Skip to content

Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm – Đánh Giá Game

Oceanhorn 2

Oceanhorn 2 – Khi nhắc đến Nintendo, nếu bỏ qua những câu chuyện dài truyền kỳ về hành trình “vắt sữa” thần sầu của họ, thì hẳn ai cũng biết đến một hãng game “chuẩn Nhật” nơi sở hữu số đầu game “nhà trồng” nhiều vào bậc nhất, nhì thế giới.

Những cái tên quen thuộc, “nghe mãi phát chán” như Mario, Pokemon, Donkey Kong, Kirby hay Fire Emblem… đều là những dòng game “cộm cán” lâu đời của hãng, nhưng nếu xét về độ biến hoá cũng như trải nghiệm thăng trầm nhiều nhất, chắc chắn The Legend of Zelda dám nhận hạng nhì thì cũng chẳng ai dám tranh hạng nhất!

Trải qua rất nhiều phiên bản từ 8-bit retro cho đến 3D cel-shade hoàn mỹ, dòng game The Legend of Zelda chinh phục được nhiều tầng lớp người chơi nhờ vào những câu đố hóc búa mà thú vị, thế giới huyễn hoặc độc đáo, và những cuộc phiêu lưu lý thú của chú bé Link (người mà hầu như lúc nào cũng bị nhầm là tên… Zelda – NV). 

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà cũng có rất nhiều game dạng “nhái-Zelda” tồn tại nhan nhản trên thị trường, ẩn mình dưới đủ mọi hình thái và lý do. 

Có điều, nếu thẳng thắn thừa nhận mình là “hàng nhái Zelda” và tự hào vì điều đó, chắc chỉ có mỗi tựa game Oceanhorn của hãng Cornfox & Brothers

Ra mắt lần đầu vào ngày 14.11.2013, phiên bản đầu tiên có tên Oceanhorn: Monster of Uncharted Seas mang đến cho đông đảo người chơi toàn cầu một trải nghiệm “rất-Zelda”. 

Tuy vẫn chưa đủ độ chín so với bản gốc, phiên bản “reke” này vẫn thu về nhiều lời đánh khá khả quan nhờ vào nền tảng đồ họa xuất sắc, cũng như tiềm năng về một vũ trụ độc đáo trong cốt truyện.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hãng phát triển lại tung ra phần mới có tên Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm, nhưng lại chủ yếu phát hành trên các hệ máy của Apple như iOS, Mac… hồi 19.09.2019. 

Mãi đến ngày 28.10.2020 vừa qua, Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm mới đặt chân lên một vùng đất mới để “khuếch trương thế lực”, và thú vị thay, đấy lại là nền tảng Nintendo Switch. 

Vẫn giữ cái đặc thù “nhái-Zelda” của mình, vậy Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm có thể làm tốt hơn bản gốc, hay chí ít là bản đầu tiên hay không?

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Đồ họa “đỉnh của đỉnh”!

Vào thời điểm 2013 khi Oceanhorn: Monster of Uncharted Seas ra mắt, nó thật sự đã gây nên một làn sóng chấn động đáng kể trên thị trường game, khi tuy là game “nhái-Zelda”, nhưng với đồ hoạ độc đáo, đặc sắc cùng lối chơi “vay mượn” khá vững chãi, lại chỉ có giá “nhẹ nhàng” là 14.99 USD. 

Nội điểm này cũng cho thấy, ít nhất về mảng đồ hoạ thì Cornfox & Brothers cũng có thừa đủ “nội lực” để tham gia vào lĩnh vực làm game đầy gian nan này.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi với Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm, hãng lại “hớp hồn” người chơi ngay từ những hình ảnh đầu tiên giới thiệu về thế giới trong game. 

Nắng vàng, biển xanh, và… một bầy quái vật cùng thế giới huyễn mộng biến ảo đến vô cùng tận. 

Quả thật Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm đã làm rất tốt cái ở cái cộng đoạn quảng bá, khi tạo được cảm giác “chỉ nhìn thôi đã muốn mua”.

Nếu Oceanhorn: Monster of Uncharted Seas chọn kiểu thể hiện 3D tươi sáng nhưng lại khóa camera ở góc nhìn cạnh (isometric), thì Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm lại là một tựa game 3D hoàn mỹ, với góc quay camera tự do với nhân vật góc nhìn thứ ba. 

Không khó để nhận ra cái nguyên lý “đã nhái Zelda thì làm cho tới bến” của Cornfox & Brothers khi Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm có khá nhiều điểm tương đồng với The Legend of Zelda: Breath of the Wild (tương tự game “reke” Genshin Impact nổi đình nổi đám gần đây trên thị trường mobile).

Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm đã kiến tạo nên một phong cách đồ họa cực kỳ dễ chịu và đẹp mắt

Vẫn chọn cho mình tông màu tươi tắn, nhuận mắt, thế nhưng giờ đây đã được “bùa chú” thêm rất nhiều công nghệ lọc hình ảnh và vân bề mặt – Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm đã kiến tạo nên một phong cách đồ họa cực kỳ dễ chịu và đẹp mắt. 

Tuy mọi thứ có vẻ khá là “một mảng” kiểu như Link’s Awakening, thế nhưng với tỉ lệ nhân vật 6 đầu cùng với khá nhiều thủ pháp cân chỉnh khác, Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm tạo ra được những nét riêng của mình – và người viết cho rằng nếu khéo tận dụng được điểm này, Cornfox & Bros có thể tạo ra thêm nhiều sản phẩm chất lượng cùng phong cách đồ họa như thế!

BẠN SẼ GHÉT

Lối chơi nhạt nhòa, kém sắc!

Vẫn trung thành với phong cách “nhái-Zelda”, thế nên Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm cũng chọn cho mình lối chơi tương tự các phiên bản Zelda 3D. 

Nhân vật chính sẽ có thể tấn công quái vật bằng vũ khí chính là kiếm và khiên, đôi khi với sự hỗ trợ của một số “đồ chơi” khác như súng và bom.

Tuy nhiên, vấn đề mà Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm vấp phải, có lẽ là nằm ở sự yếu kém trong khâu thiết kế game của hãng. 

Năm xưa với Oceanhorn: Monster of Uncharted Seas, phần chiến đấu và diễn hoạt tuy có hơi “cồng kềnh” nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, do game “khôn khéo” khóa góc camera ở dạng góc nhìn cạnh (isometric). 

Còn bây giờ, khi đã thể hiện mọi thứ ở phong cách 3D góc nhìn thứ ba, nhiều khuyết điểm mới bộc lộ ra rõ ràng.

Đầu tiên có thể kể đến với những diễn hoạt “chém” rất “buồn cười” của nhân vật, người chơi khó có thể cảm nhận được sự kịch tính trong khi chiến đấu với Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm

Nhiều tình huống người chơi sẽ thấy mọi thứ lẽ ra không diễn tiến tệ như vầy, nếu nhân vật có thể khua kiếm thoải mái và nhanh nhẹn hơn một chút. 

Kế đến, là sự cân bằng chỉ số khá tệ hại ở mặt bằng chung. 

Vào đầu game, người chơi mất đến 4 – 5 nhát kiếm chỉ để giết được một con cua “sơ cấp”, và nhiều khả năng là sẽ “ăn đòn” đến 2 – 3 lần chỉ vì thao tác đâm chém “sida” của game. 

Tình hình không hề khá hơn, nếu không muốn nói là tệ hơn khi đổi qua dùng súng với sát thương thấp hơn đáng kể, lẫn cơ số đạn hạn chế. 

vấn đề mà Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm vấp phải, có lẽ là nằm ở sự yếu kém trong khâu thiết kế game

Cơ chế nhắm bắn chậm chạp, phiền toái vô hình trung cũng triệt tiêu luôn lợi thế ít ỏi về khoảng cách khi sử dụng vũ khí tầm xa.

Mảng chiến đấu đã “thua lòi” như vậy, thì người chơi sẽ tự hỏi là phần giải đố, “linh hồn” của dòng Zelda gốc, có khá khẩm hơn không? 

Đáp án là không! 

Bởi lẽ tương tự như phần đầu, Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm cũng “tước bỏ” đi khả năng nhảy của nhân vật. 

Oceanhorn 2

Vấn đề là ngày xưa thì việc này du di được với góc nhìn cạnh (isometric), nhưng lại cực kỳ chí mạng nếu tồn tại ở một tựa game 3D có camera quay tự do.

Để “bù đắp” cho việc nhân vật không thể… nhảy, Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm buộc phải thiết kế rất nhiều bậc thang và đường dốc để kết nối những mặt phẳng có cao độ khác nhau. 

Việc làm này tạo ra rất nhiều chỗ lặp lại về mặt cảnh trí trong game, luôn khiến người chơi có cảm giác “dejavu”: mình đã đi qua chỗ này rồi thì phải! 

Chưa kể việc không thể nhảy được làm mặc định sẽ khiến cho các thao tác gặp cái thùng gỗ cao tí tẹo cũng phải… bấu vào để leo lên, hoặc việc tự nhiên đứng ở gờ mép cao này đi qua chỗ khác, game sẽ tự “nhảy” nhân vật qua – tất cả đều trông cực kỳ vô lý!


Oceanhorn 2

Thiết kế game yếu kém

Ngoài những bất cập trong phần lối chơi cốt lõi, bản thân Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm cũng tồn tại khá nhiều những mặt yếu kém, mà hầu hết đều nằm trong phần thiết kế game. 

Trước hết có thể kể đến phần cốt truyện cực kỳ nhạt nhòa và chắp vá. 

Nếu Oceanhorn: Monster of Uncharted Seas mở đầu tất cả mọi thứ bằng việc giới thiệu về những nền văn minh cổ đại, các vị thần, và con quái vật Oceanhorn canh giữ biển cả thần bí, hay ho bao nhiêu, thì Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm lại thất bại trong mảng cốt truyện bấy nhiêu.

Người chơi có rất ít thông tin về thân phận của nhân vật chính, và sự giới thiệu thêm các nhân vật đồng hành như Gen, Trin và thầy Mayfair càng “cào bằng” mọi thứ. 

Người chơi sẽ bắt đầu game trong “sương mù”, và càng về sau càng thấy mình đang bước chân trên con đường “cứu thế cùng đồng bọn” mà vô số tựa game khác đã đi đến… mòn cẳng. 

Oceanhorn 2

Kế tiếp, mảng thiết kế màn chơi của Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm cũng gặp phải nhiều vấn đề. 

Game kiến tạo ra khá nhiều không gian “vô nghĩa”, không phục vụ cho một mục đích nào rõ ràng: không có nhiệm vụ/đồ vật ẩn, không có cảnh trí đặc thù, không có tính kết nối với không gian chính. 

phần cốt truyện cực kỳ nhạt nhòa và chắp vá

Chẳng có gì ngớ ngẩn hơn việc “băng đèo lội suối” để tới được một… ngõ cụt, nơi chỉ có vỏn vẹn một cái bình sành, đập ra được một… giọt máu (máu để hồi chứ cũng chả được tăng máu tối đa đâu nhé) cả. 

Việc giải đố cũng được làm rất hời hợt và “sách vở”, kiểu như nâng một cái này lên đè cái khác, kéo một cái cần, hoặc đưa cái A đến điểm B… 

Trong khi với Breath of the Wild, Nintendo đã đưa cái khái nhiệm câu đố trong game lên tầm “vũ trụ” với những sự tương tác vật lý/nguyên tố cực kỳ hóc búa và thú vị; thì Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm vẫn giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi xuống cái thời những năm 90…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Cornfox & Brothers
  • Phát hành: Cornfox & Brothers
  • Thể loại: Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 28/10/2020
  • Hệ máy: Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CORNFOX & BROTHERS  CHƠI TRÊN HỆ SWITCH

6.0

Không thể phủ nhận Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm đã tốn khá nhiều tài nguyên và công sức để cố gắng tạo ra một tựa game hay, thế nhưng các vấn đề chí mạng trong phần thiết kế và lối chơi đã kéo tụt giá trị chung của cả tựa game xuống thấp đến mức phần đồ họa xuất sắc cũng không “gánh” nổi.



Nhìn chung, với 29.99 USD, Oceanhorn 2: Knights of the Lost Realm vẫn là một lựa chọn chấp nhận được, tuy người viết vẫn khuyến cáo là chỉ nên mua khi game giảm giá tối thiểu 30 – 40%!