Skip to content

Final Fantasy Crystal Chronicles Remastered – Đánh Giá Game

Final Fantasy Crystal Chronicles

Final Fantasy Crystal Chronicles Remastered – Năm 2003, Square Enix đã tung ra Final Fantasy Crystal Chronicles cho Gamecube, và là tựa game “tiên phong” cho việc sử dụng cỗ máy Game Boy Advance như một tay cầm để điều khiển nhân vật trong chế độ chơi đồng đội.

Tất nhiên, không phải nhà nào cũng có 4 chiếc Game Boy Advance và 4 dây dẫn chuyên dụng (kèm với Gamecube), do đó số người thực sự hiểu được sự tối tân và tận hưởng tựa game này vào thời đó không nhiều.

Mới đây, Square Enix, có lẽ muốn tựa game được nhớ đến theo đúng cách mà nó đáng lẽ được chơi, đã tung ra phiên bản nâng cấp đồ họa của tựa game với tên gọi Final Fantasy: Crystal Chronicles Remastered, với phần chơi đồng đội tại chỗ được thay bằng chơi đồng đội trực tuyến.

Vậy, kết quả ra sao?

BẠN SẼ GHÉT

Final Fantasy Crystal Chronicles

CỐT TRUYỆN “THIẾU SỨC SỐNG”…

Nếu bạn hồ hởi mua Final Fantasy: Crystal Chronicles Remastered với hy vọng được tận hưởng một cốt truyện đầy gay cấn như Final Fantasy VII, hay đẫm nước mắt như Final Fantasy X, hay chuyện tình lãng mạn của Squall và Rinoa trong Final Fantasy VIII, thì bạn sẽ bị thất vọng nặng nề đấy.

Nói trắng ra, cốt truyện của tựa game này… nhạt nhòa, thiếu sức sống, thiếu hấp dẫn và chẳng gây tí hứng thú khám phá nào cho người chơi cả.

Bạn nhập vai làm một anh chàng xuất thân từ làng Tipa, một ngôi làng trong một thế giới bị bủa vây bởi một thứ khí độc gọi là “Miasma” tới từ một mảnh thiên thạch rơi xuống Trái Đất.

Để không bị chết ngộp trong Miasma, thì mỗi ngôi làng sẽ phải sử dụng một viên ngọc đặc biệt có tác dụng đẩy lùi thứ khí độc này.

Final Fantasy Crystal Chronicles

Nhưng cứ sau một năm thì những viên ngọc dần mất tác dụng, và nhiệm vụ của bạn là tìm một cây Myrrh để kiếm một giọt sương “myrrh” về làm lễ thanh lọc và hồi sinh lại viên ngọc thần.

Cứ mỗi năm qua đi thì người chơi phải khởi hành tìm cây Myrrh mới, và dần dần độ khó của chuyến đi ngày càng tăng tới khi người chơi… đánh bại trùm cuối.

Chính xác!

Thế là hết, hầu như chẳng có tí gì gọi là “phát triển nhân vật” hay “mạch truyện phụ” cả, bạn cứ đi thu thập ít myrrh, mang về làng, năm sau đi tìm thêm ít myrrh, quay về làng… rồi tới cuối game bạn phát hiện ra cách “xử lý” đám Miasma vĩnh viễn bằng cách đánh bại trùm cuối, và… hết game.

Trên đường đi thì ngẫu nhiên (người viết cũng không biết có phải ngẫu nhiên thật không, hay là có cơ chế gì đó, nhưng dù là cơ chế gì thì game cũng… chẳng nói cho người chơi biết), bạn sẽ bắt gặp những nhà phiêu lưu từ các làng khác (mỗi làng có một viên ngọc nên làng nào cũng phải cử người đi tìm myrrh) để biết thêm tình hình thế giới ra sao.

hầu như chẳng có tí gì gọi là “phát triển nhân vật” hay “mạch truyện phụ” cả

Tuy nhiên, những cuộc bắt gặp này vừa ngẫu nhiên, mà lại thực tế chẳng có thông tin gì giá trị, hay mở một cốt truyện phụ mới nào.

Nói tóm lại, dần dần Final Fantasy: Crystal Chronicles Remastered sẽ đem lại cảm giác như bạn đang phải… đi làm công ăn lương vậy, và bạn sẽ sớm tự hỏi “đã đến giờ phải đi làm rồi sao…?”


CƠ CHẾ CHIẾN ĐẤU… BUỒN NGỦ!

CHÚ Ý: Đây là những cảm nhận khi người viết chơi đơn!

Final Fantasy: Crystal Chronicles Remastered sử dụng cơ chế chiến đấu hành động thời gian thực, khi nhân vật người chơi điều khiển tùy ý di chuyển, né đòn, dùng phép thuật và tấn công kẻ địch.

Tuy nhiên, cơ chế hành động thời gian thực “đời Tống” này của game hầu như không được nâng cấp hay “tút lại” trong phiên bản nâng cấp, và kết quả là một hệ thống chiến đấu… phát buồn ngủ.

Trong chiến đấu (chơi đơn) bạn sẽ được đồng hành bởi một chú Moogle tên là Stiltskin – và duy nhất Stiltskin đồng hành với bạn từ đầu tới cuối game luôn – với nhiệm vụ cũng duy nhất luôn, là bê chiếc chén ngọc thần kỳ giúp bạn không ngộp thở bởi Miasma.

À ở trên người viết ghi là “tùy ý di chuyển” nhỉ?

Không, thực ra nơi bạn có thể chạy tới bị giới hạn bởi phạm vi của chén ngọc, do đó nhiều khi người chơi sẽ bị “vướng chân tay” không thể đi nhanh được mà phải đợi Stiltskin bê chén ngọc tới bảo vệ.

Hệ thống trình đơn của tựa game này là khá buồn cười – bạn có thể gắn các lệnh tùy ý vào các ô trống, nhưng muốn “tua” giữa các lệnh thì bạn phải “tua” qua hết… tất cả các lệnh ở giữa, chứ không được gắn phím nóng cho các lệnh nhấn phát thực hiện ngay.

Điều này thực sự khiến chiến đấu trở nên khá ngắc ngứ, khi người chơi rất khó để chuyển giữa các trạng thái chiến đấu như Tấn công hay Phòng thủ một cách nhanh chóng được.

Do đó, để chiến đấu hiệu quả thì thường người chơi sẽ chọn cách áp sát địch chém hai ba nhát rồi… té, đợi địch tấn công xong rồi lại lao vào đánh tiếp.

Và thế là người chơi thực sự bị “kẹt” giữa hai lựa chọn tệ như nhau: một là cố gắng xoay vòng các kỹ năng thật nhanh và chiến đấu như một chiến binh thực thụ, và một là chơi “du kích”… từ đầu tới hết game.

Lựa chọn đầu thì hầu như càng về cuối càng khó thực hiện, còn lựa chọn thứ hai thì, khỏi phải nói, biến tựa game không khác gì “ruộng cày” và trở nên lặp lại và tẻ nhạt hết mức.

Không chỉ vậy, tựa game còn có một hệ thống tăng cấp tương đối… ngẫu nhiên.

người chơi thực sự bị “kẹt” giữa hai lựa chọn tệ như nhau: một là cố gắng xoay vòng các kỹ năng thật nhanh và chiến đấu như một chiến binh thực thụ, và một là chơi “du kích”… từ đầu tới hết game

Không hề có thanh kinh nghiệm, không có chuyện bạn “cày” quái để tăng cấp, tăng chỉ số, bạn chỉ có thể tăng chỉ số sau khi hoàn thành hết một hang động.

Lúc này, bạn có thể… lựa chọn tăng 1 (và duy nhất 1) chỉ số từ các kho báu gọi là Artifact mà bạn đã kiếm được trong quá trình đi qua hang động, như +1 tấn công, +1 phép thuật, v.v.

Điều này đồng nghĩa với việc muốn “cày” chỉ số thì bạn chỉ có “cày đi cày lại” mấy cái hang động, và kèm với hệ thống chiến đấu đã nhắc tới ở trên, thật khó để hình dung “nỗi đau” mà người chơi phải chịu để “cày”.

Để sử dụng phép thuật, bạn sẽ phải thu thập những viên đá Magicite ngẫu nhiên rớt sau khi hạ quái vật, và những viên Magicite này sẽ được gắn vào những ô lệnh.

Một điểm thú vị hiếm hoi là bạn có khả năng “lai ghép” giữa hai phép thuật thành một phép thuật mạnh hơn, như Fire và Blizzard ghép lại thành Gravity.

Tuy nhiên, một điểm trừ là các viên Magicite này sẽ… biến mất ngay lập tức sau khi kết thúc khám phá, và trong hang động tiếp theo bạn sẽ phải… cày lại các viên này từ đầu nếu muốn sử dụng phép thuật!

Tất nhiên là bạn có thể “cầu may” để cày ra được một chiếc nhẫn Magicite vĩnh cửu, nhưng việc cày cuốc có thể rất tốn thời gian mà vẫn không rơi ra được đồ bạn muốn.


HỆ THỐNG CHƠI MẠNG

Final Fantasy Crystal Chronicles trên Gamecube được xây dựng với trọng tâm là lối chơi đồng đội tại chỗ (local co-op), tuy nhiên sang bản Final Fantasy Crystal Chronicles Remastered thì, có lẽ nhằm hướng tới khả năng chơi xuyên nền tảng (cross-play), Square Enix quyết định bỏ hoàn toàn phần “tại chỗ” và thay vào đó là phần chơi đồng đội hoàn toàn sử dụng mạng Internet.

Nhưng hỡi ôi, về lý thuyết thì hay nhưng về thực hành thì hệ thống chơi mạng này, nói trắng ra là không hoạt động.

Người viết đã thử kết nối nhiều lần hòng tìm được tổ đội cùng chiến đấu một vài hang động, nhưng lần thì chẳng kết nối được với ai, lần thì vừa kết nối xong chưa kịp làm gì thì… sập, và sau rất nhiều lần loay hoay thì người viết đã chấp nhận… thua cuộc và “cắn răng” chơi một mình.

Có lẽ trải nghiệm chơi nhiều người sẽ khác chơi đơn, có thể lối chơi mới sẽ được mở ra, nhưng chừng nào những điều đó nằm sau một hệ thống rối rắm tùm lum thì thật khó để những điều tốt đẹp có thể chạm tới người chơi.

về lý thuyết thì hay nhưng về thực hành thì hệ thống chơi mạng này, nói trắng ra là không hoạt động

BẠN SẼ THÍCH

Final Fantasy Crystal Chronicles

ÂM NHẠC, ĐIỂM CỘNG HIẾM HOI…

Một điểm cộng hiếm hoi của Final Fantasy Crystal Chronicles Remastered là âm nhạc.

Ngay sau khi nhấn Trò chơi mới, bạn sẽ được chào mừng bởi bài “Sound of the Wind”, mà theo người viết cảm nhận, là một bài hát du dương mà chứa đựng trong đó ý chí kiên cường, sẵn sàng khởi đầu cho một chuyến hành trình mới (và cũng đầy… khổ ải).

Xuyên suốt trò chơi, những bản nhạc êm đềm, thư giãn, vui tươi ở ngoài thế giới xen kẽ với các đoạn nhạc chiến đấu dồn dập sẽ giúp bạn thoải mái một chút sau những giờ “cày” tẻ nhạt.

Khá đáng tiếc là phần lồng tiếng của trò chơi thì chẳng hay một chút nào, nếu không muốn nói là khô cứng và thiếu cảm xúc, đôi lúc làm hao hụt những gì mà âm nhạc đem lại.

những bản nhạc êm đềm, thư giãn, vui tươi ở ngoài thế giới xen kẽ với các đoạn nhạc chiến đấu dồn dập sẽ giúp bạn thoải mái một chút sau những giờ “cày” tẻ nhạt


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Square Enix
  • Phát hành: Square Enix
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 13/08/2020
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIXCHƠI TRÊN HỆ MÁY SWITCH

4.0

Là bản nâng cấp đồ họa của một tựa game với lượng người hâm mộ tuy ít mà trung thành, Final Fantasy Crystal Chronicles Remastered đã gây thất vọng trên nhiều phương diện, và là một tựa game đáng bỏ qua với những người hâm mộ Final Fantasy nói riêng và JRPG nói chung.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận