Skip to content

Dollhouse – Đánh Giá Game

Dollhouse

Vào tháng 7/2012, Valve công bố Steam Greenlight, nền tảng cho phép người dùng bình chọn game từ các nhà phát triển độc lập để đưa lên Steam. Tới tháng 10 năm đó, một tựa game phiêu lưu giải đố kinh dị mang tên Dollhouse được đăng tải lên hệ thống.

Đáng tiếc là phải mất tới tận 2 năm, game mới có đủ lượng bình chọn từ cộng đồng để lên Steam. Sang năm 2015, tựa game được công bố sẽ có mặt trên PS4 và PC vào 2016 , hỗ trợ cả Windows, Linux và Mac OS … nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tới năm 2017, Steam Greenlight bị Valve khai tử, nhưng Dollhouse vẫn bặt vô âm tín. Và rồi cuối cùng, 7 năm sau ngày được giới thiệu với công chúng, Dollhouse cũng đã có mặt trên PC và PS4, nhưng không hỗ trợ Mac OS và Linux…

Nói tóm lại, tựa game này đã có lịch sử phát triển “hẩm hiu”. Đương nhiên điều này phải là mới mẻ gì, nhưng với quãng thời gian 7 năm, chắc chắn là những người chờ đợi sẽ hi vọng một sản phẩm gì đó hoàn hảo, hay ít ra là trên trung bình.

Đáng tiếc, đời không được như mơ mà…

Hãy để bài viết sau từ Vietgame.asia cho bạn biết tại sao Dollhouse lại hẩm hiu như đúng cái số phận của nó vậy nhé!


BẠN SẼ THÍCH

15 PHÚT ĐẦU TIÊN

Dollhouse được kết hợp từ rất nhiều yếu tố tiềm năng, đủ sức để làm nên một tựa game phiêu lưu giải đố kinh dị tên tuổi: cốt truyện phỏng theo những tác phẩn của “Vua truyện kinh dị” Stephen King, giọng dẫn chuyện cực kì “chuẩn bài” quyến rũ và hơi rợn, khuynh hướng đồ họa đen trắng âm u và cổ điển của những năm 1950 đi kèm họa âm đầy cảm hứng, các màn chơi sẽ thay thôi liên tục giữa những lần chơi mới, thậm chí một chế độ chơi mạng đầy tính “mạt sát”…

Bước vào game, chỉ từ những phút đầu tiên, bạn dường như bị “bóp nghẹt” trong cả không khí kinh dị của game. Giọng dẫn truyện sẽ dần giải thích cho bạn về những điều bạn cần lưu ý hay những việc bạn có thể làm. Nôm na là bạn ở trong một mê lộ rùng rợn, nơi có những con ma-nơ-canh, những cái bẫy chết người, và một con “trùm khủng”.

Trước hết, bạn chắc chắn sẽ muốn tránh những cái bẫy bởi vì…  chúng là bẫy, và chúng không quá khó khăn để phát hiện. Tiếp đó, bạn sẽ muốn tránh những con ma-nơ-canh. Đây là một điểm đặc sắc tiếp theo của game, bởi những con ma-nơ-canh này sẽ nhẹ nhàng đi theo và tấn công bạn khi bạn không nhìn vào nó, nhưng sẽ đứng yên hoàn toàn nếu bị nhìn thấy. Do vậy, nhiều lúc nghe tiếng xào xạc đằng sau và bất ngờ quay lại, bạn sẽ giật mình bởi trước một hình nhân sừng sững hiện trước mặt. Nghe thì đáng sợ vậy thôi chứ bạn có thể đốt cháy những con ma-nơ-canh và vô hiệu hóa những cái bẫy bằng cách sử dụng khả năng chụp ảnh trong game.

Thử thách thực sự của game nằm ở “trùm khủng”. Đây là một hình nộm sát thủ, liên tục truy tìm bạn để xử. Bạn chỉ có thể cảm nhận được nó khi nó ở gần, và nó có thể tiễn bạn bằng một nhát chém. Nhưng điểm sáng tạo nhất của cơ chế là game cho phép bạn nhìn qua con mắt của kẻ đang truy đuổi mình bất cứ khi nào bạn muốn, để bạn có thêm thông tin về vị trí của nó và cố gắng chạy thoát. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn qua mắt nó, nó cũng lập tức biết được vị trí của bạn và tới chỗ đó ngay lập tức. Do vậy, bạn cần dùng kĩ năng này một cách có tính toán.

Ngoài ra còn một số cơ chế khác nữa, nhưng nói tới đây chắc các bạn cũng thấy bắt đầu có hứng thú với tựa game này phải không nào? Và quả thật, Dollhouse là một sản phẩm cực kì đáng trải nghiệm… nếu bạn chỉ có ý định chơi nó 15 phút.

game cho phép bạn nhìn qua con mắt của kẻ đang truy đuổi mình bất cứ khi nào bạn muốn

BẠN SẼ GHÉT
Dollhouse

PHÚT THỨ 16 TRỞ ĐI

Có được những nền móng tuyệt vời, xây dựng được những cơ chế sáng tạo, và trải qua 7 năm phát triển, thế nhưng bằng một “phép màu” nào đó, nhà sản xuất Creazn Studio vẫn có thể tạo ra một sản phẩm tệ hại tới mức “không nuốt nổi”.

Trong việc xây dựng lối chơi, Dollhouse gặp phải một vấn đề “nhỏ” khi xây dựng tính đa dạng: nó… hoàn toàn không tồn tại.

Tổng kết lối chơi của game như sau: bạn đi quanh mê cung, kiếm đủ mấy cuộn phim bỏ vào máy để mở khóa một câu đố. Giải được câu đố đơn giản này, bạn sẽ có chìa khóa để mở cửa tới màn tiếp theo. Và tất cả các màn chơi đều được xây dựng theo mô-tip này…

Thậm chí, nếu như sự nhạt nhẽo trong lối chơi chưa đủ để làm bạn chán nản thì tuy mỗi màn chơi có những không gian khác nhau, nhưng chính đồ họa đen trắng đã khiến cho mọi thứ chẳng đặc sắc mấy nữa. Đặc biệt, Dollhouse còn có thêm chế độ tắt các mối hiểm họa, và tất cả việc bạn cần làm là đi… nhặt đồ. Nếu chơi toàn bộ game qua chế độ này, chắc bạn đã luyện được khả năng chịu đựng sự nhàm chán của bản thân lên một nấc mới.

Như đã nói, tựa game có nhiều cơ chế hay, sáng tạo, nhưng cách thiết kế game nửa vời này đã “giết” tất cả. Không phải những cơ chế này không có ý nghĩa, mà cả tựa game không đáng chơi. Sau 15 phút đầu tiên, bạn có thể lên Youtube xem game cho nhanh, vì phần trải nghiệm còn lại, ngoại trừ mục đích làm bạn sợ giật mình ra, thì thật sự là vô vị.

Sau 15 phút đầu tiên, bạn có thể lên Youtube xem game cho nhanh, vì phần trải nghiệm còn lại, ngoại trừ mục đích làm bạn sợ giật mình ra, thì thật sự là vô vị

Game cũng có phần chơi mạng đấy, và theo như lời nhà sản xuất, phần chơi này được thiết kế như trò mèo đuổi chuột. Sẽ có 5 người chơi và mỗi người được giao nhiệm vụ “xử” một người khác. Bên cạnh mục tiêu của mình, bạn có thể “trảm” bất kì ai khác, nhưng tuyệt đối không thể giết kẻ được giao xử lý bạn. Nhìn chung là nghe qua phần chơi mạng thì cũng sáng tạo thật, cơ mà nó hơi thiếu chút… người chơi. Sau 15 phút và vẫn là người duy nhất chờ để tham gia game thì chắc bạn cũng sẽ hết kiên nhẫn rồi thoát thôi.

Nói tóm lại, một lối chơi chính nhàm chán, lặp đi lặp lại, thiếu sáng tạo đã “đốt cháy” sản phẩm được xây dựng 7 năm. Nếu bạn muốn một game giải đố kinh dị, rùng rợn thì Little Nightmare hay Inside đều đáng trải nghiệm hơn chục lần. Chưa rõ trong tương lai, nhà sản xuất có dần cập nhật tựa game này thành thứ gì đó ý nghĩa hơn không, nhưng hiện tại… bạn biết đấy, ít ra nếu bạn chơi game tiểu thuyết trực quan thì mọi thứ còn có màu.

Dollhouse

THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows XP         
  • CPU: Intel Core2Duo E4400 @ 2.0 GHz hoặc AMD Athlon64 X2 4400+ @ 2.3 GHz   
  • RAM: 4 GB
  • VGA: nVidia GeForce 9800GT hoặc AMD Radeon HD4870
  • HDD: 5 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
  • SSD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CREAZN STUDIO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

5.0

Nếu bạn muốn chơi một tựa game trong khoảng 15 phút và không bao giờ nhìn lại nó, Dollhouse sẽ là lựa chọn hàng đầu. Còn không thì nhìn chung là bạn đang bỏ tiền ra để mua một game "giả lập nhặt đồ" thôi.

Tác giả

Thảo luận