Skip to content

Need for Speed Heat – Đánh Giá Game

Need for Speed Heat

Need For Speed Heat – Được hé lộ vào tháng 8 và ra mắt chỉ 3 tháng ngay sau đó với chiến dịch quảng bá gần như “vô hình”, có thể nói thái độ của EA dành cho Need for Speed Heat khá hững hờ.

Hoặc họ không đặt quá nhiều niềm tin vào nó, hoặc họ cho rằng dư âm truyền miệng sẽ biến nó thành một cú “hit” ngầm, hệt như “quả bom” B52 Apex Legends nổ đột xuất vào đầu năm nay.

Và cũng thật may mắn, bởi sự hoài nghi của EA là hơi thừa.

Phiên bản thứ 24 đánh dấu dòng game 25 tuổi này cuối cùng cũng cho thấy nỗ lực tuy muộn màng nhưng đáng ghi nhận từ Ghost Games.

BẠN SẼ THÍCH

CHÚC BUỔI ĐÊM VUI VẺ, CHÚC MAY MẮN!

Các phiên bản Need for Speed cổ điển từ trước đến nay luôn theo đuổi hai trường phái cố định: xoáy vào những cuộc “choảng nhau” giữa dân lái lụa và cảnh sát, hoặc mang những buổi đại tiệc tốc độ vào màn đêm của văn hóa đua xe ngầm.

Lý do cho sự phân tách này là bởi sự thành công sớm của hai phiên bản UndergroundMost Wanted (2005), dẫn đến việc một số tựa game Need for Speed hiện đại cho dù cố gắng hòa trộn hai phong cách này vào nhau, thường vẫn ngả nặng về một hướng hơn.

Với Need for Speed Heat, Ghost Games thực sự muốn tách bạch rõ hai trường phái này và cho chúng sự đầu tư ngang hàng, tuy chưa thực sự… thành công lắm.

“Thành phố cọ” Palm City là điểm đến của dòng game lần này, nổi bật với tông màu xanh/tím từ ánh đèn neon đậm chất Miami phồn thịnh và phóng túng. Vào ban ngày, nó chứa đựng những cuộc thi thố thần tốc với âm điệu khả ái, “vui là chính” và được dàn xếp chuyên nghiệp.

Nhưng đến đêm, các cuộc đua tự phát nở rộ, không có rào chắn đường đua, xe thường dân “mọc như nấm” giữa chặng đường, và dĩ nhiên cảnh sát sẵn sàng rú còi một khi bị đánh động.

Sự tách bạch thời điểm trong ngày mang đến cho Need for Speed Heat hai bầu không khí đối nghịch tồn tại song song với nhau.

Trong lúc trời còn sáng, bạn thoải mái “cày cuốc” tiền bạc trang trải cho dàn xế hộp của mình thông qua các cuộc đua hoặc thử thách được đặt rải rác trên bản đồ, và đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để khám phá Palm City, mở bản đồ, tìm vị trí garage để thuận tiện cho việc dịch chuyển nhanh, và tham gia một số sự kiện chỉ diễn ra vào buổi sáng (đa phần là đua lết bánh và đua đường đất).

Buổi đêm thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, khi người chơi “tiến” vào màn đêm qua một nút bấm duy nhất và âm hưởng reggaeton được đẩy sang một bên cho nhịp đập của hip hop và dubstep.

Bạn sẽ không dừng lại khi kết thúc một chặng đua, cảnh sát sẽ luôn bắt đầu rượt đuổi nếu trông thấy bạn, và thanh máu của xe bạn chỉ có thể được hồi đầy tối đa ba lần mỗi khi chạy qua trạm xăng (có thể được sửa thêm nếu mua trang bị xe tương ứng).

Lối chơi vào buổi đêm của Need for Speed Heat kịch tính hơn hẳn nhờ vào các cuộc rượt đuổi có thể kéo dài tùy theo ý thích của người chơi, cũng như độ “sát giới” của cảnh sát được gia tăng đáng kể từ phiên bản Payback.

Đua buổi đêm hoặc rượt đuổi với cảnh sát còn giúp tăng điểm REP “mở khóa” xe, bộ phận, cũng như nhiệm vụ cốt truyện mới, thế nên có thể thấy Need for Speed Heat nhìn chung vẫn khá thiên vị phần chơi buổi đêm hơn.

Có một điểm khá may mắn là cho dù bạn có ưa thích đua vào buổi đêm hay ban ngày thì mạch truyện chính, tuy không tệ lậu đến mức nhức não như Payback nhưng cũng chẳng đáng để tâm đến, có thể được phớt lờ hoặc không đòi hỏi bạn dành quá nhiều thời gian theo dõi nó.

Sự tách bạch thời điểm trong ngày mang đến cho Need for Speed Heat hai bầu không khí đối nghịch tồn tại song song với nhau

Dàn “tài tử” của Need for Speed Heat hoàn toàn nằm trong tầm mong đợi của một tựa game đua xe trong năm 2019.

Vẫn là những Chevrolet, Lamborghini, Nissan và Porsche mang đến dàn xe hạng A của mình, cũng như không thể thiếu sự góp mặt bất ngờ của Ferrari – một thương hiệu với lòng tự tôn cao và cũng khá kị thị trường game đua xe hiện đại.

Tuy nhiên, với tư cách là một tựa game mang trong mình mỹ thuật đậm chất synthwave retro, người viết khá thất vọng khi lượng xe cổ điển của trò chơi không thực sự được nâng tầm so với các phiên bản trước. Vẫn là Dodge Charger, vẫn là Ashton Martin DB5, vẫn là con “bọ hung tí hon” của nhà Volkswagen – những chiếc xe phổ biến tới mức dân không sành xe cũng nhớ mặt.

Những ai mong đợi một dàn siêu xe khủng sẽ được thỏa mãn toàn phần, nhưng về tổng thể, dàn xe của Need for Speed Heat hoàn toàn có thể và đáng được cải thiện. Ghost Games hứa hẹn sẽ có những gói xế hộp mới được bán lẻ trong tương lai thay thế cho mô hình “microtransaction” vốn không chấp nhận được trong Payback.

Hy vọng rằng mô hình này sẽ mở đường cho Mitsubishi cùng nhiều hãng lẫn mẫu xe độc khác đến với Need for Speed Heat (Toyota nên là lựa chọn số một đặc biệt sau pha “cà khịa” vào cuối tháng 8 vừa rồi).

Need for Speed Heat

Cung cách lái xe trong Need for Speed Heat đánh đổi một chút tốc độ của Payback để giành lấy mức độ điều khiển hợp lý dành cho người chơi. Sự thay đổi lớn nhất nằm ở việc xe không bị gán ghép vào các chủng loại như trước, và mỗi chiếc xe đều có thể được tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu của người chơi.

Một chiếc Mazda MX5 dùng toàn bộ bộ phận Grip sẽ phóng ở vận tốc tối đa và bo cua tự nhiên, trong khi Dodge Charger chỉ cần một bộ lốp Drift là đủ để mài bánh cả ngày, và dĩ nhiên bạn có thể định hướng xe của mình làm sao để cân bằng cả hai mặt này.

Hệ thống nâng cấp xe trong Need for Speed Heat được cải biên đầy tích cực so với Payback. Vĩnh biệt những chiếc thẻ bài Speed Card, vĩnh biệt quá trình “cày cuốc” sấp mặt, vĩnh biệt trò quay xổ số để lấy bộ phận xe. Kỳ này, bạn chỉ cần đua, kiếm tiền, nâng cấp độ REP, mở khóa bộ phận mới, mua bộ phận, gắn vào xe và hết. Đơn giản, dễ hiểu và cổ điển!

Bạn còn có thể đổi toàn bộ động cơ của xe miễn sao có đủ tiền và đạt được yêu cầu REP, phá vỡ định mức cấp độ gốc của chiếc xe, giúp cho mỗi chiếc “con cưng” của bạn sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời cho dù bạn có chơi lâu tới đâu.

Need for Speed Heat

Độ xe và cá nhân hóa vẫn khá tỉ mỉ, trong đó trò chơi cho phép bạn vặn ga ngay trong garage. Thao tác này phụ trợ cho một chức năng “nhỏ mà có võ” mới – điều chỉnh âm thanh của ống xả và động cơ.

Phải, lần đầu tiên trong một tựa game Need for Speed, bạn được toàn quyền quyết định xem xế hộp của mình “gầm rú” mạnh bạo tới đâu, trầm bổng đến mức nào.

Khá thú vị khi một chức năng vốn chẳng hề được quan tâm đến, kể cả trong các tựa game mô phỏng, lại xuất hiện trong một trò chơi “dành cho mọi nhà” như Need for Speed Heat.

BẠN SẼ GHÉT

CÒN SÓT MỘT VÀI “Ổ GÀ”

Như đã nói ở trên, Need for Speed Heat cố gắng cân bằng lối chơi lẫn không khí vào ban ngày và buổi đêm, nhưng cuối cùng nó lại thiên vị buổi đêm nhiều hơn.

Lướt gió tại Palm City giữa những khung trời chấm phá nét tím, đặc biệt hơn nếu như trời đang mưa, thực sự mang lại âm điệu Underground cổ điển đến run người. Trái ngược lại, lái xe vào ban ngày không mang lại cho người viết cảm xúc cố định nào. Nó không có không khí lễ hội đầy sôi động ngang tầm Forza Horizon, ánh sáng không có đủ đường nét và đầy phong cách như buổi đêm, và các yếu điểm về mặt kỹ thuật trong đồ họa dần lộ ra.

Nếu như bạn “căm thù” các hiệu ứng “điện ảnh” như Film Grain (nhiễu hình) và Chromatic Aberration (quang sai) thì hãy chuẩn bị tinh thần với Need for Speed Heat, vì nó chẳng có thiết lập nào để tắt chúng.

Ngoài ra, đồ họa của game trông có vẻ như bị áp một lớp Sharpening làm nét cao quá mức, khiến cho tất cả mọi thứ trông không được mịn và làm giảm độ chi tiết trên vật thể.

Need for Speed Heat

Vấn đề cuối là độ khó không đồng đều trong Need for Speed Heat.

Cho dù bạn có chơi ở độ khó nào thì hiện tượng A.I bỏ xa bạn đến mức không thể nào bắt kịp là điều “diễn ra như cơm bữa”, kể cả cho bạn có bo cua hoàn hảo hay dùng nitro liên tục tới mức nào đi chăng nữa, khiến cho việc muốn chiến thắng đồng nghĩa với luôn luôn phải tìm cách lấy top 1 ngay khi vừa bắt đầu cuộc đua.

Thế nhưng, nếu bạn đang dẫn đầu thì khả năng bỏ xa đối thủ đến 1000 dặm cũng là chuyện… dễ như bỡn. Không chỉ có A.I xe địch mà cả A.I cảnh sát cũng thiếu nhất quán tương tự. Người viết rất thích tiêu chí “rượt tới cùng” của chúng, nhưng có lẽ Ghost Games nên xem xét lại cơ chế này khi mà hai chiếc xe cảnh sát tàng tàng lại dễ dàng bắt kịp và húc thẳng vào đuôi một chiếc Koenigsegg.

Đôi khi cho chúng khuất mắt không hề khó, chỉ cần chạy thẳng vào con kênh hoặc rời khỏi đại lộ là bạn sẽ rời khỏi vòng truy đuổi của chúng. Nhưng phần lớn thời gian và ở bất kỳ mức độ Heat nào, chúng sẽ luôn chèn ép bạn như thể đám Phát Xít đàn áp dân Do Thái.

Nó không có không khí lễ hội đầy sôi động ngang tầm Forza Horizon, ánh sáng không có đủ đường nét và đầy phong cách như buổi đêm, và các yếu điểm về mặt kỹ thuật trong đồ họa dần lộ ra

Bạc 8.0

Dẫu cho chưa hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của mình, Need for Speed Heat cho thấy Ghost Games cuối cùng cũng đã rút ra được những điều nên phải làm và nên làm để vực dậy dòng game với tuổi đời hơn hai thập kỷ này.

Thông tin

  • Need for Speed Heat
  • Nhà phát triển
    Ghost Games
  • Nhà phát hành
    EA
  • Thể loại
    Đua xe
  • Ngày ra mắt
    08/11/2019
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 - 64-Bit
  • CPU
    FX-6350, Core i5-3570
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Radeon 7970/Radeon R9 280x, GeForce GTX 760
  • Lưu trữ
    50GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen R7 1600 @ 3.7 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    ASUS Radeon RX 570 ROG STRIX 4GB
  • Lưu trữ
    Crucial 960GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi EA. Chơi trên PC.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận