Skip to content

God of War III: Remastered – Đánh Giá Game

God of War III: Remastered

God of War III: Remastered – Đối với những người hâm mộ thể loại “Hack and Slash” (tạm dịch là thể loại “chặt chém”), nhất là từng sở hữu PS2 và PS3 thì chắc chắn không thể không nhắc tới một dòng game rất nổi tiếng – God of War.

Sau khi “tung hoành” hết các hệ máy từ PS2 tới PSP, PS Vita và PS3 cùng các giải thưởng lớn trong suốt những ngày tháng đó, thì nay khi bước chân lên PS4, Santa Monica đã quay trở lại với phiên bản God of War III, cùng nhãn mác “Remastered” (tạm dịch là phiên bản “tút” lại).

Với lời hứa hẹn mang đến những cải tiến trong khâu đồ hoạ, cùng việc nâng cao độ phân giải lên Full HD với tốc độ khung hình 60fps, liệu lần trở lại lần này của Kratos (nhân vật chính của dòng game) trong God of War III: Remastered có còn “sung sức” như trước nữa hay không?

Hãy cùng Vietgame.asia đánh giá nhé!


SƠ LƯỢC NỘI DUNG

Cốt truyện của phiên bản God of War III: Remastered lần này vẫn giữ nguyên so với phiên bản gốc trên hệ máy PlayStation 3.

Game sẽ tiếp nối các sự kiện của God Of War II, khi Kratos và các đồng minh của mình (các Titan khổng lồ) cùng tiến lên đỉnh Columpia để trả thù, với kẻ “phản diện” chính là Zeus – vị thần tối cao nhất trên đỉnh Olympia.

Tuy nhiên mọi thứ không hề thuận lợi như mong muốn, Kratos phải lần lượt chiến đấu với sự cản đường của các vị thần, cũng như chính các Titan được cho là đồng minh của mình.

Và trong suốt hành trình lần này của Kratos, người chơi sẽ được nhìn thấy những sự suy đồi của các vị thần, cũng như cả bản thân nhân vật chính trong quá trình phục hận.

Tuy nội dung ban đầu có vẻ đơn giản nhưng game vẫn mang đến cho ta một kho kiến thức đồ sộ về thần thoại Hy Lạp, cũng như bài học về niềm hy vọng và sự tha thứ…

Đối với những người chơi quen thuộc trước đó của dòng game thì hẳn không cảm thấy xa lạ gì với cốt truyện của God of War III: Remastered.

Tuy nhiên với những người chơi mới thì có lẽ cốt truyện lần này là một điểm trừ, mọi thứ diễn ra khá bất ngờ vì game hầu như không tóm tắt lại nhiều diễn biến đã xảy ra trước đó.

BẠN SẼ THÍCH

Đồ họa đỉnh cao – Âm thanh hoành tráng

Ngay từ những giây phút đầu tiên của God of War III: Remastered, hãng Santa Monica đã cho người chơi chìm đắm trong khung cảnh hoàng tráng nhất có thể.

Hình ảnh từng Titan leo lên đỉnh cao của Olympia thật sự rất hùng vĩ, đồ sộ và quy mô không kém gì các phim Hollywood về thần thoại Hy Lạp.

Để rồi từng khung hình cứ thế phô diễn cho người thưởng thức, ví như khung cảnh “địa ngục trần gian” nơi vị thần chết Hades trú ngụ, “khu vườn địa đàng” hay thậm chí là cả sự khủng khiếp và tàn bạo đến từ các vị thần khi chiến đấu nhằm chặn đường Kratos (nhất là khi diện kiến vị thần biển cả Poseidon).

Ngoài ra tạo hình của các quái thú trong God of War III: Remastered rất đẹp, lột tả được sự ghê rợn và giận dữ của chúng.

Nếu như người chơi nào đã từng “choáng ngợp” với nền đồ hoạ trên hệ máy PS3, thì người viết đảm bảo rằng những ngạc nhiên đó càng thăng hoa hơn trên PS4.

Không chỉ nâng cấp về “texture” (tạm dịch là vân bề mặt) lên cao hơn gấp 4 lần, mà phiên bản God of War III: Remastered lần này còn cải thiện hiệu ứng ánh sáng động, đổ bóng cùng với hàng ngàn hiệu ứng khói lửa hay các trận bão lớn, góp phần nâng chất lượng hình ảnh lên mức cao nhất.

Ngoài ra các vết “răng cưa” trước đây cũng đã được “diệt” một cách triệt để, cộng các hiệu ứng hình ảnh tràn ngập trên màn hình càng, khiến trải nghiệm của người chơi ngày càng hoàn hảo hơn.

Ấy thế mà God of War III: Remastered vẫn vận hành vô cùng mượt mà ở độ phân giải full HD với tốc độ 60 fps, và hầu như không thấy hiện tượng bị tụt khung hình.

Đây có thể được coi là một lời khen dành cho hãng Wholesale Algorithms (được giao trọng trách phát triển phiên bản God of War III: Remastered này) trong việc tối ưu game trên hệ PS4.

Có thể nói với sự thể hiện của phiên bản God of War III: Remastered, cuộc chiến giữa Kratos với các vị thần Olympus hoàn toàn đủ thức “tham chiến” trong cuộc đua đồ hoạ với các tựa game tân thời nổi tiếng hiện nay.

Phiên bản God of War III: Remastered lần này còn cải thiện hiệu ứng ánh sáng động, đổ bóng cùng với hàng ngàn hiệu ứng khói lửa hay các trận bão lớn, góp phần nâng chất lượng hình ảnh lên mức cao nhất

Mảng âm thanh của God of War III: Remastered tiếp tục đóng vai trò làm cầu nối giữa sự kích thích của người chơi với hình ảnh đã mắt.

Game mang đến những bản nhạc hào hùng cùng chất khí anh hùng ca, đầy tính sử thi với dàn nhạc hoành tráng.

Người viết chưa bao giờ cảm thấy chán khi được nghe những bản nhạc, âm thanh của game: lúc thì trầm lắng, lúc thì đẩy lên cao trào cực kỳ nhịp nhàng…

Có thể nói phần âm thanh đã mang đến God of War III: Remastered một sự mạnh bạo, một sự hoang dại – điên cuồng, cũng như không kém phần hoàng tráng để mô tả chính xác những gì đang diễn ra, lột tả được khung cảnh thần thoại và nội dung mà game muốn mang lại.

Nói không ngoa rằng, God of War III: Remastered đích thị vẫn là một tựa game có nền tảng đồ hoạ “không biết già” từ hình ảnh tới âm thanh đều rất chất, cho dù đã trải qua gần hơn 5 năm kể từ phiên bản gốc ra mắt trên PS3.


Nền tảng lối chơi kịch tính, gần như hoàn hảo!

Quay trở lại với lối chơi, vốn phiên bản tiền nhiệm đã được đánh giá rất cao và gần như hoàn hảo khi biết cân bằng giữa hành động và giải đố, cũng như sự phức tạp cần có trong các trận giao chiến, lẫn thiết kế màn chơi phong phú.

God of War III: Remastered nhìn chung không có sự thay đổi nào trong lối chơi của bản cũ.

Vẫn còn đó những màn giao chiến quyết liệt với các quái thú đa dạng, đôi khi phải đòi hỏi canh thời điểm ra đòn để phản lại, cũng như phải dùng đúng một vài vũ khí phụ để đánh trả đối phương: ví như đôi khi vừa phải sử dụng cây cung thần để đánh các quái vật đứng từ xa mà mình không thể với tới, vừa phải né đòn để đánh trả lại vài tên xác khô.

Đôi khi God of War III: Remastered cũng đưa người chơi vào những tình huống khó khăn hơn như vừa phải lăn lộn né các cây đinh sẽ thi thoảng vụt lên, vừa phải đánh các quái vật khác.

Rồi phải canh thời điểm để bay lên và bám vào các người chim để né bẫy, nếu không sẽ phải trả giá bằng cái chết của nhân vật và bắt đầu lại từ đầu “checkpoint” (các điểm lưu tạm của game).

God of War III: Remastered

Những tình tiết trong God of War III: Remastered đưa ra vô cùng phong phú, góp phần làm giảm bớt sự nhàm chán rất dễ xảy ra ở những tựa game hành động chặt chém.

Nhưng game cũng không quá làm khó người chơi, để khi kết thúc một màn chinh chiến hay giải đố nào đó, người chơi vẫn cảm thấy thoả mãn và tiếp tục cuộc hành trình đầy chông gai của Kratos.

Ngoài ra, God of War III: Remastered còn cung cấp những vũ khí và chiêu thức khác nhau xuyên suốt cuộc hành trình.

Chúng đều được nhà sản xuất khéo léo vận dụng để tránh tình trạng người chơi chỉ dùng một loại vũ khí từ đầu tới cuối game, vốn đã từng được cho là khuyết điểm ở hai phiên bản God of WarGod of War II.

Những tình tiết trong God of War III: Remastered đưa ra vô cùng phong phú, góp phần làm giảm bớt sự nhàm chán rất dễ xảy ra ở những tựa game hành động chặt chém

Khi đánh nhau với các quái vật, người chơi sẽ thu thập được các viên “Orb” (lượng điểm dùng để nâng cấp các vũ khí), đồng thời “mở khóa” được những chiêu thức khác của chúng, góp phần làm đa dạng hơn lối chơi của mình cũng như giúp các trận chiến trong game đã mắt hơn, cũng như những pha đấu trùm càng “thăng hoa” hơn.

Ngoài việc nâng cấp vũ khí, Kratos còn có thể nâng cấp thanh HP (hiển thị mức máu của Kratos), thanh Mana (dùng cho các phép thuật trong game) và thanh Stamina (khi Kratos dùng cung hoặc vài vũ khí phụ khác như nỏ thần Apollo hoặc đôi giày của thần Hermes thì thanh này sẽ giảm dần và tự hồi lại khi không dùng nữa) thông qua các thùng hộp bị che giấu khá kĩ, hoặc chỉ được tìm thấy thông qua một vài vũ khí phụ khác.

Chưa kể phải nói đến các QTEs (bấm nút theo ngữ cảnh) vốn là đặc trưng của dòng God of War từ bản đầu tiên.

Hầu hết các trường đoạn QTE đều xuất hiện ở khúc cuối của các trận đánh trùm hoặc một số loại quái vật đặc biệt.

Các trận chiến này vô cùng đã tay và “no mắt”, khiến người chơi vô cùng thoả mãn vì mỗi khi ấn nút thành công, Kratos sẽ tung ra những đòn thế rất đặc biệt, lúc này góc quay sẽ thay đổi liên tục nhằm mô tả cái sự hoang tàn và điên dại của Kratos.

BẠN SẼ GHÉT

God of War III: Remastered

Vẫn còn sạn

Như người viết có đề cập, vì phiên bản God of War III: Remastered “ném thẳng” người chơi vào giữa cuộc chiến giữa các vị thần và Kratos cùng các đồng minh Titan, nên những người chơi mới chưa hề biết tới hoặc có biết tới nhưng chưa tìm hiểu kỹ sẽ khá bỡ ngỡ bởi những câu hỏi như: “Tại sao lại có cuộc chiến này?”, “Tại sao Kratos lại hành động như vậy?”.

Và tuỳ vào người chơi, có người sẽ cảm thấy hứng thú và tìm hiểu về game, nhưng cũng có vài người sẽ cảm thấy game có cốt truyện không hay hoặc không thoả đáng với số tiền mà họ bỏ ra.

God of War III: Remastered

Đây có thể bị coi là một thiệt thòi của God of War III: Remastered, tuy game có vài đoạn cắt cảnh có nhắc tới những gì đã xảy ra với Kratos, cũng như cũng giải thích việc sao Kratos lại nung nấu việc trả thù Zeus, nhưng chúng vẫn chưa đủ để họ có thể cảm nhận được cốt truyện mà game cố gắng mang lại.

Dù rằng trước khi ra mắt, hãng Sony đã cho phép những ai đặt trước God of War III: Remastered sẽ được chơi lại hai phiên bản trước thông qua hệ thống “Playstation Network” (dịch vụ cho phép chơi lại game cũ thông qua “hệ thống đám mây” của Sony) trong vòng 90 ngày.

Phiên bản God of War III: Remastered “ném thẳng” người chơi vào giữa cuộc chiến giữa các vị thần và Kratos cùng các đồng minh Titan, nên những người chơi mới chưa hề biết tới hoặc có biết tới nhưng chưa tìm hiểu kỹ sẽ khá bỡ ngỡ bởi những câu hỏi

Tuy nhiên, nếu so với những gì mà Tearaway Unfolded (cũng là một tựa game độc quyền khác) mang lại hay Uncharted Nathan Drake sắp phát hành tới đây của Naughty Dog (bao gồm cả 3 phần game) do Bluepoint đảm nhận, thì phiên bản God of War III: Remastered có phần thua thiệt hơn về nội dung cũng như những cải tiến khác.

Chưa kể God of War III: Remastered còn một khuyết điểm đáng buồn khác đó là chức năng “Photomode” (chức năng chụp hình trong game).

Bởi vì chức năng này… có cũng như không, khi người chơi không thể xoay camera, trong khi các tính năng bị giản lược khá nhiều so với những tựa game khác, chưa kể hình ảnh chụp được có độ phân giải khá thấp.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: SCE Santa Monica Studio, Wholesale Algorithms (PS4)
  • Phát hành: Sony Computer Entertainment
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 14/07/2015
  • Hệ máy: PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC SCEA HỖ TRỢ CHƠI TRÊN HỆ PS4

Bạc 8.5

Tuy còn vài khuyết điểm không đáng có, nhưng nhờ những cải tiến và thế mạnh sẳn có, God of War III: Remastered vẫn là một tựa game cực kỳ chất lượng.
Và nếu người chơi nào không có định kiến về chữ “Remaster” (phiên bản làm mới) cũng như có thể bỏ qua những khuyết điểm trên, thì God of War III: Remastered vẫn hoàn toàn xứng đáng nằm trong bộ sưu tập game dành cho bạn.

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.

Thảo luận