Skip to content

MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI – Đánh Giá Nhanh

MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI – Với đa phần các game thủ tầm trung, dòng sản phẩm Tomahawk của MSI là lựa chọn tốt nhất trong phân khúc bởi sự “đủ đầy” về mặt tính năng nhưng vẫn luôn sở hữu mức giá vô cùng hấp dẫn, thế nên ngay sau khi Intel giới thiệu dòng chipset cao cấp Z590 phục vụ cho các vi xử lý thế hệ thứ 11 sắp ra mắt thì các fan của team rồng đỏ vô cùng mong đợi một phiên bản bo mạch chủ ngon – bổ – rẻ để xây dựng các cỗ PC “chiến game” của mình.

Và MSI đã không làm các fan trung thành của mình thất vọng khi tung ra mắt phiên bản MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI được nâng cấp với không chỉ chipset đơn thuần, mà còn nhiều tính năng tiên tiến chưa từng có mặt trên dòng sản phẩm Tomahawk trước đây, tạo nên rất nhiều “háo hức” trong các nhóm game thủ tầm trung.

Với sự hỗ trợ sản phẩm từ phía MSI, nhóm thử nghiệm đã có dịp “trên tay” mẫu bo mạch chủ bình dân đầy mạnh mẽ này để giới thiệu với bạn đọc – Hãy cùng Vietgame.asia “đập hộp” sản phẩm các bạn nhé!


MSI MAG Z590 Tomahawk Wifi - Đánh Giá Nhanh

MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI – ĐI LÊN THEO HƯỚNG CAO CẤP

MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI là dòng sản phẩm bo mạch chủ chơi game tầm trung Tomahawk lừng danh dành cho game thủ, thế nên mặc dù có ít nhiều thay đổi so với phiên bản trang bị chipset Z490, thiết kế vỏ hộp của bo mạch đời mới cũng giữ một “quy cách” như cũ với tên sản phẩm được in cỡ lớn cùng hình vẽ quả tên lửa Tomahawk đang lao xuống mục tiêu.

MSI cũng làm mới lại đôi chút thiết kế vỏ hộp cho mẫu bo mạch chủ này với tông màu xám sáng của sắt thép thay cho tông màu xám đen với các hoa văn kim loại.

MSI MAG Z590 Tomahawk Wifi - Đánh Giá Nhanh

Mặt sau vỏ hộp vẫn nằm trong quy củ với hình dáng tổng thể của bo mạch cùng một số tính năng nổi bật, đáng chú ý nhất là mạng LAN 2.5G và chip Wifi 6E tiên tiến nhất hiện nay, đem lại tốc độ kết nối mạng hàng đầu với cả hai phương thức có dây và không dây.

Việc trang bị giải pháp kết nối không dây cao cấp Wifi 6E lên dòng bo mạch chủ MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI cho thấy một sự thay đổi về căn bản của MSI trong cách mà hãng tiếp cận với dòng sản phẩm bo mạch chủ tầm trung Tomahawk nói riêng và với các dòng bo mạch chủ trong phân khúc này nói chung.

MSI MAG Z590 Tomahawk Wifi - Đánh Giá Nhanh

Với mức giá tăng “phi mã” của các bo mạch chủ đời mới trong những năm vừa qua so với các thế hệ trước đó, những sản phẩm vốn được định vị trong phân khúc tầm trung như Tomahawk đã dần dần “tiệm cận” với mức giá các bo mạch chủ tầm cao cấp trước đây.

Thêm vào đó, mức giá của các chip kết nối không dây tiên tiến cũng ngày một rẻ hơn, khiến cho việc trang bị công nghệ này xuống dòng sản phẩm tầm trung là hoàn toàn khả thi, đem đến thêm nhiều tiện ích cho người dùng.

MSI MAG Z590 Tomahawk Wifi - Đánh Giá Nhanh

Một số hãng sản xuất khác cũng đã tiếp cận đến hướng đi này, chẳng hạn như ASUS đã trang bị Wifi 6E cho dòng bo mạch chủ TUF Gaming thế hệ mới của mình.

Tiến hành đập hộp sản phẩm, MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI xuất hiện với hai tông màu xám – đen đặc trưng của dòng sản phẩm này.

Dễ thấy nhất sự khác biệt giữa các bo mạch tầm trung và các bo mạch dòng cao cấp như ASUS Maximus XIII Hero nằm ở thiết kế tổng thể có vẻ rời rạc hơn với các tấm tản nhiệt nhỏ hơn, ít sự kết nối thành một khối tổng thể đầy “cơ bắp”.

Tiến hành đập hộp sản phẩm, MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI xuất hiện với hai tông màu xám – đen đặc trưng của dòng sản phẩm này.

Các tấm tản nhiệt dành cho ổ cứng thể rắn dạng thanh chuẩn M.2 được bố trí khá rời rạc, chỉ “gói gọn” đơn giản riêng rẽ từng khu vực. Thiết kế này mặc dù không quá “hầm hố”, thế nhưng lại vô cùng tiện lợi trong bối cảnh các ổ cứng “siêu tốc” dành cho game thủ như AORUS Gen4 7000s hay AORUS NVMe Gen4 đều được trang bị giải pháp tản nhiệt tích hợp riêng, rất khó sử dụng cùng các bo mạch chủ sở hữu tấm tản nhiệt liền khối cỡ lớn.

MSI gọi thiết kế tản nhiệt của họ là M.2 Shield Frozr giúp tản nhiệt tốt cho các ổ cứng SSD chuẩn M.2 “trần” thông thường nhờ vào tấm dán với khả năng dẫn nhiệt tốt, truyền nhiệt độ lên trên bề mặt tấm tản nhiệt và tận dụng luồng gió lưu động trong thùng máy để giải nhiệt.

MSI MAG Z590 Tomahawk Wifi - Đánh Giá Nhanh

Dù là sản phẩm bo mạch chủ tầm trung, thế nhưng MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI vẫn sở hữu những chi tiết thường chỉ xuất hiện trên các dòng bo mạch chủ cao cấp như khe PCI-E chính được bọc thép gia cường với chốt kẹp kích thước lớn.

Đặc biệt hơn cả so với các bo mạch chủ đến từ các nhà sản xuất khác chính là khe PCI-E này có thể nhận thêm nguồn phụ 6pin để tăng cường khả năng cấp điện cho card đồ hoạ. Đây là một thử nghiệm khá độc đáo của MSI trong nỗ lực tăng nguồn cấp điện cho khe này “vượt chuẩn”, cắt giảm lượng dây nhợ không cần thiết đan xen trong lòng máy.

Về thiết kế cấp điện, MSI cũng đã nâng cấp cấu hình cấp điện từ 12 + 1 + 1 trên phiên bản MAG Z490 Tomahawk thành cấu hình cấp điện kênh đôi 14 + 2 + 1 với khả năng cấp điện mạnh mẽ hơn, đủ sức thoả mãn các CPU cao cấp nhất thế hệ thứ 11 của Intel hoạt động xung Boost ở tốc độ cao.

Song song với đó, các kỹ sư của hãng cũng phải mở rộng tấm tản nhiệt tích hợp cho các phase cấp điện này nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của CPU.

Bên cạnh đó, khu vực Audio cũng được “khoanh vùng” riêng biệt trên bảng mạch để tránh nhiễu chéo điện tử. MSI không sử dụng các thiết kế tích hợp hai kênh thông dụng trên thị trường hiện nay mà đem hai kênh trái – phải tách biệt ra trên hai lớp bảng mạch PCB khác nhau, hứa hẹn đem đến chất âm tách bạch nhất cho tai nghe.

Cuối cùng, không thể không kể đến giải pháp kết nối không dây Wifi 6E vừa được MSI thêm vào cho MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI bên cạnh kết nối có dây 2.5G đã xuất hiện trên thế hệ trước. Đây là kết nối không dây tiên tiến nhất hiện nay với khả năng giao tiếp với tốc độ 2400Mbps và độ trễ ở mức vô cùng thấp.


TỔNG QUAN

Về tổng thể, MSI MAG Z590 TOMAHAWK WIFI vẫn là một sản phẩm “đậm màu” phân khúc tầm trung, sở hữu trong mình ưu điểm ngon – bổ – rẻ của dòng sản phẩm Tomahawk từ trước tới nay.

Thế nhưng nâng cấp Wifi 6E là một bất ngờ lớn khi lần đầu tiên sản phẩm dòng Tomahawk đón nhận kết nối không dây tiện lợi. Bên cạnh đó, một vài cải tiến và thử nghiệm của MSI cũng làm cho mẫu bo mạch chủ tầm trung này trở nên thú vị hơn, thậm chí khả dĩ có thể sử dụng cho các hệ thống PC tầm trung – cao cấp.


BÀI MỚI NHẤT