Skip to content

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply – Đánh Giá Nhanh

Corsair CX550F RGB – Trong rất nhiều linh kiện được “lên đèn” RGB trong những năm vừa qua, có thể nói các bộ nguồn là một trong những sản phẩm ít được quan tâm nhất, chỉ duy nhất có Thermaltake “thử sức” trang bị đèn viền LED RGB cho bộ nguồn dòng Toughpower DPS G RGB, nhưng kết quả đem lại không thật sự ấn tượng như mong đợi bởi ánh sáng đèn khá kém và khó “hoà nhập” với bản trình diễn ánh sáng của cả hệ thống.

Gần đây nữa có AeroCool giới thiệu các mẫu nguồn Aerocool Lux RGB với… cạnh bên được tích hợp đèn LED RGB. Thiết kế này có phần đơn giản thái quá, không thể phô bày hết được cái đẹp của đèn LED và thậm chí là đèn LED này còn không thể “bắt màu” với hệ thống PC nói chung.

Nắm bắt tình hình đó, Corsair, một trong những nhà sản xuất linh kiện cho PC hàng đầu đến từ Mỹ đã tung ra các bộ nguồn dòng CX-F RGB với thiết kế hoàn toàn mới, mang theo tham vọng chiếm lĩnh thị trường bộ nguồn ATX sở hữu đèn LED RGB có thể điều khiển được trên thị trường hiện nay.

Rất may mắn, Vietgame.asia đã mượn được hàng mẫu của dòng bộ nguồn này với tên gọi Corsair CX550F RGB để đem đến cho bạn đọc những ấn tượng đầu tiên về sản phẩm. Mời các bạn đến với bài “đập hộp” và đánh giá nhanh bộ nguồn RGB đặc sắc này các bạn nhé!


Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

CORSAIR CX550F RGB – THIẾT KẾ THOẢ MÃN THỊ GIÁC

Trong cách phân loại của Corsair hiện nay, nhóm các sản phẩm bộ nguồn CX thường được xếp ngang với các bộ nguồn dòng VS trong nhóm các bộ nguồn có hiệu suất chuyển đổi năng lượng vừa phải đạt chức nhận 80 Plus ở mức Bronze hay Silver dành cho các hệ thống PC chơi game tầm trung và trung cao cấp.

Thế nên dễ thấy rằng, với “tiền tố” CX trong tên gọi, Corsair CX550F RGB không phải là dòng bộ nguồn dành cho những dàn PC chơi game đỉnh cấp hiện nay của hãng, thế nhưng trong lần ra mắt này, Corsair lại mang đến cho sản phẩm của mình một thiết kế có phần tương tự như các dòng sản phẩm cao cấp hơn rất nhiều như AX, HX hay RM với thiết kế có phần dày dặn với các cạnh được vát chéo thay vì để vuông vức như các dòng bộ nguồn CX hay VS thế hệ trước đó.

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

Với thiết kế này, hãng cũng không ngần ngại trang bị cho bộ nguồn một lớp vỏ vô cùng cứng cáp và chắc chắn, dù rằng điều này không thật sự cần thiết vì các bộ nguồn thường vẫn được “ưu ái” trong một hộc chứa riêng biệt bên trong thùng máy, ít chịu lực tác động hay va đập trong quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, nó cũng thành công mang đến ấn tượng mạnh ban đầu cho người dùng về một mẫu sản phẩm thuộc loại “ăn chắc mặc bền”. Điều này là vô cùng quan trọng đối với Corsair nếu muốn “xoá nhoà” đi ấn tượng về một bộ nguồn chỉ dành cho các PC chơi game tầm trung như dòng sản phẩm CX.

Ấn tượng thứ hai của người viết đối với mẫu bộ nguồn này chính là kiểu sắp đặt linh kiện có phần đặc biệt với quạt tản nhiệt hướng lên trên, hút gió từ trong lòng máy và thổi ra phía sau thay vì thiết kế quạt hút gió hướng xuống dưới của các bộ nguồn thông thường khác.

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

Thiết kế này trên Corsair CX550F RGB là vô cùng cần thiết để có thể phô bày “hết cỡ” quạt tản nhiệt trang bị đèn LED RGB của mình, thế nhưng phương thức bố trí này lại có một nhược điểm nhỏ là nó được đặt ngay bên dưới khu vực chứa card đồ hoạ, rất dễ bị ảnh hưởng bởi luồng khí nóng toả ra từ khu vực này khi cỗ máy của bạn hoạt động hết công suất trong các game hạng nặng, từ đó làm giảm hiệu quả tản nhiệt cho các linh kiện bên trong bộ nguồn.

Chính vì thế mà người dùng phải sử dụng một bộ thùng máy có khả năng thông gió cao để có thể đảm bảo được luôn có không khí mát giải nhiệt cho các linh kiện bên trong bộ nguồn.

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

Mặt sau của sản phẩm là ổ cắm dây nguồn quen thuộc, ngoài ra, Corsair cũng trang bị thêm một nút giúp bật/tắt đèn RGB trên quạt.

Chi tiết này cho thấy các kỹ sư đến từ Corsair không… “lười” đến nỗi chỉ là tích hợp một quạt tản nhiệt lên vị trí thường thấy trên bộ nguồn là xong, mà các kỹ sư hãng đã tách riêng mạch đèn và mạch quạt so với các bộ quạt đi dây chung thông thường.

Thiết kế này trên Corsair CX550F RGB là vô cùng cần thiết để có thể phô bày “hết cỡ” quạt tản nhiệt trang bị đèn LED RGB của mình

Mặt trước bộ nguồn là các khe cắm nối dây với đầy đủ các cổng “ăn chơi” như 4 cổng cấp nguồn 8 chân dành cho CPU hay card đồ hoạ, 2 cổng cấp nguồn cho bo mạch chủ và 3 cổng cấp nguồn SATA.

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

Điểm đặc biệt (và cũng là điểm độc đáo nhất) của các bộ nguồn dòng CX-F là bộ nguồn có cổng điều khiển RGB In cho phép người dùng kết nối với bộ điều khiển CORSAIR iCUE Lighting Node CORE (mua riêng), hay cổng ARGB Header trên bo mạch chủ để có thể điều khiển đèn màu LED RGB.

Nếu cần ráp máy mới, bạn có thể lựa chọn mẫu thùng máy vừa được Corsair ra mắt đợt này là Corsair 4000X RGB sở hữu mạch điều khiển đèn tích hợp, giúp bạn có thể kết nối với bộ nguồn , từ đó điều khiển cả hệ sinh thái đèn màu theo một cách đơn giản hơn với bộ phần mềm iCUE. Đây cũng là một hệ sinh thái mở với khả năng tương thích mạnh mẽ với nhiều hệ sinh thái linh kiện trên thị trường hiện nay.

Corsair 4000X RGB Mid Tower Gaming Case - Đánh Giá Nhanh

Các dây nguồn kèm theo cũng được làm khá quy củ với dây nguồn dành cho bo mạch chủ được bọc lưới chống cắt, còn các dây nguồn còn lại chỉ là dây nhựa thông thường.

Do thiết kế vỏ của Corsair CX550F RGB khá bền chắc và rất khó tháo, nên người viết cũng chưa có dịp mở ra xem cách bố trí linh kiện bên trong, thế nhưng qua quan sát kỹ lưỡng, có thể thấy quạt tản nhiệt của bộ nguồn có lẽ là một phiên bản tuỳ biến của Corsair SP120 Pro 120mm với khả năng tăng tốc đến 1400rpm cùng 8 đèn LED RGB chất lượng cao.

Theo một số nguồn tin, phần “đồ lòng” của các bộ nguồn dòng Corsair CX-F ra mắt trong đợt này do HEC gia công. Đây là một hãng chuyên sản xuất nguồn cho các hệ thống máy bộ tầm trung với chất lượng hoạt động ổn định, không quá xuất sắc để có thể liên tục “kéo” vượt công suất nhưng cũng đủ cho các nhu cầu sử dụng hàng ngày, rất phù hợp với mục tiêu sử dụng của các sản phẩm dòng CX của hãng.

Tất nhiên là bộ nguồn này có đầy đủ những công nghệ hiện đại và mới mẻ trên các bộ nguồn thông dụng hiện nay như sử dụng công nghệ Single Rail 12V, có Active PFC và bộ chuyển đổi cộng hưởng LLC và được chế tạo riêng theo yêu cầu của Corsair bằng những linh kiện chất lượng cao.

Corsair CX550F RGB ATX Power Supply - Đánh Giá Nhanh

Thử nghiệm nhẹ nhàng với hệ thống bao gồm vi xử lý Intel Core i7 8700 và card đồ hoạ Gigabyte RX 5500 XT Gaming OC 8G, bộ nguồn vẫn có khả năng hoạt động tốt trong nhiều giờ chơi Horizon Zero Dawn PC liên tục. Đây là tựa game khá nặng cần “vắt kiệt” sức mạnh của card đồ hoạ, nên luôn duy trì tiêu thụ điện ở mức cao.

Hệ thống đèn LED trên bộ nguồn hoạt động khá ấn tượng với độ sáng cao, nhờ kết cấu 8 bóng LED quen thuộc của hãng. Tuy nhiên, do thiết kế khá đặc thù nên bạn phải chọn lựa các thùng máy có “khoét lỗ” cho bộ nguồn thay vì “bít bùng” thành một khu vực riêng biệt như với đa số các thùng máy trên thị trường hiện nay.

Nhìn chung, Corsair CX550F RGB là một bộ nguồn có thiết kế chắc chắn, sở hữu một quạt tản nhiệt có đèn LED RGB ấn tượng nhưng vẫn có khả năng hoạt động ổn định với các linh kiện “hạng nặng” trong thời gian dài, có thể thoả mãn được yêu cầu đến từ những fan “hardcore” của thể loại trình diễn thùng máy “đèn-màu-mè” đang rất thịnh hành trên thị trường hiện nay.


TỔNG QUAN

Phải nói rằng Corsair CX550F RGB là một sản phẩm được Corsair đem đến sự “lột xác” triệt để so với phiên bản bộ nguồn dòng CX có mặt trên thị trường từ năm 2017 trở lại đây.

Hãng đã đem đến một thiết kế mới mẻ, chắc chắn, cứng cáp hơn rất nhiều cùng với đèn bộ quạt tản nhiệt và đèn LED RGB 8 bóng có khả năng điều khiển thông qua chương trình iCUE, trở thành dòng bộ nguồn đầu tiên của Corsair trong phân khúc tầm trung trở nên “thông minh” hơn bên cạnh những dòng sản phẩm RXi, AXi và HXi trước đây.

Dòng sản phẩm bộ nguồn Corsair CX-F chắc chắn là một lựa chọn không tồi cho những người “chơi” PC tầm trung, muốn “đổi gió” với một bộ nguồn có đèn LED RGB để tạo ra một hệ thống “màu mè” đặc sắc cho riêng mình.


BÀI MỚI NHẤT