Skip to content

Monster Hunter 3 Ultimate – Đánh Giá Game

Monster Hunter 3 Ultimate

Monster Hunter 3 Ultimate – Monster Hunter vốn là dòng game “đầu tàu” của các hệ máy Sony với hơn 10 năm “bám rễ” tại đây, bỗng dưng vì một lý do gì đó mà vào giữa tháng 3 năm 2013, dòng game có tên tuổi này đã “dọn nhà” sang Nintendo với phiên bản Monster Hunter 3 Ultimate.

Càng quái dị hơn, đó là có vẻ như Capcom đã quyết định “chia tay” với Sony vĩnh viễn khi liên tục gia hạn hợp đồng sản xuất Monster Hunter cho riêng các hệ máy của Nintendo mà thôi.

Monster Hunter có lẽ không phải là một cái tên xa lạ gì với “fan” của Capcom, hoặc những game thủ gạo cội có một lòng đam mê những tựa game thử thách khó “trời ơi”. Với những cơ chế mô phỏng vật lý quá thật, hệ thống A.I (trí thông minh nhân tạo) đỉnh cao, độ khó kinh dị – hiển nhiên Monster Hunter là một dòng game rất “kén” người chơi.

Tại sao người viết lại bỏ công ngồi đánh giá một sản phẩm đã ra mắt từ hơn 1 năm trước, và đặc biệt là phần bốn cũng sửa soạn lên kệ?

Lý do tương đối đơn giản: một tựa game hay thì luôn xứng đáng được chú ý đến, và mong rằng qua bài đánh giá sau đây của Vietgame.asia, người chơi sẽ phần nào hiểu rõ được những cái khó khăn cũng như những điểm hấp dẫn của Monster Hunter 3 Ultimate, từ đó có thể mở lòng mạnh dạn dấn bước vào một thế giới rộng mở mà… chưa chắc có ngày về.

XEM THÊM ĐÁNH GIÁ MONSTER HUNTER

BẠN SẼ THÍCH

Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Thợ săn quái vật đúng nghĩa!

Người chơi sẽ trải qua phần lớn thời gian của mình ở Moga Village, một ngôi làng chài nhỏ sát biển. Cuộc sống ở đây khá thoải mái với cư dân vui tính, chất phác và kho sản vật trù phú. Thế nhưng tất cả dường như đã chấm dứt khi những trận động đất liên tiếp đe dọa sự an nguy của dân làng.

Tin rằng các tai họa này là do một con thủy quái có tên Lagiacrus gây ra, trưởng làng đã gửi yêu cầu đến hiệp hội thợ săn trợ giúp. Không hiểu do không ý thức được tình hình hay có ý đồ gì, mà nguyên một hiệp hội thợ săn sừng sỏ lại gởi người chơi, một “lính mới tò te” đến đây với sứ mệnh “bất khả”: tiêu diệt thần long Lagiacrus, giải cứu dân làng!

Xuyên suốt qua các nhiệm vụ từ săn bắt, hái lượm đến tiêu diệt các loại quái thú, người chơi dần dần khám phá ra được bí mật của các thiên tai. Lagiacrus chỉ là “bề nổi” của tảng băng, con quái thú đáng sợ từ thuở hồng hoang Ceadeus mới chính là thảm họa thật sự, khi chỉ cần một cú quẫy đuôi nhẹ của nó đã tạo nên một đợt sóng thần.

Sát cánh cùng hai người bạn thổ dân Shakalaka vui nhộn có tên Cha-Cha và Kayamba, người chơi sẽ phải đối đầu với những vị linh thần từ thời thượng cổ, để rồi cay đắng nhận ra mỗi khi mình hả hê vì diệt được một con quái thú khổng lồ – thì luôn luôn xuất hiện thêm những kẻ mạnh hơn nữa.

Với bố cục lối chơi tương đối đơn giản: người chơi nhận nhiệm vụ tại làng, được chuyển đến bản đồ của nhiệm vụ, tìm con quái vật, săn nó hoặc… bị nó săn lại.

Người chơi nhận nhiệm vụ tại làng, được chuyển đến bản đồ của nhiệm vụ, tìm con quái vật, săn nó hoặc… bị nó săn lại


Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Hệ thống chiến đấu “độc nhất vô nhị”

Nếu trong các game nhập vai – hành động phổ biến, định nghĩa về “nhân vật mạnh” là trang bị khủng, cấp độ cao… thì trong Monster Hunter 3 Ultimate những định kiến này hoàn toàn bị xáo trộn. Anh có thể đóng lên người một bộ giáp cuối, cầm trên tay một thanh kiếm cuối, nhưng hoàn toàn vẫn có thể bị một con quái “cùi” nhất game dần cho một trận tơi tả!

Thật vậy, với những game thủ vốn đã quen kiểu “nhấp chuột uống máu” như dòng nhập vai DiabloTorchlightTitan Quest… hoặc kiểu bay nhảy không trọng lực như các dòng hành động Devil May Cry, Ninja Gaiden… hẳn sẽ sớm “đầu hàng” khi chạm trán cơ chế mô phỏng vật lý “siêu thực” của Monster Hunter 3 Ultimate.

Một thanh đại đao (Greatsword) nặng chình chịch với những động tác chậm “rề rề”, chắc chắn sẽ có lối đánh khác hẳn một cặp song kiếm (Dual Blades) với những pha “combo” thần tốc. Yếu tố vật lý được mô phỏng một cách tuyệt vời khiến những đòn đánh, những thao tác cử động trong game đều truyền tải một cảm giác chân thực đến người chơi.

Chưa hết, để làm vấn đề càng thêm khó khăn, thanh thể lực của nhân vật sẽ cạn dần mỗi khi chạy nhanh, lăn lộn né đòn hoặc đưa khiên lên phòng thủ. Và khi thanh này chạm đến mức đỏ, nhân vật sẽ chạy lảo đảo hụt hơi như thể sắp “chết đuối”, và dĩ nhiên là sẽ không thể nào phản xạ kịp với những đòn tấn công vũ bão của bọn quái ma ranh trong game.

Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Monster Hunter 3 Ultimate chia 12 món vũ khí ra thành hai dòng: Blademaster (cận chiến) và Gunner (tầm xa). Dù là Blademaster hay Gunner đều phải đối mặt với những vấn đề tương tự, chẳng hạn như các món vũ khí cận chiến luôn có thanh chỉ số độ bền.

Độ bền càng cao thì sát thương càng mạnh, thế nhưng khi đánh liên tục thì độ bền sẽ giảm, dẫn đến việc sát thương giảm theo và khi đánh vào các bộ phận cứng của bọn quái thì vũ khí sẽ bị dội ra, khiến người chơi lâm vào trạng thái sơ hở.

Anh có thể đóng lên người một bộ giáp cuối, cầm trên tay một thanh kiếm cuối, nhưng hoàn toàn vẫn có thể bị một con quái “cùi” nhất game dần cho một trận tơi tả!

Các Gunner cũng không thoải mái hơn khi dù họ dùng cung (Bow) hay súng (Light/ Heavy Bowgun) thì vẫn luôn gắn liền với đạn dược. Đạn trong Monster Hunter 3 Ultimate có rất nhiều loại và dường như… chẳng bao giờ là đủ cho một cuộc săn cả. Một Gunner tiêu chuẩn luôn mang theo rất nhiều nguyên liệu để chế thêm đạn khi cần, dẫn đến việc túi hành lý luôn thiếu chỗ chứa vật phẩm.

Tâm điểm của Monster Hunter 3 Ultimate, đó chính là những trận thủy chiến. Lần đầu tiên trong lịch sử Monster Hunter, người chơi có thể lao xuống nước và đối mặt với những con thủy quái cực kỳ đáng sợ như Lagiacrus, Gobul, Plesioth… Lực cản của nước càng được mô phỏng tinh tế hơn, khi khả năng di chuyển, né tránh và tốc độ tấn công của người chơi bị giảm rất mạnh.

Một số món vũ khí như Switch Axe, Greatsword, Bow… sẽ trở nên vô dụng hơn khi đánh dưới nước, khiến một thợ săn giỏi sẽ phải luyện tập để thuần thục vài món vũ khí khác nhau nếu muốn đối đầu được với tất cả quái vật trong game (trên dưới 60 loại khác nhau).


Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Bộ sưu tập đồ sộ!

Với 12 loại vũ khí với lối chơi, công năng hoàn toàn khác nhau, người chơi sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian chỉ để thuần thục MỘT loại trong số đó. Bởi lẽ, mỗi một lối đánh phù hợp với một cá tính khác nhau, người quen kiểu đánh thần tốc lăn xả của song kiếm (Dual Blades) sẽ cảm thấy khó khăn nếu muốn đánh kiểu công thủ – phản đòn của thương (Lance) hoặc kiểu “hit & run” của cung Bow.

Điều thú vị nhất trong Monster Hunter 3 Ultimate, đó là kho vũ khí – trang phục nhiều đến mức không thể đếm xuể! Mỗi một bộ giáp tiêu chuẩn bao gồm 5 món: nón, áo, găng tay, quần, giày – và người chơi sẽ phải tự đi săn nguyên liệu để làm, chứ không thể mua ở đâu cả!

Mỗi loại quái vật trong game sẽ cho ra những nguyên liệu khác nhau để chế đồ, và một số nguyên liệu chỉ có được khi người chơi phá vỡ các bộ phận chuyên biệt trên người chúng.

Chẳng hạn, để có Lagiacrus Tail thì người chơi sẽ chặt đuôi, hoặc muốn có Diablos Horn thì phải phá sừng.

Có thể nói, hạ một con quái trong game cũng không quá khó, nhưng muốn vừa giết vừa phá được những bộ phận cần thiết thì cần có trình độ, thời gian, và công sức nhiều gấp 3 lần.

Cơ chế cảm ứng “Desire Sensor” của Monster Hunter 3 Ultimate cũng không làm mọi việc dễ dàng hơn, vì cứ y như rằng lúc người chơi cần một nguyên liệu cụ thể nào đó là tỉ lệ xuất hiện của nó bị giảm mạnh, đánh mãi chẳng ra – trong khi lúc không cần thì chúng cứ… rớt lộp độp lấy rổ hứng cũng không hết!

Những bộ giáp trong Monster Hunter 3 Ultimate không chỉ đơn thuần gia tăng chỉ số phòng ngự, kháng tính hay chỉ để mặc… cho đẹp, mà chúng còn cung cấp những kỹ năng bị động cực kỳ quan trọng.

Thiết kế – tạo hình các bộ giáp và vũ khí trong Monster Hunter 3 Ultimate thật sự rất có phong cách độc đáo mà không game nào có thể bì kịp, cả về độ tinh tế lẫn độ đa dạng

Monster Hunter 3 Ultimate có một hệ thống kỹ năng cực kỳ phong phú và hữu dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của người chơi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vấn đề đặt ra, là không bao giờ một bộ giáp cụ thể lại có những kỹ năng mình cần, dẫn đến việc buộc phải phối đồ, “râu ông nọ” mặc chung với “cằm bà kia” là bình thường. Những thợ săn đẳng cấp hầu như luôn mặc đồ “mix” với sự trợ giúp của các viên ngọc và dây chuyền để có bộ kỹ năng họ cần.

Vũ khí – giáp trụ trong Monster Hunter 3 Ultimate được Capcom thiết kế hết sức chi tiết và đẹp mắt. Đồ được làm từ con quái nào thì sẽ có hình dáng hao hao con quái đó, cùng bộ kỹ năng đặc trưng của nó.

Thiết kế – tạo hình các bộ giáp và vũ khí trong Monster Hunter 3 Ultimate thật sự rất có phong cách độc đáo mà không game nào có thể bì kịp, cả về độ tinh tế lẫn độ đa dạng.


Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

A.I cực quỷ quái!

Nhưng điều thật sự tách bạch Monster Hunter 3 Ultimate với những tựa game khác, chính là sở hữu một cơ chế A.I (trí thông minh nhân tạo) hết sức đáng sợ!

Bọn quái vật trong game được thiết kế với những đòn đánh riêng, với các tiết tấu cực kỳ khó nắm bắt. Chuyện một thợ săn cấp 50 – 60 bị một con Royal Ludroth xoàng xĩnh “đập chết” là quá bình thường, bởi lẽ A.I của nó quá tuyệt!

Bọn quái trong Monster Hunter 3 Ultimate phản ứng theo từng hành động của người chơi một cách tinh quái, chứ không hề hoạt động máy móc như được lập trình sẵn. Những chuỗi tấn công liên hoàn và ép người chơi vào góc chết, không cho họ uống máu hoặc bộ di chuyển vào góc khuất của camera và né tránh các cạm bẫy người chơi đặt sẵn – luôn khiến những trận đánh trong Monster Hunter 3 Ultimate thật sự nghẹt thở vì căng thẳng.

Mỗi một con quái đều có các vị trí nhận sát thương khác nhau trên cơ thể, và một thợ săn giỏi phải biết di chuyển – tấn công hợp lý. Một cú đánh chuẩn xác vào điểm yếu có thể gây sát thương cực kỳ cao, thậm chí khiến con quái phải quằn quại tạo khoảng trống để tiếp tục công kích, hơn hẳn những đòn đánh loạn xạ “trật đường rầy” vừa kém hiệu quả lại vừa khiến người chơi bị sơ hở.

Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Bọn quái trong Monster Hunter 3 Ultimate phản ứng theo từng hành động của người chơi một cách tinh quái, chứ không hề hoạt động máy móc như được lập trình sẵn

Thế nhưng càng lên cấp độ cao, bọn quái vật lại càng ranh mãnh hơn khi luôn che giấu những chỗ yếu hại, hoặc thậm chí cố ý chìa điểm yếu ra để “dụ” người chơi áp sát và kết liễu họ bằng những đòn sát thủ ẩn giấu sẵn.

Đặc biệt những lúc chúng trúng đòn nhiều và rơi vào trạng thái điên loạn thì sát thương, phòng thủ, tốc độ sẽ tăng đột biến, khiến người chơi chủ quan sẽ lãnh đủ, bị “đấm phát chết luôn” nếu không né kịp.

Những màn thử thách thật sự chính là những trận đánh trong đấu trường Arena, nơi bản đồ chỉ có một khu vực trống trải khiến người chơi không thể chạy trốn – và phải đối mặt với 2 con quái cùng lúc! Đây sẽ là một thảm họa thật sự nếu người chơi trình kém và chưa quen với kiểu thiết kế camera của Monster Hunter 3 Ultimate.


Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Đồ họa tuyệt vời!

Monster Hunter 3 Ultimate được phát hành trên cả Wii U và 3DS, thế nhưng đây mới chính là điểm sáng kỳ lạ. Tuy Nintendo vốn nổi tiếng là ít quan tâm đến đồ họa của game, thế nhưng mọi thứ có vẻ đã thay đổi khi Monster Hunter 3 Ultimate xuất hiện.

So với các bản trước như Monster Hunter Freedom United hay thậm chí là Monster Hunter Tri HD trên PSP, đồ họa của Monster Hunter 3 Ultimate đã bỏ xa những người anh của mình.

Nếu phiên bản trên 3DS có độ phân giải tương đối kém, dù vẫn không che mờ được tạo hình và dựng khối cực kỳ mượt mà, thì khi lên Wii U với chuẩn phân giải HD mọi thứ mới được phơi bày ra đúng tầm.

Mặt nước trong vắt dường như thấy được từng viên đá cuội bên dưới, từng nhánh cỏ may lay động theo từng cơn gió thoảng, từng cọng lông – từng chiếc vảy trên người bọn quái vật… tất cả đều nói lên sự chăm chút, sự gia công hết sức kỹ lưỡng của đội ngũ làm game. Nhìn vào cận cảnh, người chơi dường như có thể thấy được từng đường vân, từng nút thắt, từng chiếc khoen kim loại bé tí trên các bộ giáp, hay những vết nứt, những dấu ấn thời gian còn hằn sâu trên lưỡi gươm.

Nintendo vốn nổi tiếng là ít quan tâm đến đồ họa của game, thế nhưng mọi thứ có vẻ đã thay đổi khi Monster Hunter 3 Ultimate xuất hiện

Không gian trong Monster Hunter 3 Ultimate được thể hiện hết sức hoàn mỹ với góc nhìn có thể tùy ý xoay chuyển, từ đó có thể thấy được đằng xa xa là lớp sương mù đang buông rèm xuống biển, nhìn lên cao có thể thấy ngay một khoảng trời xanh trong vắt với những cụm mây lững lờ trôi.

Nếu đã “tạm mệt mỏi” với những chuyến đi săn căng thẳng và nguy hiểm, tại sao không thể đến bản đồ Misty Peak để ngắm trăng lên trên đỉnh cao, để tham quan hang động thạch nhũ đẹp không kém gì Sơn Đòong tại Việt Nam, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết của ngọn suối đầu nguồn trong vắt?

Thật sự ở thời điểm hiện tại, game đồ họa khủng không thiếu, nhưng tất cả đều thiếu đi một cái hồn, một sự chăm chút – mà chỉ quá chú trọng vào cái ấn tượng ban đầu, để rồi khi bị săm soi, bị xét nét mới lộ ra những mặt yếu kém.

May mắn thay Monster Hunter 3 Ultimate lại tạo được một cảm giác hoàn toàn ngược lại.

BẠN SẼ GHÉT

Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Độ khó “dễ xa nhau”

Có thể nói, điểm yếu chí mạng nhất và cũng là duy nhất của Monster Hunter 3 Ultimate, chính là độ khó. Với cơ chế vật lý mô phỏng siêu thực, A.I đáng sợ của quái vật, yêu cầu rèn luyện nhiều về mặt kỹ năng… thì bản thân game đã tự “đóng kín” cánh cửa dành cho phần đông game thủ trên thế giới rồi.

Rất nhiều người lần đầu xem giới thiệu về Monster Hunter 3 Ultimate cũng hào hứng tải bản demo chơi thử, để rồi… lập tức xóa ngay sau 10 phút vật lộn với cơ chế điều khiển và camera khó chịu của game!

Bản thân người viết cũng đã từng như vậy, nhưng có lẽ vì “duyên số” nên sau 3 lần xóa demo cuối cùng cũng gắn bó với Monster Hunter 3 Ultimate đến tận bây giờ, hơn 1 năm rưỡi với 2000 giờ chơi!

Ở cái thời đại đa số các dòng game dù kỳ cựu đến mấy cũng phải giảm độ khó để phù hợp với xu thế “casual hóa” thì hướng phát triển của Monster Hunter 3 Ultimate có vẻ khá ngược đời.

Game dù có hay đến mấy, hấp dẫn đến mấy mà không thể khiến người chơi “dám” ở lại với game từ những bước đầu thì làm sao có thể khiến họ hiểu được những cái hay còn ở đằng sau?

Nếu với đại đa số game nhập vai – hành động khác, chỉ số nhân vật và đồ đạc có thể bù đắp cho kỹ năng điều khiển, thì trong Monster Hunter 3 Ultimate tất cả đều là vô nghĩa. Sẽ chẳng nghĩa lý gì khi đồ người chơi “khủng” nếu họ không thể… đánh trúng được con quái – bởi lẽ tên game là Monster “Hunter” chứ không phải là Monster Killer.

Một thợ săn đúng nghĩa phải có kiến thức rất nhiều về tập quán di chuyển, đặc thù của từng con quái cũng như hiểu rõ ưu, nhược, khuyết của món vũ khí mình đang cầm, biết cách tận dụng tất cả những vật phẩm hỗ trợ mà game cho như bom, bẫy, các loại thuốc độc…

Khó có thể yêu cầu những người chơi game “bình dân”, chơi để giải trí cùng một lúc quá nhiều phẩm chất như vậy. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến cái tên Monster Hunter tuy được nhiều người biết, nhưng đại đa số đều chỉ dám “kính nhi viễn chi” mà thôi.

Rất nhiều người hào hứng tải bản demo chơi thử, để rồi… lập tức xóa ngay sau 10 phút vật lộn với cơ chế điều khiển


Monster Hunter 3 Ultimate - Đánh Giá Game

Chế độ chơi mạng rắc rối với Wi-Fi

Tinh túy của Monster Hunter 3 Ultimate nằm ở những trận đánh co-op với tối đa 4 người chơi.

Chỉ ở đây những tình huống vừa bi vừa hài, “cười ra nước mắt” đầy thú vị – hoặc những pha “bóp” bồ đỉnh cao mới có mặt được.

Với phiên bản trên 3DS, người chơi chỉ có thể kết nối qua mạng nội bộ trong phạm vi bán kính 30 mét mà thôi.

Phiên bản Wii U có chế độ Network Mode cho phép người chơi Wii U có thể kết nối qua mạng Wi-Fi, thế nhưng chính cái sự “kén” mạng của Wii U đôi khi lại gây ra khá nhiều rắc rối với những ai không rành về tinh chỉnh thông số mạng.

Người chơi Wii U có thể làm “máy chủ” (server) để 3 máy 3DS trong bán kính 30 mét kết nối vào, nhưng lại không thể tham gia vào mạng nội bộ do 3DS thiết lập.

Nếu 2 người chơi Wii U ngồi gần nhau thì cũng buộc phải dùng Network Mode mới có thể chơi với nhau.

Do đó, nếu bốn người bạn mà trong đó hai người dùng Wii U, hai người dùng 3DS thì chắc chắn sẽ có một người dùng Wii U “chầu rìa” ngồi ngó ba người bạn của mình co-op.

Nếu hai người chơi Wii U ngồi gần nhau thì cũng buộc phải dùng Network Mode mới có thể chơi với nhau

Điều đáng bực nhất là chuyển dữ liệu chỉ cho phép giữa Wii U và 3DS nếu dùng băng vật lý.

Với những ai mua Monster Hunter 3 Ultimate dạng “digital” (tải về) trong máy sẽ không thể chuyển dữ liệu đi đâu cả, và dữ liệu dính liền với bản thân game, không thể sao lưu được.

Do đó nếu lỡ tay xóa game, thì dù có thể tải lại miễn phí từ Nintendo eShop, dữ liệu nhân vật của người chơi cũng sẽ mất sạch.

Vàng 9.0

Monster Hunter 3 Ultimate là một tựa game rất xuất sắc, không thể bỏ qua. Nếu có thể vượt qua được những trở ngại ban đầu về cơ chế điều khiển và dần dần làm quen với độ khó, người chơi sẽ được tưởng thưởng với vô số thứ quý giá mà không thể tìm được ở đâu khác.

Trong Monster Hunter 3 Ultimate, chỉ có những thợ săn thực thụ mới có thể sinh tồn, và sinh tồn một cách đúng nghĩa!

Thông tin

  • Monster Hunter 3 Ultimate
  • Nhà phát triển
    CAPCOM
  • Nhà phát hành
    Nintendo
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    19/03/2013
  • Nền tảng
    Wii, Wii U, Nintendo 3DS

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên Wii U.

Tác giả

Thảo luận