Skip to content

Cyberpunk 2077 – Đánh Giá Game

Cyberpunk 2077 - Đánh Giá Game

Cyberpunk 2077Kể từ tấm ảnh concept đầu tiên được công bố, lúc ấy là tháng 5 năm 2012 mãi đến tận cuối năm 2020, Cyberpunk 2077 mới chính thức đến tay công chúng, quãng đường ấy “dài” 8 năm và 7 tháng $300 instant cash loan .

Trong khoảng thời gian ấy, chúng ta được chứng kiến người anh em cùng nhà của CD Projekt RED là The Witcher 3: Wild Hunt tung hoành ngang dọc và bước lên vị thế của một trong những tựa game được yêu mến nhất lịch sử.

Chúng ta có hàng loạt những cái tên làm mưa làm gió như: God of War, Red Dead Redemption 2, Grand Theft Auto V, Serkiro: Shadow Die Twice… Bên cạnh đó là những gã khổng lồ dần đánh mất vị thế trong mắt người hâm mộ như Bioware, Naughty Dogs, Bethesda…

Cũng trong khoảng thời gian đó Watch Dogs có đủ 3 phần bước ra thành một bộ tam riêng, 8 phần Call of Duty chính thống được ra mắt, cùng tổng cộng 14 phiên bản Assassin’s Creed lớn nhỏ khác nhau đến tay người chơi, à kèm thêm một phần “Viking’s Creed” nữa.

Có như thế ta mới biết được hành trình của Cyberpunk 2077 dài đến như thế nào và gánh nặng thành công không phải là nhỏ, khi rất nhiều tấm gương được thai nghén quá lâu trở thành những sản phẩm dán mác thất vọng như Duke Nukem Forever, Ghost Recon Future Soldiers

Có một chút yên tâm bởi hãng phát triển CD Projekt RED nổi tiếng có “tâm” với sản phẩm cũng là cái tên nhận được nhiều thiện cảm nhất ở thời điểm hiện tại.

Đi kèm với đó là “độ hype” không cần bàn cãi tăng dần của cộng đồng tăng dần theo từng đoạn trailer được công bố, đỉnh điểm là màn xuất hiện Keanu Reeves tại E3 2019.

Cyberpunk 2077 trên lý thuyết đã nắm tay trong tất cả mọi thứ để có thể bước lên vũ đài danh vọng.

BẠN SẼ THÍCH

SẢN PHẨM KHÔNG DÀNH CHO NGƯỜI “VỘI”

Đừng để những hình ảnh đầu tiên đánh lừa rằng: Cyberpunk 2077 sẽ là một tựa game hành động nặng về bắn phá.

Có thể nói là một sản phẩm dành cho những người thích cái cảm giác thả mình vào thế giới và chiêm nghiệm mọi thứ theo những cách riêng, từ tốn, không vội vã. 

Cách xây dựng mạch truyện của game cũng tương tự như dòng The Witcher cùng nhà hay rất nhiều game thuần nhập vai khác, đó là rất chú trọng vào hội thoại và sẽ đôi lúc làm người chơi cảm thấy lê thê, dài dòng một cách không cần thiết.

Cũng phải thôi vì hết 60% thời lượng trung bình của một nhiệm vụ chỉ toàn nói – nói và nói.

Nhưng với những ai không cảm thấy bị “ngán” với công thức này, thì lúc đó mới “cảm” được hết những gì mà Cyberpunk 2077 mang lại.

Đó là một kịch bản cực kỳ quy mô được dàn trải xuyên suốt với hằng sa số những tình huống ập tới dồn dập được sắp xếp đan xen nhau.

Trước khi bước vào những trường đoạn hành động “dài hơi” đều là những quãng nghỉ “hơi dài” một chút để người chơi định hình và tìm hiểu xem chuyện gì đang thật sự xảy ra, lượng thông tin như ma trận có thể khiến người chơi bối rối và mất phương hướng nếu không chú ý theo dõi vào những đoạn thoại khô khan.

Cyberpunk 2077 mang lại cái cảm giác gần giống với khi ngồi thưởng thức hai phần phim của Blade Runner – hai tác phẩm cũng lấy bối cảnh Cyperpunk và là cảm hứng để CD Projekt RED phát triển nên trò chơi.

Những ai đủ kiên nhẫn để theo dõi và chú ý từng thông điệp những gì mà bộ phim này mang lại, ẩn sau hình hài của những đoạn thoại dài dòng, thì mới thấu cảm hết cái hay mà phim mang đến.

Và hãy cứ tưởng tượng nội dung của Blade Runner được nhân lên nhiều lần về độ dài thì chúng ta sẽ có Cyberpunk 2077.

Lê thê với một số người nhưng lại hấp dẫn với một số người khác!

Đây chắc chắn không phải là một “món ăn nhanh”, đây là món dành cho những ai thưởng thức theo cách từ tốn để cảm nhận hết mọi gia vị.

CD Projekt RED thật sự vẫn là một hãng phát triển “mát tay” trong việc xây dựng kịch bản, bối cảnh, nhân vật và còn tạo ra một bầu không khí rất riêng.

Toàn bộ câu chuyện trong Cyberpunk 2077 sẽ thật phức tạp khi nhìn từ bề ngoài với quá nhiều những xung đột, mâu thuẫn và cả những câu chuyện chính trị.

Nhưng bằng một công thức rất CD Projekt RED, người chơi lần lượt bóc mẽ những bí mật về anh chàng V, các tập đoàn quân sự khổng lồ như Arasaka, Militech… cùng rất nhiều những nhân vật có liên quan khác.

Cảm giác sẽ hơi lủng củng nếu chỉ đơn thuần tương tác cho qua chuyện mà không đào sâu vào từng nhánh nội dung mà game cho phép người chơi chạm đến.

Mỗi vấn đề được đặt ra trong game đều được giải đáp tường tận và khôn khéo bằng những đoạn hội thoại phụ, để rồi từ đó các tình tiết khác được mở rộng, cuối cùng chúng ta có được bức tranh toàn cảnh nhất từ gốc đến ngọn.

Không giống với những lựa chọn mà kết quả phần nhiều sẽ nghiêng về phía người chơi như trong The Witcher 3: Wild Hunt, với Cyberpunk 2077 mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều cho dù bạn có lựa chọn và giữ nguyên quan điểm của bản thân đến đâu đi nữa cũng chưa chắc “lái” được mạch truyện theo ý mình muốn.

Từ đó, cách giải quyết nhiệm vụ trong đầu người chơi sẽ phải thay đổi đôi chút so với định hướng đã đề ra ban đầu. 

Đáng khen hơn cả, đó là CD Projekt RED đã tạo nên một kịch bản với nhiều tình tiết nằm ngoài tầm đoán đợi của người chơi, chi tiết thế nào thì hãy tự tay trải nghiệm để có được cảm nhận tốt nhất nhé!

Hãy cứ yên tâm rằng càng dấn sâu vào câu chuyện của anh chàng V, bất ngờ sẽ là điều không hề thiếu và hãng phát triển cũng thừa biết cách làm thế nào để dùng sự bất ngờ đó mà đẩy cao trào lên đến mức đỉnh điểm.

đây là món dành cho những ai thưởng thức theo cách từ tốn để cảm nhận hết mọi gia vị

Mỗi nhân vật trong đều được đầu tư công phu để họ thật sự “sống” trong vòng tuần hoàn của Cyberpunk 2077.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra tính cách của từng người thông qua quá khứ, cách ăn mặc và tất nhiên là hành động của họ, tất cả những điều đó diễn ra một cách rất tự nhiên, không mang lại cảm giác gượng ép lố bịch mà tựa game nào đó gần đây đã thể hiện.

Với Cyberpunk 2077, nếu như những nhiệm vụ chính có tác dụng mở rộng câu chuyện của V đến thế giới xung quanh, thì các nhiệm vụ phụ có được sau đó lại là cách để người chơi thật sự hiểu về từng nhân vật đồng hành.

Thậm chí để cả trí tuệ nhân tạo Delamain còn có một chuỗi nhiệm vụ riêng, để thấy được rằng đôi khi máy móc cũng có những cảm xúc yêu, giận, sợ hãi, căm ghét khác nhau.

Cảm giác lê thê sẽ vấn vương đôi chút trong những trường đoạn này, bù lại sợi dây liên kết giữa các tuyến nhân vật càng trở nên rõ rệt, để người chơi có thể thấu hiểu và cảm nhận được rằng đây là những “con người” thật sự đang sinh sống dưới bầu trời của thành phố Night City.

Ở E3 năm 2019, sự xuất hiện Keanu “John” Reeves đã tạo ra một sự bùng nổ về mặt cảm xúc dành cho khán giả, CD Projekt RED đã mang đến một bất ngờ cực lớn bằng việc đưa chàng diễn viên thích đóng các vai tên John để hóa thân thành một nhân vật tên… John nữa, đó là Johnny Silverhand – tay ca sĩ nhạc rock mang mối thâm thù đại hận tập đoàn Arasaka hùng mạnh.

Dáng vẻ ngầu lòi và phong thái bất cần của Johnny là điểm sáng lớn nhất trong toàn bộ dàn nhân vật vốn đã rất ấn tượng của Cyberpunk 2077.

Xuất hiện trong hình hài chỉ còn là miền ký ức trong đầu của V và cuộc “tác hợp” của hai nhân vật này gần giống với câu chuyện trong những bộ phim Buddy Cop điển hình theo kiểu “cặp đôi hoàn cảnh”.

Nhưng Johnny Silverhand phức tạp hơn thế rất nhiều, quá khứ đầy bạo lực và chuyển biến của nhân vật này là màu sắc tách biệt khỏi nhưng nhân vật khác.


DUNG HÒA NHIỀU YẾU TỐ

Về bề ngoài, Cyberpunk 2077 là một tựa game thế giới mở bối cảnh hiện đại và lấy góc nhìn người thứ nhất làm phương thức để giao tiếp với thế giới.

Nhưng đi sâu vào bên trong, Cyberpunk 2077 còn làm được nhiều hơn thế rất nhiều.

Có thể dễ dàng nhìn thấy nếu như The Witcher có 3 hướng để người chơi có thể lựa chọn là: Kiếm Sĩ, Pháp Sư và Thuật Giả Kim, thì trong Cyberpunk 2077 chúng ta cũng có 3 hướng gần như tượng tự nhưng ít rõ ràng hơn và cũng đan xen vào nhau nhiều hơn đó là: tấn công trực diện, lén lút và hacking.

Nhánh kĩ năng dùng để tấn công trực diện thì tiếp tục chia thành: súng tầm xa, súng ngắn, cận chiến… Nhằm gia tăng sát thương lên kẻ thù và mang lại cảm giác sướng tay nhất.

Với bản chất là game nhập vai, nên số lượng vũ khí đến tay người chơi nhiều vô số kể, từ những thiết kế cơ bản nhất cho đến những món hàng độc lạ với công năng riêng biệt.

Ở khoảng đì đùng súng đạn, có thể nói Cyberpunk 2077 là một tựa game khá “máu me”, khi mỗi phát đạn bắn ra đều để lại những vết thương rõ mồn một lên người kẻ thù, máu chảy đầu rơi, tứ chi “lìa cành” là chuyện luôn xuất hiện sau mỗi trận ẩu đả.

Và như một lẽ hiển nhiên, vũ khí càng gây ra sát thương khủng khiếp thì lại càng… sướng tay khi sử dụng phải không nào?

Súng thì uy lực thổi bay kẻ thù còn dao, kiếm lại có thể lấy đi gọn ghẽ những phần cơ thể khác nhau.

Cyberpunk 2077 thì lại không thiếu những nơi để “kiểm tra” vũ khí với nào là bè lũ giang hồ, hiện trường vụ án… được đánh dấu một cách nổi bật mồn một trên bản đồ.

Quả là một hãng phát triển tinh ý!

Vũ khí mà người viết ấn tượng nhất phải là cây Malorian Arms 3516 trong tay Johnny Silverhand, xuất hiện ngắn ngủi ở màn chơi hồi tưởng về những sự kiện năm 2023.

Từng phát đạn bắt ra sẽ để lại những cái lỗ to tướng trên da thịt, mà nhìn thôi cũng đã thấy… thốn!

Mỗi món vũ khí đều có thể tiếp tục nâng cấp để đạt được sức sát thương mạnh hơn thông qua công thức nhặt nguyên liệu – chế đồ mang đặc sệt hơi thở của The Witcher, nhưng ở giai đoạn đầu game, không hiểu vì lí do gì vũ khí nhặt được lại thường mạnh hơn những gì đang có, nên không cần thiết lắm phải quan đến tính năng này!

Đến với lén lút, đây có lẽ là hướng đi mang lại sự an toàn cao nhất bởi vì vốn dĩ việc tránh không để người khác trông thấy đã là “thượng sách” trong rất nhiều tình huống.

Khó có thể nói màn chơi trong Cyberpunk 2077 được thiết kế để phục vụ mục đích lén lút một cách thoải mái và đa dạng, nhưng tạm có thể bỏ qua không xem xét kĩ điều này bởi CD Projekt RED cũng chủ ý tạo ra một “con đường riêng” dành cho hướng đi này và cũng không đến nỗi quá gò ép khiến bạn phải chao mày.

Cuối cùng, hacking có lẽ là thứ ngầu nhất và thật đáng ngạc nhiên khi ở khoảng này Cyberpunk 2077 còn phức tạp hơn cả Watch Dogs – một tựa game hô hào rằng hack là một thứ gì đó đầy sức mạnh và rồi giải quyết vấn đề chỉ bằng 1 cái ấn nút.

Hack trong Cyberpunk 2077 gần giống như là việc giải một câu đố và hệ quả là bạn sẽ tạo ra được những lợi thế nhất định trong mỗi màn chơi.

Có thể vì tính chất hơi phức tạp nên sẽ dễ bị ngó lơ khi hack chỉ tạo ra được lợi thế chứ không trực tiếp hạ gục kẻ thù theo số đông và có thể bổ trợ riêng cho hai hướng rõ rệt bên trên, nên chắc chắn rất nhiều người (trong đó có người viết) sẽ không chủ trương dùng điểm kĩ năng theo hướng này.

Cyberpunk 2077 là một tựa game khá máu me khi mỗi phát đạn bắn ra đều để lại những vết thương rõ mồn một lên người kẻ thù

Trong Cyberpunk 2077, ngoài bản kĩ năng và hệ thống vật phẩm đã quá quen thuộc của thể loại nhập vai, người chơi còn được giới thiệu một hệ thống mới mang tên Cyberware – hiểu nôm na là một dạng cường hóa các bộ phận trên cơ thể bằng cách lắp những thêm vào đó chi tiết máy.

Mỗi bộ phận được mua về không chỉ đơn thuần bằng tiền mà còn yêu cầu thêm chỉ số Street Cred có được từ hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Cyberware mang lại cho người chơi khá chi tiết những phần có thể thay thế và từ đó, tiếp tục bổ trợ cho hệ thống kĩ năng phân nhánh dày đặc, giúp người chơi tạo nên một nhân vật với những kĩ năng riêng biệt và cực khó để “đụng hàng”.

Tuy nhiên, do số lượng nhánh kĩ năng để nâng cấp quá lớn kết hợp với Cyberware sẽ tạo ra cảm giác hơi “ngộp” về lượng thông tin nên sẽ cần một chút kiên nhẫn để dùng điểm có được sao cho phù hợp nếu không muốn bị “lầm đường lạc lối”.

Là một game thế giới mở với quy mô rộng lớn nên CD Projekt RED không ngần ngại phủ khắp bản đồ với rất nhiều những địa điểm được đánh dấu mà bằng cách đi đến đó chúng ta sẽ có được kha khá những phần thưởng hấp dẫn đến tay.

Có tiền thì sẽ lại… tiêu tiền, ưu tiên hàng đầu của đại đa số người chơi sẽ là vũ khí hay xe cộ bởi đó là những chuyện bình thường nhất đối với một tựa game thế giới mở kiểu này.

Bên cạnh đó, cũng có có thêm khoảng chi nho nhỏ cho những chuyện tiệc tùng rượu chè bê tha và vài điều “khó nói” ở những khu đèn đỏ – một đặc sản của CD Projekt RED.

BẠN SẼ GHÉT

Cyberpunk 2077 - Đánh Giá Game

CHƯA ĐỦ ĐỂ CHẠM “ĐỈNH”

Cyberpunk 2077 có phải là một tựa game hay không? Người viết xin khẳng định là có!

Vậy Cyberpunk 2077 có chạm được đến ngưỡng hoàn hảo hay không? À… có lẽ là không!

Trong suốt quá trình trải nghiệm tựa game này, người viết vẫn cảm thấy cảm giác “chưa đã” đến từ rất nhiều lí do, mà phần lớn trong số đó chính là nhiều những tiểu tiết mà CD Projekt RED hoặc là chăm chút chưa tới, hoặc là đã bỏ quên.

Đầu tiên phải nhắc đến chính là thành phố Night City.

Rất dễ để bắt gặp rất nhiều nhưng pha phản ứng… trên trời dưới đất của người dân mà nếu dừng chân để quan sát, nhiều cảnh tượng bi hài sẽ diễn ra.

Nếu bạn dừng xe giữa xa lộ, các phương tiện phía sau sẽ đứng yên tại chỗ và thà để bị kẹt đường chứ không lách qua để đi tiếp.

Nếu bạn chắn xe trước mặt người đi đường, họ sẽ… quay đầu và đi lại đường cũ cho đến khi khuất dạng.

Thật sự cư dân của Night City vẫn thiếu một chút “muối” khi đầy những tình tiết hành xử cực kì “tối cổ” dù gắn trên mình rất nhiều thiết bị hiện đại và tân tiến.

Mỗi NPC chỉ có duy nhất một cách để phản ứng lại với thế giới và điều đó tạo nên cảm giác khó chịu mỗi khi người chơi muốn làm điều gì đó vượt ngoài “khuôn khổ” an toàn mà game đã tạo ra.

Nhiều lần người viết không biết nên cười hay nên khóc khi dân thường nhảy thẳng vào đầu xe và lăn ra tắt tử, để rồi lực lượng thi hành pháp gán thẳng cái danh trọng tội sau đó xả súng truy đuổi.

Cyberpunk 2077 - Đánh Giá Game

Nhắc đến giới cảnh sát, đây cũng là một câu chuyện “buồn” nữa mà Cyberpunk 2077 mang lại, trong nhiều tình huống giao tranh nơi công cộng, họ sẽ đột nhiên xuất hiện từ cõi hư không và gây áp đảo về quân số dù rằng trước đó… chẳng có ai ở đó cả.

Cảnh sát trong Cyberpunk 2077 được trang bị công nghệ dịch chuyển tức thời chăng? 

Ấy vậy mà chỉ cần nhảy lại gần một chỗ nào đó để đối thoại nhận hay thực hiện nhiệm vụ, thì những anh chàng cảnh sát lại đứng im nhìn người chơi với ánh mắt đắm đuối và sau đó… không truy nã nữa.

Tương tự với đó là những kẻ địch cũng thất thường không kém với nhiều pha “độn thổ” không báo trước.

Night City là một thành phố rất đồ sộ và sống động, điều đó đúng nhưng chỉ là ở cái vỏ đồ họa nằm ở bề ngoài, còn bên trong vẫn là một nơi tạo ra cái cảm giác máy móc và thiếu sức sống.

Mỗi NPC chỉ có duy nhất một cách để phản ứng lại với thế giới và điều đó tạo nên cảm giác khó chịu mỗi khi người chơi muốn làm điều gì đó vượt ngoài “khuôn khổ”

Điều tiếp theo, Cyberpunk 2077 thả thẳng vào mặt người chơi rất nhiều những lựa chọn và chúng đều có cân nặng nhất định khi áp vào các nhiệm vụ.

Nhưng ngoài một số nhiệm vụ “dài hơi” và chỉ chiếm số ít, rất nhiều những lựa chọn đó chỉ thay đổi con đường đến cái đích cuối cùng chứ không ảnh hương đến những gì diễn ra sau đó.

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, bạn bắt đầu từ A và đi đến B, lựa chọn sẽ cho bạn đi như thế nào đến điểm B, chứ ko thể biến cái kết là điểm B thành C được.

Đây là một điều khá đáng tiếc khi chính CD Projekt RED đã làm tốt hơn rất nhiều trong loạt game The Witcher của mình với một nội dung đầy những ngã rẽ chẳng thể đoán định…

Thậm chí việc lựa chọn Life Path từ đầu game, nhìn thì có vẻ hay ho nhưng chỉ ảnh hưởng đến vài ba câu nói được “mở khóa” tùy hoàn cảnh, chứ không thật sự tạo được dấu ấn rõ rệt khi gặp những người có chung nguồn gốc xuất thân.

Và đó là còn chưa kể tin đồn về những tính năng hay ho mà hãng đã hứa hẹn nhưng đã bị cắt khỏi phiên bản chính thức.

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra rằng, liệu Cyberpunk 2077 có thể hoàn hảo hơn được không?

Chắc chắn là có và những thông tin về việc nhân viên bị “dí deadline” rất nhiều khả năng là sự thật.


Cyberpunk 2077 - Đánh Giá Game

MỘT SẢN PHẨM “THẤT THƯỜNG”

Phiên bản PS4 và Xbox One không thể chơi nổi, game bị lỗi và văng nhiều như cơm bữa, Sony gỡ Cyberpunk 2077 khỏi Store, cổ phiếu CD Projekt rớt giá… 

Thời gian vừa qua, chắc chắn những tin tức không hay như vầy xung quanh Cyberpunk 2077 xuất hiện dày đặc ở khắp mọi nơi, người viết sẽ không đánh giá mọi thứ chỉ bằng cách đọc tin tức mà muốn được tự tay trải nghiệm và kết quả là…

Hoàn toàn thất vọng!

Một cỗ máy thuộc hàng “mạnh mẽ” mà người viết dùng để trải nghiệm Cyberpunk 2077 là i9 9920x, RAM 64GB, RXT 2080 8GB vẫn gặp nhiều pha trồi sụt khung hình một cách khó chịu dù thiết lập chỉ ở mức Ultra chưa bật Ray Tracing trên độ phân giải 1080p.

Lúc đó người viết thật sự phải thốt lên, “đây là sự thật luôn ấy hả?”

Đi vào đám đông – rớt tốc độ khung hình, bắn nhau cháy nổ – rớt tốc độ khung hình, chạy xe quá nhanh – rớt tiếp, đứng ngắm cảnh… cũng rớt luôn!

Cyberpunk 2077 - Đánh Giá Game

Đó là RTX 2080 8GB, người viết hạ một chút xuống với RTX 2070 ngang nhau dung lượng VRAM và ở mức High cùng một số thiết lập Medium, tình trạng tương tự vẫn… diễn ra, kể cả khi cập nhật driver cho VGA hay thậm chí cập nhật cho cả Windows.

Tất nhiên, vẫn sẽ có ý kiến phản bác rằng có thể giảm thiết lập xuống để trải nghiệm được mượt mà hơn, à đấy là chuyện hiển nhiên như khi “đói thì phải đi ăn” vậy!

Nhưng cũng hãy nhớ rằng, cấu hình ở mức đề nghị CD Projekt RED đưa ra lúc đầu chỉ là GTX 1060 6GB và điều này thì không khác nào một cái tát trực diện vào mặt người chơi.

Sau đó là câu chuyện của lỗi và lỗi, nhẹ nhàng là bị thay đổi vân phủ bề mặt từ món đồ này thành món đồ khác, nặng hơn là mất hẵn luôn cảnh vật xung quanh, điên tiết hơn nữa là kẹt ở đâu đó và chẳng thể làm gì được ngoài khởi động lại game.

Đi vào đám đông – rớt tốc độ khung hình, bắn nhau cháy nổ – rớt tốc độ khung hình, chạy xe quá nhanh – rớt tiếp, đứng ngắm cảnh – cũng rớt luôn!

Những gì đã kể bên trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “lỗi” mà người viết đã gặp, chỉ có duy nhất vấn đề văng game là đến hiện tại may mắn vẫn chưa gặp phải.

Vài ngày sau khi game mắt, CD Projekt RED đã tung ra một bản vá lỗi 1.04, nhưng vẫn còn rất nhiều những vấn đề nhức nhối chưa được cải thiện và có lẽ sẽ phải còn lâu nữa mới khắc phục triệt để.

Đối với người viết, Cyberpunk 2077 là một sản phẩm mất tận ngót nghét 8 năm chỉ để đến tay người chơi, do đó, việc hứng chịu rất nhiều lỗi như vầy là chuyện hoàn toàn không nên và tốt nhất là không được phép xảy ra.

Tất cả những thiện cảm mà Cyberpunk 2077 tạo được từ lúc đầu, dần bị những lỗi kĩ thuật tràn lan đánh tan, đáng lẽ ra giá trị của tựa game này nằm ở một vị thế cao hơn thế rất nhiều và đội ngũ tài năng như CD Projekt RED xứng đáng nhận được “quả ngọt” hơn là đau đáu sửa hết từ lỗi này đến lỗi khác…

Bạc 8.5

Cyberpunk 2077 vẫn là một tựa game cực kì đáng để chơi và bỏ tiền ra mua, xét trên ba khía cạnh thuần túy nhất: nội dung, lối chơi và đồ họa. Nhưng phiên bản đến tay người chơi lại là một sản phẩm kém hoàn thiện.



CD Projekt RED có thể làm tốt hơn như hiện tại không? Có chứ!



Và rõ ràng những nhân viên tại đó cần thêm thời gian để chỉn chu cho "đứa con tinh thần" mang tên Cyberpunk 2077, hơn là phải ra mắt đúng hẹn và sau đó là những câu chuyện chẳng mấy hay ho...

Thông tin

  • Cyberpunk 2077
  • Nhà phát triển
    CD PROJEKT RED
  • Nhà phát hành
    CD PROJEKT RED
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    10/12/2020
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 (64-bit only)
  • CPU
    Intel Core i5-3570K / AMD FX-8310
  • RAM
    8GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 780 / AMD Radeon RX 470
  • Lưu trữ
    70GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    Intel Core i9 9920x
  • RAM
    64GB
  • GPU
    Gigabyte GeForce RTX 2080 Gaming OC 8GB GDDR6
  • Lưu trữ
    256GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CD PROJEKT RED. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận