Skip to content

Iratus: Lord of the Dead – Đánh Giá Game

Iratus: Lord of the Dead – Xác sống, xương khô, yêu tinh, phép thuật hắc ám, những cái bẫy chết người, những thám hiểm gia bán mạng vì tiền tài và danh vọng… tất cả tạo nên một hầm ngục điển hình trong thế giới giả tưởng.

Hàng chục năm qua, hầm ngục luôn là câu chuyện vô tận để trí tưởng tượng của con người khai thác, trải dài từ tiểu thuyết, truyện tranh, hoạt hình, phim ảnh và tất nhiên là cả thế giới game nữa.

Và nhắc tới những “ngựa ô” trong làng game về đề tài hầm ngục thì chúng ta phải nói tới Darkest Dungeon.

Tựa game 2D nhưng “không đơn giản” này đã làm chao đảo cả thế giới game một thời gian dài nhờ cách chơi mới lạ và độ khó điên rồ của mình.

Là một tựa game “ăn theo” thành công của Darkest Dungeon, liệu Iratus: Lord of the Dead có thể vượt qua cái bóng của đàn anh hay chỉ đơn giản là một bản sao rẻ tiền?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau.


BẠN SẼ THÍCH

VỪA LẠ, VỪA QUEN

Không khó để bạn nhận ra những nét tương đồng giữa Iratus: Lord of the DeadDarkest Dungeon như tổ đội 4 người, lối chơi theo lượt, màn hình ngang, bản đồ ngẫu nhiên…

Và tuy vẫn là một hầm ngục bí ẩn, vẫn là những con quái vật điên khùng, vẫn là những tên trộm mộ to gan dám đánh thức vị vua của bóng tối.

Thế nhưng thay vì là những thám hiểm gia lên đường tiêu diệt quái vật thì giờ bạn sẽ được đóng vai… phe phản diện và gieo rắc nỗi khiếp sợ lên nhân loại.

Vào vai Iratus – Triệu hồn sư hắc ám, bạn có thể hiến tế xác thịt của những nạn nhân xấu số để tạo nên đội quân quái vật của riêng mình.

Mỗi loại quái vật (được gọi là Minion) sẽ có các kỹ năng riêng và đặc tính riêng.

Các kỹ năng của quái vật khá là đa dạng, nhưng nhìn chung thì chúng cũng có các chức năng giống với các tựa game nhập vai khác như kỹ năng gây sát thương phép, sát thương vật lý, buff, debuff…

Loại kỹ năng thú vị nhất và đặc biệt của Iratus: Lord of the Dead làm người viết thích thú là “stance”, các kỹ năng dạng stance đều có cơ chế kích hoạt khác nhau và ưu nhược điểm riêng.

Ví dụ như stance của Zombie chỉ kích hoạt khi hắn đang đứng ở ô tấn công thứ 3 hoặc 4 và phải đợi đến hết lượt đánh, bù lại thì stance của Zombie cho phép hắn xả 4 loạt đạn ngẫu nhiên vào kẻ thù.

Hoặc như stance của Dark Knight chỉ kích hoạt khi kẻ địch nhận được buff (hoặc debuff nếu thay đổi nhánh kỹ năng), mỗi lần như vậy thì bọn chúng sẽ phải chịu thêm sát thương tinh thần.

Mỗi khi thanh nộ (wrath) đầy thì bạn có thể sử dụng kỹ năng đặc biệt của minion, những kỹ năng này thường khá mạnh và ảnh hưởng rất nhiều đến cục diện trận đánh.

Ngoài ra, một số loại quái vật sẽ sở hữu một nội tại khác nhau, ví dụ Vampire sẽ được cộng thêm 6 sát thương nếu kẻ địch có ý đồ tẩu thoát hoặc đang trong trạng thái hoảng loạn, Skeleton thì sẽ không bao giờ nhận debuff hoặc là buff kể cả từ đồng minh hay kẻ thù…

Mỗi loại kỹ năng có thể nâng cấp thành 2 nhánh khác nhau, mỗi nhánh lại có các đặc trưng khác nhau, tuỳ vào tình hình mà bạn nên cho Minion của mình lên theo các hướng kỹ năng khác nhau để tối ưu hoá đội hình.

Game sẽ cho bạn sẵn 6 loại quái vật căn bản và 12 quái vật ẩn, bạn chỉ có thể “mở khoá” các loại quái vật mới bằng cách thực hiện các mục tiêu mà game đưa ra.

Mỗi loại quái vật sẽ có các chỉ số (stats) cơ bản khác nhau, được chia thành Attack (ảnh hưởng đến sát thương vật lý và sát thương phép), Dread (ảnh hưởng đến sát thương tinh thần), Vigor (sinh lực của quái vật), Initiative (ảnh hưởng đến lượt đánh), Accuracy (độ chính xác), Luck (tỉ lệ chí mạng), Evasion (tỉ lệ né tránh), Armor và Resistance (giáp và kháng phép), Block và Ward (kháng sát thương vật lý và phép).

Mỗi khi quái vật lên cấp bạn sẽ nhận được stat points để nâng cấp chỉ số nhưng một khi đã nâng cấp thì không thể hoàn trả lại điểm, các nguyên liệu hiến tế cũng ảnh hưởng tới chỉ số cơ bản của quái, nguyên liệu càng cao cấp thì quái sinh ra càng mạnh.

Các kỹ năng của quái vật khá là đa dạng, nhưng nhìn chung thì chúng cũng có các chức năng giống với các tựa game nhập vai khác

Ngoài quái vật, triệu hồn sư của chúng ta cũng không phải là loại ngồi yên một chỗ và chỉ tay 5 ngón, hắn sẽ có một hệ thống kỹ năng riêng dành cho mình gọi là thần chú (spell).

Có 4 loại thần chú khác nhau là Alchemy, Magic, Ire và Destruction.

Mỗi loại thần chú sẽ công năng khác nhau, đa phần thì chúng có thể sử dụng được trong các trận chiến tuy nhiên đổi loại là điểm mana.

Học các thần chú mới sẽ tiêu tốn điểm talents, thần chú càng cao cấp thì điểm talents tiêu tốn càng nhiều.

Ngoài đội quân quái vật ra, bạn còn phải quan tâm đến việc xây dựng lăng mộ của chính mình.

Mỗi công trình sẽ có một đặc tính riêng, một mẹo là đừng nên quá tập trung vào một loại công trình, hãy cố gắng xây đều những công trình căn bản càng sớm càng tốt để tối ưu hoá lượng tài nguyên nhận được từ các cuộc chiến.

Iratus

Và nhắc về các cuộc chiến, đây chính xác là điều quan trọng nhất để bạn trông đợi vào Iratus: Lord of the Dead.

Các cuộc chiến vẫn diễn ra theo phong cách cuộn ngang và khám phá hầm ngục.

Kẻ địch của bạn sẽ những tên trộm mộ, nhà thám hiểm, thợ săn quái vật, giáo hội… nói chung là nhân loại.

Kẻ địch sẽ có 2 thanh sát thương là tinh thần và sinh lực.

Về sinh lực thì không cần giải thích nhiều làm gì, sinh lực về không thì kẻ thù của bạn sẽ… bốc hơi theo gió.

Còn về tinh thần, sát thương tinh thần khi đạt ngưỡng sẽ khiến kẻ địch hoảng loạn và nhận hiệu ứng bất lợi, nếu tinh thần về không thì hắn có tỉ lệ sẽ bị “đau tim” và chết bất chấp số sinh lực còn lại.

Mỗi lần hoàn thành trận chiến thì bạn sẽ nhận được các vật phẩm dùng để hiến tế hoặc nâng cấp cho lũ lâu la (minion).

Nếu như dư dả thì bạn có thể kết hợp chúng lại trong mục giả kim (alchemy) để tạo thành các vật phẩm cao cấp hơn.


BẠN SẼ GHÉT
Iratus

NHỮNG TÍNH NĂNG KHÓ CHỊU

Những thứ làm người viết bực bội nhất về Iratus: Lord of the Dead, đáng buồn thay lại chính là những tính năng có sẵn của game.

Đầu tiên là bạn không được lựa chọn chế độ chơi khi bắt đầu game, trò chơi bắt bạn phải hoàn thành từng chế độ mới cho phép bạn thử sức mình ở chế độ khó hơn (đồng nghĩa với việc bạn phải chơi lại game… 3 lần mới được phép chơi ở độ khó nhất).

Iratus: Lord of the Dead cũng nhấn mạnh sự “khắc khe” của mình khi người chơi lựa chọn sai, game không hề cho bạn bất cứ lựa chọn lại nào (trừ việc chơi lại game), từ cộng điểm kỹ năng, học thần chú, xây lăng mộ, đi lại hầm ngục… cho đến cả việc trang bị vật phẩm (item) cho lũ lâu la (minion).

Tất cả đều đúng với câu “bạn chỉ có một cơ hội duy nhất trong cuộc đời mình”.

Thậm chí nhà sản xuất còn “tốt bụng” đến độ “lưu giùm” cho bạn mỗi khi bạn hành động.

Chỉ cần bước một bước trên bản đồ, mặc kệ cho bạn khóc lóc như thế nào ở phía bên kia màn hình thì chú Skeleton 4 mảnh tím của bạn mà chết thì cứ tạm biệt chú ta vĩnh viễn đi, vì không có cách nào để “quay ngược thời gian” đâu.

Tính năng “Artifact” tuy thú vị nhưng nhìn chung là… khá vô dụng (giống như tựa game cùng tên của hãng V nào đó), cũng y như những thứ khác trong game, bạn đã trang bị vật phẩm vào ô Artifacts thì nó sẽ chết cứng ở đó trước khi bạn kịp hiểu tính năng của vật phẩm đó là gì!

Những màn đánh trùm của Iratus: Lord of the Dead cũng không có nhiều sự đặc sắc, một số trong đó mang “dấu ấn khá sâu đậm” từ người anh Darkest Dungeon, đơn cử như Inventor là một bản sao của Flesh.

Thậm chí nhà sản xuất còn “tốt bụng” đến độ “lưu giùm” cho bạn mỗi khi bạn hành động

THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 – 64 Bit
  • CPU: Intel Core 2 Duo 2.4 GHz
  • RAM:  1 GB RAM
  • VGA: Open GL 3.2+ Complian
  • HDD: 3500 MB available space

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 – 64 Bit
  • CPU: AMD Ryzen 5 1600
  • RAM: 16GB
  • VGA: Nvidia GTX 1060 6G
  • SSD: SSD Gigabyte 128GB M.2

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UNFROZEN

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


7.5

Tuy vẫn còn khá nhiều vấn đề trong việc tìm cho mình "một lối đi riêng" thoát khỏi sự so sánh đàn anh nổi tiếng Darkest Dungeon nhưng nếu chỉ xét về mặt "chơi được" thì Iratus: Lord of the Dead là một tựa game khám phá hầm ngục tuyệt vời!

Tác giả

Thảo luận