Skip to content

Intel NUC Hades Canyon – Đánh Giá Gaming Gear

Intel NUC Hades Canyon
[rs_section_heading heading=”Intel NUC Hades Canyon”]Trong sự kiện CES 2018 đầu năm nay, Intel đã mang đến một bất ngờ cho đông đảo người tham dự khi công bố một mẫu chip hỗn hợp với sự hiện diện của một giải pháp xử lý đồ họa đến từ AMD trên cùng một đế nhằm tối ưu băng thông, diện tích sử dụng cũng như hệ thống tản nhiệt nhằm trang bị cho các sản phẩm có yêu cầu nghiêm ngặt về sức mạnh và khả năng tản nhiệt. Rất nhiều các báo đài đã tỏ ra hào hứng với giải pháp này, thậm chí các blogger công nghệ danh tiếng còn cho rằng đây là một bước đột phá trong công nghệ sản xuất chip xử lý di động, tạo nên rất nhiều hào hứng và gây nên tò mò, cũng như mong đợi từ phía các game thủ, đặc biệt là trong các fan của “đội đỏ” khi mà các mẫu laptop chơi game gần đây hầu hết đều sử dụng các chip xử lý đồ họa GeForce 10 Series của “đội xanh”.

Sản phẩm đầu tiên có mặt trên thị trường sử dụng bộ vi xử lý tích hợp này là một “cây nhà lá vườn” chính tông của hãng với tên gọi Intel NUC Hades Canyon, thay thế cho thế hệ Intel NUC Skull Canyon phải sử dụng giải pháp đồ họa gắn ngoài thông qua cáp Thunderbolt trước đây. Mặc dù sản phẩm đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường, nhưng mãi đến gần đây Vietgame.asia có thể mượn được một sản phẩm mẫu cho bài đánh giá chi tiết lần này bởi đây là một món “hàng hiếm”, rất ít được đón nhận trong bối cảnh thị trường Việt Nam. Liệu một thiết kế chip kiểu mới có được như mong đợi? Hãy cùng đón xem các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

ĐỦ NHỎ, ĐỦ GỌN, ĐỦ “MÓN ĂN CHƠI”

Nếu bạn đã từng nghĩ rằng PC dùng cho game thủ phải có kích thước thật lớn thì khi cầm trên tay Intel NUC Hades Canyon, bạn sẽ phải nghĩ lại đấy! Là một sản phẩm thuộc dòng NUC (Next Unit of Computing) của Intel hướng đến sự tích hợp và gọn nhẹ nên sản phẩm sở hữu kích thước vô cùng “mini”. Thậm chí kể cả khi “đóng hộp” thì toàn bộ sản phẩm, sách hướng dẫn và adapter công suất lớn cũng vừa vặn trong một kích thước chỉ bằng hộp giày.

Khi mở hộp, có thể dễ dàng nhận thấy Intel NUC Hades Canyon lớn hơn thế hệ trước đôi chút, có lẽ là để “nhét” thêm hệ thống tản nhiệt cỡ lớn cho phù hợp với một CPU “hạng nặng” như giải pháp hỗn hợp trên Core i7 8809G. Do đó, mặt sau của sản phẩm sở hữu một dải các khe tản nhiệt vô cùng thoáng đãng, giúp cho nhiệt lượng được hai quạt kích cỡ lớn chiếm gần hết bề mặt sản phẩm đẩy ra dễ dàng hơn, trái ngược với “truyền thống” tản nhiệt một bên của dòng sản phẩm NUC trước đây.

Dù có thiết kế khá nhỏ bé, nhưng Intel cũng “nhồi nhét” trên Intel NUC Hades Canyon khá nhiều các cổng kết nối. Có thể kể đến sáu cổng USB 3.0, ba cổng USB Type C trong đó có một cổng có thể hoạt động tốc độ cao nhờ công nghệ Thunderbolt 3.0 như trên “đàn anh” Intel NUC Skull Canyon trước đây, hai cổng kết nối LAN Gigabit, hai cổng HDMI 2.0 (trong đó có một cổng phía trước dành cho kết nối hệ thống thực tế ảo VR) và hai cổng Mini DisplayPort cho sử dụng đa màn hình trên các màn hình chuyên dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy cổng xuất Optical dành cho các dàn âm thanh dân dụng phía sau máy, một cổng kết nối khá ít thấy trên các card âm thanh giá rẻ.

Intel cũng trang bị cho Intel NUC Hades Canyon đến hai cổng kết nối tốc độ cao M.2 dành cho ổ cứng nên người dùng hoàn toàn có thể kết hợp hai thẻ nhớ NVMe chạy ở chế độ RAID hay tận dụng một khe cho bộ đệm Intel Optane mà hãng đẩy mạnh quảng bá trong thời gian gần đây. Đây là công nghệ tạo bộ đệm với khả năng truy xuất độ trễ thấp, giúp tăng tốc đáng kể việc khởi động chương trình, lướt web và nạp game trong khi ít “dựa dẫm” vào bộ nhớ RAM.

Nhìn chung, về mặt thiết kế, mặc dù “đóng gói” trong một bộ khung nhỏ gọn nhưng Intel vẫn mang đến cho sản phẩm đủ “các món ăn chơi” cần thiết, đủ sức thay thế các cỗ máy bàn to lớn về kích thước mà vẫn thoải mái cho người dùng dù trong mục đích làm việc hay chơi game.

Mặc dù “đóng gói” trong một bộ khung nhỏ gọn nhưng Intel vẫn mang đến cho sản phẩm đủ “các món ăn chơi” cần thiết
SỨC MẠNH ĐÁNG MONG ĐỢI

Nào, bây giờ đến “món chính” của bài đánh giá hôm nay!

Mặc dù có khá nhiều tạp chí và website công nghệ đã “tranh trước” Vietgame.asia trong việc thử nghiệm Intel NUC Hades Canyon, thế nhưng thật khó để có thể tìm được một bài viết thử nghiệm sâu về sản phẩm qua nhiều bậc thử nghiệm.

Đến với phép thử 3DMark, toàn hệ thống đạt được mức 8574 điểm cho bài thử nghiệm FireStrike và 3088 điểm cho bài thử nghiệm TimeSpy trên nền DirectX12. Mức điểm số này không thật sự cao đủ để “gánh” các game “sát thủ phần cứng” hiện nay. Chỉ ngang với khả năng thể hiện của card màn hình GTX 1050Ti, dù đây là phiên bản cao cấp sử dụng GPU tích hợp RX Vega M GH, mạnh hơn so với phiên bản sử dụng GPU tích hợp RX Vega M GL trên các laptop HP Spectre X360 15t.Trên thực tế, sức mạnh của Intel NUC Hades Canyon vẫn đủ sức “gánh” tất cả các game hiện hành ở mức thiết lập cao nhất. Thế nhưng với một số game nặng thuộc hàng “sát thủ phần cứng” như The Witcher 3: Wild Hunt hay Assasin Creed: Odyssey, mức tốc độ trung bình xuống khá thấp, đa phần thời gian trải nghiệm đều ở dưới mức 30fps. Chính vì thế mà để có thể chơi mượt các game này, người chơi cần phải hạ mức thiết lập xuống mức trung bình để có thể thưởng thức trọn vẹn.

Đối với một số game chơi mạng như Battlefield 1, mặc dù tốc độ trung bình vẫn trên mức 60fps, thế nhưng các cảnh cháy nổ “hoành tráng” hoàn toàn có thể kéo tụt tốc độ khung hình xuống dưới mức 20fps, điều này cũng sẽ gây khó khăn tương đối với “đấu trường mạng” vốn đòi hỏi sự ổn định và chuẩn xác trong mọi hoàn cảnh.

Với sức mạnh tổng thể của cả hệ thống ở mức chấp nhận được trong các bài thử nghiệm game, giải pháp vi xử lý tích hợp của Intel có thể xem như khá thành công đối với Intel NUC Hades Canyon khi đem lại một giải pháp đồ họa mạnh mẽ cho một cỗ máy tính nhỏ gọn thuộc dòng NUC.

BẠN SẼ GHÉT

MỨC GIÁ ĐÁNG CÂN NHẮC

Mặc dù có thể xem Intel NUC Hades Canyon là một thử nghiệm thành công của các dòng máy NUC “siêu mạnh” phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả khả năng chơi game “chuyên nghiệp” của các game thủ, thế nhưng mức giá cao của sản phẩm làm cho không ít người phải cân nhắc. Ở mức giá này, bạn hoàn toàn có thể mua được một dàn máy để bàn bàn có cấu hình cao hay một laptop có sức mạnh tương đương, lại có ưu thế hơn về khả năng di động. Chính vì thế mà sản phẩm trở nên khó bán và kém cạnh tranh hơn hẳn, trừ khi người dùng cần đến một hệ thống để bàn đủ nhỏ gọn trong một không gian làm việc chật hẹp.

Ở mức giá này, bạn hoàn toàn có thể mua được một dàn máy để bàn bàn có cấu hình cao hay một laptop có sức mạnh tương đương, lại có ưu thế hơn về khả năng di động

Vấn đề nho nhỏ cuối cùng của Intel NUC Hades Canyon nằm ở cục adapter có khối lượng khá nặng, dây nối lại ngắn hơn thường lệ nên có phần bất tiện cho người dùng bố trí trên bàn làm việc.

Bạc 8.0

Intel NUC Hades Canyon sở hữu một vi xử lý được thiết kế với công nghệ đồ họa tích hợp hoàn toàn mới có sức mạnh tương đương các dòng card đồ họa rời sử dụng chip xử lý GTX 1050Ti đến từ "đội xanh". Thế nhưng mức giá khá cao của sản phẩm làm giảm đi khả năng cạnh tranh khi so sánh cả với các hệ thống máy bàn mạnh mẽ hay các laptop có ưu thế về khả năng di động.