Skip to content

Titanfall – Đánh Giá Game

Titanfall - Đánh Giá Game

Titanfall – Có thể ví sự thành công của trò chơi Titanfall với chiếc điện thoại iPhone của Apple.

Không mang trong mình đồ họa tối tân cũng chả có một công nghệ gì mới đột phá, thế nhưng Titanfall lại phối hợp rất thành công những tinh hoa của game bắn súng góc nhìn người thứ nhất (FPS).

Điểm nhấn của game chính là các con robot khổng lồ, với biệt danh “Titan”.

Sự có mặt của chúng đã làm thay đổi hoàn toàn chiến trường mà chúng ta thường thấy.

To lớn, nhanh nhẹn, được trang bị vũ khí tới “tận răng” và “kinh hoàng” hơn cả là chúng có thể được “thả” xuống ở bất kỳ điểm chiến lược nào trong màn chơi.

Tuy nhiên, với việc chỉ thêm vào yếu tố “Titan” như trên thì liệu trò chơi xứng đáng là một “vị cứu tinh” của dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất?

Hãy cùng Vietgame.asia “mổ xẻ” các khía cạnh của Titanfall trong bài viết đầu tiên của chuyên mục “Chơi mạng” này bạn nhé!

 

 

  • OS: Windows Vista SP2 64-bit | Windows 7 SP1 64-bit | Windows 8 64-bit trở lên
  • Processor: AMD Athlon X2 2.8GHz | Intel Core 2 Duo 2.4GHz hoặc cao hơn
  • Memory: 4GB RAM
  • Graphics: nVidia GeForce 8800GT 512MB| ATI Radeon HD 4770 512MB trở lên
  • DirectX®: 11
  • Hard Drive: 50GB
  • Sound: N/A
HỖ TRỢ THIẾT BỊ
  • Graphics: N/A
  • Mouse: N/A
  • Keyboard: N/A
  • Headphone: N/A
MUA GAME Ở ĐÂU?
  • Chưa có thông tin
LỐI CHƠI

Titanfall - Đánh Giá Game

Các dạng chơi của Titanfall.

Vẫn giữ lại những kiểu chơi truyền thống trong game bắn súng từ đối kháng cho tới chiếm điểm và cướp cờ, Titanfall còn giới thiệu thêm 2 kiểu chơi mới: Last Titan Standing (Titan cuối cùng) và Pilot Hunter (Thợ săn phi công).

Mỗi kiểu chơi đều có trọng tâm và chiến thuật riêng, nhưng điều đáng chú ý là tất cả chúng đều rất cân bằng trong việc phối hợp giữa Titan và phi công. Thời gian bạn điều khiển Titan “thăm thú” chiến trường và thời gian bạn dành để tự thân du ngoạn, đu bám trên tường được chuyển tiếp nhuần nhuyễn và tự nhiên như thể nó là một điều tất yếu!

Nhịp độ một trận đấu trong Titanfall xoay quanh những điểm sau:

  • Xuất phát mỗi trận đấu, những người chơi sẽ vào vai các phi công của 2 bên IMC và Militia.
  • Mỗi phi công sẽ có một đồng hồ đếm ngược thời gian cho đến khi Titan được chuẩn bị xong và bằng cách triệt hạ, chiếm điểm, trợ giúp, tương tác với môi trường mà người chơi sẽ rút ngắn thời gian xuống.
  • Điểm thu được này cũng được cộng vào điểm của toàn đội nhằm phân định xem phe nào chiến thắng và phe nào chiến bại.
  • Khi trận đấu kết thúc thì cũng là lúc chế độ EPILOGUE được kích hoạt. Phe thua sẽ phải cố gắng di chuyển đến một điểm bất kỳ trong màn chơi để tẩu thoát bằng phi thuyền, trong khi đội thắng cuộc sẽ phải dùng mọi biện pháp (nếu có thể) để ngăn chặn cuộc tẩu thoát.
Thời gian bạn điều khiển Titan “thăm thú” chiến trường và thời gian bạn dành để tự thân du ngoạn, đu bám trên tường được chuyển tiếp nhuần nhuyễn và tự nhiên như thế nó là một điều tất yếu vậy

Titanfall - Đánh Giá Game

Titanfall - Đánh Giá Game

Một trong những điểm đáng ngạc nhiên của trò chơi là việc nhà sản xuất quyết định chỉ cho phép 12 người cùng chơi trong một trận đấu của Titanfall, dù rằng cơ sở vật chất và hạ tầng mạng của PC lẫn Xbox One đều có thể chu cấp đủ cho cả chục người cùng một lúc. Không thể phủ nhận con số 12 là một con số “khá chán” đối với một tựa game bắn súng như Titanfall. Tuy nhiên, từ con số 12 này nó làm nổi bật lên một yếu tố trong lối chơi mà nhà phát triển đã thêm vào: nhân vật máy điều khiển (bot).

Những nhân vật Grunt và Spectre do A.I điều khiển này khiến cho chiến trường 12 người trở nên đông đúc, chết chóc và cũng “lãng mạn” hơn bao giờ hết. Chúng chạy, nhảy, lăn lê, bò trườn trên khắp chiến trường, liên lạc với nhau, thông báo mục tiêu trận địa, giao chiến với lực lượng đối địch.

Titanfall - Đánh Giá Game

Tận dụng môi trường và đoán biết được cách xử lý của những A.I này cũng là một yếu tố khiến cho lối chơi của Titanfall hấp dẫn và luôn chuyển tiếp không ngừng
Việc này khiến cho một chiến trường 12 người tưởng như là vắng, hóa ra lại nhộn nhịp, ầm ĩ như một trận đấu giữa 64 người cùng một lúc. Ngoài việc làm “chất xúc tác” khiến cho chiến trường sống động hơn, sự hiện diện của các nhân vật máy này cũng đóng một phần không nhỏ trong lối chơi của người chơi.

Những tên lính này vừa đóng vai trò “đỡ đạn” cho người chơi, đánh lạc hướng đối phương, làm “bia” cho bạn tả xung hữu đột bắn phá thoải mái nhằm kiếm điểm, hay đơn giản là giúp người chơi một tay vượt qua một cứ điểm phòng thủ khó nhằn của phe đối địch.

Ngoài ra, A.I còn có thể liên lạc, thông báo cho người chơi biết vị trí của người chơi đối địch khác hay báo động xâm nhập nếu có địch tấn công vị trí phòng thủ của bạn. Tận dụng môi trường và đoán biết được cách xử lý của những A.I này cũng là một yếu tố khiến cho lối chơi của Titanfall hấp dẫn và luôn chuyển tiếp không ngừng.

Điểm làm người viết cảm thấy “ái ngại” đối với Titanfall là hiện tại các dạng chơi của game dù hay nhưng lại dễ gây nhàm chán, lặp lại. Trang bị trong game và màn chơi cũng khá ít ỏi. Đây là một yếu tố khiến cho càng về lâu về dài, trò chơi khó mà so bì với các tên tuổi lớn khác sẽ ra mắt những tháng sau đó.

HỆ THỐNG MÁY CHỦ – MẠNG

Titanfall - Đánh Giá Game

Titanfall - Đánh Giá Game

Vẫn phát huy ”truyền thống nổi tiếng” của EA, ngay ngày đầu phát hành, Titanfall đã xuất hiện rất nhiều lỗi liên quan đến kỹ thuật của máy chủ (server).

Ở khu vực châu Á, các cụm máy chủ liên tiếp bị quá tải khiến cho một bộ phận những người chơi không thể kết nối được. Hiện tượng bị treo ở màn hình tải game (loading screen) xảy ra rất nhiều và chỉ được khắc phục sau gần một tuần.

Titanfall yêu cầu máy con (client) phải liên tục kết nối với máy chủ và chỉ cần bạn mất kết nối dù chỉ là 1 giây cũng khiến cho game “đá” bạn ra khỏi trận đấu. Chính lỗi này đã làm cho rất nhiều các game thủ ở Việt Nam phải chật vật trong tuần đầu tiên phát hành game.

Tuy cụm máy chủ châu Á được đặt ở Singapore, thế nhưng rất nhiều người chơi ở các nước trong khu vực đã lên tiếng phàn nàn vì game không ổn định và có độ trễ cao. Điển hình là người chơi ở Việt Nam và Malaysia đều có số ping lên tới 150+ khi kết nối vào máy chủ ở Singapore.

Vẫn phát huy ”truyền thống nổi tiếng” của EA, ngay ngày đầu phát hành, Titanfall đã xuất hiện rất nhiều lỗi liên quan đến kỹ thuật của máy chủ (server)
  • Theo như thông tin từ Vince Zampella thì gói tải về DLC của Titanfall đầu tiên sẽ ra mắt với giá 10 USD. Tuy nhiên, ngày ra mắt gói tải về này vẫn chưa được ấn định cụ thể.
  • Cũng từ Vince Zampella, người sáng lập Respawn Entertainments, các dạng chơi mới của Titanfall cũng sẽ ra mắt vào cùng thời điểm với gói tải về DLC của game. Điều tuyệt vời là các dạng chơi mới sẽ được cập nhật miễn phí cho người chơi. Game cũng sẽ hỗ trợ chức năng tạo phòng chơi cá nhân để người chơi cùng hội bạn bè của mình có thể thi thố với nhau thoải mái nhất.
  • Được biết, EA đã giành được quyền phát hành phiên bản thứ hai của Titanfall hiện đang được bắt đầu phát triển. Game dự định ra mắt trên tất cả các hệ máy chơi game thông dụng, không nhất thiết phải bó buộc với Xbox One, Xbox 360 và PC nữa.

Titanfall - Đánh Giá Game

Titanfall - Đánh Giá Game

Ở khu vực Úc, tưởng chừng như vụ “bê bối” ở cụm máy chủ châu Á đã là nghiêm trọng, các game thủ ở Úc còn phải chịu nhiều “thiệt thòi” hơn khi mà một trong hai nhà cung cấp dịch vụ mạng ở Úc “cố tình” ngăn chặn cổng 70 (port – một trong nhựng cổng chính để giúp máy con liên lạc với máy chủ) khiến cho rất nhiều người chơi ở Úc không thể đăng nhập vào máy chủ.

Điều này là một vấn đề không thể nào hiểu nỗi, dù rằng máy chủ nằm ở ngay tại Sydney, Úc. Ngay lập tức đại diện của EA cũng như Microsoft (chủ cụm máy chủ) cũng đã liên lạc với bên cung cấp dịch vụ để giải quyết vấn đề này, nhưng cũng phải hơn một tuần sau ngày phát hành thì sự cố mới được khắc phục.

Dù chất lượng máy chủ bị trồi sụt thất thường, hệ thống mạng của Titanfall khi chơi lại tương đối ổn định. Dù ping của bạn vào khoảng 150 hay 200, bạn vẫn có thể tiêu diệt đối thủ của mình một cách thoải mái, di chuyển cũng khá mượt mà bởi cơ chế bù trừ chống lag của game khá hiệu quả!

THIẾT KẾ MÀN CHƠI – GIAO DIỆN ĐIỀU KHIỂN
Thiết kế màn chơi trong Titanfall đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của game. Các màn chơi đều không quá to đối với các phi công và cũng không quá nhỏ để việc điều khiển Titan trở nên khó khăn.

Chúng được thiết kế xoay quanh lối chơi chủ đạo của Titanfall: đó là leo trèo, chạy nhảy trên tường ở vai trò phi công và tìm-diệt, bảo vệ cứ điểm ở vai trò điều khiển Titan.Với định hướng như thế, các màn chơi được xây dựng không theo chiều rộng như các dòng game quân sự ARMA, Battlefield mà đi theo chiều thẳng đứng với khá nhiều hốc, ngách để người chơi lựa chọn, di chuyển.

Tất nhiên việc tận dụng các hốc, ngách này để ẩn nấp, nằm chờ thời trong game gần như là không thể khi nhà sản xuất đã khéo léo nối những “cứ điểm” này bằng nhiều hướng tấn công, xâm nhập khác nhau. Bạn cảm thấy an tâm khi lưng hướng về phía tường và mặt hướng về cửa ra vào? Hãy cẩn thận! Địch có thể tấn côn bạn từ trên cao xuống hay từ dưới lên, có thể bắn tỉa bạn từ một khe cửa sổ, một tòa nhà cao tầng nào đó.

Titanfall - Đánh Giá Game

Trò chơi khuyến khích việc di chuyển liên tục không ngừng nơi người chơi và phong cách thiết kế màn chơi của Titanfall đã hoàn thành điều này một cách hiệu quả nhất có thể
Trò chơi khuyến khích việc di chuyển liên tục không ngừng nơi người chơi và phong cách thiết kế màn chơi của Titanfall đã hoàn thành điều này một cách hiệu quả nhất có thể. Bên cạnh đó, màn chơi trong Titanfall còn thể hiện được sự sáng tạo đặc trưng trong việc truyền tải bối cảnh một cách sống động.
CẢM THỤ CÁ NHÂN
Titanfall đã tạo ra một ấn tượng rất mạnh mẽ với người viết khi lần đầu tiên chơi game. Thế nhưng cái ấn tượng đó lại không hề giúp níu kéo người viết ở lại với game một cách lâu dài. Dù rằng Titanfall là tập hợp những đặc điểm hay nhất của dòng game bắn súng góc nhìn người thứ nhất.

Cảm giác cầm súng, bắn súng đến cảm giác chiến trận đều chỉ có thể diễn tả bằng hai từ: tuyệt vời! Khả năng di chuyển tự do dựa trên cảm hứng từ Mirror’s Edge, lối chơi bắn súng đậm phong cách Call of Duty và cuối cùng là ảnh hưởng của game MechWarrior ở cách điều khiển Titan.

Ngoại trừ những điểm kể trên ra thì Titanfall không còn một giá trị gì để cho bạn thưởng thức cả. Game khó “níu chân” người chơi được bởi không có mục chơi đơn, nhân vật trong game cũng “vô hồn vô vị”. Không có nhiều khám phá, nhiều trang bị đa dạng để “mở khóa” khi càng chơi lên cao.

Có thể nói ngắn gọn, người chơi đến với Titanfall để trải nghiệm cảm giác “vui là chính” chứ không có thêm được một cảm hứng vượt trội nào khác trong và sau khi chơi game. Nếu bạn là một game thủ lão luyện, bạn sẽ chán Titanfall chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ đụng đến trò chơi.

Titanfall - Đánh Giá Game

Titanfall - Đánh Giá Game

Game khó “níu chân” người chơi được bởi không có mục chơi đơn, nhân vật trong game cũng “vô hồn vô vị”. Không có nhiều khám phá, nhiều trang bị đa dạng để “mở khóa” khi càng chơi lên cao

 


GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EACHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Là sản phẩm đầu tiên của một studio còn non trẻ với thành phần là những người từng làm nên tên tuổi cho dòng game Call of Duty nổi tiếng, Titanfall có thể nói là một màn “chào hỏi” khá thành công của Respawn Entertainments với giới đam mê game.



Trò chơi giới thiệu nhiều yếu tố “lạ mà quen” như điều khiển các cỗ máy Titan khổng lồ, di chuyển tự do theo phong cách parkout trên các nóc nhà, v.v. và kết hợp chúng khá thành công vào lối chơi nòng cốt của mình.



Tuy còn nhiều “hạt sạn” như hệ thống máy chủ chưa ổn định, mục chơi còn ít và thiếu sức hút, níu kéo game thủ ở lại với game về lâu về dài, Titanfall vẫn là một cái tên đáng gờm mà bất cứ tựa game nào cũng phải dè chừng, và tất nhiên cũng sẽ nằm trong “tầm ngắm” của các fan hâm mộ dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất trên thế giới.

Tác giả

trungtoto

Lambda team

Thảo luận