Skip to content

Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 – Đánh Giá Game

Garden Warfare 2

Garden Warfare 2 – Nếu phải tìm ra một tựa game hội tụ đủ những yếu tố: ra đời từ hai nhà phát triển và phát hành đầy tiếng tăm, là một phụ bản chả liên quan gì đến loạt game gốc, là một tựa game mọi người đều nghe đến khi công bố, nhưng ít ai nhớ đến khi ra mắt, NHƯNG những ai đã từng chơi qua đều có ấn tượng tốt đối với nó.

Plants vs Zombies: Garden Warfare là một tựa game như vậy.

Người viết luôn dùng cụm từ “kỳ quặc” (oddball) để diễn tả Plants vs Zombies: Garden Warfare.

Khi được công bố vào năm 2013, rất nhiều người (trong đó có cả người viết) từng nhíu mày khi nghe đến trò chơi và cho rằng đây là một bước đi thừa thãi và không đáng có của loạt game.

Thế nhưng PopCap Games lại chứng minh được rằng họ có nhiều ý tưởng đột phá trong đầu và sẵn sàng trình diễn chúng cho giới mộ điệu.

Đó là một tựa game sở hữu quy mô khá lớn, giao hòa hài hòa giữa thể loại bắn súng góc nhìn thứ ba và thủ thành cổ điển, và là minh chứng rõ ràng nhất cho việc một tựa game bắn súng chơi mạng không cần phải “quay” người chơi như chong chóng bằng các cơ chế phức tạp để giữ chân cộng đồng.

2 năm sau, PopCap Games quay trở lại với Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 với mục đích nâng tầm tựa game “con cưng” của mình lên một cấp độ cao hơn nữa.

BẠN SẼ THÍCH

Nâng tầm quy mô, mở rộng nội dung

Có thể nói minh chứng rõ ràng nhất cho việc “PopCap Games không đùa khi muốn nâng tầm Plants vs Zombies: Garden Warfare 2” nằm ngay trong ấn tượng đầu tiên khi người chơi được thả vào khu vực Backyard Battleground. 

Thay vì lựa chọn trong các trình đơn như phiên bản trước, khu vực Backyard Battleground có thể được coi như là “thùng hàng” chứa tất tần tật mọi thứ mà bạn có thể thực hiện trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2.

Khu vực rộng lớn này được chia thành 3 phần chính: Khu vườn của phe thực vật (Plants) và Crazy Dave; khu sân chơi tối tăm của lũ Zombies và Dr. Zomboss; khu vực chính giữa phân cách hai bên là khu trung lập, cả hai phe có thể “bem” nhau tùy ý.

Backyard Battleground mang đến một trải nghiệm liền mạch hơn trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2.

Bạn có thể làm mọi thứ trong đó, từ việc nhận và thực hiện các nhiệm vụ trong phần chơi đơn và cộng tác, tham gia chơi mạng bằng cách bước vào một chiếc cổng dịch chuyển, trang trí và nâng cấp cho nhân vật ở trong một buồng thay đồ, bảng giao nhiệm vụ (quest board), hòm kho báu, sticker shop và còn nhiều nữa.

Không những thế, thế giới trong game còn sở hữu rất nhiều bí mật, nhiệm vụ ẩn, các vật phẩm sưu tầm (collectible) và hàng chục phụ kiện khác nhau, luôn chắc chắn rằng người chơi không bao giờ thiếu thứ để làm khi dạo quanh khu vực này.

Nói đến việc khiến người chơi bận rộn, không thể không nhắc đến số lượng nội dung cho phần chơi đơn được cải thiện đáng kể trong phiên bản lần này.

Ngoài những nhiệm vụ do các NPC đề ra, người chơi còn có thể tìm thêm các nhiệm vụ được xoay vòng liên tục trong 48 tiếng, đảm bảo cho sự đa dạng và tốc độ “cày cuốc” của người chơi (một số nhiệm vụ cũng liên quan đến phần chơi mạng).

Việc mang đến số lượng nhiệm vụ “đồ sộ” như vậy là để giúp cho người chơi luôn luôn có đủ lượng tiền (coin) cần thiết để mua sắm trong sticker shop, từ đó bạn có thể “mở khóa” các vật phẩm mới để trang trí cho nhân vật của mình, hay thậm chí là mở khóa các nhân vật phụ có một số đặc điểm khác lạ so với những nhân vật cơ bản.

Mặc dù xác suất khi “quay số” trong sticker shop không phải lúc nào cũng ngon lành, nhưng Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 khá dễ dãi trong việc thưởng tiền cho người chơi.

Tất cả những nhân vật (cùng với “bản sao” phụ) từ phiên bản trước đều góp mặt trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2, cũng như sự xuất hiện của 3 nhân vật mới cho mỗi bên, góp phần đa dạng hóa lối chơi với những kỹ năng cận chiến và gây sát thương diện rộng (Super Brainz), đỡ đạn bằng khiên chắn năng lượng (Citron), vô hiệu hóa địch thủ tạm thời và biến địch thành… dê (Rose).

Mỗi phe sở hữu 7 nhân vật, và mỗi nhân vật này lại có từ 5 hoặc 8 “bản sao” phụ mà bạn có thể mở khóa từ sticker shop, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có rất rất rất nhiều lựa chọn trong phong cách chơi cũng như thêm nhiều động lực để tiếp tục “cày cuốc”.

Chế độ chơi cộng tác vẫn “đỉnh” như ngày nào.

Hai phần chơi Garden/Graveyard Ops đưa từ 1 đến 4 người chơi vào chế độ thủ thành quá quen thuộc trong 10 lượt với số lượng và chủng loại địch thủ khác nhau, cũng như không thiếu đấu trùm.

Độ hỗn loạn trong các nhiệm vụ Ops này có thể tăng từ 1 cho đến 100 một cách nhanh chóng, khi mà bạn không những phải canh chừng khu vườn không để bị “ăn đòn” quá nhiều, mà còn phải liên tục né tránh những con zombie samurai và… cầu xin chúng đừng dí mình nữa!

khu vực Backyard Battleground có thể được coi như là thùng hàng chứa tất tần tật mọi thứ mà bạn có thể thực hiện trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2


Chơi mạng “rực lửa”

Phần chơi mạng PvP của Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 cũng được mở rộng đôi chút.

Ba chế độ chơi mới bao gồm: Herbal Assault – quay ngược vai trò của hai đội khi phe Plants tấn công còn Zombies phòng thủ, Flag of Power – biến thể của chế độ chơi “King of the Hill”, sở hữu địch thủ máy và lợi thế tạm thời cho phe chiếm được điểm.

Tuy nhiên, “ngôi sao” chính của phần chơi mạng kỳ này là chế độ Turf Takeover – sự kết hợp giữa Gardens & Graveyards và Herbal Asssault, trong đó mỗi đội gồm 12 thành viên sẽ tham gia vào hai nhóm tấn công và phòng thủ ở 5 điểm lần lượt và một căn cứ tổng nằm cuối màn chơi.

Garden Warfare 2

Trong chế độ này, những người chơi có thể “trồng” thêm cây hoặc zombie hỗ trợ di chuyển khắp màn chơi.

“Turk Takeover” có thể được xem như là chế độ chơi đậm đặc tính công thủ nhất trong toàn bộ trò chơi, nhịp độ khá nhanh, màn chơi cân bằng cho cả hai phe, yêu cầu phối hợp đồng đội cao và dĩ nhiên là hỗn loạn luôn xuất hiện tại bất kỳ nơi nào trên màn chơi.

Phần chơi mạng PvP của Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 cũng đón nhận nhiều sự mở rộng mới

Chơi mạng trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 là một trải nghiệm giải trí hỗn loạn thuần túy nhất mà bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba nào.

Sự kết hợp của những nhân vật khác nhau với các kỹ năng gây “bão” khắp màn hình tạo nên những trận đấu đầy đa dạng khi được đặt trong các màn chơi được thiết kế ổn thỏa, với đầy đủ ngõ ngách, khu vực đánh lén, đánh chặn và đầy đủ công cụ hỗ trợ cho cả hai phe tấn công và phòng thủ.

Garden Warfare 2

Kể cả khi độ cân bằng chưa thật sự hoàn hảo, cả hai nhóm Plants và Zombies đều có những lợi thế riêng và sở hữu những nhân vật phù hợp với từng phong cách chơi.

Các “bản sao” phụ không mạnh quá mức, các kỹ năng bổ trợ rất hữu dụng trong từng trường hợp, và dĩ nhiên, với số lượng 12 thành viên cho mỗi phe, có rất nhiều cách để những người chơi bắt tay cùng nhau và mang về chiến thắng cho mình.

BẠN SẼ GHÉT

Garden Warfare 2

Phần chơi chiến dịch kém ấn tượng, thiếu thân thiện!

Mặc dù được nâng tầm về số lượng lẫn độ đa dạng cho phần chơi đơn và cộng tác, các nhiệm vụ chiến dịch (campaign) trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 khá dài, song chưa đủ “phê” như các nhiệm vụ thủ thành Garden/Graveyard Ops.

Chiến dịch khá tuyến tính, các khoảnh khắc bắn phá khá dễ dãi kể cả khi đấu trùm, không có sự hỗn loạn mà bạn gặp được trong phần chơi cộng tác và chơi mạng, giá trị chơi lại không cao (mặc dù game cho phép bạn chơi lại các nhiệm vụ đã được hoàn thành).

Phần thưởng cuối cùng mà người chơi nhận được khá hay ho, nên có lẽ nếu như bạn thật sự muốn “đơn thân một cõi” cày thêm tiền thì có lẽ phần chơi chiến dịch sẽ lấy thêm chút ít thời gian của bạn, mặc dù phần chơi này khá kém cỏi nếu phải so với chế độ chơi mạng và cộng tác.

Ngoài ra, sẽ tốt hơn tý nữa nếu như Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 hỗ trợ thêm một vài hướng dẫn cho người mới chơi.

Nếu như bạn “chân ướt chân ráo” bước vào trò chơi, người viết cam đoan bạn sẽ mất cả đống thời gian đi loanh quanh khu vực Backyard Background mà chả biết mình đang làm cái vẹo gì, thậm chí là còn chả rõ kiếm thêm cây/zombie phụ trợ kiểu gì!

Các nhân vật cũng chỉ sở hữu một đoạn chữ giới thiệu nho nhỏ cùng với công dụng của các kỹ năng, nhưng game lại khá khiêm tốn trong việc mô tả cụ thể các nhân vật mạnh ở mặt nào, hữu dụng ra sao, hoặc đưa ra các con số của từng nhân vật như tốc độ tấn công, di chuyển, lượng đạn… chẳng hạn.

Đối với những người chưa từng chơi qua phiên bản trước, thì thế quái nào mà có ai nghĩ rằng cây xương rồng (Cactus) lại là nhân vật… bắn tỉa cơ chứ???

các nhiệm vụ chiến dịch (campaign) trong Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 khá dài, song chưa đủ “phê” như các nhiệm vụ thủ thành Garden/Graveyard Ops


THÔNG TIN

  • Sản xuấtPopCap Games
  • Phát hành: Electronic Arts
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 23/02/2016
  • Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 64-bit / Windows 8.1 64-bit / Windows 10 64-bit
  • CPU: 3.20 GHz Intel i5 650 / 2.5 GHz AMD Phenom X4 9850
  • RAM: 4GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GT 640 / AMD Radeon HD 7730
  • HDD: 40 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 64-bit
  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EA  CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 giữ lấy toàn bộ những nền tảng mà phiên bản tiền nhiệm đã thực hiện và cải tiến dựa trên nó.
Với số lượng nội dung, độ đa dạng trong lối chơi và các cơ chế đan xem trong ba phần chơi chính được nâng tầm lên hẳn một cấp độ mới, Plants vs Zombies: Garden Warfare 2 sẽ khiến bạn "bận rộn" trong những giây phút giải trí đầy hỗn loạn, giống như phiên bản trước đã thực hiện rất thành công.
Nếu như đây là hướng đi "điên rồ" mà PopCap Games vạch ra cho dòng game Plants vs Zombies, người viết có thể tự tin nói rằng họ đang đi đúng hướng.
Điều duy nhất còn thiếu chỉ là một chút... marketing nữa thôi.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận