Skip to content

Deemo: Reborn – Đánh Giá Game

Deemo: Reborn

Deemo: Reborn – Có một chiều dài lịch sử đáng kinh ngạc và sở hữu lượng người hâm mộ chẳng hề kém cạnh bất cứ dòng game nào khác.

Thế nhưng, thật buồn là game âm nhạc (music game) tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Dẫu thế, chúng ta vẫn đón nhận những sản phẩm cực kỳ xuất sắc trong thể loại game này như Project Diva, Just Dance, Taiko Master… và tất nhiên, nếu đã nói về những tựa game âm nhạc xuất sắc thì không thể không nhắc tới dòng game Deemo tới từ nhà phát triển Rayark

Nhẹ nhàng, tình cảm, sâu lắng và đậm chất nghệ thuật, một lần nữa chúng ta lại căn phòng nhỏ cùng chiếc đàn Piano quen thuộc, tham gia chuyến phiêu lưu ngập tràn trong âm nhạc của chàng Deemo bí ẩn nhằm giúp cô bé Alice trở về.

Với đồ hoạ được làm lại hoàn toàn, hỗ trợ tính năng thực tế ảo (VR) và sự quay lại của những bài nhạc huyền thoại đã làm nên bản Deemo đầu tiên.

Liệu Deemo: Reborn có thực sự là một cái tên tuyệt vời như những đàn anh hay chỉ là một bản làm lại vội vã?

Hãy cùng Vietgame.asia đánh giá nghiêm túc tựa game này nhé.


BẠN SẼ THÍCH

CUỘC DẠO CHƠI ĐẦY CẢM XÚC

Ngay từ đoạn cắt cảnh đầu tiên, Deemo: Reborn đã gợi nhắc lại mở đầu kinh điển của dòng game đó là… cho một cô bé rơi từ trên trời xuống thẳng vào vòng tay của một sinh vật màu đen.

Thế nhưng, thay vì chỉ là việc chơi nhạc hết từ bản này qua bản khác và chờ xem cắt cảnh. Deemo: Reborn đã có một phần chơi nhập vai hẳn hoi và… khá nhiều lời thoại (so với bản cũ).

Câu truyện cốt lõi của game không thay đổi nhưng cách dẫn truyện nay đã được làm một cách khéo léo hơn rất nhiều. Ví dụ như những chi tiết nhỏ về thân phận thật của Deemo và Alice, cô bé mang mặt nạ là ai, lý do vì sao Deemo hết lòng giúp đỡ Alice… sẽ được nằm rải rác trong suốt quá trình chơi.

Người viết thực sự khen ngợi những “quả trứng phục sinh” được nhà sản xuất lồng vào như vậy, ví dụ những quyển sách trong thư phòng đầy những chi tiết ẩn dụ cô bé Alice ngoài đời thật đang hôn mê ly bì, câu chuyện về cây con và cây cha…

Phần chủ lực của game – âm nhạc tất nhiên sẽ là thứ mà bạn quan tâm nhất trong toàn bộ bài viết. Sau khi trầy trật 30 phút đồng hồ chỉ để chơi… phần hướng dẫn thì người viết đảm bảo với bạn thì gameplay của Deemo: Reborn chắc chắn không phải là thứ được làm qua loa cho xong chuyện.

Deemo: Reborn đem đến cho người chơi sự bối rối cực mạnh với cái thứ gọi là “Easy Mode” – mỗi cái “chế độ dễ dàng” này thôi đã khiến người chơi vã cả mồ hôi chứ chưa nói tới 2 chế độ còn lại (tất nhiên là còn tuỳ thuộc vào cấp độ của nhạc nữa).

Ở cấp cơ bản, các bản nhạc trong Deemo: Reborn được chia ra 10 cấp độ và một cấp đặc biệt gọi là Extra. Thường thì với một bản nhạc, Easy Mode sẽ ở nấc 1-5 (với một số bản nhạc đặt biệt thì có thể lên tới nấc 8), Normal Mode sẽ ở nấc 5-8 và Hard mode sẽ ở nấc 7-10 (có thể có những bản nhạc sở hữu độ khó vượt nấc 10 ví dụ như bài Myosotis).

Vấn đề độ khó của game không phải là do game cố tình đánh đố người chơi mà nó nằm ở tính cốt lõi của game. Đa phần những tựa game âm nhạc khác như Project Diva hay Taiko Master thì ở mức độ dễ dành cho người mới chơi thì thường sử dụng khá là ít nút bấm.

Trong khi đó ở Deemo: Reborn, cho dù là đang ở Easy Mode thì bạn đã phải sử dụng cả 2 hàng nút cộng với phím L, R trên tay cầm (với những tựa game khác thì đây là từ độ khó trung bình trở lên). Với những người lần đầu hoặc ít chơi thể loại game âm nhạc thì rất khó để bắt kịp nhịp điệu khi phải sử dụng cả 2 tay.

Thế nhưng chính cái “khó vốn có” trong việc điều khiển lại là thứ giúp Deemo: Reborn trở nên đặc biệt cuốn hút. Nếu phải so sánh thì nó có vẻ giống hội chứng “thích tự ngược” khi bạn chơi những tựa game siêu khó như Dark Souls vậy.

Sau khi trải qua khoảng 1 phần 3 tựa game thì việc dứt ra khỏi cái thứ âm nhạc đầy ma thuật này thật khó khăn.

Hoàn thành nhạc phẩm ở độ khó càng cao thì cây sẽ phát triển càng nhanh và càng sớm… hết game. Thực ra thì bạn không cần phải hoàn thành nhạc phẩm ở mức độ khó nhất hoặc ráng để đạt 100% bản nhạc (và cũng chẳng dễ gì làm được điều này), nếu như chỉ đơn thuần là chơi ở mức độ thưởng thức thì chỉ cần chơi game như bình thường, khi cây đạt đủ độ cao nhất định thì cốt truyện mới sẽ được mở ra.

Để sở hữu những bản nhạc mới thì bạn có thể giải đố hoặc chúng sẽ nằm rải rác khi đi theo cốt truyện. Và nếu bạn đang lo sợ rằng game quá ít nhạc thì yên tâm, Deemo: Reborn sẽ sở hữu hơn 290 bài hát dư dả cho bạn khám phá và vọc vạch.

Mỗi bài hát trong Deemo: Reborn đều mang những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ buồn chán, đau khổ, nhẹ nhàng tới vui nhộn, sôi động, mạnh mẽ, hung bạo… đảm bảo bạn sẽ chơi mãi không chán

Mỗi bài hát trong Deemo: Reborn đều mang những cung bậc cảm xúc khác nhau

Cũng hơi buồn vì tông màu của game giữ mãi một kiểu tông trầm buồn suốt từ đầu tới cuối. Tuy vậy, game vẫn không thiếu những khoảng khắc nho nhỏ, vui kiểu “ấm trong lòng”.

Ấn tượng nhất với người viết là câu chuyện về bức tranh cây hoa, hạt giống được gieo trồng, nhờ mưa mà nảy mầm, nhờ nắng mà phát triển và nhờ tuyết mà thay hoa, như một vòng đời của con người, cứng cáp và mạnh mẽ theo năm tháng.

Những bài học nhân văn ẩn vào những chuyện nhí nhố của tinh linh màu hồng, những thứ bừa bộn trong căn phòng của Deemo, những thắc mắc trẻ con của Alice và những thứ ích kỷ đầy nước mắt của cô bé mặt nạ, tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc thật khó diễn đạt.

Buồn nhưng không hề khô khốc, câu chuyện trong Deemo: Reborn không đậm tính triết lý mà rất tự nhiên, nó là tâm trạng của một cô bé đang lạc lối là nỗi đau khi mất đi một thứ quý giá, là những gì mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải.

Deemo: Reborn đúng kiểu là, bạn hiểu gì về bản thân bạn? Bạn hiểu gì về những hy sinh của người khác dành cho bạn? Bạn sẽ làm gì nếu như cuộc đời ép bạn lớn lên? Nếu bạn có lý do, liệu bạn có được phép ích kỷ?…

Thật khó để trả lời những câu hỏi như vậy nhưng qua Deemo: Reborn, có lẽ bạn cũng sẽ rút ra một bài học nhỏ nhoi nào đó cho riêng mình.


BẠN SẼ GHÉT

VẪN CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Thứ khó chịu đầu tiên thì phải nói tới phần mà Deemo: Reborn được quảng cáo ngay từ những trailer đầu tiên – thực tế ảo (VR).

Thực ra áp dụng VR cho một tựa game âm nhạc không phải là hiếm, chúng ta đã có một tựa game khá thành công ở việc kết hợp 2 thể loại này là Beat Saber.

Thế nhưng, chế độ VR trong Deemo: Reborn thực sự khá là khó để cảm thụ, với việc các nốt nhạc bay như mưa, việc bấm nút trên màn hình phẳng đã khó thì nói chi trong môi trường thực tế ảo.

Camera trong game cũng khá là “dở hơi” vì đa phần các hành động tương tác với môi trường đều bị khoá camera, và khi sử dụng PS VR, với việc đã quen với việc cử động thì rất bực bội khi nhân vật không theo ý mình. Thế nên sau 15 phút trải nghiệm chế độ chơi VR thì người viết đành bỏ cuộc với cái chế độ này.

Gọi là nâng cấp đồ hoạ nhưng thực tế thì đồ hoạ trong Deemo: Reborn khá thô (có thế do gánh thêm phần VR nữa) và mọi thứ luôn mờ mờ ảo ảo cho dù đang chơi ở chế độ TV hay VR.

Chuyển động nhân vật cũng rất ù lì, chậm chạp và biểu cảm thì hầu như rất ít dù cho thực tế thì chỉ có mỗi Alice là có biểu cảm (ít ra thì game vẫn vớt vát ở phần lồng tiếng).

Tuy rất ấn tượng với việc ẩn dụ và gửi gắm thông diệp cho người chơi qua môi trường nhưng phần giải đố của Deemo: Reborn thực sự không thuyết phục lắm.

Game có vẻ đi theo phong cách cổ điển như các game giải đố đời đầu như Zelda, kiểu người chơi không hề có một gợi ý nào trong suốt quá trình giải đố.

Nhưng thực tế thì cách xây dựng câu đố khá là nhạt nhẽo và đa phần được giải quyết theo kiểu “nghĩ sao làm vậy” (như tắt hết đèn thì thể nào cũng có thứ gì đấy loé lên, những quyển sách xộc xệch thì xếp đúng thứ tự sẽ có thứ gì đấy xảy ra…).

Tuy rất ấn tượng với việc ẩn dụ và gửi gắm thông diệp cho người chơi qua môi trường nhưng phần giải đố của Deemo: Reborn thực sự không thuyết phục lắm

Bởi vì người chơi không cảm thấy có chút thử thách nào, thành ra các câu đố trong game trở nên thừa thãi, mà cho dù nếu có thử thách thì bạn chỉ cần chơi nhạc để cây mọc tới mốc cần thiết là có thể dễ dàng đi tiếp cốt truyện.

Ngoài ra thì game vẫn có một số lỗi nhỏ như tụt khung hình ở một số phân đoạn, load game lâu, không thể tuỳ ý chỉnh nút…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Rayark Inc.
  • Phát hành: UNTIES
  • Thể loại: Âm nhạc
  • Ngày ra mắt: 21/11/2019
  • Hệ máy: PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UNTIES

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4

7.5

Nếu chọn game dưới phương diện của một game thực tế ảo, giải đố thì Deemo: Reborn không phải là một lựa chọn tốt dành cho bạn. Nhưng nếu như chỉ dừng lại ở việc cảm thụ cốt truyện tựa như truyện cổ tích dành cho người lớn đi kèm cùng những nhạc phẩm tuyệt đỉnh thì Deemo: Reborn sẽ là một cái tên đáng lưu ý dành cho bạn nếu như bạn đang muốn tìm kiếm một tựa game âm nhạc nhưng phải vượt qua khuôn khổ của một tựa game âm nhạc.

Tác giả

Thảo luận