Skip to content

Cel shading – Nét vẽ truyền thần độc đáo của thế giới game!

Cel Shading

Cel shading – Không thể phủ nhận, đồ họa là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của một trò chơi. Trong thế giới game rộng lớn đầy màu sắc, bạn luôn có thể bắt gặp những ý tưởng thú vị!

Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc một phong cách đồ họa độc đáo, tuy không phải là mới, nhưng đã góp phần không nhỏ tạo nên một bộ mặt đặc sắc của các trò chơi.

Đó là Cel shading.


CEL SHADING LÀ GÌ?

Những ai có chút kiến thức mỹ thuật đều biết, để thể hiện một đối tượng ba chiều trong không gian, dứt khoát bạn cần phải đổ bóng vật thể đó. Vì nhờ bóng đổ, những hình khối của vật thể mới “nổi” lên rõ ràng nhất.

“Shading” chính là đổ bóng. Trong khi đó, “Cel” là viết tắt của Celluloid, là một tấm giấy bóng trong suốt dùng để vẽ hay tô màu các đối tượng trong quy trình sản xuất hoạt hình vẽ tay truyền thống.

Từ tên gọi, chắc bạn có thể đoán ra Cel shading là cách đổ bóng để tạo ra cảm giác hình ảnh giống như được vẽ trên các tấm cel.

Ngoài ra, do cách dựng hình này tạo nên những hình ảnh giống hoạt họa, nên nó còn được nhiều người gọi với một cái tên khác là “toon shading”.


TỔNG QUAN VỀ CEL SHADING

Tuy vậy, bản thân phong cách Cel shading cũng có nhiều ứng dụng phong phú, nên định nghĩa nó chỉ giới hạn ở trong khuôn khổ là những hình ảnh bóng bẩy như “chất dẻo” là chưa đủ.

Tổng quát hơn, đó là một cách dựng hình phi tả thực, đầy tính cách điệu khi mà người ta sử dụng ít màu hơn cho bóng đổ, tạo ra những hình ảnh theo phong cách truyện tranh hay hoạt họa.

Qua các hình minh họa, bạn có thể thấy rõ bóng của các đối tượng được dựng Cel shading không sử dụng dải chuyển sắc (Gradient) liên tục theo kiểu tả thực, mà được phân thành các mảng màu đơn giản.

Chính đặc điểm này làm cho độ nổi khối và tả chất của đối tượng bị giới hạn (tạo ra cảm giác “nhựa”) nhưng đồng thời cũng tạo nên những hình ảnh độc đáo.

Mục đích chính của Cel shading là mô phỏng “cảm giác hai chiều” lên một đối tượng trong không gian ba chiều thường thấy ở các game hiện đại.

Chính vì vậy, nó rất phù hợp với những trò chơi ăn theo truyện tranh hay phim hoạt hình, vì chỉ khi đó mô hình 3D của nhân vật vẫn giữ được hầu hết “cái hồn” của tác phẩm gốc được vẽ bằng tay của họa sĩ.


CEL SHADING TRONG GAME

Cho đến giờ, Cel shading đã được ứng dụng rất phổ biến trong thế giới game. Hầu hết những trò chơi đi theo phong cách này đều có đồ họa rất ấn tượng.

Tuy vậy, để tìm ra trò chơi đầu tiên sử dụng cách dựng hình này vẫn còn chút khó khăn.

Theo Wikipedia thì game đầu tiên ứng dụng Cel shadingFear Effect (một dòng game cũng khá kinh điển) trên PS1 năm 1999, nhưng trò chơi làm cho dạng đồ họa này phổ biến là Jet Set Radio trên hệ máy Dreamcast một năm sau đó.

Như đã nói, phong cách này rất phù hợp với những trò chơi dựa trên truyện tranh, nên bạn sẽ bắt gặp một cơ số những cái tên như Naruto, One Piece, Bleach, Fullmetal Alchemist… ứng dụng chúng từ phiên bản này sang phiên bản khác rất phổ biến.

Nhưng bên cạnh đó, cũng không thiếu những tựa game có phong cách đồ họa độc đáo và đậm tính nghệ thuật sử dụng Cel shading.


DÒNG GAME DRAGON BALL Z

“Bảy viên ngọc rồng” là một dòng game lừng danh với phần lớn các tín đồ PlayStation.

Người viết nhớ cái thời mà PS2 còn phổ biến, những tựa game luôn “thường trực” ở các cửa hàng thể nào cũng có Dragon Ball Z.

Những người chưa từng biết đến nó hẳn sẽ tò mò thế giới của Dragon Ball khi lên game sẽ thế nào.

Câu trả lời chính là Cel shading! Dường như không có cách nào tốt hơn để chuyển tải nguyên vẹn nét vẽ của Akira Toriyama từ manga đến anime lên game ngoài phong cách này.

Việc dòng Dragon Ball Z trung thành tuyệt đối với Cel shading trong suốt quá trình phát triển là minh chứng rõ ràng nhất.

Có một điểm thú vị là những game dựa trên tác phẩm của Toriyama, hay có sự tham gia của ông (dòng Dragon Quest, Blue Dragon…) hầu như đều đi theo phong cách này.


THE LEGEND OF ZELDA: WIND WALKER

Zelda là một dòng game “tắc kè hoa” vì bạn sẽ gặp rất nhiều phong cách đồ họa khác nhau qua số phiên bản đồ sộ của nó. Trong số đó, Wind Waker là một ấn tượng đẹp khó phai!

Trò chơi dành giải thưởng danh giá “Game Của Năm” của hầu hết những trang đánh giá uy tín.

Công lớn phải kể đến đồ họa Cel shading tuyệt mỹ. Cho đến giờ, nó vẫn được đánh giá là một trong những tựa game có phần hình ảnh nghệ thuật nhất từng xuất hiện!

Nhiều người còn cho rằng Wind Waker không phải là một một trò chơi, nó là một thế giới hoạt họa đang “thở”.

Một điểm hay là phiên bản Zelda kế tiếp được công bố cách đây không lâu cũng sẽ trở lại với phong cách này, hứa hẹn một siêu phẩm kế tục.


VIEWTIFUL JOE

Thật khó tin một hãng game như Capcom có thể tạo ra một trò chơi độc đáo (và cũng có thể nói là kì quặc) như Viewtiful Joe.

Không chỉ nhắc người ta nhớ lại sự vui nhộn của thể loại “beat-them-up” – đi cảnh truyền thống, Viewtiful Joe còn là ví dụ tiêu biểu về cách kết hợp giữa hình ảnh và chủ đề của game: một anh chàng mê siêu anh hùng truyện tranh bị kẹt trong một thế giới “điện ảnh” theo chiều ngang kì lạ.


BORDERLANDS

Game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) thường ít dùng Cel shading vì yêu cầu đồ họa chân thực của nó từ phía người chơi.

Tuy vậy, nếu kể đến những game hiếm hoi thành công thì không thể không đề cập đến Borderlands – một trong những dòng game FPS sử dụng Cel shading thành công và nổi bật nhất.

Lối chơi co-op hấp dẫn, đồ họa ấn tượng đã mang đến một hương vị lạ rất riêng cho “Vùng ngoại biên”.

Nhìn vào những hình ảnh của game, chắc hẳn bạn cũng đồng ý như vậy?


STREET FIGHTER IV

Một lần nữa chúng ta lại phải nhắc đến Capcom. Câu chuyện về Street Fighter là vấn đề kinh điển mà hầu hết các game đối kháng đều gặp phải.

Ngày trước, các game dạng này thường dùng đồ họa 2D và tạo hình kiểu hoạt họa (chắc ai cũng đã từng thử qua ở các máy điện tử thùng ở siêu thị rồi nhỉ?).

Street Fighter không phải ngoại lệ!

Khi phần cứng các máy chơi game đã mạnh hơn, vấn đề đặt ra cho Capcom là làm sao vẫn giữ được cái hồn của dòng game Street Fighter nhưng trò chơi vẫn phải có một “lớp áo” đồ họa tân thời hơn.

Một lần nữa, Cel shading là câu trả lời hoàn hảo.

Street Fighter IV và các bản sau này của nó, không chỉ ăn điểm ở lối chơi tuyệt hảo, mà còn ở phần hình ảnh cực kì ấn tượng, trở thành một “bom tấn” game đối kháng thật sự cho đến ngày hôm nay.


Cel shading

NI NO KUNI

Khi studio lừng danh Ghibli kết hợp với Level 5, kết quả là tuyệt tác nhập vai Ni no Kuki ra đời.

Đây là trò chơi đã tiến đến mức xóa nhòa ranh giới giữa game và phim (anime). Vì thực tế một cảnh trong game nhìn không khác gì một bức hình được cắt ra từ bộ phim anime đi kèm.

Cần nói thêm rằng Level 5 là một hãng game “chuyên trị” Cel shading với những tác phẩm như dòng Dark Cloud, Rogue Galaxy, Professor Layton và tất nhiên là tựa game ta đang nói đến ở đây nữa.

Nếu bạn là người hâm mộ của game nhập vai phong cách Nhật Bản (JRPG) hay người mê hoạt hình hãng Ghibli, thì đây chắc chắn là một trò chơi không thể bỏ qua!


Cel shading

SMT NOCTURNE – DIGITAL DEVIL SAGA

Đây là hai trong số những game nhập vai (RPG) “hardcore” nhất mọi thời đại.

Thú thật, lần đầu tiếp xúc với dòng game Shin Megami Tensei (qua hai phiên bản này), người viết không có ấn tượng tốt lắm do bị đồ họa “xinh đẹp” của dòng game Final Fantasy thời bấy giờ hớp hồn.

Nhưng như một bức tranh nhìn lâu mới thấy đẹp, thế giới u ám và rùng rợn của Shin Megami Tensei qua cách thể hiện đồ họa Cel shading mới lạ trở nên thật đặc biệt, mang đến một dư vị lạ cho những ai đủ kiên nhẫn để “cảm” nó.


Cel shading

CÁC GAME CỦA TELLTAL GAMES

Telltale Games là một hãng game rất nổi gần đây với việc liên tiếp tung ra những sản phẩm game phiêu lưu chất lượng: The Walking Dead, The Wolf Among Us và sắp tới đây là Tales from the Borderlands.

Có lẽ ngay từ cái tên “Telltale”, bạn cũng đã đoán được mục tiêu chính của nhà phát triển này.

Chọn cho mình phong cách kể chuyện, còn cách nào tốt hơn để người đọc cảm nhận câu chuyện ngoài cách dùng Cel shading để biến trò chơi thành một bộ truyện tranh tương tác?


Cel shading

OKAMI

Để kết lại bài viết này, chúng ta sẽ đến với một trò chơi thường được coi như một kiệt tác nghệ thuật.

Đồ họa của Okami chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật màu nước và tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản (ukiyo-e).

Không chỉ làm người chơi ấn tượng đến mê mẩn, nó còn phối hợp hoàn hảo với lối chơi sử dụng “bút thần” để vẽ thẳng vào game.

Mỗi khung hình trong game là một bức tranh tuyệt mỹ làm bạn phải ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Mặc dù có số phận hẩm hiu về thương mại, Okami dường như là đỉnh cao về nghệ thuật và sự sáng tạo mà một trò chơi có thể đạt tới khi ứng dụng với công nghệ Cel shading.

Hãy chiêm ngưỡng tận mắt, để tự mình cảm nhận bạn nhé!


CÒN GÌ NỮA?

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ xin phép giới thiệu một số tựa game Cel shading tương đối nổi bật.

Còn bạn thì sao?

Chắc hẳn trong đầu mỗi người sẽ có những cái tên ấn tượng của riêng mình, hãy chia sẻ với Vietgame.asia nhé!

Tác giả

Liam Shadow

The Legend

Thảo luận