Skip to content

Gigabyte Z490 Vision G – Đánh Giá Nhanh

Gigabyte Z490 Vision G – Trong một vài năm gần đây, lực lượng các nhà sáng tạo nội dung nổi lên trở thành một nhóm khách hàng tiềm năng mới cho các hãng sản xuất với những đòi hỏi cao cấp không kém gì cộng đồng game thủ chuyên nghiệp, thế nhưng thị trường này trước đây chưa đủ lớn để nhận được sự “chăm sóc” đặc biệt từ phía các nhà sản xuất.

Đa phần trong số họ không quá thích thú với những thiết kế “màu mè” của các sản phẩm linh kiện dành cho game thủ, nhưng cũng không thể nào “hứng khởi” với các linh kiện sở hữu thiết kế đơn giản nhưng công năng chỉ ở mức tầm phổ thông, không đủ sức mạnh để đáp ứng cho các nhu cầu cũng vô cùng cao của nhóm người dùng chuyên nghiệp này.

Chính vì thế mà dòng sản phẩm dành cho nhà sáng tạo nội dung ra đời với một thiết kế hoàn toàn đi theo một phong cách riêng, đơn giản hơn, nhưng vẫn hội tụ đầy đủ những tính năng cao cấp cần có.

Trong nhóm các sản phẩm sử dụng chipset Z490 “đời mới” vừa được ra mắt gần đây của Gigabyte “đổ bộ” về thị trường Việt Nam, hãng đã vô cùng “ưu ái” nhóm khách hàng nhà sáng tạo nội dung này một phiên bản bo mạch chủ đặc biệt với tên gọi Gigabyte Z490 Vision G.

Vậy mẫu bo mạch chủ “đặc biệt” này có những tính năng mới lạ gì? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu bạn nhé!


Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

1. GIGABYTE Z490 VISION G – NGÔN NGỮ THIẾT KẾ MỚI!

Một vài năm trở lại đây, Gigabyte luôn tích cực xây dựng thương hiệu AORUS cho các mẫu sản phẩm cao cấp dành cho game thủ và để “thương hiệu chính” lại cho các sản phẩm phổ thông với thiết kế đơn giản hơn, dễ tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng hơn.

Chính vì vậy đến với một dòng sản phẩm mới, không phục vụ cho nhóm người dùng game thủ, nên dù được thiết kế và chế tạo ở mức cao cấp nhưng hãng vẫn không dùng “tên tuổi” của AORUS để đặt cho sản phẩm như mẫu Z490 AORUS Master được nhóm giới thiệu gần đây mà chỉ dùng một tên gọi đơn giản: Gigabyte Z490 Vision G.

Ngôn ngữ thiết kế mới có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ khâu trang trí vỏ hộp khi hãng “từ bỏ” phong cách… đen trùi trũi thường thấy ở các dòng bo mạch chủ dành cho game thủ để đến với một màu trắng đơn giản với một vài đường nét chấm phá mô tả sơ bộ hình dáng của sản phẩm.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh
Ngôn ngữ thiết kế mới có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ khâu trang trí vỏ hộp khi hãng “từ bỏ” phong cách… đen trùi trũi thường thấy ở các dòng bo mạch chủ dành cho game thủ

Mặt sau của vỏ hộp cũng có thiết kế đặc biệt hơn hẳn các vỏ hộp bo mạch truyền thống với cách nhấn nhá trọng điểm một số công nghệ chủ đạo như khả năng cấp điện ổn định, khe cắm M.2 “dự trữ” cho tương lai, và mạng LAN 2.5GbE của Intel cho tốc độ nhanh gấp 2.5 lần các chip LAN Gigabit mạnh mẽ hiện nay.

Phải nói thêm một chút về khái niệm khe cắm M.2 dự trữ. Đây là khe cắm tại khu vực được Gigabyte “che” lại bằng một tấm che “Limited Function” và hoàn toàn không có tác dụng trong thời điểm này. Hiện bo mạch chỉ hỗ trợ hai khe cắm ổ cứng chuẩn M.2 với băng thông PCI Express 3.0 4x ở kích thước lên đến 110mm, tương đương “chuẩn” ổ cứng chuyên nghiệp dành cho doanh nghiệp hiện nay.

Khe cắm M.2 dự trữ có lẽ sẽ được “kích hoạt” trong tương lai thông qua một bản nâng cấp BIOS, hay có thể chỉ để đó vì mục đích… trang trí. Hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào khác về điều này.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Tiến hành mở hộp sản phẩm, ấn tượng mà mẫu bo mạch chủ này đem lại là vô cùng mạnh mẽ khi cả tấm bo mạch (PCB) được phủ một lớp nhựa đen với các chấm bi mờ nhạt, làm nổi bật hẳn các khối hình màu trắng và màu bạc phân bổ phía trên.

Trên mẫu bo mạch chủ này, Gigabyte đã rất khéo léo sử dụng ba loại chất liệu: sắt không rỉ bọc chân các khe cắm PCI Express và khe cắm RAM, sắt sơn tĩnh điện thông thường và nhôm khối để tản nhiệt nhằm tạo ra một tổng thể hài hòa, đơn giản mà không bị rối mắt như với các sản phẩm dành cho game thủ.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Thậm chí Gigabyte còn “sang chảnh” khi nhấn mạnh màu sắc bạc và chất liệu nhôm khối của các tấm tản nhiệt bằng một dòng chữ được in laser với một kiểu chữ hiện đại, gợi nhớ đến các dòng lệnh máy tính “thuở hồng hoang”, điều này càng làm tôn thêm nét đẹp mang tính hiện đại của sản phẩm.

Để làm được điều này thì Gigabyte đã phải thiết kế lại từ đầu phiên bản Gigabyte Z490 Vision G này ở văn phòng thiết kế đặt tại trụ sở chính của hãng ở Đài Bắc thay vì… “tận dụng” lại thiết kế sẵn có và thay thế một số chi tiết nhỏ như đối với vài mẫu bo mạch chủ thông dụng dòng AORUS khác để cắt giảm chi phí như cách hãng vẫn thường làm trong một chu kỳ sản phẩm.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Kèm theo đó là một “khẩu hiệu”: “Vision: Broaden Your Horizons” đánh dấu sự ra mắt của dòng sản phẩm Vision hoàn toàn mới đến với nhóm người dùng sáng tạo sản phẩm đang ngày một đông đảo.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Hệ thống cấp điện của mẫu bo mạch chủ này được trang bị đến 12 phase nguồn DrMOS với khả năng cho qua dòng điện lên đến 50A trên mỗi phase trực tiếp đến CPU, hơi yếu hơn đôi chút so với cấu hình cấp điện trên các mẫu bo mạch chủ cao cấp dòng AORUS, nhưng cũng khá đủ cho nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp cần độ ổn định nhiều hơn là “bùng nổ” hay ép xung của game thủ và các OCer.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Cũng theo Gigabyte, mẫu bo mạch chủ đời mới này cũng giới thiệu đến thị trường phương thức thiết kế tản nhiệt Microblocks kết hợp với ống đồng dẫn nhiệt kiểu mới thay thế cho các thiết kế tản nhiệt bằng lá nhôm theo kiểu truyền thống. Thực tế thế nào thì người viết chưa có dịp thử nghiệm, thế nhưng kiểu thiết kế này làm cho mẫu bo mạch chủ này “ngầu” hơn trông thấy so với các dòng bo mạch chủ khác trên thị trường hiện nay.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Nhìn chung, Gigabyte Z490 Vision G sở hữu một thiết kế hoàn toàn mới lạ với một phong cách đơn giản nhưng vẫn vô cùng bắt mắt nhờ nhiều yếu tố được cân nhắc tỉ mỉ từ đội ngũ kỹ thuật đến từ trụ sở của hãng. Sự ra mắt của mẫu bo mạch chủ này cũng “nổ phát súng” đầu tiên cho dòng bo mạch chủ Vision đến nhóm người dùng sáng tạo nội dung đang “thiếu thốn” các linh kiện được thiết kế phù hợp trong bối cảnh hiện nay.


2. GIGABYTE Z490 VISION G – CÁC CÔNG NGHỆ “ĐO NI ĐÓNG GIÀY”!

Phải nói rằng, với mục tiêu tạo ra một sản phẩm dành riêng cho nhóm người dùng sáng tạo nội dung, Gigabyte đã “đo ni đóng giày” cho sản phẩm với nhiều tính năng tiên tiến trên thị trường hiện nay.

Các cổng RAM trên Gigabyte Z490 Vision G khá đặc biệt so với các bo mạch chủ dòng “chuyên game” khi hỗ trợ các thanh RAM thông dụng, nhưng được chế tạo hai mặt với “sức chứa” lên đến 32GB/thanh, nâng tổng số RAM hỗ trợ tối đa trên bo mạch lên đến 128GB dù chỉ sở hữu có 4 khe cắm chứ không cần đến 8 khe cắm như trên các bo mạch chủ cao cấp dành cho HEDT (High End Desktop) như TRX40 AORUS MASTER hay TRX40 AORUS XTREME.

Đây là một nước đi tích cực của Gigabyte, đi đúng vào trọng tâm nhu cầu của người dùng khi nhóm các nhà sản xuất nội dung thường là những người “đói RAM” nhiều nhất, hơn xa các game thủ “hạng nặng” nhất để xử lý các “chất liệu” của mình.

Thậm chí rất nhiều nhà sản xuất nội dung còn có thói quen dùng phần mềm “hô biến” kho RAM khổng lồ của mình thành những ổ cứng siêu tốc để chứa các nội dung và tư liệu cồng kềnh, giúp gia tăng tốc độ thao tác nhanh hơn bất kỳ ổ đĩa cứng thể rắn chất lượng cao nào đang có mặt trên thị trường hiện nay.

Gigabyte Z490 Vision G - Đánh Giá Nhanh

Hãng cũng trang bị cho bo mạch các loại đèn kiểm tra linh kiện (DRAM, BOOT, CPU, VGA), hay khả năng flash BIOS không cần đến CPU và RAM như Q.Flash dành cho những người cần phải thao tác nhanh trên linh kiện, giữ cho hệ thống của mình hoạt động tối ưu nhất.

Đáng chú ý là Gigabyte cũng trang bị cho mẫu bo mạch của mình giải pháp âm thanh cao cấp Amp-Up Audio hỗ trợ trực tiếp cho những người hoạt động âm thanh chuyên nghiệp. Công nghệ này tự nhận dạng trở kháng của tai nghe để đưa ra mức công suất phát phù hợp, nhờ đó mà giải pháp âm thanh tích hợp trên Gigabyte Z490 Vision G có khả năng “kéo” cả những mẫu tai nghe kiểm âm chuyên nghiệp có trở kháng lên đến trên 150ohm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chip xử lý âm thanh tích hợp phổ thông của RealTek cho thấy có vẻ như mẫu bo mạch chủ này dành cho những người dựng phim hay thiết kế đồ họa hơn là những “nghệ sĩ” thực thụ.


TỔNG QUAN

Mặc dù không có những phụ kiện sở hữu thông số thuộc hàng “khủng long” như các mẫu bo mạch chủ dòng AORUS, thế nhưng Gigabyte Z490 Vision G sẽ dễ dàng “chinh phục” người dùng là các nhà sáng tạo nội dung nhờ vào thiết kế riêng biệt, bắt mắt và những công nghệ, tiện ích hỗ trợ tối đa cho nhu cầu của nhóm người dùng này.

Ngoài ra, hãng cũng cho ra mắt một mẫu bo mạch chủ khác với tên gọi Gigabyte Z490 Vision D sở hữu thiết kế “ngầu” hơn, với chip âm thanh “xịn sò” hơn đến từ ESS Tech thay cho chip âm thanh phổ thông của RealTek và cổng Thunderbolt 3 cho phép kết nối với một số phụ kiện âm nhạc gắn ngoài như các Mixer điện tử tiên tiến. Đây có lẽ là bo mạch chủ mà hãng “chuẩn bị” cho các nhà nghệ sĩ âm nhạc với những đòi hỏi khắt khe hơn về mặt âm thanh.

THIẾT BỊ ĐƯỢC GIGABYTE HỖ TRỢ


BÀI MỚI NHẤT

Tác giả

Thảo luận