Skip to content

ASUS ROG Zephyrus S GX502 – Trên tay và đánh giá nhanh

ASUS ROG Zephyrus S GX502

ASUS ROG Zephyrus S GX502 – Có thể nói không ngoa rằng Zephyrus là cái tên ấn tượng bậc nhất trong số các sản phẩm laptop chơi game “hạng nặng” của ASUS với thiết kế mỏng manh, khối lượng nhẹ nhưng vẫn sở hữu sức mạnh thuộc hàng cao cấp nhờ vào card màn hình dòng Max-Q tiết kiệm điện năng do NVIDIA sản xuất đi kèm với một CPU Intel Core i7 “hàng khủng”.

Thừa thắng xông lên, trong những tháng đầu năm 2019 vừa qua, hãng đã quyết định cho ra mắt phiên bản nâng cấp tiếp theo của dòng laptop Zephyrus lừng danh này với tên gọi ASUS ROG Zephyrus S GX502.

Với lần nâng cấp này, nhờ những tiến bộ về công nghệ tản nhiệt và chế tạo, ASUS đã thành công tích hợp vào sản phẩm cao cấp nhất dòng Zephyrus này một card đồ họa RTX 2070 “nguyên kiện” chứ không phải phiên bản Max-Q tiết kiệm điện như các phiên bản trước đây, góp phần “nâng tầm” của sản phẩm vượt ra khỏi “cái bóng” của dòng máy laptop chơi game mỏng nhẹ “hybrid” để bước vào đội ngũ những laptop chơi game “hạng nặng” thực sự.

Trong dịp giới thiệu sản phẩm mới Be Unstopable vừa qua tại TP.HCM, Vietgame.asia đã có dịp “trên tay” và đánh giá nhanh sản phẩm đầu tiên về đến thị trường Việt Nam. Hãy cùng xem các bạn nhé!


THIẾT KẾ SIÊU MỎNG, SIÊU MẪU

Về tổng thể, ASUS ROG Zephyrus S GX502 có thiết kế gần như giữ nguyên so với thế hệ đầu tiên với vẻ ngoài vuông vắn, lớp vỏ ngoài được chế tạo bằng hợp kim nhôm – ma nhê bền bỉ được ứng dụng trong lĩnh vực hàng không, tạo ra một bộ khung vỏ đủ cứng cáp để bảo vệ cho linh kiện đắt tiền bên trong dù kích thước có phần nhỏ gọn như một mẫu ultrabook.

Hãng đã phủ lên bề mặt sản phẩm một lớp sơn nhám, tiệp cùng với các vân xước của lớp vỏ nhôm tạo thành một lớp bảo vệ chống bám vân tay, dù không triệt để nhưng cũng giúp cho lớp vỏ máy đỡ loang lổ khi sử dụng trong thời gian dài.

Viền màn hình của ASUS ROG Zephyrus S GX502 vẫn được vát mỏng ba cạnh bao gồm cạnh trên và hai cạnh bên, trong khi cạnh dưới vẫn khá dày như thiết kế của thế hệ trước đó. Dĩ nhiên là với phương thức bố trí màn hình thế này, ASUS đã “cắt giảm” đi webcam vốn cũng không còn được sử dụng phổ biến trong thời điểm hiện tại.

Đối với phiên bản cao cấp này, hãng đã đem đến cho người dùng hai phiên bản sử dụng màn hình khác nhau bao gồm màn hình “siêu tốc” 240Hz dành cho game thủ chuyên nghiệp và tùy chọn sử dụng màn hình 144Hz với chứng nhận khả năng hiển thị màu sắc đến từ hãng in ấn tên tuổi Pantone cho các tác vụ thiết kế đồ họa và sáng tạo nội dung với khả năng thể hiện màu sắc chính xác.


Một thiết kế khá độc đáo của ASUS ROG Zephyrus S GX502 nằm ở mặt đáy với khả năng “nhấc mông” lên một góc nhỏ mà ASUS gọi đó là hệ thống tản nhiệt chủ động AAS (Active Aerodynamic System) giúp tăng lưu lượng gió vào trong lòng máy, tăng cường hiệu quả giải nhiệt, giúp cho máy có thể “cõng” được lượng nhiệt khổng lồ tỏa ra từ chip đồ họa RTX 2060 và vi xử lý Intel Core i7 9750H.

Tương tự như các sản phẩm gần đây, hãng cũng rất chịu khó trang bị đèn nền cho sản phẩm của mình gần như tất cả mọi nơi mà hãng có thể… nhét được. Có thể dễ thấy ngoài bàn phím RGB đã trở nên chuẩn mực trong một vài năm trở lại đây và logo ROG phát sáng thì hãng còn có thể trang bị cả đèn LED vào cả khe hở nâng máy. Không thể phủ nhận là một chi tiết nhỏ này cũng làm tăng ít nhiều giá trị thẩm mỹ của hệ thống so với việc “bỏ mặc”

Một thiết kế khá độc đáo của ASUS ROG Zephyrus S GX502 nằm ở mặt đáy với khả năng “nhấc mông” lên một góc nhỏ mà ASUS gọi đó là hệ thống tản nhiệt chủ động AAS (Active Aerodynamic System)


ASUS ROG Zephyrus S GX502 – Sức mạnh ấn tượng trong vẻ ngoài mỏng manh

Zephyrus là dòng laptop chơi game mỏng nhẹ và ASUS ROG Zephyrus S GX502 cũng không ngoại lệ khi chỉ nặng vẻn vẹn có 1.9kg, nhưng vẫn sở hữu cấu hình thuộc loại “khủng long” của các máy chơi game cao cấp.

Thử nghiệm với phép thử 3DMark quen thuộc trên cả 3 bài thử nghiệm cho kết quả rất khả quan với điểm số 3DMark FireStrike ở 14,625, 3DMark TimeSpy cho phép thử DirectX 12 ở 6,225 và phép thử Ray Tracing “hạng nặng” 3DMark Port Royal ở 3,461 điểm.

Với phiên bản thử nghiệm sử dụng card đồ họa RTX 2060 phiên bản đầy đủ dành cho gaming laptop, có thể thấy sức mạnh mà hệ thống đạt được chỉ thua phiên bản dành cho PC vào khoảng 10% mà thôi, mạnh hơn rất nhiều so với phiên bản tiết kiệm năng lượng Max-Q hay được dùng trên các máy laptop chơi game nhỏ gọn.

Với sức mạnh này, ASUS ROG Zephyrus S GX502 dễ dàng “chiến” tất cả các game hiện nay ở thiết lập cao nhất, kể cả khi mở những tính năng nặng nề như Ray Tracing.

Khi “tiểu phẫu” và khám phá “nội thất” máy, thiết kế của ASUS ROG Zephyrus S GX502 cho thấy sự chú trọng sâu sắc của đội ngũ kỹ sư hãng hơn nhiều so với một phiên bản laptop chơi game “nồi đồng cối đá” như ASUS TUF Gaming FX505DU mà nhóm thử nghiệm có dịp “trên tay” trong thời gian gần đây.

thiết kế của ASUS ROG Zephyrus S GX502 cho thấy sự chú trọng sâu sắc của đội ngũ kỹ sư hãng hơn nhiều so với một phiên bản laptop chơi game “nồi đồng cối đá” như ASUS TUF Gaming FX505DU

Dễ thấy nhất là số lượng ống dẫn nhiệt cũng nhiều hơn, lên đến 5 ống với 4 lỗ hút và thổi khí được bố trí hai bên và phía sau máy. Nhờ vậy mà nhiệt độ máy không thật sự cao khi hoạt động ở thiết lập năng lượng Balance với xung mặc định của CPU.

Ở thiết lập này, khi “chiến” game Player’s Unknown Battleground, CPU chỉ tải vào khoảng 40% với nhiệt độ vào khoảng 76-77 độ C, trong khi chip xử lý đồ họa phải tải gần như đầy công suất với mức nhiệt cũng chỉ ở 82-84 độ C, khá “mát mẻ” nếu so sánh với một số mẫu máy laptop chơi game mỏng nhẹ khác trong cùng phân khúc.

Bản lề cũng là một bộ phận được ASUS chú ý sâu sắc với thiết kế bánh răng thay vì kết cấu trượt như bản lề trên các laptop “rẻ tiền” khác, giúp cố định được vị trí màn hình và đảm bảo độ bền cơ học cho khớp nối khi sử dụng trong thời gian dài. ASUS ROG Zephyrus S GX502 cũng sở hữu bộ pin lên đến 76Wh, khá thoải mái cho một ngày làm việc thông thường mà không cần cắm sạc với thời lượng hoạt động lên đến gần 7 giờ với các tác vụ nhẹ nhàng.


TỔNG QUAN

ASUS ROG Zephyrus S GX502 là một sản phẩm laptop chơi game mỏng, nhẹ hoàn toàn mới của ASUS với cấu hình mạnh mẽ, thiết kế và gia công sắc sảo, đem đến ấn tượng ban đầu rất tốt đối với một laptop chơi game mỏng nhẹ, xóa nhòa ranh giới giữa dòng máy này với các laptop chơi game thông thường khi sử dụng chip xử lý đồ họa đầy đủ thay vì các dòng chip Max-Q như truyền thống.

THIẾT BỊ ĐƯỢC ASUS HỖ TRỢ

Tác giả

Thảo luận