Skip to content

Monster Hunter Rise – Đánh Giá Game

Monster Hunter Rise

Monster Hunter Rise – Thông thường, khi một sản phẩm giải trí mà thành công thì việc hàng loạt phiên bản kế thừa như hậu bản, tiền truyện, ngoại truyện… nối đuôi nhau ra đời nhằm “tận thu” giá trị là chuyện chẳng có gì lạ. 

Tuy vậy, cách làm này trong thế giới game tỏ ra kém hiệu quả đi nhiều trong khoảng một thập kỷ đổ lại đây, nguyên nhân chính là do thời nay người chơi có quá nhiều sự lựa chọn dẫn đến sự hình thành nên các chuẩn mực khắt khe hơn.

Nói đơn giản, khi một tựa game nổi tiếng ra hậu bản, thì nó sẽ bị đánh giá trên rất nhiều tiêu chí khó khăn và “gắt” hơn, với cái lý lẽ “phần sau phải hay hơn phần trước”. 

Việc này khiến cho xu thế “vắt sữa” game dần trở nên ít được sử dụng hơn, có chăng là chỉ còn các studio lớn của Nhật với kinh nghiệm “tái chế” nhiều năm là vẫn khả dĩ đương cự được với nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

CAPCOM là một studio như vậy, khi dưới tay mình hãng cũng sở hữu rất nhiều dòng game lớn “dài hơi” như Resident Evil, Megaman, Street Fighter… và dĩ nhiên không thể không nhắc tới Monster Hunter

Vốn từng là một dòng game thuộc loại “kính nhi viễn chi” do độ khó quá cao, Monster Hunter bắt đầu khởi sắc hơn khi đầu quân cho các hệ máy cầm tay của Nintendo như 3DS (Monster Hunter 3 Ultimate, Monster Hunter 4 Ultimate, Monster Hunter Generations…) từ năm 2013. 

Để “tái khởi động” lại dòng game nhằm thu hút thêm nhóm đối tượng người chơi hệ phổ thông, phiên bản mang tên Monster Hunter: World ra mắt năm 2018 trên PS4/ PC với nền tảng đồ họa vượt trội, cùng lối chơi cách tân “dễ thở” hơn đã tạo nên tiếng vang cực lớn.

Tuy vậy, World với lối chơi tương đối dễ dàng đã không thể thỏa mãn các game thủ “gạo cội” vốn đã gắn bó với dòng game này từ thuở ban đầu. 

Vì vậy, phiên bản Monster Hunter Generations Ultimate trên hệ Nintendo Switch được CAPCOM tung ra ngay sau đó có tác dụng “điều tiết” thị trường, đồng thời cũng phân hóa đối tượng người chơi cũ và mới rõ ràng hơn.

Vào ngày 26.03.2021 vừa qua, phiên bản mới nhất của dòng game độc đáo này với “mật danh” Monster Hunter Rise đã chính thức ra mắt trên hệ máy Nintendo Switch, sau hai phiên bản demo tuy ngắn nhưng thừa đủ để “đốt” lên ngọn lửa đam mê và kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ. 

Chỉ trong vỏn vẹn một tuần đầu ra mắt, Monster Hunter Rise đã bán được hơn 4 triệu bản game – một con số tuy thua xa World, nhưng nếu xét về việc Monster Hunter Rise hiện tại chỉ phát hành độc quyền trên hệ máy Switch, thì đây lại là một kỳ tích xưa nay chưa từng có!

Monster Hunter Rise nhanh chóng nhận được vô số lời khen “có cánh” từ phía cộng đồng cả cũ lẫn mới – những đối tượng vốn luôn “tị nạnh” nhau về hai phạm trù đẹp-dễ và “khó vãi-nhưng mà phê” của New World và Old World. 

Vậy nhờ đâu mà Monster Hunter Rise lại làm nên được phép màu này? 

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

XEM THÊM ĐÁNH GIÁ MONSTER HUNTER

BẠN SẼ THÍCH

Phong cách tạo hình đậm chất Nhật Bản

Từ xưa đến nay, dòng game Monster Hunter vốn chú trọng vào lối chơi “săn quái vật”, và luồng chơi gói gọn trong việc nhận nhiệm vụ > hạ quái (hoặc bị nó “hại”) > mổ xác lấy nguyên liệu > dùng nguyên liệu đó chế vũ khí/giáp trụ > lại đi đánh quái. 

Trước nay hầu hết thế giới của các phiên bản Monster Hunter đều mang hơi hướm của những vùng đất nguyên sinh, với các loại quái vật mang dáng dấp của khủng long/bò sát.

Cũng không ít lần CAPCOM muốn “thổi” vào thế giới này những gia vị mới, nhưng hầu hết chúng đều rất ít và chỉ mang tính “chấm phá”, ví dụ kiểu như “công túa bong bóng” Mizutsune, vợ chồng côn trùng Seltas Queen hoặc “Songoku mọi rợ” Rajang. 

Vì vậy, khi Monster Hunter Rise mang đến một hướng thiết kế cực kỳ nhất quán và mới lạ, hầu hết cộng đồng Monster Hunter đều rất hứng thú và mong đợi những điều thú vị đến từ đây.

Cốt truyện của Monster Hunter Rise xoay quanh Kamura, một ngôi làng hẻo lánh ở sâu trong rừng núi với một mặt quay ra sông. 

Người dân ở đây tuy không đông đúc nhưng cực kỳ thân thiện và tương thân tương ái. Tuy vậy, ngôi làng bé nhỏ này lại thường bị quấy nhiễu bởi bọn quái vật xung quanh, và tình hình càng lúc càng nghiêm trọng hơn khi bọn chúng hành động theo bầy đàn với tính cách hung tợn hơn bình thường. 

Tương truyền, hiện tượng này có tên là Rampage và 50 năm trước đã từng xuất hiện một lần, với những tổn thất rất lớn về người và của cho làng Kamura. 

Người chơi sẽ vào vai một thợ săn “tân binh” vốn lớn lên tại đây, trải qua nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn nhỏ, để truy tìm nguồn cơn của đại họa Rampage, cũng như tiêu diệt con ác thú Magnamalo để bảo vệ mọi người.

Chuyện một hãng Nhật làm game có phong cách Nhật có vẻ như khá là “thiên kinh địa nghĩa”, tuy nhiên nói thì dễ hơn làm – bởi lẽ một tựa game rất sát về mặt lối chơi với Monster HunterToukiden đã từng chọn hướng đi này và không mấy thành công. 

Với Monster Hunter – dòng game xưa nay vẫn đi theo lối tiền sử với tạo hình phương Tây, đây lại càng là một thử thách lớn hơn nữa. 

Tuy vậy, đội ngũ sản xuất tại CAPCOM đã hoàn thành sứ mệnh này xuất sắc ngoài cả mức mong đợi.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người chơi sẽ nhận ra ngay cái phong cách rất “Nhật” không thể lẫn đi đâu được, từ bố cục và kiến trúc của cả ngôi làng Kamura lẫn phục sức, trang bị trên người các NPC tại đây. 

Từ kiến trúc nhà sàn, thềm cao, bếp gác trên nền cát… cho đến áo yukata, trường kiếm katana cùng những phiến đá thần có buộc dây thừng và những cổng thần điểu màu đỏ chói… không cần phải là một “wibu” cũng thấy được rằng nơi đây mô phỏng lại cái gì.

Tuy nhiên, Monster Hunter Rise không chỉ “bê nguyên xi” mọi thiết kế mang phong cách Nhật cổ vào game, mà nó có những nét chấm phá và thiết kế riêng biệt, để vẫn bảo tồn được cái chất huyễn mộng, phi thường của mình. 

Dù sao thì đây vẫn là Monster Hunter, cho nên mọi thứ vẫn phải tồn tại với mục đích sử dụng sao cho người chơi cả cũ lẫn mới đều không quá xa lạ, bỡ ngỡ: vẫn là cô gái giao nhiệm vụ, bà chủ quán ăn, ông chú thợ rèn, anh hàng tạp hóa… chẳng qua là họ nay có tạo hình và tính cách sâu sắc, chi tiết hơn nhiều mà thôi.

Monster Hunter Rise không chỉ “bê nguyên xi” mọi thiết kế mang phong cách Nhật cổ vào game, mà nó có những nét chấm phá và thiết kế riêng biệt, để vẫn bảo tồn được cái chất huyễn mộng, phi thường của mình

Cũng như các phiên bản “tiền nhiệm”, ngoài các loại quái vật cũ ra Monster Hunter Rise cũng mang đến “dàn cast” mới rất riêng của mình – và dĩ nhiên tạo hình của chúng cũng “đặc sệt” cái chất Nhật, thoạt nhìn đã thấy. 

Ví dụ như Great Izuchi cùng hai thằng “đàn em” vốn lấy ý tưởng từ bộ ba quỷ gió Kamaitachi, hay Tetranadon là một tổ hợp lai tạo giữa thú mỏ vịt và “ma da” Kappa – hoặc bộ đôi “trùm cuối” Narwa/Ibushi chính là mô phỏng cực sát với cặp Phong Thần Fuijin và Lôi Thần Raijin trong truyền thuyết Nhật Bản.


Lối chơi hấp dẫn, nhiều cải tiến sáng giá

Về mặt lối chơi thì Monster Hunter Rise không khác nhiều so với các phiên bản “tiền nhiệm”, có chăng là hệ thống chiến đấu của game gần với “Old World” hơn là “New World”. 

Nói như vậy thì chắc các thợ săn của “New World” sẽ cảm thấy hơi “dội”, khi mà các diễn hoạt và động tác chiến đấu của “Old World” luôn tỏ ra khá “tù” và chậm chạp.

Thế nhưng với Monster Hunter Rise, CAPCOM đã đưa vào một tính năng cốt lõi mới đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm chiến đấu – khiến cho cả các tệp người chơi cũ và mới đều dễ dàng tiếp thu được: con bọ Wire Bug. 

Monster Hunter Rise miêu tả đây là một loại côn trùng đặc biệt mà mặc định mỗi thợ săn có thể mang theo hai con, khi tung ra nó sẽ “nhả” một sợi dây dài cột vào tay thợ săn, tạo thành “điểm neo” giúp họ có thể tự do bay nhảy trên không trung hoặc khống chế các loại quái vật bằng cách trói chúng lại. 

Từ trước đến nay dòng game Monster Hunter hoàn toàn không có nút “nhảy” cho nhân vật. 

Muốn rời khỏi mặt đất, người chơi phải sử dụng các tính năng thêm như vũ khí Insect Glaive (ra mắt trong bản Monster Hunter 4), dùng phong cách đánh Aerial Style (trong Monster Hunter Generations) hoặc… đưa mặt ra cho con quái/ đồng đội xài Hammer hất văng lên. 

Điều này cũng dễ hiểu vì với cơ chế chiến đấu rất thực tế của dòng game Monster Hunter xưa nay, việc thêm động tác nhảy mặc định sẽ khiến game có lối chơi chẳng khác gì các dòng hành động chặt chém (ARPG) khác cả.

Tuy vậy thì cái gì cũng cần phải đổi mới, và trong Monster Hunter Rise thì CAPCOM chọn cách làm gián tiếp khá hay ho: họ không thêm nút nhảy, nhưng lại cho người chơi một cơ chế để “đu dây và nhảy” hệt như kiểu Spider Man bắn tơ ra giữa trời và bay tới bay lui vậy. 

Sự tồn tại của Wire Bug trở thành một phần cốt lõi trong lối chơi của Monster Hunter Rise, chẳng hạn như việc di chuyển và leo trèo giữa các cao độ khác nhau, tiếp cận/tránh xa khỏi một con quái, hoặc vận dụng các “tuyệt chiêu” (Silkbind Attack) riêng biệt của từng loại vũ khí.

Nói một cách dễ hiểu, thì việc phân định trình độ “gà” hay “pro” của người chơi Monster Hunter Rise nằm ở việc họ thao túng Wire Bug thuần thục tới đâu. 

Khi đã nắm vững cách dùng Wire Bug, việc di chuyển trong màn chơi trở nên cực kỳ “mượt” và kích thích, khi người chơi có thể bay từ đỉnh núi này sang vách tường khác, chạy trên tường, thực hiện những pha bậc tường – quăng dây điệu nghệ. 

Chưa kể những pha chiến đấu trong Monster Hunter Rise lại càng trở nên đẹp mắt và hấp dẫn hơn khi những tuyệt kỹ bay lên trời đánh xuống như Soaring Kick (Longsword), Diving Wyvern (Insect Glaive)… luôn là những “highlight” trong các pha phô diễn trình độ.

Tương tự như World, bản đồ mỗi màn chơi trong Monster Hunter Rise không còn chia thành từng mảng nhỏ cần phải tải lại mỗi khi “chuyển cảnh” nữa, mà là một chỉnh thể rộng lớn. 

Người chơi có thể tự do di chuyển qua lại giữa các Sub/Main Camp khi không chiến đấu để tiết kiệm thời gian đi lại, cũng như thỏa sức khám phá các địa hình mới lại nhiều cao độ và vô số hang hốc được thiết kế tinh vi. 

Monster Hunter Rise có thể xem là một phiên bản hoàn mỹ khi nó dung hòa hết những điều hay ho tốt đẹp nhất của WorldGenerations Ultimate lại với nhau

Nếu ở các phiên bản cũ, việc “hái hoa bắt bướm” đôi khi là một cực hình khi bản đồ có quá ít thứ để tương tác và còn phải chuyển cảnh lâu lắc – thì với Monster Hunter Rise đây lại là một trải nghiệm cực kỳ mới mẻ và hấp dẫn, đến nỗi đôi khi người viết chỉ đơn giản là vào đại một màn Expedition nào đó, đu dây “như một thằng điên” lên đỉnh núi cao và ngắm mặt trời lặn mà thôi!

Monster Hunter Rise có thể xem là một phiên bản hoàn mỹ khi nó dung hòa hết những điều hay ho tốt đẹp nhất của WorldGenerations Ultimate lại với nhau. 

Có thể kể đến cơ chế vừa uống máu, vừa di chuyển (thay vì uống xong giơ tay làm siêu nhân), cơ chế biến hóa các kiểu đạn Bowgun (vừa đi vừa bắn), các kỹ năng kết liễu đặc biệt cực “cool ngầu” mà người chơi có thể tùy biến theo phong cách riêng của mình, hoặc hệ thống chế giáp/Decorations đơn giản dễ hiểu.

Các loại quái vật mới mà Monster Hunter Rise mang đến cũng đều rất đặc sắc và thú vị, với lối đánh cực kỳ khác biệt giữa mỗi con. 

Quái vật “biểu tượng” Magnamalo với lối đánh cục súc và cung di chuyển cực rộng, “quỷ băng” Goss Harag chậm chạp nhưng chém đâu chết đó, “xú nhân ngư” Somnacanth với hàng loạt kỹ năng khống chế khó chịu như gây ngủ, làm choáng, kích nổ… cho đến con quái mà người viết đặc biệt hứng thú nhất: Almudron, một con rắn có cái đuôi rết, và bộ kỹ năng thao túng địa hình “vô tiền khoáng hậu”.


Monster Hunter Rise

Đồ họa xuất sắc đến mức không tưởng!

Một trong các vấn đề “cộm cán” nhất luôn dấy lên tranh cãi giữa các dòng người chơi của “Old World” và “New World” luôn là chất lượng đồ họa trong game. 

Monster Hunter World vốn được tạo ra để thu hút thêm người chơi mới, nên với cấu hình cực mạnh của PS4 và PC thì việc nó sở hữu chất lượng đồ họa cực kỳ long lanh, bóng bẩy là điều vô cùng dễ hiểu. 

Còn với Monster Hunter Generations Ultimate, vốn được thiết kế để phục vụ cho nhóm người chơi kỳ cựu, vốn đã quen với cấu hình đồ họa “đau mắt” từ cái thời PS2 – 3DS, nên chất lượng đồ họa cỡ đó là đã quá ổn áp rồi!

Câu hỏi đặt ra, là với Monster Hunter Rise – phiên bản được phát hành riêng cho hệ Nintendo Switch (phiên bản PC phải chờ đến 2022), một hệ máy “lai” giữa cầm tay/console với cấu hình không thật sự ấn tượng, liệu nó đẹp hơn Monster Hunter Generations Ultimate được bao nhiêu?

Đáp án được CAPCOM lẫn Nintendo tung ra cho người chơi qua từng đoạn video giới thiệu, cũng như hai bản demo trước khi game chính thức ra mắt. 

Đúng thật là so với World thì Monster Hunter Rise vẫn chưa được đến cái tầm đó, nhưng xét lại với cấu hình của Switch thì đây lại là một phép màu khác mà CAPCOM có thể tạo ra trong năm nay. 

Dùng cùng RE Engine với World, nhưng phiên bản dành cho Monster Hunter Rise đã được CAPCOM tinh chỉnh đặc biệt theo yêu cầu của Nintendo. 

Monster Hunter Rise

Điều này cho phép Monster Hunter Rise có thể sở hữu chất lượng đồ họa vượt trội so với các phiên bản cũ, với một số chi tiết đã được tinh giảm để cho Switch có thể “kham” nổi. 

Thế nhưng kết quả vẫn khiến cho người chơi hết sức bất ngờ!

Ấn tượng đầu tiên “hớp hồn” người chơi chính là ngôi làng Kamura, tuy nhỏ bé nhưng lại tinh tế và thân quen đến mức khó tưởng tượng được. 

Từng viên gạch lát đường, chi tiết trên cột nhà, hoa văn trên quần áo NPC… tất cả đều được thể hiện cực kỳ chi tiết và tỉ mỉ. 

CAPCOM đã cực kỳ tinh ý khi kết hợp những chi tiết đặc thù của văn hóa Nhật cổ vào các thiết kế nhà cửa, phục trang trong Monster Hunter Rise, nhằm tạo nên một bầu không khí vừa quen vừa lạ, khó có thể nhầm lẫn. 

Khi vào phòng riêng của mình, lần đầu tiên người chơi Monster Hunter mới có cái cảm giác ấm cúng, thân thương từ một mái nhà dành cho riêng mình – thay vì “cái chuồng lợn tạm bợ” như các phiên bản trước. 

Khu vực huấn luyện Palamute/Palico nằm hoàn toàn tách biệt, và được thiết kế bởi các mảng xanh lớn tạo nên cảm giác dịu mát, thân thiện với thiên nhiên, đặc biệt là khi một mặt lại thông ra bến cảng với bầu trời lộng gió cùng đại dương xa tít tắp ngút ngàn.

Monster Hunter Rise

Các khu vực bản đồ mới tuy không nhiều, nhưng mỗi cái đều để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người chơi. 

Với khả năng di chuyển tự do mới nhờ vào Wire Bug và Palamite, người chơi có lý do để khám phá cho bằng hết mọi ngóc cách trong các màn, và luôn có một phần thưởng nào đó chờ họ ở phía cuối con đường. 

Người viết đặc biệt yêu thích màn chơi “Shrine Ruins”, khi mà nó có thể ví như một kiệt tác nghệ thuật của cảnh quan thiên nhiên, được dung hòa khéo léo giữa các công trình cổ xưa và rừng cây hùng vĩ, đan xen là những dòng suối lượn quanh trong vắt có thể nhìn rõ từng viên đá dưới đáy.

Với chất lượng đồ họa nâng cấp đáng kể, những con quái vật quen thuộc như Zinogre, Mizutsune, Barioth… giờ đây xuất hiện với diện mạo mới, đẹp đẽ hơn, chi tiết hơn, và sống động hơn. 

Monster Hunter Rise

Đổi lại cách đây 9 năm thì có trời mới biết sau khi “santo” lộn vòng, cái quả cầu điện mà Zinogre bắn ra vốn là cái thứ gì (là Thunderbug đấy các bạn ạ). 

Hiệu ứng chiêu thức cũng được trau chuốt hơn rất nhiều, chẳng hạn như lửa linh hồn của Magnamalo rõ ràng là bắt mắt hơn đống dịch nhờn Slime của Brachydios, hay bụi Blast của Teostra (mặc dù bản chất là như nhau).

Diễn hoạt nhân vật về cơ bản sẽ quen thuộc với người chơi phía Old World nhiều hơn, nhưng các cơ chế chiến đấu của World, đi kèm với những Silkbind Attack của Monster Hunter Rise, khiến cho nhịp độ chiến đấu không những không bị chậm đi, mà còn có phần nhanh và “lả lướt” hơn nhiều. 

Những pha Spirit Counter thần sầu của Longsword, cưa máy vô cực của Charge Blade, hoặc “máy xay sinh tố” Dual Blades luôn luôn mang lại cảm giác thỏa mãn tột độ cho người chơi khi thi triển (dù cho sau đó là bị quái “vả sấp mặt” và bị mèo cáng xe về do cái tội múa may sai thời điểm).

chất lượng đồ họa nâng cấp đáng kể, những con quái vật quen thuộc như Zinogre, Mizutsune, Barioth… giờ đây xuất hiện với diện mạo mới, đẹp đẽ hơn, chi tiết hơn, và sống động hơn

Bạch kim 10

Chẳng hề là nói ngoa khi cho rằng Monster Hunter Rise chính là phiên bản Monster Hunter hay nhất từ trước đến nay do CAPCOM thực hiện.
Nó dung hòa một cách khéo léo và tinh tế giữa Monster Hunter Generations Ultimate lẫn Monster Hunter World, kèm theo vô số những nét chấm phá mới của mình – tất thảy tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời dù cho người chơi thuộc thế hệ cũ, mới hay thậm chí là “lính mới tò te” đi nữa.
Phiên bản hiện tại tuy chỉ mới mở đến HR7, nhưng cái giá 59.99 USD là chẳng hề đắt đỏ khi những gì Monster Hunter Rise mang đến còn vượt xa cái giá trị nhỏ nhoi đó.

Thông tin

  • Monster Hunter Rise
  • Nhà phát triển
    CAPCOM
  • Nhà phát hành
    CAPCOM
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    26/03/2021
  • Nền tảng
    Windows, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 (64-bit)
  • CPU
    Intel® Core™ i3-4130 / Core™ i5-3470 or AMD FX™-6100
  • RAM
    8GB
  • GPU
    NVIDIA® GeForce® GT 1030 (DDR4) / AMD Radeon™ RX 550
  • Lưu trữ
    36GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Thảo luận