Skip to content

Immortals Fenyx Rising: The Lost Gods – Đánh Giá Game

The Lost Gods

The Lost Gods – Sau khi “tạm” thành công với Immortals Fenyx Rising, có vẻ Ubisoft đã hơi “ngủ quên” trên chiến thắng và những gì xảy đến với bản mở rộng thứ hai – Myths of the Eastern Realm, là một hậu quả thật khó gột rửa!

Với cái “dớp” mới xảy ra chỉ vài tháng trước, thật khó để game thủ có thể đặt niềm tin vào bản mở rộng thứ ba vừa ra của gã khổng lồ nước Pháp.

Vậy thì chúng ta hãy tạm thời quên đi những ký ức không vui và cùng tiến tới tương lai để xem liệu các cựu thần (Old Gods) có thể cứu vãn tựa game từ tay những người bạn phương Đông hay không.

Vậy, The Lost Gods sẽ có gì để bạn mong chờ? Ai Cập, Bắc Âu, Trung Đông hay một vị thần Nam Mỹ nào đó sẽ đứng yên chờ bạn giải cứu?

Không, không, hãy cùng Vietgame quay lại thế giới Hy Lạp, nhưng… có lẽ nó sẽ hơi khác một chút!

BẠN SẼ THÍCH

Bình Cũ Rượu Mới!

Bạn không đọc nhầm tiêu đề đâu, có vẻ việc nhét những thứ cũ rích rồi khoác cho nó vẻ ngoài màu mè đã là truyền thống của ông lớn nước Pháp, nó lặp đi lặp lại nhiều tới mức mà có hẳn một câu thành ngữ cho việc đó: “bạn mua một game của Ubisoft là bạn đã chơi hết game của Ubisoft”.

Nhưng có vẻ khi làm The Lost Gods, người viết đã phải ngẫm nghĩ cho số phận của các nhân viên của hãng game tới từ thành Paris, có vẻ như họ đã bị thúc vào lưng rất nhiều để vận dụng hết não bộ của mình để làm ra cái gì đó thật mới mẻ.

Về cốt truyện, chúng ta sẽ tiếp bước sau thành công của Fenyx (người giờ đây đã trở thành một vị thần đích thực).

Sau khi Fenyx hạ gục Typhon và đưa các vị thần trở lại, vị tân thần này những tưởng đã giúp loài người đạt được bình yên mà họ đáng được nhận.

Thế nhưng khác với viễn cảnh tươi đẹp mà Fenyx đã tưởng tượng ra khi giải cứu thành công thế giới. Những gì chờ đợi Fenyx lại là sự chia rẽ giữa các vị thần, mà đặc biệt trong số đó lại là… cha già “ôn dịch” Zeus!

Khác với một Zeus vui tính, thích pha trò trong phần một, Zeus trong The Lost Gods lộ rõ là một gã nhỏ nhen, ích kỷ và hầu như xa lánh với các anh em của mình.

Từ đó, thảm kịch xảy ra khi một số vị thần vì bất mãn hoặc vì lý do cá nhân đã quyết định từ bỏ vị trí của mình trên đỉnh Olympus và những gì họ để lại là sóng thần, núi lửa, những thiên tai nối tiếp thiên tai.

Những vị thần lưu lạc quyết định tạo ra một một vùng đất mới để cai trị và họ đặt tên nó là – Pyrite, nơi mỗi vị thần chiếm lĩnh một góc của thế giới.

Không thể làm gì hơn vì giờ đây Fenyx cũng trở thành một vị thần, đồng nghĩa việc anh/cô ấy (tùy bạn chọn giới tính lúc chơi là gì) cũng chịu lời nguyền của một vị thần – không thể can thiệp vào vấn đề của các vị thần khác.

Để “lách luật”, Fenyx quyết định tìm một anh hùng nhân loại, như cô/anh ấy đã từng là và ban cho người đó sức mạnh thần thánh để thuyết phục các vị thần trở về với vương vị của mình.

Người anh hùng được chọn chính là Ash – một cô gái trẻ tuổi, người vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào các vị thần, cô được Fenyx ban cho những thánh vật mà đã theo chân Fenyx rong ruổi khắp quá trình hạ gục Typhon.

Không như Fenyx, bạn sẽ thấy Ash giống với một “con người” hơn, không có cánh, không có leo tường vèo vèo như những anh em thuộc hội sát thủ và đặc biệt “bạn không biết bơi”, chủ yếu bạn sẽ đánh nhau bằng “sức mạnh vật lý” và làm những thứ mà một con người sẽ làm.

Nếu như thế vẫn chưa thuyết phục bạn rằng đây là một tựa game mới mẻ?

Thế thì hãy biết một điều là thay vì là một game góc nhìn thứ ba truyền thống, The Lost Gods sẽ ngoay ngoắt 180 độ thành một tựa game ARPG (Action role-playing – game nhập vai hành động) với góc nhìn xéo từ trên xuống (isometric).

Nào nào, giờ chúng ta có một tựa game Diablo bối cảnh Hy Lạp, thế thì sao chứ? Điều đó cũng đâu có nghĩa là The Lost Gods đủ sức làm bạn phải quan tâm.

Thế thì chúng ta phải đi tới phần làm nên thương hiệu của game – “giải đố”.

Nếu như đã từng hào hứng với những màn giải đố trong tựa game gốc và thất vọng nặng nề với Myths of the Eastern Realm thì có lẽ bạn sẽ giống người viết, bắt đầu khắt khe với bất cứ thứ gì có vẻ giống “hộp sắt và vòng tròn”.

Thế nhưng, The Lost Gods hoàn toàn khiến người viết bất ngờ, các câu đố trong game duyên dáng tới ngạc nhiên!

Các Vault – điểm nhấn chính xuyên suốt dòng game gần như đã giảm thiểu tới mức vừa đủ. Ngoại trừ một vài Vault bắt buộc thì hầu như bạn không phải “cố sống, cố chết” để hoàn thành chúng như trước.

Nếu vậy thì các câu đố ở đâu?

Câu trả lời là nằm ngay trên con đường bạn đi chứ ở đâu.

Ở điểm sắp xếp các câu đố dựa theo lộ trình của người chơi, người viết có thể so sánh The Lost Gods gần giống với Darksiders Genesis, thế nhưng trong bản chất của các câu đố vẫn giữ sự tự do của chính nó, trừ giai đoạn đầu tạm gọi là để “quen game” thì bạn có thể làm gì cũng được miễn sao tới đích.

Các gợi ý cũng vì thế mà cũng giản lược tới mức tối giản, chủ yếu là đưa ra vị trí A và vị trí B trên bản đồ, còn việc đi thế nào, chẳng có vị thần nào chỉ bạn (họ có thể hào phóng trong việc cho đồ để đánh quái nhưng thật keo kiệt khi không cho bạn… cái thang dây để leo núi).

Một số câu đố sẽ cho bạn thấm thía thuyết “quả trứng của Columbus” như thế nào, khi mà bạn mất cả ngày trằn trọc để tìm ra đáp án thì lời giải lại đơn giản như thả một cây kim xuống biển.

Game cũng trở nên tuyến tính hơn, bạn vẫn tự do quay lại các khu vực cũ bất cứ lúc nào, nhưng với một tầm nhìn quá “thoáng đãng”, trừ việc chờ mặt trời mọc để “cày cuốc” thì không có quá nhiều lý do để bạn ở yên một chỗ.

Ít ra thì điều này cũng giúp bạn tập trung vào nhiệm vụ cốt truyện.

Giờ chúng ta có một tựa game Diablo bối cảnh Hy Lạp, thế thì sao chứ? Điều đó cũng đâu có nghĩa là The Lost Gods đủ sức làm bạn phải quan tâm

Nhân tiện nói về việc đánh quái.

The Lost Gods có vẻ đã rút kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước khi bạn không biết “đánh nhau để làm gì” vì đám quái vật chẳng thèm đánh nhau với bạn, bạn cũng chả có lý do để đánh với chúng và cả hai nhìn nhau như người lạ lướt qua nhau trên một con đường…

Nhưng ở bản mở rộng lần này, các anh em quái vật có vẻ đã nhớ ra “nhiệm vụ của mình”, từ đám gà trống choai choai tới đám Cyclop sẽ như các phản diện hạng C trong phim hành động, luôn lao vào và sẵn sàng “làm gỏi” bạn mỗi lần hai bên vô tình chạm mặt.

Vẫn giữ phong cách chặt chém quen thuộc từ các đàn anh, các phân đoạn hành động của The Lost Gods khá mượt mà, và cũng có thể do chuyển qua thể loại ARPG mà quái vật cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, để bạn thỏa sức đấm đá!

Hơi tiếc là các hiệu ứng kết liễu đã bị lược bỏ, nhưng không thể phủ nhận việc chiến đấu trong game đã có chiều sâu hơn hẳn, giờ đây bạn phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa né và đỡ đòn để tiết kiệm máu và hồi thể lực chứ không phải chỉ cần nhấn một trong hai như trước.

Sau khi hạ gục các anh bạn xấu tính, bạn sẽ nhận thưởng những mảnh đồ rơi ra từ chúng để làm đủ thứ trong game, từ nâng cấp vũ khí, nâng cấp kỹ năng, tới dịch chuyển, hồi máu… Từ bây giờ, bạn có nhiều lý do để làm “một anh hùng chính nghĩa” hơn là chỉ giết đám quái vật để thử xem cái rìu làm được gì ngoài chặt củi!

Bộ kỹ năng của nhân vật gần như giữ nguyên nhưng từ bây giờ, sẽ có các “phước lành” để nâng cấp thay vì các nhánh cây ít ỏi và… nhảm nhí!

Các nâng cấp cũng không chỉ đơn thuần là để mạnh hơn hay để cho đẹp, chúng sẽ ảnh hưởng gần như trực tiếp tới việc giải đố của game thủ.

Như kỹ năng Dash chẳng hạn, trước khi có được hỗ trợ từ “chim gắp bay lên trời” (thay cho cánh và dù lượn từ hai phần trước) thì bạn bắt buộc phải có Dash, với phước lành của Hades và nâng cấp Aerial, để có thể lướt qua các khe vực, các nhiệm vụ phụ để thu thập điểm nâng cấp cũng là một điều kiện đủ cần phải có để hoàn thành game sớm!

BẠN SẼ GHÉT

Vẫn Chỉ Dừng Lại Ở “Một Bản Mở Rộng”

Tuy The Lost Gods là một phần game đáng nhớ và gần như độc lập nhưng cuối cùng nó vẫn khó có thể gọi là một tựa game hoàn hảo.

Đầu tiên là việc game vốn dĩ không phải sinh ra cho góc nhìn từ trên xuống và với lối sống “tiết kiệm” của Ubisoft, còn lâu họ mới chịu đập đi xây lại thứ gì.

Và vì lẽ đó, camera của game phải gọi là cực kỳ tù túng, bạn chỉ có thể xoay camera ở một góc hạn chế và gần như gắn chết với nhân vật và từ đó cũng sinh ra những quả “kẹt góc camera” kinh điển trong các tựa game ARPG cổ điển.

Game cũng khá ngắn (chỉ khoảng 30 giờ chơi) nhưng có tới 6 vị thần để cứu, cùng với tấm bản đồ cũng ngang ngửa phần game gốc, đồng nghĩa với việc cốt truyện bị dồn ép khá nhiều, khi bạn còn chưa hiểu vì sao mà mình thuyết phục được Hades thì điện thờ của Hestia đã gần ngay trước mắt.

Và khi bạn còn đang mơ tưởng tới những kỹ năng phi phàm hay những bộ giáp huyền thoại thì Kronos đã bị đánh bại chóng váng hơn cả một con trùm cấp một trong Dark Souls.

Với một cốt truyện siêu tốc như thế, mối liên hệ giữa các nhân vật từ đó cũng nhạt nhòa (hay không muốn nói là giả bộ giận dỗi nhau cho có), cuối cùng mọi người tha thứ cho nhau, thề non hẹn biển vân vân và mây mây, coi như chẳng có gì xảy ra suốt 30 giờ đồng hồ vừa qua!

Chưa kể tới con người – tác nhân lớn cho cuộc phiêu lưu cũng là một ký ức mộng mị thoáng qua giữa cuộc nói chuyện giữa các vị thần.

Nhân nói về tính cách để người viết miêu tả một người sau đây cho các bạn đoán.

The Lost Gods

Chưa kể tới con người – tác nhân lớn cho cuộc phiêu lưu cũng là một ký ức mộng mị thoáng qua giữa cuộc nói chuyện giữa các vị thần

Một người phàm (hơi thiếu thông tin nhỉ), thông minh, có khiếu hài hước, là một chiến binh giỏi giang, gan dạ, lại còn có niềm tin mãnh liệt vào các vị thần.

Đúng rồi, đó chính xác là Fenyx rồi! Nhưng thật tiếc, chúng ta đang nói về Ash cơ.

Tuy không phải là một tên trẻ trâu, quân tử Tàu như trong Myths of the Eastern Realm nhưng có vẻ như nhà biên kịch của game đã bí ý tưởng và có một quyết định khá vội vàng trong việc xây dựng tính cách nhân vật chính này giống y chang nhân vật chính khác.

Và nó còn bối rối hơn nữa khi mà Fenyx nói chuyện với Ash, nó cứ như 2 tấm gương nói chuyện với nhau.

The Lost Gods

Ngoài ra, nếu như bạn đã nhớ việc mình đã gồng cơ tay ra sao để trở nên mạnh mẽ trong Fenyx Rising hay cảm thấy mình đẳng cấp như thánh nhân tu tiên trong Myths of the Eastern Realm thì hãy quên hết đi.

Vì trong The Lost Gods, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu, kể cả… việc cưỡi ngựa!

Tuy bạn sẽ sớm có lại tất cả thôi, nhưng cái cảnh những gờ đá lúc trước chỉ cần nhún nhẹ đã bay lên, nay phải chạy lòng vòng để tìm cầu thang, nó vẫn mang một dư vị cay đắng…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt: 22/04/2021
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 64 Bit
  • CPU: Intel i5-2400
  • RAM: 8 GB
  • HDD: 3 GB
  • GPU: GTX 660

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 64bit
  • CPU: Ryzen 5 1600
  • RAM: 16GB
  • VGA:  Nvidia 1050Ti
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT CHƠI TRÊN HỆ PC

7.5

Tuy vẫn chưa thực sự xuất sắc nhưng The Lost Gods đã cho chúng ta một bản mở rộng "đáng đồng tiền bát gạo" cùng một loạt những cải tiến tuyệt vời.

Tác giả

Thảo luận