Skip to content

Need For Speed – Đánh Giá Game

Need For Speed - Đánh Giá Game

Need For Speed – Ngày xửa ngày xưa, cách đây 22 năm về trước, một dòng game đua xe được ra đời với cái tên được đặt rất ra dáng chơi chữ: The Need For Speed.

Lúc bấy giờ, mọi thứ của game vẫn còn rất hạn chế và chưa tạo ra được bất kì điểm nhấn nào trên thị trường, thế nhưng đâu ai ngờ được sau 22 năm, đây là dòng game đua xe đứng nhất về độ phổ biến cũng như số một ở mặt thành công với hơn 150 triệu bản bán ra.

Rất nhiều game thủ ở thời điểm hiện tại, có thể chưa từng chạm qua những vẫn biết đến thương hiệu này. Thậm chí, chỉ cách đây khoảng 5 đến 6 năm thôi, nếu hỏi một game thủ bất kì về game đua xe, chưa chắc người đó đã từng nghe về Forza Motorsport, Gran Tursimo, DiRT, Midnight Club, Burnout… Nhưng hết 90% đều biết đến Need For Speed, điều đó thể hiện vị trí cực kì vững chắc của dòng game này.

Thực tế, Need For Speed cũng đầy những thăng trầm chìm nổi khác nhau trước đi đến với thành công, nếu như những Need For Speed: Underground, Need For Speed: Hot Pursuit 2, Need For Speed: Most Wanted (EA Black Box), Need For Speed: Hot Pursuit (Criterion Games) là vinh quang, thì Need For Speed: ProStreet, Need For Speed: Undercover, Need For Speed: The Run chịu lấy thất bại nặng nề.

Bên cạnh đó, một lượng game thủ mới đã tới thông qua loạt Need For Speed: Shift của Slightly Mad Studios.

Sau hơn… 14 lần chuyển tay hãng phát triển, đến năm 2013, Ghost Games được EA trao phong ấn lên nắm chính với sản phẩm đầu tay Need For Speed: Rivals. Dù không thật sự quá xuất sắc, nhưng cũng mở ra một lối đi mới và nặng về chơi mạng nhiều hơn, đủ để người mới lẫn người cũng cảm thấy hài lòng.

Bẵng đi 3 năm, phải đến E3 2015, người ta mới thấy hậu bối mới nhất của loạt game này và được đặt bằng cái tên đơn giản: Need For Speed.

Chỉ cần là một người gắn bó với dòng Need For Speed đủ lâu, có thể thấy được phiên bản này chọn cho mình phong cách như đàn anh Need For Speed: Underground hay Need For Speed: Carbon với màn đêm và những cuộc đua xé toạt bầu không gian yên tĩnh.

Có thể, Need For Speed năm nay giống với những đàn anh năm xưa, nhưng vẫn còn một quãng đường khá xa nữa để “người em” có thể khỏa lấp đi cái bóng đã từng được tạo ra bởi những game tiền nhiệm.

BẠN SẼ THÍCH

Need For Speed - Đánh Giá Game

Màn đêm không yên tĩnh

Need For Speed không hề giấu diếm việc sẽ đi theo con đường của Need For Speed: Underground bằng những cuộc đua xuyên màn đêm, những cung đường khét lẹt mùi lốp xe, những chiếc siêu xế chỉ chực chờ xé toạt không gian tĩnh lặng.

Nhưng đó chỉ là sự tương đồng ở phong cách, còn lối chơi, Need For Speed vẫn như người ta biết trong nhiều năm nay: tốc độ, dễ chơi, đã mắt, đầy mãn nhãn.

Lấy bối cảnh tại thành phố Ventura Bay, bạn sẽ đóng vai một tên tài xế dấn thân vào những cuộc đua trái phép. Không mất nhiều thời gian quảng cáo dài dòng, Need For Speed đẩy bạn thẳng vào một thành phố với những chiến hữu chỉ mới kết giao khoảng… 15 phút trước!

Tuy nhiên, bỏ qua những Spike, Robyn, Amy, Travis… Vốn chả khác mấy so với kiểu thanh niên choai choai mê xế hộp và thích “vượt rào”, những nhân vật máu mặt ngoài đời thật sự mới là những điểm nhấn làm người chơi ngạc nhiên pha lẫn vui sướng, đó là Ken Block – huyền thoại của những huyền thoại, tay độ xe Nakai-San từ Speedhunter danh tiếng, Magnus Walker gã quái xế đam mê dòng Porsche, Vaughn Gittin Jr. – người chuyên thực hiện những pha lết bánh (drift) ảo diệu, từng dẫn lối cho game thủ trong Shift 2 Unleashed

Nhưng tạm gạt qua một bên những nhân vật trong phần chơi cốt truyện, vì xét cho cùng, sự xuất hiện họ cũng không khá hơn là bao so với Maggie Q trong “thảm họa” Need For Speed: Undercover.

Những gì mà người chơi cần đó là: tốc độ, về mặt này, Need For Speed đã làm rất tốt.

So với phiên bản gần nhất là Need For Speed: Rivals, cảm giác lái có phần khó kiểm soát hơn một chút và những pha drift cũng đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn. Tình trạng bẻ cua “bừa” từng hoành hành trong những phiên bản trước cũng biến mất, thay vào đó, chọn đúng thời điểm, đúng góc độ để drift là mấu chốt để hoàn thành từng chặng đua với vị trí thứ nhất.

Need For Speed - Đánh Giá Game

Need For Speed đem đến một tính năng mới đó là Handling Style – đây là một bộ công cụ dùng để tinh chỉnh thông số từ áp lực lên bánh, khả năng phản hồi của trục… Tất cả mang lại những phong cách khác nhau phù hợp với sở trường của từng người và chia theo hai trường phái: bám đường – drift.

Dù tính năng này không mới và cũng chưa đủ “sâu” như những game đua xe thuần mô phỏng nhưng đã tỏa sáng trong lần đầu tiên xuất hiện ở dòng Need For Speed (trừ hai bản Need For Speed: Shift cũng có hệ thống tương tự).

Ghost Games cũng mang đến rất nhiều những chế độ đua để các “quái xế” thử tài lái lụa, từ thông dụng như: đua về đích, đua tay đôi, drift.. Đến những thứ độc hơn như: đua vào số (từng xuất hiện trong Need For Speed Most Wanted 2005) hay trò Gymkhana nổi tiếng chuyên “mài lốp” của Ken Block…

Chưa hết, tất cả đều có thể chơi cùng với những game thủ khác đang hiện diện xung quanh, chỉ cần mời và chờ một chút, nguyên cả đội đua sẽ sẵn sàng để bạn thỏa sức trổ tài theo cách thức nhanh chóng, tiện lợi nhất.

những cuộc đua xuyên màn đêm, những cung đường khét lẹt mùi lốp xe, những chiếc siêu xế chỉ chực chờ xé toạt không gian tĩnh lặng

Với sức mạnh của Frostbite 3, chưa bao giờ những màn đua trong đêm của dòng Need For Speed chân thực đến như vậy. Cả thành phố Ventura Bay rực sáng bằng những ánh đèn đường, bằng ánh đèn từ các cửa hàng… Tạo nên không gian ngập tràn màu sắc, chúng đều có thể phản chiếu lên lớp sơn láng cóng của thân xe khi phóng vung vút qua từng con đường.

Mọi thứ còn đẹp hơn nữa khi màn mưa buông xuống, nhìn kĩ sẽ thấy được từng hạt nước lăng dài trên kính, từng hạt bụi bám bên thân, đến những vũng nước cũng tung lên khi bánh xe lướt qua…

Bản thân các siêu xe, vốn là thế mạnh trước giờ của cả dòng game, cũng có màn trình diễn thỏa đáng. Ghost Games rất tự tin khi đưa hẵng các mô hình xe vào những đoạn cắt cảnh do người thật đóng, tạo ra cảm giác vừa lạ lẫm vừa thú vị.

Cùng với đó, âm thanh từ động cơ một lần nữa hớp hồn những ai mê “siêu xế”, liệu mấy ai cưỡng lại nổi cái cảm giác sướng phê tai khi nghe tiếng chiếc “siêu bò” Lamborghini Aventador LP 700-4 xé gió lướt đi trong màn đêm tĩnh lặng? Hãy bật âm lượng lớn một tí rồi cảm nhận nhé!

BẠN SẼ GHÉT

Need For Speed - Đánh Giá Game

Những nỗi thất vọng!

Kể từ Need For Speed: Hot Pursuit cho đến nay, phong cách đụng xe đì đùng của Criterion Games đã trở thành hình mẫu cho những phiên bản về sau và có lẽ như Ghost Games muốn thay đổi điều này.

Những chiếc xe trong Need For Speed nay đã không còn tích hợp ống máu, đồng nghĩa với việc cứ đụng thoải mái, tình trạng văng ra khỏi đường cũng khó hơn, nên chẳng lo lắng bị mất sạch điểm như Need For Speed: Rivals.

Tuy nhiên, điều này lại tạo ra đôi chút thất vọng ở mặt vật lí, liệu có mấy ai hài lòng khi nhìn chiếc xe đang phóng với tốc độ 300 km/h đập vào vật chắn rồi trở ra mà chỉ… trầy xước có tí xíu?

Có lẽ nhận thấy sự phiền toái từ bọn cảnh sát trong Need For Speed: Rivals, Ghost Games cũng đã thay đổi nốt khi hạ hệ thống truy sát xuống chỉ còn hai mức, điều này làm giảm đi trông thấy mức độ ảnh hưởng của lực lượng cảnh sát trong tổng thể chung của game.

Một phần khác cũng là vì tần suất xuất hiện ngẫu nhiên của chúng rất khiêm tốn, sau khoảng 6 giờ đồng hồ trải nghiệm, người viết chỉ bị “dí” khoảng hai lần! Còn lại là toàn cố ý “kiếm chuyện”.

Nếu bạn đang có trong tay những siêu xe cỡ Lamborghini Aventador LP 700-4 hay Ferrari 458 Italia thì chỉ cần nhấn ga là mọi rắc rối nằm lại phía sau, đừng mong những chặn đường đuổi bắt trong “nghẹt thở” với hàng tá cách thức chặn đầu, triệt hạ.

Còn nếu không phải xe khủng thì sao? Bạn chắc chắn sẽ gặp sự phiền phức đến vô lý trong cách thiết kế của Need For Speed, đơn cử như khi người viết cầm lái chiếc Lotus Exige S và tốc độ không vượt trội hơn những chiếc của cảnh sát, cứ truy đuổi một hồi khi đinh ninh đã bỏ xa một đoạn thì chúng lại… đột ngột xuất hiện như “từ trên trời rơi xuống” rồi trò chơi mèo đuổi chuột tiếp diễn.

Khi xuất hiện tại E3 2015, Need For Speed được giới thiệu sẽ có 5 phong cách chơi riêng biệt đó là Speed, Style, Outlaw, Build và Crew, chúng cũng trở thành thước đo cho mỗi lần cán đích của người chơi.

Khoan bàn về việc làm sao để lấy được điểm ở mỗi phong cách, ở đây người viết xin nói về một vấn đề khác.

Với một hệ thống tiềm năng như vậy, đáng tiếc Ghost Games lại cho dừng ở mức… ghi lại điểm số và cuối cùng tất cả lại quy về một mối rồi ra một loại điểm là REP, có thể xem như là điểm kinh nghiệm để lên cấp, mở khóa.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao không dùng 5 phong cách trên để phát triển hẳn hướng đi cho người chơi? Ví dụ nếu đạt nhiều điểm ở Speed, người chơi sẽ mở khóa được những bộ phận mạnh về tốc độ, còn mục Style sẽ kiếm thêm những món phục vụ cho Drift… Như vậy chẳng phải sẽ hay hơn rất nhiều sao?

Thật đáng tiếc, phải chi Ghost Games mạnh dạng hơn nữa và đừng để cho một hệ thống hay như vậy chỉ dừng lại ở mức ghi điểm chứ không ảnh hưởng gì lên phong cách chung.

Một điểm sẽ làm người chơi cảm thấy cụt hứng nữa đó là độ xe. Cũng được giới thiệu tại E3 và còn có sự hợp tác từ Speedhunter, nhưng xét đi xét lại, độ xe trong Need For Speed vẫn không tiến bộ cho mấy so với những người đàn anh đi trước.

Need For Speed phân chia quá rạch ròi giữa hai phần: ngoại hình và động cơ. Điều đó làm cho những nâng cấp về động cơ sẽ không ảnh hưởng gì tới ngoại hình và ngược lại.

Cách này khác xa hoàn toàn so với hệ thống độ xe song song trong Need For Speed: Most Wanted (2005), cũng là điều mà nhiều fan cựu trào mong muốn.

Hơn nữa, những nâng cấp chung nhất về ngoại hình cũng chỉ có khoảng hai lựa chọn, còn lại sự đa dạng chỉ nằm ở mui và mâm… Nhìn chung chưa thấm vào đâu so với mức mà game thủ mong chờ.

Cuối cùng, điểm qua điểm lại, Need For Speed quá khiêm tốn khi kể về siêu xe, đâu rồi dòng Bugatti trứ danh? Đâu rồi những chiếc Koenigsegg kiêu hùng? Đâu rồi loạt Pagani sang trọng?… Đến cả dòng Lamborghini cũng chỉ có đại diện nổi bật nhất là Lamborghini Aventador LP 700-4 chứ cũng không phải là siêu phẩm Lamborghini Veneno như Need For Speed: Rivals.

Đó là chưa kể những hãng xe quen mặt nay cũng vắng bóng như: Aston Martin, Audi, Maserati, Alfa Romeo…

tình trạng văng ra khỏi đường cũng khó hơn nên chẳng lo lắng bị mất sạch điểm như Need For Speed: Rivals


Lỗi kỹ thuật tràn lan!!!

Thật sự người viết tự hỏi Ghost Games có bỏ qua khâu kiểm tra lỗi khi phát triển Need For Speed hay không? Bởi vì chỉ cần chơi chưa đến 2 giờ đồng hồ là một tá lỗi lớn nhỏ hiện ra đến nổi đếm cũng không xuể.

Đầu tiên đó là việc “học” dòng Assassin’s Creed với những vật thể… từ trên trời rớt xuống, nặng thì như xe cảnh sát (đề cập ở trên), nhẹ là xe dân thường đột ngột xuất hiện, may mắn song hành còn né được, chứ xui xẻo khi đang phóng ở mức 350 km/h có mà bó tay chịu chết!

Xe xuất hiện đột ngột chưa đủ, Need For Speed vẫn giữ lỗi vân phủ bề mặt tải chậm từ Need For Speed: Rivals nhưng mức độ “khó ưa” lại tăng lên nhiều lần.

Điển hình nhất là ở những đoạn xa lộ, nếu phóng quá nhanh trước mặt người chơi sẽ là một khoảng không trống trải và phải mất mấy giây sau vân phủ mới hiển thị.

Tình trạng này đôi lúc kéo theo cảnh “sụp” bề mặt làm chiếc xe của người chơi rớt xuống khoảng không vô định và nếu đang đua gay cấn ức chế chắc dâng lên tận não!

Tải chậm ở đồ họa đã gây bực mình, rùa bò luôn trong khoảng kết nối vào máy chủ mới đáng nói. Vì Need For Speed không có chế độ chơi offline, nên game thủ sẽ phải chờ tải dữ liệu vài lần và lần nào cũng… lâu lắc!

Từ kết nối tới máy chủ của EA ở đầu trình đơn “dở hơi” đôi lúc báo hệ thống không có mạng, tới tải dữ liệu để vào Ventura Bay cùng những người chơi khác tốn cũng ít nhất 3 đến 4 phút, đã thế rời khỏi gara cũng tốn thêm vài phút nữa.

Vấn đề “cà chớn” của Need For Speed: The Run mỗi khi chơi cùng bạn bè một lần nữa xuất hiện lại trong Need For Speed. Cái cảnh xe “dịch chuyển tức thời” ào ào lúc đằng trước, lát ra phía sau xảy thường xuyên ra như “ăn cơm một ngày sáu bữa”, làm nhiều người phải lắc đầu ngao ngán.

Học tập thất bại từ Need For Speed: The Run rồi, Ghost Games chôm luôn “tật xấu” của “bom xịt” Watch Dogs cho đủ bộ. Mỗi lần xế hộp của người chơi bị lật nhào là mỗi lần gầm xe phô ra một mặt phẳng nằm giữa 4 bánh xe, không động cơ cũng không máy móc, trái ngược hoàn toàn với sự tỉ mỉ nằm ở bề mặt mỗi chiếc siêu xế.

chỉ cần chơi chưa đến 2 giờ đồng hồ là một tá lỗi lớn nhỏ hiện ra đến nổi đếm cũng không xuể

7.0

Là một người gắn bó với dòng Need For Speed từ rất lâu, người viết đã kì vọng rất nhiều vào Need For Speed ngay từ những hình ảnh đầu tiên, nhưng rốt cuộc thỏa mãn về ít, thất vọng nhận nhiều.

Có thể thấy được những nỗ lực thay đổi của Ghost Games, song lại thiếu đi một chút mạnh dạn nữa để đem đến những đổi thay mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, hãng cũng nên coi lại bộ phận kiểm tra lỗi vì sau Need For Speed: Undercover, chưa từng có phiên bản nào lại đầy rẫy sạn từ hệ thống đến đồ họa như thế này.

Thông tin

  • Need For Speed
  • Nhà phát triển
    Ghost Games
  • Nhà phát hành
    EA
  • Thể loại
    Đua xe
  • Ngày ra mắt
    03/11/2015
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64-bit Windows 7/8.1/10
  • CPU
    Intel Core i3-4130
  • RAM
    6GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 750 Ti 2GB / AMD Radeon HD 7850 2GB
  • Lưu trữ
    30GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi EA. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận