Skip to content

Công nghệ đám mây và lối tới “thiên đường của game”

game trên đám mây
[rs_section_heading style=”style6″ heading=”GAME TRÊN ĐÁM MÂY”]Khái niệm công nghệ chơi game trên đám mây có lẽ không còn quá mới. Thay vì phương pháp chơi game kiểu “mặt đất” truyền thống bằng cách dùng máy tính của bạn để chạy và xử lý game, game đám mây sẽ xử lý dữ liệu và thông tin ở máy chủ, chỉ truyền chủ yếu phần hình ảnh hay âm thanh về cho bạn.

Ý tưởng thì có vẻ hay, nhưng bức tường cản trở lớn nhất đối với công nghệ này là giật – lag. Để có một trải nghiệm hoàn mỹ, đường tín hiệu mạng của bạn phải vừa khỏe, vừa ổn định để chuyển tải song song hai thứ: hình ảnh, âm thanh từ máy chủ tới thiết bị của bạn và mệnh lệnh điều khiển từ phía bạn lên máy chủ. Do vậy, vấn đề chậm trễ trong khâu truyền tín hiệu là chuyện cơm bữa. Nên như các bạn có thể thấy, cho tới ngày hôm nay, game đám mây vẫn… chưa có chỗ đứng lắm.

Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng công nghệ này sắp có một bước chuyển mình mạnh mẽ, bởi con quái vật truyền thông mạng mang tên Google vừa chính thức công bố dịch vụ game trên đám mây mới nhất của họ: Google Stadia.

Liệu sự phát triển của loại công nghệ đám mây này có phải là đích đến cuối cùng của ngành công nghiệp game, là “nấc thang lên thiên đường” cho game thủ? Hãy để bài viết sau của Vietgame.asia cho bạn một góc nhìn nhé![rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]

1. MƯỜNG TƯỢNG VỀ XỨ “THIÊN ĐƯỜNG”
Có lẽ cái rào cản cho sự phồn thịnh của công nghệ game đám mây là quá lớn nên nhiều người chưa màng để tâm tới nó. Tuy nhiên, giả sử công nghệ này không vấp phải bức tường ấy, hay một ngày kia bức tường ấy không còn nữa, thì liệu chúng ta sẽ ở xứ thiên đường của game?

Hãy nhắm mắt lại và mường tượng cảm giác sống ở một thiên đường hoàn hảo cho trải nghiệm chơi game nào…

Một ngày đẹp trời, bạn lướt Facebook hay Youtube và thấy một tựa game bắt mắt. Thay vì móc ví, chi tiền, tốn thời gian tải và lo không biết cấu hình máy mình có chạy được không, bạn chỉ cần… chơi nó. Hàng chục ngàn tựa game trên thế giới sẽ chào đón bạn, và khâu khổ sở nhất với bạn chỉ là chọn lựa mà thôi.

Hơn thế nữa, do không bị giới hạn bởi phần cứng nên chỉ cần cơ sở hạ tầng mạng chín muồi, bạn sẽ có thể chơi các game khủng như Devil May Cry 5 hay Sekiro: Shadows Die Twice ở ngay trên điện thoại, máy tính bảng hay bất kì thiết bị nào mình thích.

Không những vậy, đang chơi giở mà bận việc, bạn hoàn toàn có thể tạm dừng hành trình của mình ở đó. Và đương nhiên rằng khi quay lại, bạn sẽ bắt đầu ngay tại nơi mình đã dừng, bởi quá trình chơi đâu có được lưu ở thiết bị của bạn mà phải lo bị mất.

Cuối cùng, không chỉ người dùng có lợi, mà nhà sản xuất cũng có thể an tâm rằng sản phẩm của mình sẽ không bị tải lậu, bởi đơn giản… sẽ chẳng có gì để tải về cả.

Thật đúng là một thiên đường cho mọi game thủ phải không nào…

Bạn mở mắt ra được rồi đấy, bởi đó chỉ là những gì mà các nhà quảng cáo dịch vụ game đám mây, hay ít ra là Google, muốn bạn nghĩ về nó. Còn thực tế muôn đời là… sống ở đâu cũng có giá của nó cả thôi.[rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]

2. “THU PHÍ” TRÊN LỐI TỚI THIÊN ĐƯỜNG
Cái ngày thiên đường cho game thủ ấy được xây dựng hoàn thiện có lẽ cũng là cái ngày chúng ta sẽ mất đi nhiều thứ, rất nhiều thứ.

Trước hết, chơi game trên đám mây cũng có rất nhiều hình thái, và con đường mà một số dịch vụ như PlayStation Now hay Google Stadia mới đây đã chọn sẽ hướng bạn tới gần “thiên đường” nhất: cung cấp cho bạn một gói dịch vụ đăng ký. Gói đó sẽ có một loạt danh sách những tựa game khác nhau để bạn chọn, và một khi đăng kí gói đó rồi thì bạn có thể chơi được mọi tựa game dịch vụ đó cung cấp.

Một khi dịch vụ này trở nên phổ biến, nhiều công ty, tập đoàn lớn là phía hi sinh đầu tiên. Các thương hiệu phần cứng và linh kiện cho game thủ nổi tiếng hiện nay như AMD, Nvidia, Intel, MSI, ASUS, Gigabyte… nhẹ thì sẽ co hẹp danh mục sản phẩm của mình lại rất nhiều, còn nặng thì về vườn.

Bạn cần một cái CPU xịn, một con GPU khủng, một cái bo mạch chủ đắt tiền hay một đống RAM làm gì, khi tựa game nào chả chơi được trên điện thoại. Tất cả các hãng sản xuất phần cứng cho game thủ này sẽ chỉ có một nguồn thu duy nhất: tới từ phía cung cấp dịch vụ game đám mây.

Hơn thế nữa, các máy trạm thường có một số cấu hình nhất định thôi để đảm bảo tính đồng bộ và tương thích game tốt nhất, nên các hãng sản xuất phần cứng cũng ít động lực để cạnh tranh, thúc đẩy công nghệ, tạo ra mẫu mã mới và đẹp. Có chăng chỉ những hãng sản xuất phụ kiện như chuột, bàn phím hay tai nghe là vẫn còn tươm tất mà thôi.

Không dừng ở các công ty phần cứng, các nhà sản xuất, phát hành game cũng sẽ gặp phải vấn đề nghiêm trọng.

Bạn hãy tưởng tượng một cái tên kì công, mất nhiều năm để phát triển như Cyberpunk 2077 khi được đưa lên dịch vụ game đám mây thì sẽ “ngang hàng” với các sản phẩm game indie khác, thì nhà phát triển lời được mấy đồng. Do vậy, động lực đâu để nhà phát triển sản xuất game AAA?

Cuối cùng, sau vấn đề về những công ty, về những nhà phát triển là vấn đề liên quan tới mỗi game thủ.

Bạn không còn sở hữu sản phẩm của mình, vì đơn giản bạn đâu có trả tiền mua nó, mà bạn trả tiền cho dịch vụ stream game thôi. Bạn không còn được tự tay dựng những dàn máy khủng, không được chạy mod game, không còn được chơi offline, không còn có thể đi khoe khoang với bạn bè rằng thư viện của mình có 1000, 2000 game nữa…

Nếu bạn là người coi trải nghiệm chơi game chỉ gồm có “chơi game” thì chắc những điều trên sẽ chẳng làm bạn bận tâm. Nhưng với rất nhiều người, game còn gắn liền với những thứ bên lề khác khác để mang lại niềm vui, và những thứ đó… không được bước qua cổng thiên đường.[rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]

3. CÓ NÊN CHẠM TỚI THIÊN ĐƯỜNG?
Xu hướng chung của công nghệ hiện tại có lẽ là tích hợp mọi thứ lên đám mây, từ những thứ riêng tư như mật khẩu hay sơ yếu lý lịch, tới những thứ phổ biến, mang tính giải trí như nhạc, phim và đương nhiên cả game nữa.

Do vậy có thể nói việc ngành game trên đám mây phát triển cũng là hợp thời thôi, và để ngành này “nở hoa” thì chướng ngại kĩ thuật cần được gỡ bỏ là công nghệ mạng. Cái ngày game trên đám mây lên ngôi, soán hoàn toàn vị thế của cách chơi game truyền thống cũng là ngày mà công nghệ mạng đã đạt tới độ chín muồi rồi, và chắc chắn rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ được “đám mây hóa”. Đó là thiên đường mà con người dần hướng tới… nhưng cũng là cấm địa chúng ta không được đặt chân vào.

Cái giá cuối cùng cho sự quy tụ mọi thứ lên đám mây ấy, cho bước chân cuối cùng vào vườn địa đàng chính là… bản ngã của bạn.

Chúng ta không phải hòn sỏi hay giọt nước, chúng ta có sự sống, chúng ta là những con người. Những vật vô tri vô giác có thể giống nhau, nhưng sinh vật sống và có tri thức thì buộc phải khác biệt để tạo ra giá trị riêng, buộc phải có bản ngã, phải có cái gì đó đặc sắc. Cái tôi, cái nét đặc sắc của mỗi cá nhân là ranh giới chúng ta không được để tuột mất. Game trên đám mây chỉ là một khía cạnh nhỏ trong một miếng ghép lớn của cuộc sống. Khi trải nghiệm của tất cả mọi người về một thứ gì đó, không riêng gì game, đều hoàn hảo, đều như nhau, thì còn đâu giá trị của mỗi cá nhân?

Đừng để những lời đường mật về một tương lai thiên đường, một thư viện game vô tận, có thể trải nghiệm mọi lúc mọi nơi từ một cái tên khổng lồ như Google mê hoặc bạn. Bởi cái trải nghiệm đó hoàn hảo lắm, nhưng cũng… nhạt nhẽo lắm![rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]

4. “THIÊN ĐƯỜNG” THỰC SỰ ?
Một thế giới hỗn loạn mà chỗ nào cũng khác nhau thì chẳng có gì ý nghĩa cả, nhưng chỗ nào cũng “thiên đường” giống nhau thì cũng bạc bẽo lắm.

Thế nên, nơi đẹp nhất có lẽ nằm đâu đó ở giữa hai thái cực này.

Hiện tại, dịch vụ game trên đám mây chưa quá phát triển, và chúng ta cũng đã có những cửa hàng trực tuyến như Steam, PlayStation Store, Windows Store để giúp mua và trải nghiệm các sản phẩm một cách nhất quán, trên nhiều thiết bị. Nhà sản xuất cũng thuận lợi hơn trong việc cập nhật game.

Mô hình hiện nay là sự kết hợp tuyệt vời giữa tính riêng lẻ và đồng bộ. Riêng lẻ như trong những tài khoản cá nhân, còn đồng bộ như trong cách các sản phẩm trong tài khoản ấy được phân phối. Ví dụ, ta không phải chạy đôn chạy đáo mua những chiếc đĩa cứng, rồi lo cất giữ chúng, mang theo nếu cần như trước. Do vậy, bạn có thể không tin, nhưng thời điểm hiện tại chính là khoảng thời gian đẹp nhất của ngành game rồi đó.

Sau này, khi cơ sở mạng phát triển, dịch vụ game đám mây lên ngôi thì vẫn có cách dung hòa được tính riêng lẻ và đồng bộ. Đó là con đường mà các dịch vụ như LiquidSky hay Geforce Now đang làm. Bạn cần có tài khoản cụ thể đã mua game nào đó. Còn sau khi mua rồi, bạn có thể trải nghiệm chúng trên tài khoản máy trạm riêng.

“Xa tận chân trời, gần ngay trước mặt”… một thiên đường của game tuy xa xắm lắm, nhưng có lẽ lại ở ngay trước mắt chúng ta thôi!

Tác giả

Thảo luận