Skip to content

Necrobarista – Đánh Giá Game

Necrobarista

Necrobarista – Chết có phải là hết? Liệu sẽ có một thế giới mới mở ra khi ta chết?

Liệu chúng ta có thể luân hồi?

Hay đơn giản chết chỉ là một giấc ngủ thật dài mà ta chẳng bao giờ tỉnh dậy?

Hàng nghìn năm qua, cái chết đã ám ảnh sâu sắc đến thế giới quan của nhân loại, là đề tài tranh cãi kể mà giới khoa học hay tâm linh cũng không thể giải thích nổi tại sao họ cãi nhau.

Đồng thời, cái chết cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các môn nghệ thuật từ thơ, ca, nhạc, hoạ và tất nhiên, cả thế giới game cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều.

Một thế giới dành cho người đã khuất liệu có tồn tại?

Chúng ta có thể chết 2 lần?

Níu kéo sự sống có thật sự hạnh phúc?

Necrobarista cũng có những câu hỏi tương tự như bạn.

Hãy cùng Vietgame.asia xem liệu câu trả lời về thế giới bên kia của Necrobarista có làm vừa lòng bạn không nhé?

BẠN SẼ THÍCH

Necrobarista

NHẸ NHÀNG NHƯNG SÂU SẮC

Nếu như đã từng xem những bộ anime (hoạt hình Nhật Bản) đề tài đời thường pha lẫn chút huyền bí như Kokoro Connect, Natsume hay Hyouka thì bạn sẽ nhanh chóng làm quen với Necrobarista.

Câu chuyện của game bắt đầu với… một đoạn phim chẳng liên quan gì tới cốt truyện.

Sau đó bạn sẽ bị “quẳng” vào một quán cà phê mang đậm phong cách Tây Âu cổ điển nhưng… vắng hoe.

Tại quán cà phê kỳ lạ đó, câu chuyện của chúng ta bắt đầu!

Mở đầu là câu chuyện của anh chàng Kishan – một vị khách kỳ lạ của The Coffee.

Sau khoảng 2 phút uống miếng nước và nhấn chuột thì bạn được biết là anh chàng Kishan của chúng ta… chết từ thuở nào rồi.

Tuy vậy thì anh chàng sẽ có 24 tiếng đồng hồ lưu lại trần gian tại The Coffee (“thực ra là 23 giờ và 1 con số phút bất kỳ – chúng ta nên nói chuẩn xác là 23 giờ như vậy để các vị khách không nên lưu luyến”).

Tại The Coffee, Kishan sẽ được gặp đủ thứ người kỳ lạ trong lúc tận hưởng những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, những người đã chết như anh, những người còn sống nhưng họ thích tới The Coffee, những người thuộc về thế giới bên kia và những người không thuộc về bất cứ đâu.

Không có ranh giới rõ ràng giữa các thế giới và Necrobarista cố tình làm cho nó càng mù mờ hơn bằng lối kể chuyện của mình, bạn sẽ không biết mình đang nghe câu chuyện của ai, câu chuyện của những người đã chết hay câu chuyện của những người “giả vờ như mình đã chết”.

Tuy thuộc thể loại Visual Novel (tiểu thuyết tương tác) nhưng Necrobarista không quá kén người chơi.

Trái lại, game lại được coi là “dễ nuốt” nếu như bạn là người lần đầu chơi dòng Visual Novel.

Necrobarista cắt bỏ gần như mọi thứ rườm rà thường thấy của một tiểu thuyết trực quan cổ điển như không lựa chọn tình huống, không hẹn hò, không có các mini game làm bạn sao nhãng và trên hết là các đoạn đối thoại được làm hết sức ngắn gọn và truyền tải đầy đủ thông điệp mà nó cần truyền tải.

Necrobarista không có một câu chuyện rõ ràng, hầu hết chúng đều là những mẩu chuyện nhỏ giữa những người trong The Coffee, tuy nhiên chúng đều liên kết với nhau một cách kỳ lạ.

Necrobarista cắt bỏ gần như mọi thứ rườm rà thường thấy của một tiểu thuyết trực quan cổ điển

Thực tế, cách dẫn truyện của game khá đơn giản, mọi thứ đều đã được sắp đặt sẵn và bạn chỉ có việc nhấn chuột và thưởng thức câu chuyện được chạy từ A đến B.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn ngồi đóng đinh 1 chỗ và xem 1 bộ phim không lời suốt 6 giờ đồng hồ.

Từng câu chữ trong game là manh mối để mở khoá các “memories”.

Sau khi hoàn thành một chương truyện thì bạn sẽ được chọn ra các từ khoá mà bạn quan tâm và chúng sẽ trở thành một mảnh vật phẩm để mở ra các memories.

Một số memories ảnh hưởng trực tiếp tới dòng thời gian đang xảy ra, một số memories chỉ đơn thuần là các mẩu chuyện vụn vặt, một số là các truyền thuyết địa phương và một số ảnh hưởng tới trải nghiệm game của bạn.

Necrobarista

Đồ hoạ trong game khá ổn với một trò chơi độc lập và nhà sản xuất có vẻ rất biết “lượng sức mình” khi chỉ tập trung vào những thứ mà mình có thể kiểm soát được.

Game có rất ít bối cảnh (hơn 80% game là loanh quanh trong The Coffee) nhưng mọi thứ đều được hoàn thiện rất tốt dù nhỏ nhặt như ly tách, bàn ghế, đồ trang trí…

Với phong cách celshading thời thượng, game vẫn giữ được hình khối vật thể đồng thời cũng thể hiện được phong cách vẽ của hoạ sĩ.

Vì ít bối cảnh thế nên Necrobarista rất chịu khó thay đổi góc quay (điều khá hiếm thấy với một tựa game Visual Novel) vì vậy bạn sẽ thấy game giống với một bộ phim hoạt hình có kèm phụ đề hơn là một tựa game.

Phần hội thoại cũng là thứ mà người viết cảm thấy thích ở Necrobarista, game rất kiệm lời trong việc giải thích, hầu hết mọi thứ đều được ẩn vào những đoạn chữ dài không đầu không cuối giữa các nhân vật.

Nghe người chơi giống mấy bà hàng xóm thích hóng hớt nhỉ?

Những câu chuyện tiếp nối những câu chuyện, bạn có thể hiểu hoặc chẳng cần hiểu, chỉ cần lắng nghe những nhân vật 3D bộc bạch những thứ xảy ra trong cuộc sống của họ và biết đâu, câu chuyện của họ cũng là câu chuyện của bạn.

BẠN SẼ GHÉT

QUÁ NHIỀU THỨ CẦN CẢI THIỆN…

“Nếu như không có thứ gì để lựa chọn thì tại sao phải nhấn chuột?”

Đây có thể là câu hỏi mà nhiều bạn đọc sẽ tự vấn khi đọc đoạn đầu bài viết.

Và cứ yên tâm là bạn không “cô đơn” đâu vì người viết… cũng cảm thấy y như bạn vậy!

Thế nhưng dù như thể hiện mình là một người cách tân thì Necrobarista vẫn cứng đầu bám lấy việc “nhấn để xem đoạn chữ tiếp theo” của dòng Visual Novel.

Và không chỉ dừng lại ở đó, game cũng không cho phép bạn quay lại, đã nhấn là đi luôn…

Nếu như muốn xem lại đoạn hội thoại cũ thì bạn chỉ còn cách chơi lại cả chương.

Phần chơi nhập vai của game cũng mắc vấn đề y như phần hội thoại, “nếu như không có giải đố hay mini game thì nhập vai làm gì?”

Hầu như mọi thứ bạn có thể làm là đi loanh quanh và mở khóa memories, thứ mà nếu như nhét hết vào một tấm bảng cho người chơi chọn thì có vẻ là hợp lý hơn việc bắt họ đi lòng vòng.

Phần âm nhạc của game cũng khá là nghèo nàn, hầu như chỉ có vài bài hát lặp đi lặp lại suốt cả game.

Nếu như không có thứ gì để lựa chọn thì tại sao phải nhấn chuột?

Game khá ngắn (với người viết là khoảng 5 tiếng dù là đã cố chơi game thật chậm) nhưng vẫn có các phân đoạn lê thê khiến nhịp game chùng hẳn đi.

Như suốt nửa đầu game Maddy và Chay cứ cố gắng động viên Kishan, dù người viết cảm thấy mọi người chả cần phải lặp lại hành động đó nhiều như thế.

Game cũng xây dựng một tuyến nhân vật phụ cũng khá nhiều nhưng không phải ai cũng có “đất diễn” (ví dụ như Tuan – một nhân vật… người Việt trong game chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trong chương 5).


GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI ROUTE 59 – CHƠI TRÊN PC

THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 (64 bit)
  • CPU: N/A
  • RAM: 4GB
  • VGA: NVIDIA GTX 660 or better, ATI 7950 or better
  • HDD: 3 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: Ryzen 5 1600
  • RAM: 16GB
  • VGA: Gigabyte 1050ti 4GB
  • SSD:  240GB
7.0

Necrobarista là một tựa game thú vị nhưng nhưng vẫn chưa thực sự "đã" khi game vẫn còn khá nhiều vấn đề trong khâu hoàn thiện và cách thực hiện ý tưởng vẫn chưa đủ sức thuyết phục người chơi.

Tác giả

Thảo luận