Skip to content

PlayStation Studios: Nước cờ chiến lược “quy để trị”?

PlayStation Studios

PlayStation Studios – Vài tiếng trước, Sony công bố PlayStation Studios – tên thương hiệu của những tựa game sẽ được phát triển bởi Sony.

Bắt đầu từ mua thu năm nay, mọi tựa game tới từ Sony đều sẽ được gán mác PlayStation Studios.

Tức là thương hiệu này sẽ không có mặt trên một số tựa game đã cận ngày ra mắt như The Last of Us Part II, Ghost of Tsushima hay Horizon: Zero Dawn bản PC.

Rõ ràng là việc ra mắt thương hiệu mới này mang mục đích quảng cáo khá lớn.

Tuy nhiên, chẳng phải logo của Sony trên bìa game cũng đã cho thấy tựa game đó được phát triển/phát hành bởi Sony hay sao?

Liệu có phải công ty đang hướng tới một chiến lược kinh doanh mới, bắt nguồn từ sự ra mắt của tên thương hiệu PlayStation Studios?

Sau đây, Vietgame.asia xin mạn phép gửi tới bạn đọc một số suy đoán nhỏ nhé!


TỪ SONY ĐẾN PLAYSTATION

Nhìn sang người “anh em cây khế” của Sony, Microsoft đã làm điều tương tự với các sản phẩm cho Xbox của mình vào năm ngoái.

Cụ thể, Microsoft đã đổi tên tập hợp các studio làm game riêng của mình từ Microsoft Studios sang Xbox Game Studios.

Tức là cả hai công ty đang tập trung xây dựng một thương hiệu riêng tập trung cho mảng game, tách khỏi tên tuổi công ty gốc là Sony và Microsoft.

Chiến dịch xây dựng nhãn hàng riêng (Individual branding) trong kinh doanh không hề thiếu.

Ví dụ, nhãn hàng điện thoại “cụ nội của sang chảnh” Vertu được sáng lập bởi Nokia, hoặc dòng mày tính chơi game nổi tiếng Alienware là một bộ phận của Dell…

Tùy từng công ty hay mặt hàng mà việc tách nhãn hiệu này có thể đem lại một số lợi ích riêng/thiệt hại, nhưng trong trường hợp này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ý định của Sony (và cả Microsoft).

Đó chính là tập trung mạnh, đập tiền nhiều để xây dựng và quảng bá mảng game của mình.

Nói tới Sony, các bạn có thể nghĩ tới tivi Sony, máy giặt Sony, điều hòa Sony, máy ảnh Sony… chứ không riêng gì Sony PlayStation.

Điều này, ít ra là từ góc nhìn của công ty, không đủ để làm nổi bật đặc trưng thương hiệu mảng game của mình.

Do vậy, giữa thị trường game đang tăng trưởng liên tục, công ty không muốn các sản phẩm game của mình sử dụng thương hiệu Sony nữa, mà dùng cái tên PlayStation để làm điểm nhấn triệt để.

Đặc biệt, cái tên PlayStation Studios chắc chắn sẽ dễ gợi nhớ hơn là… Sony Interactive Entertainment Worldwide Studios dài thòng lòng.

Điều này cũng cho thấy Sony tự tin đánh giá thương hiệu PlayStation cực kì lớn, sánh ngang với nhiều sản phẩm khác của công ty.

Một nhãn hàng yếu đâm đầu vào một thị trường nhiều lợi nhuận nhưng mang tính cạnh tranh cao thì chắc chắn sẽ bị ra rìa.

cái tên PlayStation Studios chắc chắn sẽ dễ gợi nhớ hơn là… Sony Interactive Entertainment Worldwide Studios dài thòng lòng

Ví dụ, khi mua điện thoại, bạn sẽ mua một sản phẩm từ Alcatel, Nubia, hay một sản phẩm từ Apple, Samsung?

Do vậy, có cái tên thương hiệu lớn như Sony là một lợi thế, nhưng công ty đã thẳng thừng nói “anh không cần”, và tự tin tách PlayStation làm một thương hiệu riêng cho các sản phẩm game.

Công bằng mà nói, có lẽ Sony sẽ không làm điều này nếu như Microsoft không đi trước, tách thương hiệu Xbox độc lập với thương hiệu Microsoft bằng việc đổi tên Microsoft Studios.

Nhưng điều gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, và nó cho thấy Sony sẵn sàng “khô máu” với Microsoft tại mảng game.


TẤN CÔNG NHIỀU NỀN TẢNG

Trước nay, chiến dịch phát triển mang game của Sony luôn là “đập tiền vào độc quyền”, tạo ra những sản phẩm game chỉ chạy trên PlayStation thôi.

Còn Microsoft, vốn là “cha đẻ” của Windows cho PC và thương hiệu Xbox, lại tập trung vào việc xây dựng game cho cả hai nền tảng, không trước thì sau.

Cách lấy thị trường của Sony sẽ thuận lợi nếu như PlayStation là một dòng sản phẩm độc bá.

Như Apple chơi hẳn một cửa hàng ứng dụng điện thoại riêng và các hãng khác cũng vậy, mà Apple vẫn “sống trẻ, sống khỏe” đó thôi.

Tuy nhiên, tiềm lực của Sony trong ngành game sao sánh được với Apple trong ngành di động, và với một thị trường PC mở rộng liên tục, có lẽ Sony cũng đã nhận ra tới lúc phải dừng “bế quan tỏa cảng”.

Việc Sony dần thay đổi chiến lược kinh doanh trên nhiều nền tảng có thể thấy ở Horizon Zero Dawn sẽ lên PC sắp tới hay MLB The Show sẽ “cập bến” Xbox và Nintendo.

Và khi một sản phẩm trên nền tảng của bạn đi “giao du” với các ông hàng xóm khác thì bạn chắc chắn muốn sản phẩm đó của mình phải có một chiếc mác nổi bật để chỉ rõ và quảng bá: hàng này vẫn là của anh, nhưng anh cho chú xài thôi.

Đó là lý do tại sao có một tên thương hiệu đồng nhất giữa nhiều nền tảng là một điều quan trọng, và Sony lựa chọn PlayStation Studios cho vị trí thương hiệu đó.


QUY VỀ ĐỂ MỞ RỘNG

Đoạn hoạt cảnh giới thiệu về PlayStation Studios đã được Sony cho đăng tải, và, nếu bạn đã xem qua các phim Marvel sẽ dễ thấy, nó na ná giống với các hoạt cảnh mở đầu với những trang sách truyện lật nhanh giới thiệu vũ trụ và các nhân vật của Marvel.

Điều này phần nào thể hiện ý định quy các sản phẩm về một mối của Sony.

Như đã phân tích ở trên và tổng hợp lại, chúng ta có thể thấy dường như công ty đang tính toán hai bước đi:

  1. Tập hợp các sản phẩm liên quan tới game của Sony, từ phần cứng tới phần mềm, vào cái tên PlayStation để tạo thương hiệu cho mảng game, giúp Sony dễ đập tiền quảng bá và người dùng dễ liên tưởng.
  2. Mang thương hiệu này tới các nền tảng khác, để dù người dùng có mua sản phẩm của mình trên các nền tảng khác ấy thì vẫn nhớ lấy thương hiệu và mình vẫn kiếm lời.

Nước cờ này khá giống với chiến lược của Microsoft cho Xbox, và thành công thì cũng chưa dám nói nhưng giả như có Uncharted 4: A Thief’s End bản PC để chơi thì có mấy ai phàn nàn nhỉ?

Một chiến lực mới có thể gây ra nhiều hậu quả.

Sẽ có những người hâm mộ “tiêu cực” của PlayStation không tán thành động thái này, tuy nhiên đó là hệ quả nhẹ nhất rồi.

Còn ví dụ cuộc chiến Steam – Epic Games Store sẽ ra sao nếu như Sony quyết định… chơi với Epic Games?

Hay liệu Sony có tự lập một nền tảng game trên PC cho mình không?

Cuối cùng, không ít yếu tố trong bài viết có phần suy đoán, và chắc chắn sẽ có khá nhiều biến chuyển có thể xảy ra, cho dù nó là tích cực hay tiêu cực, ít ra là cũng ta có thứ để hóng và gõ phím.

Trên đây là những suy đoán từ phía Vietgame.asia, còn bạn thì sao? Có những dự đoán và suy nghĩ gì về thương hiệu mới này của Sony?

Hãy để lại bình luận bên dưới đây chia sẻ cùng chúng tôi, bạn nhé!