Skip to content

ASUS Strix G17 G713 – Đánh Giá Nhanh

ASUS Strix G17 G713 – Đến hẹn lại lên, sau khi các hãng công nghệ hàng đầu cho ra mắt các linh kiện phần cứng tiên tiến, ASUS lại cho ra mắt cộng đồng game thủ những mẫu laptop chơi game thế hệ mới tại sự kiện công nghệ điện tử tiêu dùng CES 2021 với nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, mang đậm tính cách mạng, chẳng hạn mẫu laptop chơi game mỏng nhẹ nhất thế giới ROG The Flow X13 gây ra ngạc nhiên không nhỏ cho các fan của hãng.

Ở phân khúc laptop chơi game tầm trung, khu vực “chiến trường” mà ASUS có nhiều lợi thế trong những năm vừa qua cũng chứng kiến những mẫu sản phẩm đời mới với cấu hình và thiết kế được thay đổi và nâng cấp mạnh mẽ.

Trong đó, các laptop dòng Strix giờ đây xuất hiện với một diện mạo hoàn toàn mới, hấp dẫn hơn, thừa hưởng rất nhiều những yếu tố cao cấp từ dòng sản phẩm SCAR của năm trước, tạo thành một cuộc “lột xác” ngoạn mục cho dòng sản phẩm Strix G.

Với sự hỗ trợ từ phía ASUS, Vietgame.asia đã có dịp “trên tay” mẫu laptop chơi game đời mới ASUS Strix G17 G713 để giới thiệu với bạn đọc những hình ảnh đầu tiên về mẫu laptop tầm trung đầy hấp dẫn này chỉ một vài ngày trước khi sản phẩm chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Hãy cùng chúng tôi xem qua mẫu laptop “hàng hot” này các bạn nhé!


ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

ASUS STRIX G17 G713 – CỨNG CÁP HƠN, MẠNH MẼ HƠN, PHONG CÁCH HƠN!

Phải biết rằng trong cách phân bố sản phẩm của ASUS trong một vài năm trở lại đây, dòng sản phẩm Strix thuộc về nhóm laptop gaming phổ thông, chỉ ngang hàng với dòng sản phẩm TUF vốn phục vụ cho nhóm đối tượng hoàn toàn khác.

Chính vì vậy mà từ trước đến nay, dòng sản phẩm laptop chơi game Strix có thiết kế thuộc loại “kém” nhất trong các dòng laptop chơi game của ASUS. Chẳng hạn như mẫu ROG Strix G15 ra mắt hồi năm ngoái chỉ được trang bị một lớp vỏ bằng nhựa cùng với cấu hình chỉ vừa đủ “gánh” card đồ hoạ GTX 1660 mà thôi.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

Thế nên khi lần đầu tiên “trên tay” phiên bản laptop ASUS Strix G17 G713, người viết đã cảm thấy một sự thay đổi ngoạn mục cho dòng sản phẩm Strix.

Trước hết, lớp vỏ ngoài của laptop được sử dụng chất liệu nhôm xước với rất nhiều hoạ tiết được in laser lên bề mặt, khá giống với dòng sản phẩm SCAR trước đây, tạo ra cảm giác chắc chắn và sang trọng hơn hẳn lớp vỏ bằng nhựa sơn giả kim loại trên thế hệ trước.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

Logo ROG cũng được ASUS “lên đèn” với đèn nền màu trắng bắt mắt trong bóng tối. ASUS cũng cho người dùng 3 tuỳ chọn màu sắc cho lớp vỏ ngoài và màu trang trí, bao gồm phiên bản màu đen, màu xám và màu hồng Electropunk, trong đó, riêng phiên bản Electropunk sẽ sở hữu đèn nền logo màu hồng.

Các cổng kết nối lớn như cổng mạng LAN RJ45, cổng HDMI đều được đẩy ra phía sau, “chừa chỗ” cho đến 4 cổng hút – xả nhiệt thay vì chỉ có 3 cổng như trên phiên bản trước.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

Đây cũng là một sự “phá cách” của ASUS, bỏ qua lối mòn “phân cấp” sản phẩm thông qua số lượng cổng hút – xả nhiệt truyền thống để đem đến cho ASUS Strix G17 G713 một thiết kế tối ưu nhất về tản nhiệt.

Mặt sau máy cũng được trang trí bằng nhiều chi tiết khắc chìm, chẳng hạn như “khẩu hiệu” mới năm nay của các sản phẩm ROG “FOR THOSE WHO DARE”, hướng đến những game thủ “dám” thử nghiệm những yếu tố mới như sử dụng vi xử lý đời mới của AMD, “mạo hiểm” sử dụng keo tản nhiệt dạng kim loại lỏng…

Ngoài ra, phần rìa viền dưới của mặt sau máy được ASUS trang bị một dải đèn LED màu RGB trang trí làm tăng độ nổi bật cho laptop khi hoạt động trong bóng tối. Đây cũng là một tính năng cao cấp được trang bị trên dòng sản phẩm laptop chơi game cao cấp ASUS SCAR III trước đây được mang xuống cho dòng sản phẩm tầm trung Strix.

ASUS cũng trang bị cho laptop bàn phím đèn màu RGB sở hữu thiết kế khung bàn phím (layout) phù hợp cho game thủ với các phím WASD được đặt ở khu vực ít chịu ảnh hưởng về nhiệt, cụm phím điều hướng được tách riêng ra khỏi nhóm các phím bấm khác cho các thao tác đơn giản, ít bị bấm nhầm hơn so với thiết kế phím nhỏ liền hàng trên thế hệ trước. ASUS cũng đem đến tuỳ chọn phiên bản cao cấp sở hữu đèn nền RGB hoạt động riêng biệt cho từng phím khác nhau cho người dùng yêu thích trình diễn.

Bàn phím này có chất lượng tương đối tốt trong thế giới bàn phím laptop chơi game hiện nay với độ nẩy vừa phải, kích thước phím đủ lớn để người dùng thao tác nhanh mà không bị hụt phím.

Mở máy lên, đập vào mắt người dùng là màn hình có kích thước lên đến 17 inch được chế tạo “chuyên dụng” cho mục đích chơi game, đặc biệt là các game thể thao điện tử eSports đang thịnh hành hiện nay.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

ASUS đem đến cho người dùng hai tuỳ chọn màn hình đối với ASUS Strix G17 G713, trong đó phiên bản dành cho các tuyển thủ thể thao điện tử sẽ có độ phân giải full HD 1080p và tốc độ quét hình siêu nhanh lên đến 300Hz. Trong khi đó, phiên bản dành cho game thủ thông thường có độ phân giải 1440p và tốc độ quét hình 165Hz.

Phiên bản tốc độ siêu nhanh dành cho tuyển thủ có chất lượng hiển thị màu thua sút đôi chút so với phiên bản dành cho game thủ, nhưng vẫn rất tốt so với các tấm nền siêu tốc thông thường vốn tập trung mạnh vào phát huy tốc độ quét hình,. Tấm nền này đạt mức 100% dải màu sRGB, còn với phiên bản 1440p@165Hz, khả năng bao phủ dải màu DCI-P3 đạt mức 100%, không chỉ phù hợp cho chơi game, mà còn cho các mục đích làm việc và hiệu chỉnh phim ảnh chuyên nghiệp.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

ASUS cũng trang bị cho mẫu máy chơi game tầm trung của chúng ta một cấu hình thuộc loại “khủng long”, vốn chỉ có thể thấy trên các dòng laptop SCAR hay Zephyrus thế hệ trước với CPU AMD Ryzen 7 Mobile 5800H và card đồ hoạ NVIDIA RTX 3070 8GB.

Ở phiên bản này, ASUS đã “khơi thông” sức mạnh cho cả CPU và GPU hoạt động hết công suất cho phép, đem đến khả năng xử lý game ở tốc độ cao nhất mà “bộ đôi” này có thể mang lại. Cũng phải nói thêm rằng kể từ dòng sản phẩm RTX 30 Series trở đi, NVIDIA đã huỷ bỏ khái niệm Max-Q tiết kiệm điện năng.

ASUS Strix G17 G713 - Đánh Giá Nhanh

CPU và GPU giờ đây có thể chia sẻ nguồn điện cho nhau để tăng tốc cho card đồ hoạ khi CPU không chạy ở chế độ toàn tải.

Nhờ vậy mà chỉ với một adapter nguồn dành cho laptop chơi game thông thường, ASUS Strix G17 G713 vẫn có thể phát huy sức mạnh ở mức cao nhất dành cho card đồ hoạ ở mức TDP lên đến 115W. Nhờ đó mà hệ thống đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng với một số kết quả thử nghiệm sơ bộ như sau:

Khi hoạt động ở mức tối đa, mẫu laptop chơi game của chúng ta có khả năng tản nhiệt ở mức rất tốt, nhờ “to gan” sử dụng keo dẫn nhiệt kim loại lỏng. Sở dĩ nói là “to gan” vì thiết kế CPU của AMD rất khác biệt so với Intel với rất nhiều tụ gốm nhỏ trên bề mặt chip. ASUS đã sử dụng một phương pháp phủ chống tràn bằng lớp vật liệu đặc biệt để bảo vệ các tụ điện này khỏi bị ăn mòn bởi keo tản nhiệt kim loại lỏng.

Bên cạnh đó, khi hoạt động với các tác vụ thông thường, người dùng hoàn toàn có thể sạc cho laptop thông qua cổng USB Type C bằng các cốc sạc di động công suất lớn thông thường. Tuy phương thức sạc này khá chậm và không thể dùng để chơi game nặng, nhưng nó giúp người dùng giảm bớt phiền hà khi phải “kè kè” theo một adapter điện cỡ lớn với khối lượng hơn 1kg như thông thường.

Nhờ vậy mà người dùng hoàn toàn có thể sử dụng mẫu laptop chơi game “hạng nặng” này cho công việc hàng ngày mà không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề nguồn điện. Dĩ nhiên là với sức mạnh to lớn của CPU và GPU, bộ pin của laptop không thể “trụ” được quá lâu. Thế nhưng điều này cũng dễ chấp nhận với một mẫu laptop chơi game.

Sản phẩm nhận được chính sách bảo hành 2 năm trên toàn quốc của ASUS. Người dùng có thể mua thêm 1 năm bảo hành với mức phí chỉ vào khoảng 2,300,000đ mà thôi. Nhờ vậy mà các game thủ “phá máy” nhất cũng có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng laptop trên những hành trình du đấu của mình.


TỔNG QUAN

Về tổng thể, ASUS Strix G17 G713 chứng kiến một cuộc “lột xác” ngoạn mục cả về thiết kế lẫn cấu hình đối với dòng sản phẩm Strix khi thừa hưởng rất nhiều yếu tố cao cấp từ dòng sản phẩm SCAR trước đây.

Với phiên bản này, có vẻ như ASUS mong muốn “tách” khái niệm dòng laptop chơi game Strix ra khỏi phân khúc tầm trung thông thường, hướng đến người dùng là những game thủ chuyên nghiệp và những tuyển thủ thể thao điện tử khi đem đến một giải pháp toàn diện và ấn tượng.


BÀI MỚI NHẤT