Skip to content

ASUS Strix SCAR III – Đánh Giá Gaming Gear

ASUS Strix SCAR III – Đánh Giá

ASUS Strix SCAR III – Theo thông lệ hàng năm, ASUS lại tiếp tục nâng cấp các dòng laptop chơi game của mình, cả về thiết kế lẫn cấu hình với nhiều công nghệ mới mẻ nhằm phục vụ tốt hơn cho các game thủ, đặc biệt là những người hâm mộ trung thành của hãng trong suốt nhiều năm qua.

Dòng sản phẩm Strix SCAR có thể xem như dòng laptop chơi game trung – cao cấp, chỉ đứng sau có dòng sản phẩm “siêu mẫu” Zephyrus” đã được Vietgame.asia giới thiệu trong thời gian gần đây, nhận được khá nhiều “ưu ái” trong lần nâng cấp này với phiên bản ASUS Strix SCAR III.

Mặc dù thoạt nhìn về mặt ngoại hình, phiên bản mới được nâng cấp không có quá nhiều khác biệt so với phiên bản trước đây, thế nhưng đi sâu vào chi tiết, hãng đã bỏ rất nhiều công sức để hoàn thiện những chi tiết mà phiên bản trước vẫn làm “chưa tới”, nhằm đem đến một giải pháp di động toàn diện hơn cho người dùng, đặc biệt là các game thủ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó là những nâng cấp mạnh mẽ hơn về phần cứng với vi xử lý Intel Core i7 thế hệ thứ 9 đi cùng với card đồ họa NVIDIA RTX, đủ sức “gánh” các game “bom tấn” hay các game thể thao điện tử ở tốc độ siêu cao, đạt tầm “chuẩn eSports” và trở thành một trong những sản phẩm chính được sử dụng đầu tiên trong các giải đấu lớn của ESPN.

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

ASUS STRIX SCAR III – NHỎ HƠN, MỎNG HƠN, TIỆN LỢI HƠN

Nếu như một vài năm trước, khi nhắc đến các cỗ máy laptop chơi game, người ta thường nghĩ tới những laptop dày, nặng, thậm chí mang theo bên người không cần phải đến phòng tập Gym thì trong một vài năm trở lại đây, với sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ, các laptop chơi game đều có thể trở nên “thon gọn” đáng kể.

Tương tự như các thế hệ trước đó, thiết kế của ASUS Strix SCAR III khá nhỏ gọn với khối lượng thực chỉ vào khoảng 2.4kg và adapter điện cân nặng khoảng 900g, khá nhẹ và cũng khá dễ dàng để mang theo trong các hoạt động hàng ngày.

Sở dĩ sản phẩm đạt được mức khối lượng nhẹ như vậy là do hãng đã sử dụng nhiều chất liệu nhựa làm khung và vỏ máy, trừ các vị trí chịu lực và khớp nối quan trọng được làm hoàn toàn bằng kim loại. Tuy nhiên, chất liệu nhựa này được lựa chọn và sản xuất với chất lượng cao, khiến cho vỏ máy vẫn có độ cứng cáp như các sản phẩm làm bằng chất liệu nhôm thông thường.

ASUS Strix SCAR III được trang bị một màn hình 15.6 inch với tốc độ quét hình siêu cao lên đến 240Hz và thời gian đáp ứng 3ms, nhưng nhờ vào thiết kế ba cạnh viền siêu mỏng mà nhìn về mặt tổng thể, kích thước của máy còn nhỏ hơn một chút so với các máy có kích thước 14 inch trang bị viền màn hình dày của thế hệ trước.

Thay đổi đáng chú ý nhất và cũng là sáng giá nhất trên sản phẩm chính là bàn phím tích hợp đã được thay đổi khá nhiều so với phiên bản trước đó, bỏ hẳn phần phím số “bị bóp dẹp” có phần hơi… vô duyên và dời tính năng này sang bàn rê chuột.

ASUS Strix SCAR III được trang bị một màn hình 15.6 inch với tốc độ quét hình siêu cao lên đến 240Hz và thời gian đáp ứng 3ms

Nhờ đó mà dải bàn phím trở nên cân đối và rộng rãi hơn, trong khi nếu cần đến dãy phím số cho các tác vụ tính toán, người dùng chỉ cần gõ nhẹ lên chữ “NumLck” trên bàn rê chuột, một dãy các đèn nền sẽ biến khu vực này thành bàn phím số với kích thước rộng rãi và thoải mái.

Hai bản lề cũng được làm lại với kết cấu “nổi” chắc chắn hơn hẳn, nhưng cũng nhẹ hơn, dễ mở bằng một tay hơn so với thế hệ trước đó, về phần này, thiết kế trên sản phẩm có phần được “học hỏi” theo dòng sản phẩm Zephyrus cao cấp, tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho máy hút và tản nhiệt ra môi trường xung quanh, nhờ đó làm giảm được nhiệt độ vận hành.

Hệ thống đèn nền trên ASUS Strix SCAR III cũng được nâng cấp với dải đèn LED RGB “chìm” phía mặt dưới, đồng bộ với đèn nền bàn phím và đèn nền logo ROG mặt ngoài tạo thành một chỉnh thể trình diễn thống nhất đầy tính chất “biểu diễn” nhưng lại không có tác dụng gì nhiều với người dùng thông thường.

Tính năng đáng chú ý nhất được ASUS nâng cấp cho sản phẩm chính là chìa khóa vật lý “Keystone” được thiết kế dưới dạng một khóa màu vàng hổ phách nằm ở bên hông của máy.

“Chìa khóa” này sử dụng công nghệ chip sóng tầm gần (NFC – Near Field Communicator) xuất hiện trên các điện thoại di động thông minh một vài năm trở lại đây để mở khóa ổ địa ẩn chứa dữ liệu cá nhân bí mật của người dùng, đảm bảo an toàn cho dữ liệu.

Tính năng này hiện đang được thử nghiệm ở phạm vi lưu trữ, nhưng theo một số nguồn tin từ hãng, trong tương lai, tính năng Keystone này sẽ được áp dụng cho cả các profile game mà game thủ sử dụng để có thể nhanh chóng thiết lập trò chơi theo ý thích riêng, biến ASUS Strix SCAR III thành “thành lũy chơi game” của riêng bạn với mức độ cá nhân hóa sâu sắc nhất.


SỨC MẠNH ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG

Là một trong những laptop chơi game chủ lực của ASUS trong phân khúc trung – cao cấp, ASUS Strix SCAR III được trang bị một cấu hình thuộc loại vô cùng mạnh mẽ với CPU Intel Core i7 9750H dành cho laptop, card đồ họa NVIDIA RTX 2070, dung lượng RAM DDR4 lên đến 16GB và ổ cứng thể rắn có dung lượng lên đến 1TB.

Với sức mạnh mới đến từ vi xử lý thế hệ 9 của Intel, hệ thống dễ dàng đạt được 16,428 điểm trong phép thử 3DMark FireStrike và 7,105 điểm với phép thử 3DMark TimeSpy, ngang ngửa với phiên bản RTX 2060 trên máy tính để bàn nhưng hoạt động ở mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều, “đủ tải” cho một adapter cỡ trung để người dùng có thể dễ dàng mang theo bên người.

Điểm số này cho thấy hệ thống dễ dàng “gánh vác” các game hạng nặng ở mức tương đương với hệ thống máy để bàn sử dụng card đồ họa RTX 2060, gần như không có bất kỳ khó khăn gì ở độ phân giải 1080p trên máy khá dễ dàng ở tốc độ cao, tận dụng tối đa tính năng chống xé hình G-Sync trên màn hình 240Hz đi kèm.

Phép thử 3DMark PortRoyal cho các phép dựng hình Ray Tracing cũng chỉ cho mức điểm số 4,316 với tốc độ khung hình chỉ vào khoảng 20fps trong suốt phép thử. Điểm số này cho thấy các game sử dụng nhiều phép dựng hình Ray Tracing vẫn là gánh nặng không nhỏ đối với ASUS Strix SCAR III, nhưng với các game sử dụng một phần các phép dựng hình này như Battlefield V hay Metro Exodus thì đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Thử nghiệm với một số game nặng hiện hành, hệ thống cho kết quả rất ấn tượng.

Đầu tiên, ở phép thử Assasin’s Creed Odyssey, hệ thống cho tốc độ trung bình ở mức 52fps, nhưng ở các pha “tụt tốc độ” ở các khung cảnh rộng lớn nhiều chi tiết, tốc độ tối thiểu chỉ còn ở mức 22fps. Đây vẫn không phải là game “hợp cạ” lắm của các card đồ họa đến từ “đội xanh”.

Hai phép thử Batman Arkham KnightTotal War: Three Kingdoms đem đến kết quả thử nghiệm ổn định và đạt kết quả tốt ở mức thiết lập cao nhất. Điều này cho thấy game thủ hoàn toàn có thể yên tâm chơi các game nặng trên thị trường hiện nay mà không cần phải đắn đo khả năng “gánh vác” của hệ thống.

Điều đáng lo lắng nhất của người viết chính là khả năng tản nhiệt của hệ thống khi “xác máy” quá nhỏ và mỏng, thế nhưng đội ngũ thiết kế của ASUS đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thậm chí còn tốt hơn đôi chút so với thế hệ máy trước đây nhờ vào thiết kế “thông khí” thông qua việc nhấc màn hình lên tạo ra khe hở cần thiết cho các hốc hút gió.

Thử nghiệm stress test với chương trình Furmark, ASUS Strix SCAR III đạt mức nhiệt độ ổn định ở khoảng 76 độ C, một mức nhiệt khá “mát mẻ”, thậm chí còn tốt hơn khá nhiều so với các hệ thống máy để bàn sử dụng tản nhiệt nguyên bản.


BẠN SẼ GHÉT

THIẾT KẾ… NHIỀU NHỰA, QUẠT ỒN

Nói cho cùng, khi bỏ ra hơn 60 triệu đồng cho một chiếc laptop, game thủ chắc chắn sẽ mong mỏi nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, cả về sức mạnh lẫn thiết kế và chế tạo.

Sức mạnh thì khỏi phải nói, thế nhưng thiết kế vỏ ngoài là một điểm yếu của ASUS Strix SCAR III khi sử dụng quá nhiều chất liệu nhựa. Mặc dù được chế tạo rất tốt và công phu, nhưng cảm giác đem lại cho người dùng chắc chắn sẽ không “đã tay” như các máy Macbook “full nhôm” từ trong ra ngoài.

Sức mạnh thì khỏi phải nói, thế nhưng thiết kế vỏ ngoài là một điểm yếu của ASUS Strix SCAR III khi sử dụng quá nhiều chất liệu nhựa

Đó là chưa kể ASUS cũng đã dần “phổ cập” thiết kế nhôm cho các máy dòng Vivobook giá rẻ như ASUS Vivobook 15 A512FA mới được giới thiệu gần đây thì việc vẫn sử dụng chất liệu nhựa chế tạo sản phẩm vẫn là một điều khá khó hiểu.

Bên cạnh đó, một điểm trừ khác đến từ quạt tản nhiệt của ASUS Strix SCAR III hoạt động khá ồn so với mặt bằng chung các laptop chơi game hiện nay.

Mặc dù điều này đồng nghĩa với việc tản nhiệt sẽ hiệu quả hơn nhiều dòng máy laptop chơi game khác, nhưng điều này cũng gây ít nhiều khó chịu cho người dùng, nhất là khi sử dụng trong các môi trường yên tĩnh.


GIÁ THAM KHẢO

62,000,000 VNĐ


HỖ TRỢ

THAM KHẢO

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: ASUS Strix SCAR III
  • Nhà sản xuất: ASUS
  • Xuất xứ: Mỹ
Bạc 8.5

ASUS Strix SCAR III là sản phẩm laptop chơi game dòng trung - cao cấp của ASUS với thiết kế mỏng nhẹ, cấu hình mạnh mẽ đủ sức "gánh" các game hạng nặng hiện nay.



Tuy vậy, sản phẩm vẫn tồn tại một vài vấn đề như vật liệu chế tạo chính bằng nhựa khiến cho cảm quan người dùng không đủ "cao cấp" hay quạt tản nhiệt hoạt động khá ầm ỹ so với mặt bằng chung của các laptop chơi game trên thị trường