Skip to content

MSI MAG CoreLiquid 360R – Đánh Giá Gaming Gear

MSI MAG CoreLiquid 360R – Trong cuộc “chạy đua vũ trang” xây dựng hệ sinh thái cho riêng mình, nhất là trong việc cho ra mắt các mẫu tản nhiệt nước Tất cả trong một (All in One – AIO) thì MSI “tụt” lại khá lâu sau các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường, như ASUS đã có ASUS ROG Ryujin từ 2018 hay ngay hồi cuối năm ngoái, Gigabyte cũng cho ra mắt dòng tản nhiệt nước AORUS Liquid Cooler của mình.

Phải đến tần đây, “team rồng” mới chính thức giới thiệu các mẫu tản nhiệt nước của riêng mình dưới tên gọi MAG CoreLiquid với hai phiên bản sở hữu bộ giải nhiệt (radiator) có kích thước lần lượt 240mm và 360mm.

Cách đây ít lâu, Vietgame.asia đã đem đến cho bạn đọc bài giới thiệu phiên bản MSI MAG CoreLiquid 240R với những ấn tượng ban đầu vô cùng tốt đẹp về cách mà MSI đã “mở lối đi riêng” cho các mẫu tản nhiệt nước AIO của mình trong một thị trường đầy rẫy các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc cao cấp.

Thế nên người viết cũng đã rất phấn khích khi được tự tay “vọc vạch” phiên bản cao nhất của dòng sản phẩm này với tên gọi MSI MAG CoreLiquid 360R.

Liệu đây có phải là một lựa chọn tản nhiệt AIO sáng giá cho phân khúc tầm trung – cao cấp?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

MSI MAG CoreLiquid 360R - Đánh Giá Gaming Gear

MSI MAG CORELIQUID 360R – THIẾT KẾ CHẮC CHẮN

Phải nói rằng MSI MAG CoreLiquid 360R không có khác biệt nào nếu so sánh với phiên bản “nhỏ con” hơn ngoại trừ số lượng quạt giải nhiệt và kích cỡ của Radiator, thế nên có thể dễ dàng hiểu được, sản phẩm cũng mang trong mình những đặc điểm độc đáo trong thiết kế sản phẩm của MSI khi “lách mình” khỏi thị trường cao cấp để giành lấy ưu thế trong một thị trường có quy mô rộng lớn hơn nhiều khi giao cho Apalcool thiết kế nguyên mẫu.

MSI MAG CoreLiquid 360R - Đánh Giá Gaming Gear

Tất nhiên là với một nhà sản xuất OEM từng được rất nhiều thương hiệu lớn, bao gồm cả NZXT và MSI “chọn mặt gửi vàng” thì chất lượng thiết kế và chế tạo của hãng này đã được khẳng định về chất lượng trong thời gian dài.

MSI MAG CoreLiquid 360R không có khác biệt nào nếu so sánh với phiên bản “nhỏ con” hơn ngoại trừ số lượng quạt giải nhiệt và kích cỡ của Radiator

Những yếu tố này, người đọc hoàn toàn có thể tìm hiểu thông qua bài viết Đánh giá nhanh tản nhiệt nước AIO MSI MAG CoreLiquid 240R.

Bên cạnh đó, một vài chi tiết nhỏ về mặt thiết kế vốn không được người viết quan tâm kỹ lưỡng trong bài mở hộp và đánh giá nhanh trước đây cũng dần “lộ diện” sau một thời gian “săm soi” tháo lắp sản phẩm. Tất cả đều cho thấy mẫu tản nhiệt nước đời mới này của MSI sở hữu một kết cấu vô cùng chắc chắn.

Chẳng hạn như bộ phận ngàm kẹp cố định buồng vớt nhiệt của tản nhiệt với CPU có thiết kế tương tự như mẫu NZXT Kraken M22 với thiết kế siết ốc bốn góc quen thuộc theo thể thức từ trên xuống với bốn ốc lò xo luôn tạo ra áp lực vừa đủ cho buồng tiếp xúc lên CPU.

MSI MAG CoreLiquid 360R - Đánh Giá Gaming Gear

Mặc dù thiết kế này cần phải thao tác ốc bằng vít vặn chứ không thể đơn giản sử dụng ốc vặn tay như ngàm kẹp trên AORUS Liquid Cooler, Corsair iCUE H150i RGB PRO XT hay NZXT Kraken Z63 do Asetek gia công gần đây, nhưng nó đảm bảo được một áp lực nhất định giúp cho tiếp xúc giữa CPU và buồng vớt nhiệt luôn luôn chặt chẽ, không chịu ảnh hưởng bởi lực siết của người dùng, nhất là người dùng không chuyên.

Ở đầu ngược lại, theo cảm nhận chủ quan của người viết, điểm trừ nhỏ trong thiết kế ngàm kẹp này chính là mặc dù đem đến hiệu quả tiếp xúc và tản nhiệt ổn định, nhưn quá trình tháo lắp lại cần đến nhiều chi tiết vụn vặt, dù vẫn dễ hơn nếu so sánh với ngàm kẹp cần sử dụng rất nhiều ốc như trên mẫu tản nhiệt nước AIO Raijintek Orcus 240 RBW, nhưng nó vẫn đòi hỏi người dùng có khả năng kỹ thuật nhất định.

MSI MAG CoreLiquid 360R - Đánh Giá Gaming Gear

Một trong những điểm mà người viết đánh giá cao đối với thiết kế của MSI MAG CoreLiquid 360R, khiến cho mẫu tản nhiệt này đến rất gần các sản phẩm tản nhiệt nước AIO cao cấp đó chính là các khớp nối trên sản phẩm đều được bảo vệ tốt, thậm chí hai khớp nối trên buồng vớt nhiệt còn có khả năng xoay chuyển linh hoạt, điều này giúp làm giảm tối đa lực tác động lên khớp khi được lắp trong thùng máy chật hẹp.

Bên cạnh đó, do tách rời bơm ra khỏi buồng vớt nhiệt, thế nên nhà sản xuất khá thoải mái khi trang bị một bộ bơm cỡ lớn với công nghệ mô tơ ba pha làm tăng đáng kể lưu lượng nước, từ đó tăng cường khả năng giải nhiệt của cả hệ thống và đồng thời giải quyết đơn giản bài toán “đau đầu” tăng công suất bơm trong khi vẫn phải giữ được kích thước nhỏ để có thể tích hợp vừa vặn vào buồng vớt nhiệt mà các hãng khác vẫn đang loay hoay như hiện nay.

Nhìn chung, MSI MAG CoreLiquid 360R sở hữu một thiết kế vô cùng chắc chắn, đạt đến tiêu chuẩn của các tản nhiệt nước AIO cao cấp. Mặc dù để đạt được điều này, nhà sản xuất phải hy sinh ít nhiều sự tiện dụng, nhưng những hy sinh này khá nhỏ và có thể chấp nhận được, nhất là mẫu tản nhiệt nước AIO này chỉ được dùng để cạnh tranh trong phân khúc trung – cao cấp mà thôi.


MSI MAG CORELIQUID 360R – TẢN NHIỆT MẠNH MẼ!

Nói về khả năng tản nhiệt cho các CPU “khủng long” đời mới, MSI MAG CoreLiquid 360R chắc chắn là một sự lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.

Trong bài đánh giá nhanh phiên bản MSI MAG CoreLiquid 240R lần trước, người viết đã từng có dịp thử nghiệm hệ thống tản nhiệt trên mẫu CPU Intel Core i7 10700K được ép xung lên mức 5GHz.

Mặc dù có đôi chút “cật lực” nhưng mẫu tản nhiệt nước này của MSI vẫn đủ sức duy trì nhiệt độ ở mức từ 75 đến 77 độ C với cả bơm và quạt đều chạy tới “ngưỡng” 100%.

Thế nên đối với phiên bản sở hữu radiator có kích thước lên đến 360mm và đến 3 quạt tản nhiệt cỡ lớn, mọi việc trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều.

Thử nghiệm ở cùng xung nhịp 5GHz và bo mạch chủ MSI MEG Z490 Unify ATX, nhiệt độ đo được ở mức 75 độ C, ổn định hơn rất nhiều so với việc dao động lên xuống từ 75 đến 77 độ như ở phiên bản 240R.

Đó là chưa kể đến tốc độ quạt và bơm đều không phải ở mức 100%, vẫn còn dư rất nhiều không gian cho phép bạn sử dụng chương trình MSI Dragon Center để thay đổi tốc độ quạt, làm tăng hiệu quả tản nhiệt.

Điều ấn tượng là ngay cả khi thiết lập tốc độ quạt lên mức tối đã 100%, cả ba quạt hoạt động vẫn vô cùng êm ái, rất khó nghe thấy tiếng quạt từ hệ thống chứ không ầm ỹ như một vài sản phẩm tản nhiệt nước tầm trung AIO trên thị trường hiện nay.

Phải biết rằng, ở mức xung nhịp này, mức công suất nhiệt TDP (Thermal Power Designed) của CPU đã lên đến trên 230W, cao hơn cả những mẫu CPU nổi tiếng toả nhiều nhiệt nhất hiện nay dành cho PC chơi game như AMD Ryzen 9 3950X hay Intel Core i9 10900K.

Chính vì thế mà người dùng hoàn toàn có thể yên tâm để lắp ráp một dàn máy “full rồng” cùng mẫu tản nhiệt nước AIO này mà không cần phải “lăn tăn” về việc quá nhiệt của hệ thống.

Ngoài ra, sản phẩm cũng tương thích hoàn toàn với công nghệ Mystic Light RGB trên các bo mạch chủ của MSI, chính vì thế mà chỉ cần một vài thiết lập đơn giản, bộ tản nhiệt nước AIO này sẽ dễ dàng “hoà nhập” vào trong hệ sinh thái của “team rồng”,

Nhìn chung, MSI MAG CoreLiquid 360R là một tản nhiệt nước AIO thuộc loại “hạng nặng” trên thị trường hiện nay, đủ sức giải nhiệt cho tất cả các dòng CPU dành cho PC chơi game thông thường hiện nay.


BẠN SẼ GHÉT

THIẾT KẾ NHIỀU NHỰA, BỤI & MỨC GIÁ

Phải nói rằng mặc dù được thiết kế chắc chắn, nhưng MSI MAG CoreLiquid 360R đem đến cho người dùng cảm giác hơi kém “hầm hố” do sử dụng quá nhiều chất liệu nhựa.

Chẳng hạn như buồng vớt nhiệt có kích thước khá nhỏ, được làm hoàn toàn bằng nhựa, hay các khớp bảo vệ ống nối đều được chế tạo bằng chất liệu này.

Mặc dù không tạo ra bất cứ ảnh hưởng nào đến với hoạt động của tản nhiệt, thế nhưng không thể phủ nhận được rằng thiết kế này làm cho sản phẩm hơi “kém sang” thậm chí nếu so sánh với một vài sản phẩm khác có mức giá rẻ hơn ở phân khúc tầm trung như ID-Cooling ZoomFlow sở hữu hàng loạt các chi tiết … trang trí bằng kim loại bóng loáng.

Bên cạnh đó, thiết kế bơm chìm trên radiator mặc dù sở hữu rất nhiều ưu điểm, nhưng đó lại là nơi “hút bụi” nặng nề nhất do ảnh hưởng bởi từ trường từ mô tơ ba pha tích hợp.

Điều này làm cho radiator nhanh đóng bụi hơn thiết kế “trơn” thông thường, khiến cho hiệu quả tản nhiệt giảm dần theo thời gian sử dụng nếu bạn không vệ sinh thường xuyên tản nhiệt. Đây cũng là một vấn đề khá đau đầu khi các lưới nhôm bên trên radiator khá khó để vệ sinh theo cách thông thường nếu không tháo rời tản nhiệt ra khỏi thùng máy.

Chính vì thế mà người dùng nên sử dụng các thùng máy có các lưới chắn bụi tích hợp toàn diện và rack kéo gắn radiator để có thể dễ dàng vệ sinh cho bộ phận này, chẳng hạn như phiên bản thùng máy cao cấp của team rồng MSI MPG SEKIRA 500X để giảm thiểu rắc rối trong quá trình vệ sinh tản nhiệt.

Cuối cùng, dù được xếp ở phân khúc trung – cao cấp, nhưng MSI MAG CoreLiquid 360R lại sở hữu mức giá rất “tiệm cận” các sản phẩm phân khúc cao cấp ở 5 triệu đồng. Ở mức giá này, sản phẩm bị cạnh tranh rất mạnh từ những tên tuổi có tiếng và đã được kiểm nghiệm trong làng tản nhiệt như Corsair iCUE H150i RGB PRO XT 360mm hay các mẫu tản nhiệt cao cấp “ít quạt” hơn như NZXT Kraken Z63.

Mặc dù không tạo ra bất cứ ảnh hưởng nào đến với hoạt động của tản nhiệt, thế nhưng không thể phủ nhận được rằng thiết kế này làm cho sản phẩm hơi “kém sang”

GIÁ THAM KHẢO

4,990,000đ


HỖ TRỢ

THAM KHẢO

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: MSI MAG CoreLiquid 360R
  • Nhà sản xuất: MSI
  • Xuất xứ: Đài Loan

BÀI MỚI NHẤT


Bạc 8.0

MSI MAG CoreLiquid 360R là gương mặt mới trong làng tản nhiệt nước AIO, sở hữu một thiết kế độc đáo, chắc chắn với khả năng tản nhiệt mạnh mẽ cho các dòng CPU đời mới. Tuy vậy, điểm trừ nhẹ của mẫu tản nhiệt nước AIO này chính là thiết kế khá nhiều nhựa, dễ "hút bụi" và mức giá còn hơi cao so với mặt bằng chung.