm số đạt được vẫn “đúng với truyền thống” mạnh về phép thử của “đội đỏ” khi AMD RX 5700 thậm chí đạt đến 7,700 điểm, hơn đến gần 10% so với mức điểm số chỉ 7,093 điểm khi thử nghiệm trên RTX 2060 Super.

Đến với các phép thử game, thường thì theo “lệ cũ”, các sản phẩm đến từ AMD sẽ mạnh hơn ở các phép chấm điểm Benchmark, nhưng lại hay yếu hơn đôi chút so với các card đồng cấp đến từ “đội xanh”, nhưng lần này, những gì mà AMD RX 5700 thể hiện vẫn thật sự ấn tượng.

Đầu tiên, ở phép thử Assasin’s Creed Odyssey, AMD RX 5700 tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với cả RTX 2060 Super và RTX 2070 với khoảng cách lên đến 12%, điều này cho thấy engine của game làm việc rất tốt với chip xử lý đồ họa của AMD, trong khi với phép thử DOOM lại cho thấy điều ngược lại khi hai “đối thủ” đến từ đội xanh lại vượt lên khá nhiều, đến gần 20% với phép dựng hình OpenGL.

Hai phép thử Batman Arkham KnightBattlefield V không cho thấy rõ tương quan sức mạnh giữa hai bên do đây là hai game sở hữu các tính năng độc quyền của NVIDIA như PhysXRay Tracing, nhưng với các game còn lại cho thấy sức mạnh của AMD RX 5700 ở mức ngang ngửa, có chăng chỉ là thua sút đôi chút so với cả hai đối thủ RTX 2060 SuperRTX 2070.

Đây là một kết quả ấn tượng nếu biết rằng mức giá của AMD RX 5700 chỉ ngang với sản phẩm RTX 2060 trước đây, rẻ hơn gần 3 triệu đồng so với RTX 2060 Super hay tận 5.5 triệu đồng nếu so sánh với RTX 2070.

Điều này khiến cho AMD RX 5700 trở thành sản phẩm có tỷ lệ hiệu năng trên giá tiền tốt nhất hiện nay trong các sản phẩm ở phân khúc tầm trung và trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, xứng đáng trở thành một lựa chọn “ngon – bổ – rẻ” trong phân khúc này.


BẠN SẼ GHÉT

THIẾT KẾ “CÙI BẮP” VÀ RAY TRACING

Trong nhiều năm trở lại đây, nếu như NVIDIA đã có những thay đổi tích cực cho dòng sản phẩm tham chiếu bằng cách cho ra mắt các phiên bản Founders Edition bóng bẩy, có vẻ “xịn sò” hơn hẳn thì AMD vẫn trung thành với một thiết kế … “cùi bắp” từ rất nhiều năm trước cho dòng sản phẩm tham chiếu của mình.

Phiên bản AMD RX 5700 mà người viết nhận được là phiên bản tham chiếu với thiết kế tản nhiệt lồng sóc, mặt lưng đầy “trần trụi” phô bày bảng mạch với các chân hàn linh kiện và thậm chí cấu hình cấp điện 8+6pin vẫn được thiết kế theo kiểu… quay vô trong như kiểu vài năm trước đây để khỏi phải “gọt” PCB thay vì thiết kế quay ra ngoài đang thịnh hành.

Phiên bản AMD RX 5700 mà người viết nhận được là phiên bản tham chiếu với thiết kế tản nhiệt lồng sóc, mặt lưng đầy “trần trụi” phô bày bảng mạch với các chân hàn linh kiện

Mặc dù bị hãng “cắt gọt” sensor dò nhiệt, thế nhưng với một số cố gắng của người thử nghiệm thì khi stress test bằng phần mềm FurMark trong thời gian dài, nhiệt độ thổi ra ở mặt sau máy có thể vượt quá 80 độ. Điều đó có nghĩa là nhiệt độ của chip sẽ còn nóng hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, nếu đủ kiên nhẫn, bạn có thể đợi các hãng sản xuất linh kiện tung ra các phiên bản thiết kế lại (custom) với các bộ tản nhiệt “hạng nặng” mạnh mẽ hơn, tất nhiên là với mức giá cũng “xót túi” hơn sẽ ra mắt vào trung tuần tháng 8 này.

Ngoài ra, với các fan “ghiền” công nghệ mới thì việc thiếu vắng khả năng xử lý Ray Tracing chuyên biệt cũng là một vấn đề đáng phải cân nhắc khi AMD RX 5700 không sở hữu các nhân xử lý RT Core chuyên biệt, thế nên cho dù có mở được tính năng này lên thì người dùng vẫn phải chịu tốc độ khung hình ở mức “lê lết”.

Mặc dù vậy, AMD đã có những động thái cho thấy hãng sẽ hỗ trợ tính năng Ray Tracing trong tương lai thông qua bằng sáng chế về phương thức Hybrid Ray Tracing, nhưng chắc chắn là trong tương lai gần thì các fan của đội đỏ vẫn phải “nhìn thèm” dài dài so với các sản phẩm của đội xanh.

[rs_section_heading style=”style6″ heading=”GIÁ THAM KHẢO”]

HỖ TRỢ THIẾT BỊ

CỬA HÀNG THAM KHẢO

THÔNG TIN SẢN PHẨM

AMD

  • Tên sản phẩm: AMD RX 5700
  • Nhà sản xuất: AMD
  • Xuất xứ: Mỹ
Bạc 8.0

AMD RX 5700 là sản phẩm card chơi game tầm trung mới của AMD với khả năng "cân tốt" các game hiện hành khi sở hữu sức mạnh ngang ngửa RTX 2060 Super hay RTX 2070 cùng giá tiền "mềm mại" hơn rất nhiều.



Tuy vậy, sản phẩm vẫn tồn tại một vài vấn đề như phiên bản tham chiếu có thiết kế tản nhiệt khá tệ và không hỗ trợ tính năng Ray Tracing từ phần cứng