Skip to content

FIFA 19 – Đánh Giá Game

FIFA 19 - Đánh Giá Game

FIFA 19 – Cứ mỗi dịp tháng 9 – 10 mỗi năm, cộng đồng game thủ mê trái bóng tròn lại được dịp tranh cãi với nhau xem “ngôi vương sân cỏ” sẽ là của ai giữa PESFIFA.

Năm ngoái, PES 2018 đành ngậm ngùi nhìn FIFA 18 đánh chiếm khắp các mặt trận, năm nay tình hình lại càng tệ hơn cho đứa con nhà Konami khi sức mạnh đồng tiền của EA đã lấy đi Champions League – điểm sáng hiếm hoi của PES trên mặt trận bản quyền nhiều năm qua.

Tuy vậy, chính bản thân của PES 2019 cũng không mang đến những thay đổi đáng giá và bước sẩy chân này hoàn toàn có thể bị FIFA 19 tận dụng.

So với năm ngoái, FIFA 19 đã có rất nhiều những thay đổi từ lối chơi, bản quyền cho đến các chế độ chơi với nhau, đây có thể là “chìa khóa” chính mở ra thành công so với đối thủ chính của mình.

Tất nhiên, thay đổi thì luôn được hoang nghênh, nhưng thay đổi có mang tính tích cực hay không, đó mới là điều đáng để quan tâm hơn cả.

BẠN SẼ THÍCH

NHIỀU THAY ĐỔI TRONG LỐI CHƠI

Như đã đề cập từ bài giới thiệu lần trước, FIFA 19 mang đến khá nhiều thay đổi trong lối chơi so với FIFA 18, rất may khi khá nhiều trong số đó đều mang tính tích cực và góp phần mang lại diện mạo mới cho một sản phẩm thường niên.

Đầu tiên, cách thức thực hiện các đường chuyền đã được thay đổi buộc người chơi phải tập làm quen lại trước khi thuần thục rồi mới tiến đến thực hiện những miếng phối hợp.

Đây có thể coi là điểm tích cực, bởi chỉ sau khoảng một đến hai tiếng là có thể dễ dàng tạo nên những pha đan bật, chuyền vượt tuyến như ý muốn.

FIFA 19 có thể nói là phiên bản mà dấu ấn của sự ngẫu hứng được “tôn” lên một cách rõ nét nhất so với phần còn lại.

Tính năng “Active Touch System” đã góp phần tạo nên nhiều pha khống chế bóng mà thường chỉ xuất hiện ở những sân cỏ Nam Mỹ nhiều hơn tại các sân vận động hoành tráng ở châu Âu, những cầu thủ kĩ thuật cao như Neymar, James Rodriguez… sẽ thường xuyên làm mãn nhãn người chơi bằng các pha xử lí điêu luyện.

Điều này phục vụ khá tốt cho yếu tố giải trí nhưng cũng làm hạ đi đôi chút tính thực tế vì với tư duy bóng đá nhuốm màu thực dụng như hiện tại, yếu tố ngẫu hứng vốn không còn xuất hiện nhiều.

FIFA 19 - Đánh Giá Game

Tuy nhiên, cũng nhờ có “Active Touch System” mà việc khống chế bóng trở nên trơn tru hơn, đẩy sự thô cứng của các phiên bản trước về sau.

Một pha không chế bóng tốt hoàn toàn có thể xoay chuyển toàn bộ cục diện trận đấu, những tiền đạo khéo léo và đầy tinh quái như Suarez hay Griezmann cũng vì thế mà trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều dù ở ngoài hay trong vòng cấm.

Kế đó, “Dynamic Tactics” đóng vai trò là “nét chấm phá” mới trong hệ thống chiến thuật đã quá cũ kĩ của FIFA.

FIFA 19 có thể nói là phiên bản mà dấu ấn của sự ngẫu hứng được “tôn” lên một cách rõ nét nhất so với phần còn lại

Từ “Team Management”, người chơi có thể thiết lập những chiến thuật nhanh vào các phím trái phải của numpad, rồi từ đó dùng cho những trường hợp nhất định, những lựa chọn đẩy cao đội hình hay lùi về phòng ngự chung chung như trước đã không còn.

Các thiết lập nhanh như đổi cách, tấn công bộ ba… cũng được thay bằng những tùy chỉnh mới phức tạp hơn nhưng cũng có dấu ấn rõ nét hơn.

Chỉ có “Time Finishing” là thứ người viết cảm thấy hơi thừa, vì tính năng này được sử dụng một cách có chủ đích chứ không phải là một phần bắt buộc để thay đổi lối chơi.

Mà cách thức để thực hiện đó là ấn nút sút một lần và chọn thời điểm để ấn thêm một lần nữa sao cho cầu thủ thực hiện một cách chuẩn xác nhất.

Thức tế, do quá rườm rà và tốn thời gian hơn bình thường để thực hiện trong khi thành bại được quyết định chỉ trong tích tắc, nên người viết cảm thấy cứ ấn nút sút một lần theo cách cũ vẫn sẽ hiệu quả hơn.


FIFA 19 - Đánh Giá Game

NHỮNG TRẬN GIAO HỮU “KÌ LẠ”

Có thể nói FIFA 19 là phiên bản ít tính nghiêm túc nhất trong lịch sử của cả dòng game này, không chỉ bởi đề cao tính ngẫu hứng mà còn ở những chế độ đấu giao hữu độc lạ mà EA Sports mang tới, niềm vui khi thi đấu cùng nhau chưa bao giờ được đẩy cao đến mức như vậy.

Không tính đến những thêm thắt nhưng vẫn giữ luật thi đấu cơ bản thì FIFA 19 mang đến một tên gọi chung cho các trận giao hữu phá cách: House Rules.

Trong đó có tổng cộng 5 mục khác nhau gồm Survival Mode, No Rules, Long Range, First to…, Headers & Volleys.

5 chế độ này có lẽ chỉ xuất hiện trong những trận banh “phủi” chứ chẳng đời nào có thể xuất hiện ở các trận đấu mang tính chuyên nghiệp.

Survival Mode là chế độ mà mỗi khi ghi được bàn thắng thì cầu thủ ấy phải ra sân, điều này bắt buộc người chơi phải tính toán kĩ lưỡng cho pha ghi bàn nếu không muốn lâm vào cảnh “gãy” đội hình.

No Rules là nơi áp dụng “luật rừng” khi những thứ cơ bản như việt vị, phạm lỗi đều được cho qua khiến cho mặt sân trở thành “sàn đấu” đúng nghĩa, có lẽ chỉ những game thủ hơi “bẩn tính” mới thích nổi.

Long Range thì nhân 2 số bàn thằng được ghi ngoài vòng cấm địa, nói một cách rõ ràng hơn nếu ghi trong vòng cấm bạn sẽ chỉ được 1 bàn như bình thường, nhưng nếu ghi ở khoảng cách xa thì được tính là 2 bàn.

Còn Header & Volleys chỉ công nhận bàn thằng nếu đó là một pha sút vô lê hay đánh đầu, tuy nhiên, các bàn thắng từ đá phạt hay từ chấm penalty cũng vẫn được tính.

First to… không hẳn là một chế độ chơi gì đó quá khác biệt mà chỉ là tập hợp những lựa chọn mà người chơi thiết lập trước trận đấu, chẳng hạn như trận đấu sẽ kết thúc theo thể thức bàn thắng vàng dù vẫn trong thời gian thi đấu chính thức hay một trận có thể kéo dài đến cả penalty mà không cần hai đội phải hòa nhau.

FIFA 19 mang đến một tên gọi chung cho các trận giao hữu phá cách: House Rules

Dù tính nghiêm túc đã bị giảm đi đáng kể nhưng không thể phủ nhận, những chế độ này tạo ra một nét mới cho bộ môn thể thao đã quá quen thuộc.

Tất nhiên, nếu không thích thì bạn có thể ngó lơ và chơi theo luật lệ chuyên nghiệp thông thường.


SỨC MẠNH BẢN QUYỀN

Trong nhiều năm vừa qua, dù phiên bản nào của FIFA cũng sở hữu đến hơn 500 đội bóng lớn nhỏ khác nhau và tăng dần theo từng năm, nhưng người chơi vẫn có cảm giác “hơi” thiếu thiếu đôi chút khi bản nhạc nền huyền thoại của giải Champions League chỉ được cất lên ở trong các phiên bản của… PES.

Nhưng năm nay đã khác, cho dù là fan của PES và có ghét dòng FIFA đến đâu đi chăng nữa cũng phải thừa nhận một điều, xét về bản quyền FIFA là kẻ thắng tuyệt đối!

Champions League lẫn Europa League đều đã về với dòng FIFA và trực tiếp trở thành con át chủ bài của EA trong chiến dịch quảng bá.

Còn trong game, cả hai giải đấu này có diễn biến theo sát ngoài đời thật từ lịch thi đấu cho đến thứ tự những sân vận động được dùng để tổ chức.

Tất cả tạo nên một bầu không khí sống động nhất về giải đấu cao nhất cấp câu lạc bộ ở lục địa già.

Ngoài ra, FIFA 19 còn có đến hơn 700 đội bóng khác nhau đến từ khắp các giải đấu trên toàn thế giới, một con số khổng lồ và đủ thỏa mãn bất kì tín đồ mê bóng đá nào.

Champions League lẫn Europa League đều đã về với dòng FIFA và trực tiếp trở thành con át chủ bài của EA

BẠN SẼ GHÉT

NHỮNG VẤN ĐỀ MUÔN NĂM CŨ

Những năm qua, chưa bao giờ FIFA được đánh giá cao về phần bình luận trong mỗi trận đấu.

Lần này trong FIFA 19 dù đã được bổ sung thêm Lee Dixon và Derek Rae – hai bình luận viên chuyên nghiệp dày dạn kinh nghiệm, nhưng đáng tiếc tình hình vẫn không khả quan hơn tí nào, thậm chí có phần… đi xuống.

Xét về độ “sớm nắng, chiều mưa” thì bộ đôi này cũng không khác gì Martin Tyler và Alan Smith, những tình huống nguy hiểm nhiều khi lại bình luận một cách… tỉnh queo hoặc khi cơ hội trôi qua thì mới cất giọng “nghiêm trọng”.

Thậm chí nhiều lần còn không theo kịp diễn biến trận đấu hay đôi khi bị ngắt giọng đột ngột, khiến người chơi cảm thấy khó chịu!

Tiếp đến, phiên bản trên PC của người viết gặp vấn đề về âm thanh khi tiếng rè rè xuất hiện liên tục trong trận đấu và nhiều người chơi khác trên toàn thế giới cũng gặp tình trạng tương tự.

Đây là chuyện mới nhưng cách mà EA Sports giải quyết vấn đề thì lại rất “cũ”, đó là bỏ ngoài tai.

Những năm qua, chưa bao giờ FIFA được đánh giá cao về phần bình luận trong mỗi trận đấu

Bao năm qua hãng dường như bỏ mặc những than phiền từ phía những ai đã bỏ tiền ra mua game và tính tới hiện tại, người viết vẫn chưa thấy một bản vá nào để cải thiện, cho nên chỉ còn cách “sống chung với lũ”.

Dù từ FIFA 17, EA Sports đã bổ sung thêm “The Journey” theo chân anh chàng Alex Hunter và luôn làm mới cốt truyện sau mỗi phiên bản.

Nhưng bên cạnh đó, hãng cũng “ngó lơ” những phần chơi khác như “Ultimate Team”, “Carreer Mode” khiến chúng dậm chân tại chỗ và gần như y xì nhau sau mỗi năm.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: EA Sports
  • Phát hành: EA
  • Thể loại: Thể thao
  • Ngày ra mắt: 28/09/2018
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7/8.1/10 – 64-bit
  • Processor:  Intel Core i3-2100 @ 3.1GHz / AMD Phenom II X4 965 @ 3.4 GHz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Nvidia GTX 460 1GB / AMD Radeon R7 260
  • HDD: 33 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 – 64-bit
  • CPU: Intel Core i7 4790 4.00Ghz
  • RAM: 16 GB
  • Graphics: Gigabyte AMD Radeon R9 280X 3GB
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EA  CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Một năm nữa đã qua và EA Sports đã đem đến một FIFA 19 tuy không quá xuất sắc nhưng đủ để người ta quên đi phiên bản trước.
Dù vẫn còn nhiều những lỗi cố hữu mà EA đang bỏ ngoài tai, nhưng những nét mới có trong FIFA 19 vẫn đủ "bù qua xớt lại".
Tựu chung lại, FIFA 19 vẫn đáp ứng đủ yêu cầu của những game thủ mê bộ môn thể thao vua và cũng đủ để vươn lên đối thủ truyền kiếp của mình.