Skip to content

Assassin’s Creed: Rogue – Đánh Giá Game

Assassin's Creed: Rogue

Assassin’s Creed: Rogue – “Chúng ta tạo nên trật tự từ sự hỗn loạn. Nếu tất cả mọi thứ đều có thể, không ai được an toàn”.

Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền (Order of the Knights Templar) – đối thủ “truyền kiếp” của hội Sát Thủ (Assassin Brotherhood), tồn tại với một mục đích chính: tạo nên một trật tự thế giới mới bằng mọi giá.

Bởi vì sự “tương phản” trong mục đích của mình, cả hai thế lực này dấn thân mình vào những cuộc xung đột diễn ra khắp hàng trăm năm, kéo dài cho đến thời hiện đại.

Và cũng từ đó, ranh giới trắng đen “thiện-ác” cũng lu mờ dần.

Giữa những luận điệu và chính kiến đối lập nhau, đều tồn tại một âm mưu, một mục đích riêng mà chỉ có lòng dạ con người mới có thể tạo ra được.

Lời thề danh dự của một Sát Thủ, đó chính là: Không làm hại đến người vô tội và không tiết lộ sự tồn tại của hội Sát Thủ…

“… và ta thật ngu ngốc khi tin vào điều đó” – Shay Patrick Cormac

Khi “niềm tin” (Creed) trở nên “biến chất” (Rogue), liệu bội phản có còn là hành động đáng khinh nếu như nó đứng về phía chính nghĩa?

Nếu không có gì là trường tồn, thì còn bao nhiêu sinh mạng phải mất đi để đánh đổi cho sự tự do?

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện hấp dẫn, dẫn dắt kịch tính

Assassin’s Creed: Rogue, đúng hệt như cái tên của nó, là một sự “biến chuyển” mới lạ trong biên niên sử Assassin’s Creed.

Trò chơi đưa người chơi vào vai Shay Patrick Cormac – một thành viên của hội Sát Thủ tại Bắc Mỹ được dẫn dắt bởi Achilles Davenport.

Trong một lần theo dấu một cổ vật Precursor của phe Templar, Shay tìm ra được một Thần Khí Vườn Địa Đàng (Piece of Eden) tại thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng… nó lại “xé toạt” nơi đây, biến cả một vùng đất trù phú thành bình địa.

Nhận ra sự nguy hiểm của các Pieces of Eden, Shay tìm cách ngăn chặn các Assassin lần theo dấu vết khu vực còn lại, để rồi bị chính những người đồng đội cũ của mình truy sát.

Kể từ đó, Shay rũ bỏ cái gọi là “niềm tin của Sát Thủ” và trở thành một Templar.

Đây cũng là điểm mà Assassin’s Creed: Rogue gây ấn tượng lớn nhất: sự biến chuyển rõ rệt nhưng không phân tách trắng-đen của Shay Patrick Cormac.

Assassin’s Creed: Rogue lại mang đến một bộ mặt mới, rất khác với những gì mà chúng ta từng được biết đến về Templar từ trước đến giờ

Điều đó có nghĩa là gì?

Xuyên suốt hầu hết tất cả các phiên bản Assassin’s Creed, Templar là thế lực đối đầu với hội sát thủ, thế nên họ tự động được coi như là phe “phản diện”.

Tuy nhiên, Assassin’s Creed: Rogue lại mang đến một bộ mặt mới, rất khác với những gì mà chúng ta từng được biết đến về Templar từ trước đến giờ.

Bạn sẽ dành khoảng 1/3 thời lượng đầu game để làm quen và hình thành mối quan hệ với những Sát Thủ bằng hữu, những người mà Shay sẽ săn lùng trong suốt quãng thời gian còn lại.

Và kể cả khi trở thành một Templar, Shay vẫn giữ lại sự trung lập trong hành động, nhưng luôn đi theo lẽ phải trong ý chí của mình.

Shay luôn tỏ ra thương xót với những người mà mình phải xuống tay hạ sát, dù cho đó là một Templar “gần đất xa trời”, đến nỗi không thể nào cầm nổi thanh kiếm, hay một người đồng đội cũ và cũng là người bạn thời thuở bé.

Shay không hề muốn làm bất kỳ điều gì trong số đó, nhưng chính nghĩa buộc anh phải làm vậy.

Điều đó đã giúp cho Shay Patrick Cormac trở thành một nhân vật ấn tượng, rất “có hồn” và dễ cảm thông. 

“Tà nhưng không ác”, và chính việc Assassin’s Creed: Rogue không vẽ lên bức tranh trắng-đen tương phản khi khắc họa nhân vật Shay Patrick Cormac cũng là điểm mạnh nhất trong cốt truyện của trò chơi.

Có thể nói, Assassin’s Creed: Rogue mang tính “cá nhân” rất nhiều, khi trò chơi tập trung vào cuộc xung đột giữa Assassin và Templar dưới một góc nhìn hoàn toàn mới, với rất ít sự tham gia của yếu tố chính trị.

Assassin's Creed: Rogue

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Assassin’s Creed: Rogue mất đi một nét độc đáo khác của mình, đó chính là yếu tố “chèo lái” lịch sử mà ngược lại, nó còn được vận dụng một cách khéo léo trong mạch truyện chính của trò chơi.

Về tổng thể, mặc dù còn sở hữu một vài lỗ hổng to “tổ bố” trong cốt truyện (Assassin đi “mò” Piece of Eden để làm gì khi mà biến nó thành vũ khí là điều bất khả thi?), thì khó có thể chê trách được gì ở cốt truyện trong game, nhất là khi Assassin’s Creed: Rogue còn mang nặng tính “fan service” khi “nối” sự kiện của hai phiên bản Assassin’s Creed IIIAssassin’s Creed IV: Black Flag với nhau, và thậm chí còn hé lộ một chi tiết quan trọng trong Assassin’s Creed: Unity nữa!

Bí mật đó là gì thì người viết xin mời các bạn… tự tìm hiểu trong Assassin’s Creed: Rogue.


Bình mới, rượu cũ, vị ngon!

Dòng game Assassin’s Creed nói riêng và tất cả các tựa game sandbox của Ubisoft nói chung trong những năm gần đây đều bị chỉ trích về việc… lạm dụng một công thức chung một cách thái quá, đó chính là: thế giới mở với rất nhiều hoạt động bên lề, nhiệm vụ có chung mô-típ là rượt đuổi hoặc ám sát, “mở khóa” bản đồ từ những khu vực trên cao…

Cả 3 tựa game mang mác “next-gen” trong năm 2014 của Ubisoft là Far Cry 4, Watch DogsAssassin’s Creed: Unity vẫn tái sử dụng công thức này.

Thực sự thì, điều đó có thực sự “tồi tệ” đến mức khủng khiếp mà người ta thường hay cho rằng không?

Công thức đó dĩ nhiên thể hiện sự “lười biếng” và thiếu sáng tạo của Ubisoft, nhưng cá nhân người viết cho rằng nếu biết cách “chọc ngoáy” một cách vừa phải thì trò chơi vẫn có thể khiến người chơi cảm thấy thoải mái, mà không cần bất kỳ thay đổi lớn nào trong lối chơi.

Assassin’s Creed: Rogue, một phần nào đó, đã làm được điều đó.

Nếu biết cách “chọc ngoáy” một cách vừa phải thì trò chơi vẫn có thể khiến người chơi cảm thấy thoải mái, mà không cần bất kỳ thay đổi lớn nào trong lối chơi

Đầu tiên, bối cảnh của Assassin’s Creed: Rogue là sự kết hợp của Assassin’s Creed III (rừng rậm, các thị trấn lớn nhỏ, băng tuyết) và Assassin’s Creed IV: Black Flag (du ngoạn giữa đại dương bao la).

Sự biến chuyển giữa hai “phạm vi hoạt động” này giúp nhịp độ của trò chơi trở nên thanh thoát hơn, không có cảm giác “ngấy”.

Kế đến, những hoạt động bên lề vẫn có mặt trong Assassin’s Creed: Rogue, nhưng bởi vì người chơi là một Templar, thế nên trò chơi cũng mang đến một số thay đổi nho nhỏ, chẳng hạn như: trước đây là nhận thư từ bồ câu để đi ám sát mục tiêu, thì bây giờ là cướp thư để ngăn chặn mục tiêu bị ám sát; nếu bạn lỡ tay giết quá nhiều dân thường, thì sẽ có một số tên “thợ săn tiền thưởng” (bounty hunter) tới rượt đuổi bạn; đi đứng phải cẩn thận, bởi vì những tên Assassin “tay mơ” rất khoái “úp sọt” Shay từ bụi rậm hay trên cao…

Hai trong số ba bản đồ chính của trò chơi là Bắc Băng Dương và thung lũng sông Hudson, thế nên du ngoạn trên mặt nước vẫn là một phần không thể thiếu trong phần chơi chính của Assassin’s Creed: Rogue.

Assassin's Creed: Rogue

Ngoài cá voi thì người chơi còn có thể săn thêm hai loài động vật khác là gấu Bắc Cực và kỳ lân biển.

Khu vực Bắc Băng Dương còn sở hữu rất nhiều khối tảng băng trôi, khi bị bắn tan tành thì sẽ làm mực nước dâng cao đánh chìm thuyền nhỏ hoặc giúp người chơi né tránh tầm nhìn của thuyền lớn.

Trái ngược với môi trường khá rộng lớn của Bắc Băng Dương, thung lũng sông Hudson lại tập hợp những khu “địa đạo” nhỏ hẹp, tạo nên một số chiến thuật “móc lốp” khá hay và cũng không kém phần thử thách.

Chung quy lại, lối chơi của Assassin’s Creed: Rogue không có quá nhiều thay đổi đáng kể, mà đa số các cơ chế đều được tùy biến lại một chút để phù hợp hơn với bối cảnh của trò chơi.

Ngoài ra, cũng bởi vì mạch truyện chính khá ngắn so với các phần trước, mà Assassin’s Creed: Rogue không gây nên cảm giác chán nản do game dài “lê thê” như trước kia.

BẠN SẼ GHÉT

Assassin's Creed: Rogue

Những khuyết điểm “nói mãi vẫn chả chịu sửa”

Cá nhân người viết không phải là dân “kỳ cựu” bám sát loạt game Assassin’s Creed, và kể từ phiên bản Assassin’s Creed: Brotherhood cho đến Assassin’s Creed IV: Black Flag, người viết đã nhận ra rất nhiều khuyết điểm chung mà thật đáng ngạc nhiên rằng Ubisoft vẫn chưa chịu sửa sau ngần ấy năm.

Assassin’s Creed: Rogue vẫn mắc phải một số khuyết điểm đã tồn tại trong các phiên bản trước.

Vâng, rất là “sốc” phải không nào?

Nhược điểm đầu tiên nằm ở ngay cơ chế điều khiển trong game.

Lối di chuyển vượt chướng ngại vật tự do là một trong các “bản sắc” của Assassin’s Creed, thế mà lối điều khiển bất thuận tiện lại là trở ngại khiến rất nhiều người mới chơi, kể cả người viết, phải “nhíu mày” bởi cái sự thô kệch đến khó tin của nó.

Thử một ví dụ như thế này nhé: bạn đang đứng trên một hàng rào và muốn bước xuống mặt đất.

Chắc chắn sẽ có rất nhiều người theo phản xạ tự nhiên là nhấn nút Shift (vì nó là nút vượt chướng ngại vật), nhưng không, nhấn Shift thì sẽ khiến Shay nhảy một bước dài ra, bạn phải nhấn E (thao tác “thả” người từ trên cao xuống) mới được.

Sẽ chả là vấn đề gì lớn lắm nếu như Assassin’s Creed: Rogue đã không… gán sẵn nút Space dành cho động tác nhảy bước dài.

Chính nhược điểm đó khiến cho việc điều khiển nhân vật trở nên cứng nhắc một cách không cần thiết, và nó còn có khả năng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của người chơi nữa.

Kể từ phiên bản Assassin’s Creed: Brotherhood cho đến Assassin’s Creed IV: Black Flag, người viết đã nhận ra rất nhiều khuyết điểm chung mà thật đáng ngạc nhiên rằng Ubisoft vẫn chưa chịu sửa sau ngần ấy năm

Khuyết điểm lớn thứ hai của Assassin’s Creed: Rogue và cả loạt game Assassin’s Creed, đó chính là cơ chế chiến đấu.

Thật sự trong số các tựa game hành động phiêu lưu góc nhìn người thứ ba mà người viết từng chơi, chưa có loạt game nào sở hữu một cơ chế chiến đấu phải nói là nhàm chán và thiếu hấp dẫn một cách “tàn bạo” như Assassin’s Creed.

Đầu tiên, hãy xét đến sự “phản hồi – cảm giác “đánh đấm” mà game tạo ra dành cho người chơi, chủ yếu gây ấn tượng ở mặt thị giác và thính giác.

Assassin's Creed: Rogue

Một trò chơi với các pha hành động cận chiến hấp dẫn phải khiến người chơi cảm nhận được lưỡi kiếm chạm vào da thịt đối thủ, phải “nghe” được tiếng “xoẹt” sắc bén trước khi máu đổ, và quan trọng nhất, phải có cảm giác “đã tay”! 

Assassin’s Creed: Rogue chỉ đáp ứng được yêu cầu ở phần thính giác.

Cử động nhân vật trong Assassin’s Creed: Rogue phải nói là cực kỳ tốt, ấy vậy mà người viết không thể hiểu nổi, mỗi khi “choảng” nhau thì không những nhân vật thực hiện động tác một cách chậm chạp, mà thỉnh thoảng còn bị “trễ” nhịp và khiến người cầm chuột mất kiểm soát, dẫn đến việc “spam” chuột trái liên hồi.

Chém vào địch thủ có cảm giác như chém vào bịch “bông gòn” vậy, không có cảm giác “sướng tay” nào cả bởi vì động tác của nhân vật không mạnh mẽ hay dứt khoát, mà cứ “trôi trôi” một cách “nhẹ tựa lông hồng”.

Đó là chưa kể cái sự dễ dãi một cách nực cười đến từ A.I “thiểu năng” và cơ chế phản đòn (Counter) liên hồi.

Nếu phải so sánh lối chiến đấu với một đối thủ khác cùng năm 2014 là Middle-earth: Shadow of Mordor thì thật sự, Assassin’s Creed: Rogue… không có cửa so kè lại. 

Nếu như Ubisoft muốn “nâng tầm” Assassin’s Creed thì họ phải thay đổi rất nhiều thứ, và cơ chế chiến đấu chính là một trong số đó.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft Sofia, Ubisoft Kiev
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 23/3/2015
  • Hệ máy: PC, PS3, Xbox 360

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 SP1/Windows 8/8.1 (64bit)
  • CPU: Intel Core i5 2400s @ 2.5 GHz/AMD FX-6100 @ 3.3 GHz
  • RAM: 
  • VGA: nVidia GeForce GTX 560Ti (1024 VRAM)/AMD Radeon HD 6870 (1024 VRAM)
  • HDD: 12 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen 5 1600 3.7Ghz
  • RAM: 16GB
  • VGA: GTX 1070 8GB
  • SSD: Crucial BX500 960GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT – CHƠI TRÊN HỆ PC

7.5

Có rất nhiều lý do để nói có hoặc không với Assassin's Creed: Rogue. Trò chơi sở hữu lối dẫn chuyện cực kỳ hấp dẫn, liền mạch cùng với giới thiệu một góc nhìn hoàn toàn mới lần đầu góp mặt trong loạt game "dài hơi" này.



Assassin's Creed: Rogue cũng "học tập" rất nhiều ưu điểm và khuyết điểm đã "làm nên" hai phiên bản trước là Assassin's Creed IIIAssassin's Creed IV: Black Flag.



Phiên bản PC chạy rất "mượt mà", đồ họa hơi lạc hậu so với Assassin's Creed: Unity nhưng những bản nhạc nền hùng tráng đã "bù lắp" lại phần nào khuyết điểm ở phần nhìn.

Thế nên hơi khó để có thể cho rằng Assassin's Creed: Rogue có đáng mua và đáng chơi hay không, nhưng không thể chối cãi rằng, trò chơi có súc hút riêng của nó, bởi tựa game cũng đóng góp một phần quan trọng trong trang sử của Assassin's Creed.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận