Skip to content

ASUS Strix RX VEGA 64 OC – “Trùm cuối” mới của “đội đỏ”

[alert color=”599E42″ icon=”fa-gittip” title=””] BÀI VIẾT SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐƯỢC ASUS HỖ TRỢ[/alert]Mặc dù ra mắt khách hàng từ khá sớm, nhưng dòng sản phẩm RX Vega 64 của “đội đỏ” AMD vẫn liên tục “cháy hàng” và cung không đủ cầu, dẫn đến các phiên bản custom của các nhà sản xuất thứ ba trễ hẹn với thị trường thế giới. Đến tận khoảng thời gian gần đây, khi sản lượng chip dần dần có thể thỏa mãn cho chính OEM của AMD thì các mẫu sản phẩm custom mới lần lượt xuất xưởng và ASUS là một trong những hãng điện tử đầu tiên mang RX Vega 64 “cập bến” thị trường Việt Nam với tên gọi ASUS STRIX RX VEGA 64 OC.

Hãy cùng Vietgame.asia mở hộp “trùm cuối” mới toanh của “đội đỏ” này các bạn nhé!

XEM THÊM
[timeline post=”130905, 130830″]
MỘT PHONG CÁCH STRIX, MỘT PHONG CÁCH “RẤT CÚ”
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, vỏ hộp của ASUS STRIX RX VEGA 64 OC gần như chẳng bao nhiêu khác biệt với các sản phẩm khác thuộc dòng STRIX gần đây của ASUS. Phải nói là kể từ khi hãng thay đổi chiến lược thiết kế mẫu mã vỏ hộp thống nhất theo quy cách chung trong hai năm trở lại đây, các mẫu card đồ họa mất đi phong cách riêng biệt vốn tạo dấu ấn riêng cho từng sản phẩm vốn rất thịnh hành từ thế hệ GeForce 900 trở về trước, đặc biệt là với các dòng… “trùm cuối” đóng vai trò tiêu chí cho công nghệ đỉnh cao của hãng. Đây là một điều khá đáng tiếc, nhất là khi mẫu thiết kế này đã khá nhàm chán khi được sử dụng xuyên suốt từ các dòng sản phẩm cấp thấp đến cao cấp cho cả “đội đỏ” và “đội xanh”.
vỏ hộp của ASUS STRIX RX VEGA 64 OC gần như chẳng bao nhiêu khác biệt với các sản phẩm khác thuộc dòng STRIX gần đây của ASUS
Ấn tượng thứ hai mà ASUS STRIX RX VEGA 64 OC mang đến cho người viết chính là… nặng. Nếu so sánh với các sản phẩm khác, kể cả đối với đối thủ nặng ký ASUS ROG STRIX GTX 1080 O8G mà Vietgame.asia đã giới thiệu trước đây thì sản phẩm cũng nặng hơn khá rõ nét, đủ sức “đe dọa” uốn bật chân các khe PCI Express 16x trên các bo mạch chủ thông thường. Do đó, để sử dụng sản phẩm này, bạn cần sử dụng thêm giá đỡ cho card đồ họa hay sử dụng các bo mạch chủ “xịn” với các chân PCI Express 16x được gia cố kỹ lưỡng.
THIẾT KẾ HẦM HỐ

Trên thực tế, ASUS STRIX RX VEGA 64 OC đập vào mắt người dùng không có mảy may khác biệt với các dòng sản phẩm card đồ họa khác với thiết kế ba quạt tản nhiệt được “nhồi nhét” hàng tá đèn LED RGB không thể nào quen thuộc hơn của dòng STRIX trong thời gian gần đây. Nhìn chung, thiết kế này cũng khá đẹp, nhất là khi lên đèn kết hợp với trình điều khiển AURA SYNC, các đèn LED RGB được bố trí tinh xảo sẽ đem đến những hiệu ứng ánh sáng bắt mắt, dễ dàng hòa vào cùng các thiết lập ánh sáng trong thùng máy của bạn.

Nhìn chung, thiết kế này cũng khá đẹp, nhất là khi lên đèn kết hợp với trình điều khiển AURA SYNC, các đèn LED RGB được bố trí tinh xảo sẽ đem đến những hiệu ứng ánh sáng bắt mắt
ASUS đã trang bị cho ASUS STRIX RX VEGA 64 OC khá đầy đủ các cổng kết nối bao gồm hai cổng DisplayPort, hai cổng HDMI đạt chứng nhận “VR-Friendly” và một cổng DVI-D dành cho các màn hình cũ. Số lượng cổng kết nối này là khá đầy đủ cho các nhu cầu sử dụng hàng ngày và nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người viết cho rằng với độ phổ biến của các kết nối cỡ nhỏ trong vài năm trở lại đây, cổng DVI-D hoàn toàn có thể nhường chỗ cho thêm các cổng HDMI hay DisplayPort khác, nhất là trong bối cảnh các card màn hình đời mới của AMD hoàn toàn có thể hỗ trợ lên đến 6 màn hình cùng lúc cho thiết lập đa màn hình. Điều này là tương đối cần thiết, nhất là với nhóm người dùng cao cấp hiện nay.

Khi “bóc tách” dần lớp mặt nạ bên ngoài, bạn sẽ thấy độ “hầm hố” của ASUS STRIX RX VEGA 64 OC chỉ thể hiện qua kết cấu chống đỡ thuộc loại dày dặn nhất trong các sản phẩm gần đây của ASUS đi kèm với bộ tản nhiệt khổng lồ. Đây là một trong những bộ tản nhiệt lớn nhất, nặng nhất mà hãng trang bị cho các card đồ họa thế hệ mới của mình với 9 ống dẫn nhiệt được mạ chrome sáng bóng. Để đỡ được bộ tản nhiệt “hạng nặng” này, ASUS thậm chí phải “gia cố” thêm một lớp khung thép ngay trên bề mặt của bảng mạch. Lớp khung thép này cũng có nhiệm vụ tạo tiếp xúc và dẫn nhiệt từ một số các linh kiện như VRAM, các phase điện để đảm bảo nhiệt độ vận hành cho sản phẩm.

Với kết cấu khá dày nặng như vậy, hệ thống này được cho là có thể tản nhiệt hiệu quả hơn đến 40% so với bộ tản nhiệt thông thường. Mà cũng chỉ sử dụng bộ tản nhiệt “hàng khủng” như thế, ASUS mới có thể đảm bảo việc vẫn sử dụng tản nhiệt khí trên một “con quái vật” ăn điện như RX Vega 64 vốn thường được giới thiệu đồng hành cùng các bộ tản nhiệt nước. Thêm vào đó, hãng cũng trang bị cho sản phẩm một bộ cổng kết nối ASUS Fan Connect II trên bo mạch nhằm đồng bộ hóa việc điều khiển quạt của sản phẩm và quạt hệ thống, nhằm đảm bảo được khả năng vận hành tối ưu.

ASUS STRIX RX VEGA 64 OC sở hữu đến hai chân cấp điện 8pin, cho công suất hoạt động ở mức tối đa lên đến 450W điện, vì thế người dùng cũng cần phải cân nhắc nhiều hơn đối với bộ nguồn và các giải pháp thông gió bên trong case để có thể đẩy ra lượng nhiệt khổng lồ của card khi chơi game lâu dài.

Mà cũng chỉ sử dụng bộ tản nhiệt “hàng khủng” như thế, ASUS mới có thể đảm bảo việc vẫn sử dụng tản nhiệt khí trên một “con quái vật” ăn điện như RX Vega 64
TỔNG QUAN
Mặc dù cùng sở hữu một thiết kế “đại chúng”, tương tự các sản phẩm khác thuộc dòng card xử lý đồ họa STRIX, nhưng ASUS STRIX RX VEGA 64 OC vẫn được hãng “ưu ái” một bộ tản nhiệt hàng khủng, tấm gia cố bề mặt bo mạch kiêm tản nhiệt cho VRAM và các linh kiện, hứa hẹn đem lại nhiệt độ hoạt động mát mẻ, ngay cả ở khi sản phẩm đang tải ở mức hoạt động cao nhất.

Tác giả

Thảo luận