Skip to content

Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan – Đánh Giá Game

Mutants in Manhattan

Mutants in Manhattan – Mỗi khi nhắc đến PlatinumGames, hẳn bạn sẽ nhớ đây như một nhà phát triển đầy tài năng, nơi tập hợp những nhà làm game “số zách” với những sản phẩm để đời như Vanquish, Bayonetta, Metal Gear Rising: Revengeance… hay những siêu phẩm đầy hứa hẹn sắp ra mắt trong thời gian tới đây là NieR: Automata, Scalebound… khiến không ít người hâm mộ PlatinumGames và tỏ ra “tin tưởng” những sản phẩm được gắn mác nhà sản xuất này.

Tuy nhiên, về mặt là một nhà phát triển game tự do, công việc sáng tạo của PlatinumGames bị ảnh hưởng khác nhiều từ các “hợp đồng” đối tác với các nhà phát hành. Do đó khó có thể nói rằng 100% những tựa game qua tay PlatinumGames đều có chất lượng tốt, bởi những bản hợp đồng nói trên thường bị ràng buộc bằng rất nhiều điều khoản.

Và với cương vị là nhà phát triển hợp tác cùng Activision – một nhà phát hành lớn với có truyền thuống sản xuất ra vô vàn tựa game có chất lượng bét nhè, nhất là những tựa game ăn theo phim, PlatinumGames khó có thể giữ được phong độ như những tác phẩm hợp tác cùng các nhà sản xuất khác.

Ví dụ điển hình cho những “siêu phẩm” từ mối hợp tác này chính là The Legend of Korra. May mắn thay, cũng nằm trong hàng ngũ những tựa “game ăn theo phim” của Activision do PlatinumGames phát triển, Transformers: Devastation lại là một sự cố gắng đáng ghi nhận và được giới phê bình đánh giá tích cực.

Tiếp tục chuỗi sản phẩm hợp tác ăn theo phim, Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan tiếp tục được người hâm mộ của cả bộ phim và game thủ đánh một dấu hỏi lớn: “Game sẽ lại đi vào vết xe đổ của The Legend of Korra, hay “ăn may” như Transformers: Devastation?”.

Dù gì thì hẳn đến thời điểm hiện tại, bạn đọc Vietgame.asia hẳn đã xem qua bộ phim TMNT: Out of the Shadows hấp dẫn hồi tháng 6 rồi, đó cũng là động lực để người viết “hít một hơi” thật sâu để bắt tay vào đánh giá Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan trong bài viết ngay sau đây!

BẠN SẼ GHÉT

Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan - Đánh Giá Game

“ĐỪNG THỬ NẾU BẠN KHÔNG CÓ NHIỀU THỜI GIAN”

Có lẽ, để bắt đầu cho bài viết hôm nay, tác giả sẽ đưa ra một lời khuyên chân thành trước tiên để cảnh báo cho bạn đọc chất lượng của Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan. Và lời khuyên chân thành này chính là: “Đừng động đến Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan nếu bạn không có nhiều thời gian chơi game!”.

Tạm thời chưa nói đến các yếu tố về lối chơi, đồ họa – âm thanh hay cốt truyện của Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan, mà trước tiên, ngay khi vừa đặt chân đến trình đơn đầu tiên (New Game, Option, Credit…) game thủ đã được “táng” vào mặt một bảng thông báo hết sức khó hiểu: “Data writing error. Failed to write data.” (tạm dịch: “không thể ghi dữ liệu, quá trình gi dữ liệu thất bại”).

Điều này đồng nghĩa với việc mọi thành tích, mọi cố gắng của bạn với Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan trong những giờ sau đó sẽ “tan thành mây khói”.

Những tưởng đây là lỗi game, người viết đã xóa và tải lại game trước khi bắt đầu, tuy nhiên có vẻ như mọi việc không hề được giải quyết, để rồi phải cắn răn chơi lại game từ đầu không ít lần để viết ra bài đánh giá “có ích” này.

Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan - Đánh Giá Game

Việc không ghi được dữ liệu của Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan không chỉ ảnh hưởng đến mặt các tập tin lưu game, mà còn mọi thay đổi điều chỉnh trong mục option cũng đều được đưa về thiết lập mặc định.

Mỗi lần bước vào Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan tức là một lần bạn khám phá tựa game này… từ đầu. Nếu người chơi đã chấp nhận việc không lưu được dữ liệu, thì cũng không vì thế cửa sổ thông báo này không xuất hiện.

Chúng sẽ liên tục xuất hiện ba, bốn lần mỗi khi người chơi bật các trình đơn tùy chọn hoặc hoàn thành một màn chơi nào đó. Có khi trong một số tình huống trớ trêu, người chơi không thể bắt đầu màn chơi mới chỉ vì cửa sổ thông báo này xuất hiện ngay đúng lúc đang tùy chọn kỹ năng trước khi bắt đầu, và rồi bị kẹt… mãi mãi ở mục tùy chọn đó.

Đừng động đến Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan nếu bạn không có nhiều thời gian chơi game!

Tất nhiên, chỉ còn cách khởi động lại game mới có thể giải quyết vấn đề, và mọi việc lại bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh.

Oái oăm hơn nữa, không phải riêng người viết gặp phải tình trạng này, mà một số game thủ khác cũng từng khiếu nại lỗi tương tự cả trên PC lẫn trên console (Xbox One). Tuy nhiên thì tính từ ngày ra mắt hồi cuối tháng 5 cho đến nay đã được 5 tháng mà phía PlatinumGames lại chẳng có một lời giải thích hay bản vá lỗi nào.

Cũng kể từ hồi ra mắt cho đến nay, Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan chưa từng có bản vá lỗi to nhỏ nào ra mắt, đủ biết sau khi game ra mắt PlatinumGames và Activision đã gần như “kệ m* game, kệ m* game thủ”.


LỐI CHƠI QUÁ NHIỀU KHIẾM KHUYẾT…

Lời khuyên cho bạn rằng đừng động vào Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan nếu không có thời gian không chỉ dừng lại ở phần trên, bởi ngay khi đi sâu vào game, người chơi cũng sẽ sớm nhận ra được rất nhiều khuyết điểm khó chịu.

Lối chơi của game được xây dựng đề cao lối chơi phối hợp (co-op), do đó đại đa số các màn chơi trong game đều được thiết kế khá nghèo nàn, chủ yếu hướng tới việc tạo cho game thủ một “sân chơi” để vui đùa với nhau trong hóa thân của những chú Ninja Rùa tinh nghịch.

Lẽ dĩ nhiên, nếu bạn chơi Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan một mình sẽ tương đối buồn chán, nhất là khi hệ thống màn chơi trong game thường được chia theo chặng, và mỗi chặng thì chẳng có lấy điều gì thú vị ngoài một số yêu cầu lặp đi lặp lại như phá bom, phá xe địch, tiêu diệt hết quân thù…

Còn xét về mặt lối chơi phối hợp, khả năng tạo môi trường để kích thích người chơi phối hợp với nhau (trên PC) cũng khá hời hợt. Người chơi chỉ có thể phối hợp với nhau ở mặt chiến đấu chứ không hề có bất kỳ một tình tiết nào khác buộc những người chơi phối hợp với nhau.

Mặt khác, các kỹ năng phối hợp được với nhau chỉ dừng lại ở con số… 1. Mỗi chàng rùa sẽ có 4 kỹ năng đặc biệt, và chỉ 1 trong số 4 kỹ năng đó có thể phối hợp với nhau. Đôi khi, dù người chơi không tự kích hoạt nhưng vẫn bị cuốn vào một pha phối hợp của nhân vật khác nếu đứng gần.

Riêng với lúc chơi đơn, muốn thực hiện một pha phối hợp đẹp mắt bắt buộc người chơi phải chạy lại phía đồng đội của mình chứ AI game không hề chủ động được việc đó.

Nói đến A.I của game, kẻ thù ngu thì là chuyện rất thường gặp, nhưng nếu đi cặp cùng với đồng đội cũng… ngu thì hóa ra người chơi phải tự “gánh team”. Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan có một hệ thống trí tuệ nhân tạo không thể cơ bản hơn, kẻ địch chỉ biết lao đến một cách ngây ngô, chúng xuất hiện theo từng đợt và cứ thế lao vào bộ tứ Ninja Rùa.

các kỹ năng phối hợp được với nhau chỉ dừng lại ở con số… 1. Mỗi chàng Rùa sẽ có 4 kỹ năng đặc biệt, và chỉ 1 trong số 4 kỹ năng đó có thể phối hợp với nhau

Ngay cả những con trùm cũng không khá hơn, khi chúng rất ít khi di chuyển, đưa mặt ăn đòn một cách “ngon lành” và đáp trả bằng một vài tuyệt kỹ nghèo nàn.

Bản thân những chàng Ninja Rùa tinh ranh vốn thông minh cũng không khá hơn kẻ thù là bao. Khi không thuộc quyền điều khiển của người chơi phối hợp, ba chàng Rùa còn lại chỉ có đúng một mục tiêu là lao vào đánh đấm tơi bời đối thủ. Cũng đúng thôi, màn chơi của game được thiết kế với tiêu chí “tiêu diệt hết kẻ địch” mà.

Trong khả năng đánh đấm của mình, ba chàng Rùa còn lại thể hiện quá tốt, tốt đến độ bản thân người chơi chẳng cần phải động chân động tay làm gì, chỉ cần lượn lờ trong màn chơi nhặt đồ hoặc thực hiện yêu cầu của nhiệm vụ, còn lại cứ để các huynh đệ kia lo.

Dù đánh đấm hăng say là thế, song trong một số màn chơi yêu cầu gỡ bom, một khi người chơi gỡ bom thì cả ba chàng Rùa còn lại cũng… xúm vào gỡ bom, mặc kệ cho kẻ địch xung quanh liên tục gây rối, dù việc gỡ bom nay một mình người chơi là đủ. Ngặc nỗi, nếu bạn có từ bỏ việc gỡ bom và chạy đến giải quyết kẻ thù thì cả ba “đứa em” còn lại cũng nhấc mông chạy theo!

Cũng trong việc thiết kế nhiệm vụ và màn chơi, các thử thách mà Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan không có tính thúc đẩy người chơi tìm cách xoay sở, mà chỉ đề ra nhiệm vụ “cho có”. Chẳng hạn cũng trong nhiệm vụ tháo bom, những quả bom hẹn giờ này không hề có đồng hồ đếm ngược và người chơi có thể hả hê bay nhảy khắp nơi, tiêu diệt quân địch “mòn tay mỏi kiếm” rồi gỡ bom cũng chưa muộn.

Tính chất của những nhiệm vụ được đặt ra không nhằm mục đích tạo thử thách cho người chơi, đó là một điểm trừ xứng đáng đối với một tựa game hành động như Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan.

Chưa phải là điểm trừ cuối cùng, bốn chàng Ninja Rùa còn gặp vấn đề về mặt kỹ năng riêng. Leonardo quá mạnh, sở hữu nhiều kỹ năng chiến đấu diện rộng, lại có luôn chiêu chữa thương cho cả đội, có luôn chiêu thức cô đọng thời gian làm chậm kẻ thù và đồng đội cũng được “xài ké”.

Trong khi các nhân vật còn lại đại đa số có kỹ năng riêng, không thể sử dụng chung và cũng không thực sự hữu ích như của Leo. Do đó, người viết hầu hết đều chọn hóa thân thành Leo và để ba nhân vật còn lại cho máy điều khiển. 

Chuyện chưa dừng lại ở đó khi AI của đồng đội cũng là một nguyên nhân khiến game thủ chỉ tập trung chơi một nhân vật xuyên suốt. Khi người chơi vào vai các nhân vật “đánh lẻ” như Raphael hay Mikey lại không hề nhận được sự hỗ trợ từ AI máy đang điều khiển Leonardo. Còn riêng Donatello thì gần như “phế” khi hết 2 trong 4 kỹ năng chẳng có ích lợi gì, chẳng hạn như kỹ năng nhảy cao.

Còn cả tá khiếm khuyết mà người viết không thể nêu hết trong mục này, song để tóm tắt cho toàn bộ lối chơi, Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan chỉ xứng đáng với hai từ: “vô hồn” và “trống rỗng”.


Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan - Đánh Giá Game

ĐỒ HỌA LỖI THỜI, CỐT TRUYỆN BÊ BỐI!

Tuy là một dạng “game ăn theo phim”, song cách khai thác của Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan có phần giống với Transformers: Devastation khi không đi theo cốt truyện của phim mà chọn cho mình một phong cách riêng, một cách phát triển cốt truyện riêng.

Tuy nhiên, thành công đã không lặp lại bởi sự cẩu thả trong quá trình thiết kế của nó.

Đồ họa của game được xây dựng theo phong cách hoạt họa, mang nhiều nét gợi nhớ đến các trang truyện tranh truyền thống, nhưng xét về mức độ đầu tư cho mảng đồ họa thì quả Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan chỉ có thể so sánh với những tựa game nền console thế hệ trước (Xbox 360, PS3).

Mô hình nhân vật thô kệch, động tác chiến đấu chưa đủ độ đã tay, màn chơi thiết kế sơ sài, hiệu ứng như “đốt mắt” người chơi… Đặc biệt hơn, nhan sắc trong game của cô nàng April như bàn “đạp” để tôn vinh nhan sắc của Megan Fox trên phim vậy. Game cũng bị khóa ở 30FPS dù đã tắt V-Sync.

Độ phân giải cũng được định sẵn, những người chơi dùng màn hình có độ phân giải đặc biệt như 900p, màn hình vuông đều phải ngậm ngùi chấp nhận hình ảnh bị méo mó.

Cốt truyện lại là một điểm trừ to tướng khác góp phần dìm chết Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan. Mặc dù nhiệm vụ của game đặt ra cho mỗi màn chơi không hề giống nhau, mỗi lần chơi lại sẽ là một nhiệm vụ ngẫu nhiên nào đó, sau đó sẽ đụng độ trùm.

Do cách thiết kế này, mạch cốt truyện của game bị phá vỡ và có cảm giác như Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan thiếu một chủ đề thống nhất cho các màn chơi hướng tới, không hề có tính liền mạch.

Các màn chơi đầu được tự do chọn thứ tự chơi trước sau tùy game thủ, đơn giản chỉ là người chơi thích màn nào thì chơi màn đó. Vậy câu chuyện, mạch truyện đúc kết được với Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan sẽ là gì?

Câu trả lời chắc hẳn là… “quên nó đi”. Dẫu có sự nhúng tay của chính tác giả Tom Waltz thì nó cũng không khiến người chơi chú tâm vào cốt truyện được đâu.

xét về mức độ đầu tư cho mảng đồ họa thì quả Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan chỉ có thể so sánh với những tựa game nền console thế hệ trước (Xbox 360, PS3)

3.0

Vẫn là lời khuyên mà người viết đã gửi đến bạn đọc từ đầu: “Đừng chơi Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan nếu không có nhiều thời gian”, mà tốt hơn nên “lơ” nó đi thì hơn.

Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan là một sản phẩm thất bại về mọi mặt. Những thứ đẹp đẽ về bốn chàng Ninja Rùa trung thực, vui tính và thông minh cùng những người bạn của mình đã bị “bôi xấu” bởi vô vàn khiếm khuyết trong game.

Người viết đã dành hơn 2000 từ chỉ để nêu ra những điểm trừ to tướng của game, trên thực tế nếu "vạch lá tìm sâu" thì hẳn sẽ… không còn điểm mà trừ. Đồ họa xấu, lối chơi vô hồn, thiếu đầu tư về mọi mặt, cốt truyện có như không, lồng tiếng gặp vấn đề về phát âm… Bạn sẽ thấy thời gian của mình quý báu đến nhường nào khi chơi Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan!

Và riêng với Activision, xin hãy “buông tha” cho PlatinumGames đi!

Thông tin

  • Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutants in Manhattan
  • Nhà phát triển
    PlatinumGames
  • Nhà phát hành
    Activision Blizzard
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    25/05/2016
  • Nền tảng
    Windows, Xbox 360, Xbox One, PlayStation 3, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows Vista
  • CPU
    Intel Core 2 Duo E4400 / AMD Athlon II x2 250
  • RAM
    1GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce 8800 GT / AMD Radeon HD 4770
  • Lưu trữ
    7GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    ntel Core i5-2500K
  • RAM
    32GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 970
  • Lưu trữ
    1TB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Activision Blizzard. Chơi trên PC.

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^

Thảo luận