Skip to content

Darkest Dungeon – Đánh Giá Game

Darkest Dungeon

Darkest Dungeon – Đối với những ai đam mê đề tài kinh dị, không cần biết là từ phim hay truyện, thì cái tên “H.P Lovecraft” chắc hẳn đã không còn gì xa lạ nữa. 

Vốn là một tác giả không mấy gặp thời khi còn sống, thế nhưng đến ngày hôm nay thì các tác phẩm kinh dị của H.P Lovecraft đã trở thành một hiện tượng siêu nhiên, được đông đảo độc giả yêu thích, thậm chí còn là nền tảng cho cả một vũ trụ giả tưởng mang tên “Lovecraftian”.

Các bộ phim kinh dị được chuyển thể hoặc lấy ý tưởng từ các tác phẩm của H.P Lovecraft còn có hẳn một phân mục riêng biệt, gọi là “Cosmic Horror” (kinh dị vũ trụ). 

Trong thế giới này, con người chỉ là những sự tồn tại yếu ớt, không thể nào chống lại được quyền năng tuyệt đối của các thực thể kinh khủng với nanh, nọc, xúc tu… đến từ các chiều không gian khác.

Đặc sắc như vậy, lẽ dĩ nhiên là có không ít các sản phẩm video game “ăn theo” đề tài Lovecraftian này, dù là “bê nguyên xi” hay vay mượn bối cảnh một chút (như dòng RPG Grim Dawn hay Bloodborne chẳng hạn). 

Không thể phủ nhận với bối cảnh kỳ dị, cùng không khí và tạo hình quái vật kinh tởm, những sản phẩm có phong cách Lovecraftian ít nhiều gì cũng khá là kén người chơi – nhưng điều này chỉ càng làm nhuốm thêm cái chất ma mị, thần bí của đề tài độc đáo này mà thôi.

Nhắc đến các tựa game Lovecraftian và thành công vang dội nhất, không thể không nói tới Darkest Dungeon – một tựa game cực kỳ chất lượng và chẳng kém phần “tà dị” đến từ Red Hook Studios

Tuy đây là một tựa game đã ra mắt từ rất lâu, thế nhưng đã là game hay thì không có lý do gì mà phải phân định mới cũ, đặc biệt là nếu như có thể “phổ cập” cho nó được nhiều người chơi biết tới hơn?

Vậy, Darkest Dungeon là một tựa game như thế nào, hay đến đâu, có gì đặc sắc? 
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ THÍCH

Bối cảnh âm u, kỳ dị!

Cốt truyện trong Darkest Dungeon xoay quanh một tay nhà giàu quái dị, mà được game gọi với cái tên là “The Ancestor” (tổ tiên). 

Vốn thừa mứa tiền bạc đến mức ăn tiêu cả đời không hết, nhưng tay này vẫn cảm thấy cuộc sống trống vắng dù vây quanh lúc nào cũng là rượu ngon, gái đẹp. 

Thế rồi (cũng như mọi nhân vật trong vũ trụ Lovecraft) một ngày nọ, hắn nghe thấy những tiếng nói kỳ lạ vang vọng trong đầu, thôi thúc hắn phải tìm thấy điều bí mật được chôn giấu ngay bên dưới tòa dinh thự này.

Tiêu tốn hết cả gia sản vào việc đào bới cả một mê cung ngay bên dưới trang viên của dòng họ, cuối cùng The Ancestor tìm thấy được một cánh cổng ma quái dẫn vào một điện thờ cổ xưa bị chôn vùi biết bao thế kỷ. 

Và (cũng như mọi tình tiết trong Lovecraft) một thực thể kinh khủng thức tỉnh, giết sạch bọn phu mỏ cũng như nhập vào xác của The Ancestor. 

Ý thức được hành động ngu si của mình, trước khi hoàn toàn bị thực thể ma quái kia chiếm hữu cả tinh thần lẫn thể xác, The Ancestor đã viết một bức thư gửi cho hậu duệ duy nhất còn sót lại của dòng tộc (là người chơi), kêu gọi anh ta quay về để cứu lấy gia tộc và ngăn chặn con quái vật tà ác lại.

The Ancestor tìm thấy được một cánh cổng ma quái dẫn vào một điện thờ cổ xưa bị chôn vùi biết bao thế kỷ

Thế nhưng đời đâu có êm đềm như nước sông Sài Gòn mùa mưa lũ? 

Hành trình về nhà của người chơi đã không suôn sẻ khi bị bọn cướp phục kích ngay trong khu rừng rậm gần nhà. 

Vừa đánh vừa chạy, người chơi tìm đến được một ngôi làng xập xệ, nghèo khổ ở vùng ven, và đây cũng có thể xem là “căn cứ địa”, là bàn đạp để người chơi tổ chức cho mình một đội ngũ trước khi tiến sâu vào những vùng cấm địa, vốn đã bị biến đổi từ sau khi thế lực tà ác cổ xưa kia được giải phong ấn.


Lối chơi hấp dẫn, có chiều sâu

Về cốt lõi, lối chơi chủ đạo của Darkest Dungeon là một game nhập vai, phong cách roguelike, khi mỗi địa điểm trong game sẽ có kết cấu phòng ốc và sự kiện hoàn toàn khác nhau mỗi lần chơi lại (procedurally generated levels). 

Người chơi trong Darkest Dungeon sẽ tổ chức một đội gồm 4 nhân vật thuộc nhiều chức nghiệp khác nhau, và mỗi hành trình vào các địa đạo sẽ có những diễn biến độc lập, khiến người chơi phải tính toán cẩn thận nếu không muốn cả đội bị “tiễn vong”.

Các trận đấu trong Darkest Dungeon diễn ra theo lượt, với đội hình của người chơi và kẻ địch xếp hàng đứng đối diện nhau. 

Mỗi đơn vị trong game sẽ có các đòn tấn công với khả năng gây sát thương, hiệu ứng, cũng như tầm đánh riêng biệt. 

Ví dụ như có những đòn đánh chỉ “với” tới 2 ô đầu tiên của địch, nên dĩ nhiên là hoàn toàn vô dụng nếu muốn tấn công các đơn vị đứng sau. 

Vì vậy, việc bố trí chỗ đứng của các nhân vật, cũng như chi phối vị trí của địch, là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong Darkest Dungeon.

Điểm nhấn khác biệt trong cơ chế chiến đấu của Darkest Dungeon còn ở chỉ số “tinh thần” của các nhân vật. 

Có những đòn tấn công gây sát thương thể xác không đáng kể, nhưng lại làm giảm mạnh chỉ số tinh thần của nhân vật. 

Tinh thần càng suy sụp thì nhân vật càng dễ đánh hụt, bị trúng đòn, hoặc dễ bị chí mạng – và dĩ nhiên, cũng đi kèm với những biểu hiện thần trí bất ổn, miệng bắt đầu nói nhảm… và khiến những người khác cũng… điên theo!

Tuy là game dạng roguelike với kiểu thám hiểm qua từng phòng, thế nhưng ở Darkest Dungeon lại tích hợp nhiều cơ chế mới lạ khiến game trở nên khác biệt so với số đông cùng loại. 

Điển hình như hệ thống “ánh sáng” trong game: mặc định thì các hầm ngục đều âm u, tối mù, đội ngũ của người chơi phải mang theo đuốc để soi sáng đường đi. 

Ánh sáng sẽ yếu dần và lụi tắt, trong khi nếu màn đêm càng dày đặc thì tỉ lệ xuất hiện kẻ địch, thậm chí là “quái khủng” sẽ càng tăng mạnh.

Nhưng, “liều thì ăn nhiều”, và trong bóng tối thì phần thưởng thu được từ kẻ địch sẽ nhiều và “xịn sò” hơn, nên với Darkest Dungeon thì người chơi luôn bị giằng co giữa hai luồng tư tưởng: “chơi an toàn” và “yolo bạt mạng”.

Darkest Dungeon lại tích hợp nhiều cơ chế mới lạ khiến game trở nên khác biệt so với số đông cùng loại

Tồn tại song song với những chuyến phiêu lưu nguy hiểm trong ngục tối, là “sang chấn tâm lý” từ những cuộc “đi xa” này, dù thành công hay thất bại. 

Như đã nói bên trên, chỉ số “tinh thần” có ảnh hưởng cực lớn đến sức chiến đấu của toàn đội, và rủi thay là có rất ít cách để nó tự phục hồi. 

Thay vào đó, người chơi có thể đưa các nhân vật của mình tham gia những hoạt động “xã hội” để “xả stress và chill”. 

Tuy vậy, mỗi nhân vật lại có cách giải tỏa căng thẳng rất khác nhau: từ vào quán rượu nhâm nhi, cho đến đánh bài… hoặc “bựa” hơn là đi… “đá gà”, hay “tự sướng” bằng roi da và sáp nến (à thì…) 

“Trong cái rủi có cái xui”, ông bà ta dạy chớ có sai, và với Darkest Dungeon thì sau những chuyến hành trình đổi mạng trong ngục tối hay những cuộc ăn chơi bạt mạng, thì “di chứng” để lại là những “nội tại” cực kỳ củ bựa! 

Nhân vật trong Darkest Dungeon ai cũng có hai mặt sáng và tối, hay nói khác đi là các nội tại tích cực và tiêu cực. 

Những nội tại “củ bựa” tiêu cực đôi khi sẽ biến nhân vật của bạn thành một gã tối ngày chỉ lảm nhảm làm nhục chí anh em, hoặc tham lam bất chấp an nguy của toàn đội. 

Những yếu tố này càng làm cho tính biến hóa khi xây dựng tổ đội trong Darkest Dungeon thêm đa dạng và độc đáo.


Đồ họa “không đụng hàng”

Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất mà Darkest Dungeon đem lại cho người chơi từ cái nhìn đầu tiên, chính là phong cách đồ họa cực kỳ quái dị và tăm tối! 

Có thể nói, nó nằm đâu đó giữa “đẹp” và “xấu”, thế nhưng lại phù hợp với bối cảnh và lối chơi của Darkest Dungeon một cách lạ kỳ!

Với bối cảnh kỳ dị của mình khiến cho Darkest Dungeon chọn kiểu thiết kế nhân vật pha trộn giữa thời kỳ hắc ám Trung Cổ, đan xen với những chi tiết của thời hiện đại những năm 20, 30 (theo kiểu các bộ phim The Mummy hoặc Indiana Jones). 

Điều đó thể hiện qua các trang phục giáp nặng kín người của chiến binh Crusader, combo khăn trùm đầu cộng áo choàng kín người của Occulties, hay chiếc mặt nạ “mỏ quạ” đặc trưng của Plague Doctor…

Tất cả hình ảnh trong Darkest Dungeon đều được thể hiện bằng nét vẽ tay, kết hợp với những thủ pháp đi nét rất dày và gắt, tạo nên ấn tượng rất mạnh như các bộ truyện tranh “dark comic” kiểu Mỹ. 

Với tông màu chủ đạo là đen, đỏ, pha trộn với các màu sắc bị ố, dơ của màu trắng và vàng, mọi thứ trong Darkest Dungeon đều toát nên cái vẻ ma quái, kỳ dị của một thế giới hỗn mang, bất ổn, cứ như lúc nào cũng chực chờ “tắm” mọi thứ trong máu tanh…

Các loại kẻ địch trong Darkest Dungeon lại càng được tô vẽ kỳ hình quái trạng hơn nữa, và tất thảy đều mang đặc tính của môi trường nơi chúng ở. 

Ví dụ như bọn cướp cạn bìa rừng thì đa số đều mang hình thù của con người, trừ một số con “trùm” quái dị bị biến dạng (như kiểu trong manga Berserk). 

Bọn thuỷ quái ở các ngôi đền ven biển thì mang đậm tạm hình cá tôm, với những nét giải phẫu của con người, hệt như những cá thể quái vật trong phim Dagon hoặc Cướp biển Cà Ri Bê (thuỷ thủ đoàn của Davy Jones)… 

Tất thảy đều phối hợp với nhau một cách hoàn mỹ, cả về tạo hình, thiết kế lẫn bộ kỹ năng đặc thù, làm nổi bật lên đặc trưng của từng loại.

ấn tượng mạnh mẽ nhất mà Darkest Dungeon đem lại cho người chơi từ cái nhìn đầu tiên, chính là phong cách đồ họa cực kỳ quái dị và tăm tối!

Về diễn hoạt thì với một tựa game 2D, Darkest Dungeon đã làm quá tốt những gì cần làm, nhằm truyền tải được cảm giác chiến đấu rất “lực”, mà lại không hề rườm rà, hoa mỹ. 

Tất cả cảnh ra đòn trong game đều được thể hiện bằng những bức tranh tĩnh được cắt rời và “chồng” thành nhiều lớn, đi kèm với thủ pháp căn chỉnh, di chuyển hợp lý nhằm tạo ra những pha ra đòn rất mạnh mẽ, máu me, nhưng cũng vô cùng đậm chất nghệ thuật và siêu thực.

BẠN SẼ GHÉT

Darkest Dungeon

Độ khó không dung thứ!

Tuy hay ho và hấp dẫn là thế, nhưng ở Darkest Dungeon, ngoài cái đề tài “dơ dơ, nhớp nhúa” kiểu Lovecraft và cái chất màu âm u, kinh dị, thì thứ khiến số đông người chơi dễ “dạt ra xa” khỏi trò chơi chính là “độ khó kinh khủng” mà game mang lại. 

Ngay từ những phút đầu tiên, người chơi Darkest Dungeon đã tự ngầm hiểu rằng: hành trình của mình về sau sẽ chẳng bao giờ là hoa thơm trái ngọt, hay những pha “trấn áp quần hào” một cách thuyết phục nữa…

Darkest Dungeon có cách cân chỉnh sát thương rất “gắt”, đi kèm với việc kẻ địch có cấp độ “động” tự thăng theo người chơi; hiếm khi nào mà người chơi cảm thấy mình tung ra những đòn đánh có sát thương “khủng bố” được. 

Mỗi trận đấu trong Darkest Dungeon luôn kết thúc bằng nhiều thương tích và “di chứng tâm lý” nơi tổ đội người chơi, dù họ xây dựng tổ đội hợp lý đến đâu hay tính toán kỹ lưỡng cỡ nào.

Với Darkest Dungeon, các trận chiến luôn là “đấu trường” của các hiệu ứng xấu, từ trúng độc, rỉ máu, suy yếu… cho đến choáng, phát khùng… 

Darkest Dungeon

Do đó, việc người chơi vừa phải cân chỉnh sát thương để kết thúc nhanh trận đấu (à mà người viết chưa đề cập chuyện đánh càng “nhây” trong Darkest Dungeon thì kẻ địch sẽ… kéo ra càng nhiều chưa nhỉ?), vừa phải tìm cách hoá giải bớt các trạng thái xấu này, luôn là vấn đề đau đầu trong game.

Khó khăn là thế, mà việc cân đối tài chính trong Darkest Dungeon cũng chẳng hề “dễ chịu” hơn bao nhiêu. 

Với số tiền vốn ít ỏi, phải tiêu tốn vào lương thực, đèn đuốc cùng các nhu yếu phẩm khác, thật sự một chuyến đi trung bình trong Darkest Dungeon hầu như không đem lại mấy lợi nhuận, trừ phi người chơi liều lĩnh tắt đèn săn kho báu hoặc đem nhân vật lớp Antiquarian, với chiêu “hack tiền”. 

Chưa kể đến việc một lần đi về cũng phải tốn kha khá tiền cho các thành viên đi “ăn chơi, nhảy múa” hoặc chữa bệnh nữa.

Các hầm ngục trong Darkest Dungeon chia theo cấp độ trung bình của tổ đội, và điều này khiến người chơi phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lao vào các hầm cấp cao. 

Việc này thể hiện rõ bằng cách khi đưa một nhân vật chưa đủ cấp vào nhóm, họ sẽ có những câu nói kiểu “Không, tránh xa tao ra” hoặc “Tao mà đi là… chớt chắc”. 

Darkest Dungeon

Điều này khiến người chơi phải “nuôi” rất nhiều đội, gồm những mục đích khác nhau và để luân phiên cho nhân vật nghỉ ngơi.

Sau cùng, Darkest Dungeon có mức độ trừng phạt rất cao. 

Khi một nhân vật cạn máu, họ chưa chết ngay mà rơi vào trạng thái Death’s Door (cửa tử). 

Ngoài việc bị giảm rất nhiều chỉ số, thì khi trong trạng thái này bất cứ sát thương nào nhận vào cũng đều có tỉ lệ tất sát, khiến nhân vật chết ngay! 

thứ khiến số đông người chơi dễ “dạt ra xa” khỏi trò chơi chính là “độ khó kinh khủng”

Và nhân vật trong Darkest Dungeon mà chết là mất luôn (permadeath), bất kể cấp độ bao nhiêu, cũng như không có cách nào vãn hồi lại được, một phong cách rất đặc thù của dạng game roguelike!

Với đặc thù có những hầm ngục dài vô tận không biết điểm dừng, vô số sự kiện bất ngờ mang tính bất lợi, và nhiều chỉ số như sức khỏe, tinh thần, ánh sáng, lương thực… phải quản lý, thật sự một chuyến phiêu lưu trong Darkest Dungeon yêu cầu rất nhiều nơi người chơi, cả về sự cẩn thận, tỉnh táo, cũng như tinh thần thoải mái, không quá nặng nề về chuyện được mất!

Vàng 9.5

Darkest Dungeon quả thật là một “kỳ quan” trong dòng game roguelike, vốn khá kén người chơi.



Sử dụng một đề tài ma mị, ám ảnh, chất đồ hoạ “sô đíp” cùng một lối chơi “dễ xa nhau”, Darkest Dungeon tạo nên một cánh cổng to lớn, dày nặng ngăn cách mình với phần còn lại của thế giới.



Tuy nhiên, nếu đã vượt qua được các trở ngại này, thì những giá trị mà game mang lại thật sự vô cùng to lớn và xứng đáng!

Thông tin

  • Darkest Dungeon
  • Nhà phát triển
    Red Hook Studios
  • Nhà phát hành
    Red Hook Studios
  • Thể loại
    Nhập vai, Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    19/01/2016
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation Vita, PlayStation 4, Nintendo Switch, iOS

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows XP 32-bit
  • CPU
    Dual Core 2.8GHz
  • RAM
    2GB
  • GPU
    Open GL 3.2+
  • Lưu trữ
    2GB
  • Thiết bị
    Samsung 950 Pro 256GB

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi RED HOOK STUDIOS. Chơi trên PC.