Skip to content

AMD RX 6800 – Đánh Giá Gaming Gear

AMD RX 6800 – Trong rất nhiều năm trở lại đây, các mẫu card màn hình của đội đỏ AMD thường được các game thủ xếp ở “chiếu dưới” khi trong rất nhiều năm, kể từ thời kỳ của những AMD R9 Fury X “chiến đấu” và không cạnh tranh được về sức mạnh khi so sánh với những NVIDIA GeForce GTX 980Ti của đội xanh, hay sau đó nữa là dòng Radeon VII bị “khai tử” chóng vánh khi rất khó cạnh tranh với các đối thủ cùng thời kỳ.

Thậm chí ngay vừa mới gần đây, sau khi cho ra mắt kiến trúc RDNA với tên mã Navi tiên tiến cùng những mẫu card đồ hoạ có thể xem như đạt được hiệu suất cao đáng kể so với các phiên bản trước đó như AMD RX 5700XTAMD RX 5700, trở thành những đối thủ đáng gờm cho các sản phẩm của NVIDIA trong cùng phân khúc, thậm chí “ép” đội xanh phải ra mắt các card đồ hoạ dòng RTX Super để cạnh tranh trong phân khúc trung và trung cao cấp, thế nhưng không rõ nguyên nhân mà AMD vẫn… bỏ trống hoàn toàn mặt trận cao cấp cho các mẫu card đồ hoạ GeForce RTX 2080 SuperGeForce RTX 2080 Ti “tung hoành”.

Mãi đến gần đây, ngay sau khi NVIDIA ra mắt các card đồ hoạ dòng GeForce RTX 30 Series, AMD cũng ngay lập tức “đáp trả” bằng các card đồ hoạ thế hệ mới sử dụng kiến trúc RDNA 2 dòng RX 6000 Series, và lần này, trái với thông lệ vài năm trước đây, hãng đã cho ra mắt “dàn tân binh” nặng ký với đầy đủ sức mạnh để cạnh tranh cùng nhiều công nghệ tiên tiến với các mẫu card đồ hoạ hàng đầu của đội xanh hiện nay.

Trong đó, phiên bản card đồ hoạ được nhiều game thủ đón đợi nhiều nhất lại chính là “đối thủ” trực tiếp của GeForce RTX 3070 ở phân khúc sản phẩm trung cao cấp với tên gọi AMD RX 6800. Với sự hỗ trợ của AMD, Vietgame.asia đã rất sớm nhận được phiên bản tham chiếu của card đồ hoạ này để đem đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết nhất về khả năng “gánh game” của sản phẩm trong những thử nghiệm thực tế.

Nào, hãy cùng đến với bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

AMD RX 6800 – MỘT NGÔN NGỮ THIẾT KẾ MỚI

Phải nói rằng trong một thời gian vô cùng dài hơi lên đến gần 20 năm, AMD hầu như không quá quan tâm thay đổi thiết kế các card đồ hoạ dòng tham chiếu (reference) của mình khi chỉ duy nhất sử dụng kiểu thiết kế tản nhiệt lồng sóc một quạt, điều này khiến cho người dùng có khuynh hướng lựa chọn các sản phẩm do các hãng sản xuất linh kiện tên tuổi trên thị trường như ASUS, Gigabyte, SapphireTech hay MSI thiết kế (custom) với những bộ tản nhiệt chất lượng cao và mức xung nhịp được tăng cường vô cùng ấn tượng.

Mãi đến tận thế hệ các card đồ hoạ dòng AMD RX 6000 Series lần này, “đội đỏ” mới chịu thay đổi thiết kế dòng card đồ hoạ tham chiếu của mình và điều này phản ánh rất rõ ràng trên phiên bản AMD RX 6800 mà Vietgame.asia nhận được.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Mặc dù cùng sở hữu thiết kế vỏ hộp có phần “nhỏ nhắn”, chỉ bằng cỡ 70% vỏ hộp tiêu chuẩn của các phiên bản custom như với AMD RX 5700XT trước đây, thế nhưng khi tiến hành “khui hộp”, bạn sẽ thấy một thiết kế card đồ hoạ hoàn toàn mới mẻ với ba quạt tản nhiệt thay cho thiết kế lồng sóc truyền thống “theo bước” đội đỏ trong gần 20 năm qua.

Mãi đến tận thế hệ các card đồ hoạ dòng AMD RX 6000 Series lần này, “đội đỏ” mới chịu thay đổi thiết kế dòng card đồ hoạ tham chiếu của mình

Theo một số nguồn tin mà nhóm nhận được, trong lần ra mắt này, AMD đã uỷ quyền việc sản xuất các card đồ hoạ dòng tham chiếu của mình cho “đồng minh” trung thành nhất của hãng là SapphireTech. Chính vì thế không lấy gì làm lạ khi bạn có thể thấy được “bóng dáng” ngôn ngữ thiết kế thân thuộc của các sản phẩm đến từ tay nhà sản xuất này, chẳng hạn như Sapphire Pulse RX 5600 XT 6G.

Dĩ nhiên là với bàn tay “nhào nặn” thần kỳ của các kỹ sư đến từ hãng này, chất lượng của phiên bản AMD RX 6800 mà bạn nhận được là vô cùng đáng hài lòng.

Đầu tiên, có thể dễ dàng thấy được, tương tự như những card đồ hoạ cao cấp vừa được ra mắt gần đây như ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G hay Gigabyte RTX 3080 Vision OC 10G, các kỹ sư của hãng đã sử dụng thiết kế hai mặt toàn bộ đều được làm bằng kim loại, có lẽ là chất liệu nhôm để tạo ra một tổng thể sang trọng mà vững chãi.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Mặt sau là một tấm áo giáp nhôm kéo dài từ đầu đến cuối thân card mà không có bất kỳ “cửa sổ” thông khí nào, vô cùng truyền thống. Điểm nhất duy nhất là khu vực chân đế chip và ngàm chữ X giữ tản nhiệt được mạ crôm sáng bóng . Điều đáng lưu ý là từ phần “lưng” mở ra của chip, có thể thấy card sử dụng một lượng khá lớn các tụ gốm nhiều lớp MLCC (Multi Layer Ceramic Capacitor), thậm chí nhiều hơn cả lượng tụ được dùng trên ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G trước đây.

Nếu so sánh với các hãng sản xuất thường phối hợp hai loại tụ POSCAP và MLCC với nhau, kiểu thiết kế sử dụng duy nhất một loại tụ này là khá hiếm thấy, thường thì nó sẽ dễ dàng phục vụ cho một mục đích cấp điện ở một tần số nhất định. Nhưng cũng có lẽ khi áp dụng thiết kế có phần “cực đoan” này, các kỹ sư của hãng đã rút kinh nghiệm từ khả năng dễ “đột tử” khi hoạt động ở xung nhịp cao trên các card dòng tham chiếu của AMD RX Vega 64 trước đây có một phần không nhỏ liên quan đến vai trò của các tụ POSCAP.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Nhìn từ trên xuống, phiên bản card đồ hoạ AMD RX 6800 cũng không quá dày với tản nhiệt cũng thuộc loại tiêu chuẩn chiếm 2 khe PCI Express, kéo dài trải đều suốt dọc theo chiều dài của bảng mạch PCB, khác hẳn xu hướng dùng PCB ngắn của NVIDIA khởi xướng và được các hãng sản xuất khác học theo.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Điểm nhấn của khu vực phía trên card chính là một vòng tròn bằng nhựa và dòng chữ Radeon màu đỏ, đây cũng là khu vực mà các kỹ sư thiết kế “nhồi nhét” đèn LED trang trí cũng… màu đỏ đặc trưng của hãng, tạo nên hình dạng có phần giống… ống xả động cơ, làm nên điểm nhấn đặc sắc cho thùng máy của bạn.

Thế nên mẫu card đồ hoạ này thích hợp với phương thức dựng ngang theo kiểu truyền thống hơn là dựng đứng để “khoe” các quạt tản nhiệt và đèn trang trí ở mặt nạ trước như với nhiều sản phẩm cao cấp đến từ các hãng khác.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Với hệ thống quạt tản nhiệt “đồ sộ” bậc nhất trong các dòng card đồ hoạ tham chiếu của AMD trong suốt 20 năm vừa qua, AMD RX 6800 có màn trình diễn nhiệt độ khá ấn tượng khi đạt mức trung bình từ 75 đến 77 độ C khi chơi game.

Tuy nhiên, khi tiến hành thử nghiệm stress test FurMark, nhiệt độ của card đồ hoạ có thể “nhảy” lên mức 93 độ C, một con số khá cao so với mức nhiệt độ khi chơi game. Tuy nhiên, có lẽ đây là mức nhiệt mà các kỹ sư vẫn cho là an toàn nên cả ba quạt đều quay ở tốc độ vừa phải và yên lặng. Người dùng có thể dùng phần mềm tăng tốc quạt lên mức cao nhất để đạt được mức nhiệt độ tốt hơn, nhưng đổi lại độ ồn cũng lớn hơn.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Nhìn chung, phiên bản tham chiếu kiểu mới của AMD RX 6800 đã có nhiều thay đổi vô cùng tích cực cả trong thiết kế lẫn chất lượng vận hành nếu so sánh với những thế hệ card đồ hoạ tham chiếu trước đây của đội đỏ. Nhờ đó, phiên bản này không đơn giản chỉ là một phiên bản để người dùng … nhìn chơi cho vui, hay phục vụ theo kiểu trâu cày cho các “dân cày” tiền điện tử như trước.


AMD RX 6800 – SỨC MẠNH ẤN TƯỢNG!

Trong cách sắp xếp của AMD hiện nay đối với dòng sản phẩm RX 6000 Series, AMD RX 6800 là mẫu card đồ hoạ thuộc phân khúc tầm trung – cao cấp, thay thế cho vị trí của phiên bản AMD RX 5700XT trước đây để cạnh tranh trực tiếp với GeForce RTX 3070 của “đội xanh”.

Chính vì vậy mà “nhiệm vụ” của mẫu card đồ hoạ này là vô cùng đa dạng khi phải “chinh chiến” đủ các chiến trường độ phân giải từ cơ bản nhất ở mức 1080p phổ biến trên các màn hình chơi game phổ thông, 1440p trên các màn hình chơi game cao cấp, hay phải “gánh” độ phân giải lên đến 4K (2160p)

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Đến với những thử nghiệm cơ bản đầu tiên thông qua phép thử thông dụng 3DMark, dễ thấy được rằng với hai phép thử trên nền DirectX11 là 3DMark FireStrike và 3DMark FireStrike Ultra, AMD RX 6800 cho ra mức điểm số lần lượt là 43,148 và 10,417, “nhỉnh” hơn đôi chút so với mức điểm số 42,668 và 9,387 của ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G, nhưng đến với phép thử trên nền DirectX12 là 3DMark Time Spy thì khoảng cách giữa cả hai mới bị đưa về đúng vị trí của nó với mức chênh lệch từ 17.5% đến 20% trong từng phép thử.

Điều này cho thấy ở các tựa game cũ, phiên bản card đồ hoạ tầm trung – cao cấp của AMD thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả phiên bản card đồ hoạ cao cấp đến từ NVIDIA, chỉ đến khi phải đương đầu với các game dựng hình bằng DirectX12, “đấu sĩ” đến từ đội đỏ chỉ thua sút khoảng 20% so với đấu sĩ của đội xanh.

Trong khi đó, trong tương quan so sánh với phiên bản tiền nhiệm AMD RX 5700XT, sức mạnh của mẫu card đồ hoạ đời mới mạnh hơn từ 70% đến 80% trong cả hai phép thử dù cho AMD chỉ công bố mức tăng sức mạnh của các sản phẩm sử dụng kiến trúc RDNA2 so với thế hệ trước chỉ ở mức trên 50%. Đây là một con số vô cùng ấn tượng khi khoảng cách giữa hai đời sản phẩm chỉ là 1 năm.

Đáng chú ý nhất là thử nghiệm công nghệ dựng hình Ray Tracing với 3DMark Port Royal, phiên bản card đồ hoạ tầm trung – cao cấp của AMD đạt được điểm số 7,506 điểm, mạnh hơn đôi chút so với mức 6,777 trên Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G nhưng lại thua sút phiên bản RTX 2080Ti khoảng 10% và phiên bản RTX 3080 trên ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G đến 30%.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Điều này là dễ hiểu khi đối với hầu hết các game và ứng dụng được sử dụng công nghệ Ray Tracing có mặt trên thị trường hiện nay đều được tối ưu tốt cho các nhân RT Core của đội xanh. Thế nhưng trong tương lai, khi các hệ máy console đời mới như PlayStation 5XBOX Series X đều hỗ trợ công nghệ hình ảnh tiên tiến này thì vấn đề tương thích game sẽ được giải quyết triệt để hơn.

Thử nghiệm thực tế trên các game nặng hiện hành ở độ phân giải 1080p, có thể thấy khá nhiều vấn đề.

Các tựa game dòng Total War như Total War Saga: TroyTotal War: Three Kingdoms là những tựa game khai thác thành công sức mạnh của AMD RX 6800 với kết quả thu được vô cùng ấn tượng, bỏ xa kết quả của RTX 2080 Super.

AMD RX 6800 - Đánh Giá Gaming Gear

Trong khi đó, với tựa game Assasin’s Creed Odyssey vốn là miền “đất dữ” của đội đỏ, kết quả của phép thử dù tốt hơn tương đối so với phép thử trên AMD RX 5700XT, thế nhưng vẫn thua sút đôi chút so với RTX 2080 Super.

Tựa game “vua lỗi” Horizon Zero Dawn PC có màn trình diễn ở mức chấp nhận được khi hệ thống hoàn toàn có thể vận hành trơn tru với thiết lập cao nhất ở tốc độ 102fps, nhanh hơn 2fps so với khi thử nghiệm cùng card đồ hoạ ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là một tựa game chuyển hệ vốn được tối ưu tốt cho các card đồ hoạ đến từ “đội đỏ”.

Đáng chú ý là 2 tựa game có hiệu ứng Ray Tracing rất nổi tiếng trước đây là Battlefield V với hiệu ứng phản chiếu ánh sáng bề mặt (Ray Traced Reflection) thì phiên bản “đấu sĩ” của đội đỏ cố gắng lắm mới nhỉnh hơn chút đỉnh so với RTX 2080 Super trong khi đó, hiệu ứng đổ bóng theo thời gian thực (Ray Traced Shadow) trong Shadow of The Tomb Raider cho ra màn trình diễn tệ hơn quá nhiều.

Trong khi đó, tựa game khá mới là DIRT 5 được “nhồi nhét” đến 3 hiệu ứng bao gồm Ray Traced Shadow, Ray Traced Reflection và thậm chí là hiệu ứng nặng nhất Global Illumination (chiếu sáng toàn cảnh) từng xuất hiện trên Metro Exodus lại có màn trình diễn vô cùng xuất sắc với tốc độ trung bình đạt mức 97fps, hay Godfall, một tựa game chặt chém phong cách Soul like chỉ được ứng dụng gói hiệu ứng Ray Traced Reflection lại có tốc độ trung bình vọt lên mức 160fps.

Đây là hai tựa game mới mới nhất ứng dụng công nghệ Ray Tracing được ra mắt trong thời gian qua trên cả hệ máy PC và các hệ máy Next-gen Console được tối ưu tốt dành cho kiến trúc RDNA 2. Thế nên màn trình diễn ấn tượng của hai tựa game này cho thấy tương lai đầy hứa hẹn trong việc ứng dụng công nghệ này vào các game tương lai mà không gây ra quá nhiều gánh nặng cho hệ thống.

Có thể nói màn trình diễn của AMD RX 6800 là khá ấn tượng, thể hiện được sức mạnh dẫn đầu của một card đồ hoạ tầm trung – cao cấp. Mặc dù vẫn chưa tương thích hoàn toàn với các tựa game Ray Tracing nhưng những màn thể hiện với các tựa game mới hỗ trợ tính năng này vẫn cho thấy tiềm năng rất lớn trong tương lai.


BẠN SẼ GHÉT

VẤN ĐỀ TRÌNH ĐIỀU KHIỂN “MUÔN NĂM CŨ”

Phải nói rằng AMD có một “truyền thống” rất lạ lùng, đó là hãng luôn ra mắt các mẫu card đồ hoạ của mình với một bản trình điều khiển rất kém tương thích, mà thường phải mất vài tháng với vài bản cập nhật thì các card đồ hoạ đời mới này mới có khả năng phát huy tối đa sức mạnh của mình.

Tình trạng tương tự cũng xảy đến với AMD RX 6800, và thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi phiên bản trình điều khiển thử nghiệm mà AMD cung cấp cho báo chí xung đột với hầu hết các game mà người viết thử nghiệm ngoại trừ hai tựa game dòng Total War, DIRT 5 và Far Cry 5 có thể hoạt động trơn tru mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Tệ nhất có thể kể đến Borderlands 3Gears 5 là hai tựa game người viết bị văng game ngay từ menu chính, may mắn lắm người viết mới chạy trình chấm điểm của Borderlands 3 đúng một lần, nhưng biểu hiện ra ngoài vẫn rất nhiều “sạn” với tốc độ khung hình không thật sự ổn định.

Các tựa game khác đều… văng game và báo lỗi trình điều khiển một cách ngẫu nhiên, dù cho đó là tựa game “con cưng” Godfall cũng có những lúc tốc độ khung hình rơi xuống xấp xỉ 2fps và thậm chí… treo game.

Chính vì thế mà nếu không thật sự cần thiết, các bạn game thủ có thể chờ đợi thêm một bản trình điều khiển thật sự ổn định trước khi quyết định “xuống tiền” nâng cấp card đồ hoạ.

Vietgame.asia sẽ cập nhật thêm thông tin về vấn đề này cho bạn đọc sau.

phiên bản trình điều khiển thử nghiệm mà AMD cung cấp cho báo chí xung đột với hầu hết các game mà người viết thử nghiệm ngoại trừ hai tựa game dòng Total War

GIÁ THAM KHẢO

N/A


HỖ TRỢ

  • AMD

THAM KHẢO

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: AMD RX 6800
  • Nhà sản xuất: AMD
  • Xuất xứ: Mỹ

BÀI MỚI NHẤT


Bạc 8.0

AMD RX 6800 là gương mặt sáng giá trong phân khúc trung - cao cấp với thiết kế đẹp, tản nhiệt hiệu quả và sức mạnh ấn tượng. Thế nhưng vấn đề trình điều khiển làm cho các trải nghiệm game không được mượt mà cũng là vấn đề quan trọng mà người dùng cần phải cân nhắc trước khi quyết định "xuống tiền"