Skip to content

My Hero One’s Justice 2 – Đánh Giá Game

My Hero One's Justice 2

My Hero One’s Justice 2 – Game chuyển thể, phim chuyển thể, game cờ bàn chuyển thể, tiểu thuyết chuyển thể… Nói chung là các sản phẩm chuyển thể đang tràn ngập thị trường, từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh lớn từ khoảng 5 năm đổ lại đây (dù bom tấn thì ít mà “bom xịt” thì nhiều).

Thế nhưng nếu về việc chuyển thể trong ngành game thì Bandai Namco đã đi trước xu hướng thế giới từ rất lâu rồi.

Hãng game này chính xác là ông trùm chuyển thể các sản phẩm phim truyện có xuất xứ từ đất nước hoa Anh Đào thành dạng trò chơi điện tử, với bề dày lịch sử đã gần 15 năm có lẻ.

My Hero One’s Justice tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ, tựa game với cái tên “siêu oách” này là chuyển thể của bộ truyện nổi tiếng My Hero Academia (hay còn được gọi là Học Viện Siêu Anh Hùng tại Việt Nam).

Sau doanh số khá ổn của phần đầu tiên, hậu bản My Hero One’s Justice 2 cũng đã được phát hành.

Vậy, liệu tựa game có thoát khỏi cái bóng của đàn anh đi trước hay chỉ đơn thuần là “thêm số vào tên”?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau nhé.


BẠN SẼ THÍCH

HOÀNH TRÁNG

My Hero One’s Justice 2 hay chính xác là cốt truyện của My Hero Academia kể về một thế giới mà hầu hết mọi người đều sở hữu siêu năng lực (được gọi là Quirks).

Sở hữu sức mạnh càng lớn thì sự cám dỗ càng lớn, luôn có những kẻ đổ gục trước cám dỗ và sử dụng siêu năng lực của mình để phá vỡ những luật lệ của thế giới, những kẻ như vậy được mọi người gọi là những ác nhân (Villains).

Cùng với sự xuất hiện của siêu năng lực là sự gia tăng đột biến của các ác nhân và khi chính phủ đang bận rộn sửa lại luật thì những tổ chức siêu anh hùng tư nhân bắt đầu mọc lên để chống lại các ác nhân.

Dần dà siêu anh hùng (Hiro hay Hero) với sự sự giúp đỡ của truyền thông và sự ủng hộ của người dân, trở thành một nghề nghiệp chính thống và là niềm ao ước của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Nhân vật chính của chúng ta – Izuku Midoriya cũng không phải ngoại lệ, cậu bé là một người hâm mộ cuồng siêu anh hùng chính hiệu và khao khát trở thành một siêu anh hùng hơn bất cứ ai.

Nhưng đời thì quá nhọ cho cậu bé, trong một thế giới mà nhà nhà, người người đều có Quirks thì chàng trai của chúng ta lại không sở hữu nó (và nhà cậu ta cũng không giàu nốt).

Thế nhưng câu chuyện không thể kết thúc ngay từ chương 1 vì lý do này được.

My Hero One's Justice 2

Midoriya vô tình gặp được siêu anh hùng hạng nhất All Might và biết được bí mật của chú ấy.

All Might sau đó đã tiết lộ rằng Quirks của mình có thể truyền lại được và chú ấy quyết định sẽ đưa nó cho Midoriya (sau khi cậu ta lao vào một tên bùn nhầy để cứu bạn mình).

Sau khi nhận được sức mạnh “One For All” bằng cách hấp thụ DNA của All Might (thứ văn chương hơn là… nuốt một cọng tóc của chú ta) thì Midoriya đã sở hữu sức mạnh của siêu anh hùng hạng nhất thế giới.

Tóm lược thế giới của My Hero One’s Justice 2 thì nó là như thế và chủ yếu để bạn không phải bỡ ngỡ là chính chứ trong game thì nó sẽ được tua gọn trong… 10 giây dưới dạng hồi tưởng!

Cốt truyện chính của My Hero One’s Justice 2 sẽ kể tiếp phần còn lại sau khi Midoriya thi đậu vào UA, trường trung học siêu anh hùng hàng đầu Nhật Bản.

Midoriya bắt đầu vào chuyến phiêu lưu thực sự của đời mình trên con đường trở thành một siêu anh hùng thực thụ (nếu bạn có xem bộ phim hoạt hình cùng tên thì nó sẽ là mùa thứ 3 và một ít cuối mùa 2 theo phim).

My Hero One's Justice 2

Về phần lối chơi thì My Hero One’s Justice 2 sở hữu cho mình một phong cách khá giống với đàn anh tiền nhiệm – điên cuồng, mạnh mẽ và hoành tráng.

Về cơ bản thì phong cách chiến đấu của My Hero One’s Justice 2 được chia thành 3 dạng tấn công chính là tấn công thường, cộng sự và tấn công đặc biệt.

Bạn có thể tự do kết hợp chúng lại với nhau và nó sẽ tạo thành một chuỗi liên hoàn chiêu (bằng một cách nào đó) và kiểu gì thì nó trông rất ngầu.

Với việc bỏ đi kha khá những thứ nhức đầu của dòng game đối kháng truyền thống (như kết hợp chiêu, nhớ mấy cái liên hoàn dài dằng dặc hay gì đó tương tự), My Hero One’s Justice 2 tỏ ra khá dễ dãi với việc bạn bước vào một trận đấu và bấm lung tung các nút rồi chiến thắng đối thủ bằng một cách nào đấy (có vẻ nhà sản xuất còn ủng hộ điều đó bằng cách thêm một ít QTE vào).

Nhưng nếu bạn ghét lối đánh không não kiểu đó?

Không sao cả, nhà sản xuất cũng cung cấp thêm những tính năng để tăng thêm phần chiến thuật cho game như lướt (dash), đỡ, phản đòn… Cùng một hướng dẫn khắc chế theo kiểu kéo, búa, bao (dù bạn sẽ mau chóng quên ngay sau đấy).

My Hero One’s Justice 2 tỏ ra khá dễ dãi với việc bạn bước vào một trận đấu và bấm lung tung các nút rồi chiến thắng đối thủ bằng một cách nào đấy

Các hiệu ứng và tương tác với môi trường được làm theo kiểu cường điệu hóa càng làm nhịp độ game vốn dĩ đã nhanh nay còn điên rồ hơn nữa (như nhét đầu đối thủ xuống đất theo đúng nghĩa đen ấy).

My Hero One’s Justice 2 cũng sở hữu cho mình một khối lượng nhân vật khá đầy đủ với hơn 40 nhân vật có thể điều khiển được, cũng như đã cải tiến cái trình đơn (menu) nghèo nàn từ game tiền nhiệm, thêm vào chế độ Arcade, Custom…

Đồ hoạ của game được làm theo kiểu Cel-shading truyền thống, đơn giản nhưng đẹp và khắc họa đúng với tinh thần nguyên tác nhất (và ơn trời là Bandai Namco đã từ bỏ phong cách hoạt họa “củ chuối” và hời hợt như đã làm với Jump Force).


BẠN SẼ GHÉT

ĐƠN ĐIỆU

Cho dù sở hữu cho mình khá nhiều chế độ chơi (so với phần 1) thì My Hero One’s Justice 2 vẫn không thể giải quyết được vấn đề của game tiền nhiệm: mọi thứ đều chỉ là lặp đi, lặp lại các hành động đơn giản.

Chính việc tối giản hoá lối chơi khiến toàn bộ các nhân vật trong game gần như chả khác biệt gì cho lắm trong lối chơi (cơ bản là bạn cũng chỉ lao vào và “spam lung tung các nút”).

Các thứ tưởng chừng như giúp đỡ cho việc này là việc đỡ và phản đòn thì lại quá dễ dàng để phá giải nên gần như tấn công là thứ duy nhất bạn có thể làm (nếu không muốn ăn hàng tá liên hoàn chiêu vào mặt).

Tính năng Pluss Ultra (tấn công đặc biệt) lại là thứ người viết cảm thấy cực kỳ khó hiểu. Nó quá khó để nắm bắt, dù cho bạn vừa tung ra một đống liên hoàn vào mặt đối thủ hay vừa bị đập cho còn nửa cây máu thì điểm Pluss Ultra vẫn là số không tròn trĩnh.

Kiểu ngẫu nhiên là bạn sẽ nhận được 1 hay 2 điểm Pluss Ultra để bắn chiêu vào mặt đối thủ nhưng nếu bạn cố để dành thì điểm sẽ bốc hơi như chưa từng tồn tại ấy.

My Hero One’s Justice 2 vẫn không thể giải quyết được vấn đề của game tiền nhiệm: mọi thứ đều chỉ là lặp đi, lặp lại các hành động đơn giản

Ngoài trừ Arcade thì các chế độ còn lại gần như được làm cho có (kể cả Story cũng là một bản tóm gọn giản lược và áp đặt).

Chế độ Mission (nhiệm vụ) là thứ người viết tiếc nhất, nó gây ra kha khá hứng thú vào thời điểm bắt đầu: một anh hùng đi trừ gian diệt ác, chiêu mộ rồi huấn luyện các anh hùng khác các kiểu, nhưng chỉ tới đó và… hết, mọi thứ còn lại là một vòng lặp bất tận.

Tính năng Custom lại đặc biệt gây thất vọng, hầu như là mọi phụ kiện đều là lấy từ người này đắp lên người kia hoặc là đổi màu của nhau (ít ra cũng phải cho vài bộ bikini để chiều lòng người hâm mộ đi chứ).

Và tính năng chơi mạng thì… èo, chẳng qua là bạn chuyển từ đánh nhau với CPU trong game đến một CPU có một cái tên ngẫu nhiên!


THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4

6.0

My Hero One's Justice 2 tuy gây ấn tượng khá mạnh vào thuở ban đầu, nhất là trong phần lối chơi và hình ảnh, nhưng đáng tiếc là nó giống như một hộp mì ăn liền vậy, dù nó ngon thế nào thì bạn cũng sẽ nhanh chóng chán nó và tìm kiếm một sản phẩm khác.



Tuy vậy My Hero One's Justice 2 vẫn là một tựa game ổn nếu chơi chung với gia đình và bạn bè dịp cuối tuần nhưng lại không muốn vận động não quá nhiều, còn nếu bạn muốn tìm kiếm một tựa game để gắn bó lâu dài? Bạn có thể bỏ qua tựa game này được rồi.

Tác giả

Thảo luận