Skip to content

Top 10 Game Benchmark “khủng” dành để “tra tấn” PC của bạn!

Game Benchmark – Cứ mỗi dịp Tết đến, “lận lưng” được ít tiền thưởng là không ít anh em bắt tay vào ráp mới hay nâng cấp dàn “máy chiến” của riêng mình.

Có “đồ chơi” mới, chắc chắn không ít người muốn thử nghiệm xem cỗ máy mới này mạnh mẽ ra sao, hơn kém ít nhiều so với dàn máy trước đây?

Không gì thể hiện sức mạnh của những “món đồ chơi” này tốt hơn những con số “biết nói” từ các chương trình thử nghiệm benchmark và các game “hạng nặng”, thậm chí là các “sát thủ phần cứng”.

Trong bối cảnh các trình benchmark quen thuộc như 3DMark hay PCMark thường được tiến hành mang tính chất “hàn lâm”, xa rời điều kiện “chinh chiến” thực tế thì trình chấm điểm được các studio phát triển xây dựng sẵn trong game chính là thước đo chuẩn mực nhất dành cho PC của bạn với những tình huống đồ họa cụ thể mà bạn có thể gặp phải khi chơi.

Trong bài viết này, Vietgame.asia sẽ cùng bạn điểm qua Top 10 Game Benchmark hiện đại, với các trình thử nghiệm được tích hợp sẵn và đồ họa đẹp, nặng nổi tiếng trong năm để người dùng có thể “thử sức” dàn PC mới mẻ của mình.


10. MORTAL KOMBAT 11

Game đầu tiên được đề cập đến trong các Game Benchmark chính là tựa game đối kháng Mortal Kombat 11 do NetherRealm Studios phát triển.

Đây là tựa game đối kháng có thể xem như được đầu tư khá kỹ lưỡng kể từ khi dòng game được reboot lại kể từ năm 2011 cho tới nay với việc ứng dụng Unreal Engine 4, một engine khá mạnh mẽ, vào quá trình phát triển game.

Sử dụng một engine mạnh và linh hoạt, việc tích hợp trình thử nghiệm benchmark vào Mortal Kombat 11 giúp cho người hâm mộ của thể loại game đối kháng có thể thử xem hệ thống mình có thể “chiến mượt” được game hay không.

Để kích hoạt tính năng này, người chơi chỉ cần vào trình đơn (menu) theo thứ tự sau:

  • Settings – Graphics – Benchmark

9. SID MEIER’S CIVILIZATION VI: GATHERING STORM

Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm là phiên bản mở rộng thứ hai của dòng game chiến thuật lừng danh đến từ Firaxis: Sid Meier’s Civilization VI sau phiên bản cập nhật Rise and Fall.

Tuy đây chỉ là bản mở rộng của một tựa game đã có đến 3 năm tuổi, thế nhưng Firaxis đã nâng cấp khá mạnh về engine game, nhất là các yếu tố đồ họa để tạo ra một thế giới rộng lớn với nhiều chi tiết và màu sắc hơn hẳn trước đây, thậm chí hỗ trợ cả nền tảng dựng hình DirectX12, điều này đồng nghĩa với việc game sẽ nặng hơn.

Chính vì thế mà chế độ Benchmark được tích hợp sẵn vào game và có thể dễ dàng tìm thấy trên trình đơn (menu) chính của trò chơi để game thủ có thể thử nghiệm sức mạnh hệ thống của mình, điều này là tương đối cần thiết với người hâm mộ của thể loại 4X vốn rất ít quan tâm đến cấu hình máy của mình.

Đội ngũ phát triển cũng thêm hai phép thử mới vào trong các phép thử có sẵn từ phiên bản Rise and Fall để người dùng có thể đánh giá khả năng thể hiện của cỗ máy của mình trong một số điều kiện đồ họa phức tạp, nhất là khi đối mặt với thiên tai và rất nhiều các hiệu ứng mới mẻ khác cùng xuất hiện trên bản đồ.

Tuy vậy, đây vẫn là một trong những phép thử khá nhẹ nhàng nếu so sánh với phần lớn các game còn lại trong danh sách Game Benchmark do phần “lõi” của game vẫn là của phiên bản gốc năm 2016.

Nếu bạn muốn những “thử thách” thực sự thì hoàn toàn có thể bỏ qua phép thử này.


8. FAR CRY: NEW DAWN

  • Ngày ra mắt: 14/02/2019
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
  • Nhà phát triển: Ubisoft Montreal
  • Nhà phát hành: Ubisoft

Nối tiếp phiên bản Far Cry 5, “khách quen” của nhóm thử nghiệm Vietgame.asia trong suốt hơn 1 năm vừa qua bởi sự ổn định sau nhiều lần nâng cấp và chỉnh sửa, Far Cry: New Dawn thừa hưởng rất nhiều yếu tố tốt đẹp của một trò chơi AAA như đồ họa thuộc hàng đỉnh cao, độ chi tiết chân thực, cộng với cơ chế vật lý khó chê được.

Chính vì thế mà trò chơi mặc dù không thật xuất sắc về mặt nội dung như bậc “đàn anh” của mình nhưng vẫn xứng đáng là một phép thử sáng giá cho các hệ thống PC chơi game đầy mạnh mẽ.

Tương tự như phiên bản Far Cry 5, Ubisoft Montreal đã tích hợp trình thử nghiệm vào ngay trong trình đơn (menu) đồ họa để người dùng có thể tìm hiểu ngay ảnh hưởng của các tính năng vừa hiệu chính đến với game mà không cần phải vào – ra trò chơi cho mất thời gian, tất cả những gì người chơi cần làm là thay đổi các tính năng cho phù hợp rồi nhấn F5 để bắt đầu chế độ đo đạc (benchmark).

Tính năng này hoạt động tốt đến nỗi người chơi có thể “căn chỉnh” cho trò chơi để có thể hoạt động “vừa vặn” trên các máy có cấu hình thấp, chính vì vậy đây hoàn toàn là một phép thử xứng đáng nằm trong danh sách Game Benchmark do nhóm thử nghiệm của Vietgame.asia đề nghị sử dụng để thử sức các dàn PC mới.


7. METRO: EXODUS

  • Ngày ra mắt: 15/02/2019
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
  • Nhà phát triển: 4A Games
  • Nhà phát hành: Deep Silver

Là một trong những game dính “vụ bê bối Epic” lùm xùm nhất trong năm 2019, Metro Exodus có một khởi đầu không mấy suôn sẻ, nhất là với hàng ngàn người lỡ đặt hàng sản phẩm trước trên hệ thống cửa hàng của Steam và bị hủy chỉ ít ngày trước khi phát hành.

Nhưng hoàn toàn không thể phủ nhận rằng Metro Exodus có thể “chiếm ngôi” sát thủ phần cứng hàng đầu của năm 2019 khi là game ứng dụng hàng loạt các gói đồ họa Ray Tracing trong game, mà trong đó nặng nề nhất là hai tính năng Ray Traced Global IlluminationRay Traced Shadow.

Chưa dừng lại ở đó, trong bản mở rộng The Two Colonels được hãng tung ra trong tháng 8 vừa qua lại cập nhật thêm một gói tính năng Ray Tracing nữa, và đây là một gói tính năng hoàn toàn mới với tên gọi Ray Traced Emissive Lightning.

Không kể đến cốt truyện thuộc hàng “đỉnh” hiện nay, các công nghệ được liên tục “nhồi nhét” vào khiến cho game trở nên rất nặng, nhất là ở các cảnh có điều kiện ánh sáng phức tạp, thậm chí đến các card đồ họa mạnh mẽ nhất sử dụng chip xử lý đồ họa RTX 2080 Super như Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G cũng không đạt nổi tốc độ trung bình… 50fps ở độ phân giải 1440p và thiết lập ở mức cao nhất.

Chính vì khả năng thay đổi tính năng qua từng bản cập nhật một cách rõ rệt mà nhóm thử nghiệm sản phẩm của Vietgame.asia không lựa chọn game này vào nhóm các game dùng để kiểm tra sản phẩm, bởi kết quả cho ra khó ổn định được trong một thời gian dài, thế nhưng đối với những game thủ yêu thích công nghệ và sở hữu các dàn máy đỉnh cao thì đây là một “thử thách” thật sự sáng giá.

4A Games có tích hợp công cụ benchmark vào trong game, thế nhưng tính năng này bị “ẩn giấu” kỹ lưỡng không rõ vì nguyên nhân gì.

Tất cả những gì bạn cần làm:

  • Thư mục cài đặt game – tìm tập tin “Benchmark.exe” và chạy nó.

Chắc chắn đây là game nặng nhất, giàu tính kỹ thuật nhất, và cũng là game có điểm số đánh giá cao nhất trong danh sách Game Benchmark mà Vietgame.asia lựa chọn để giới thiệu đến bạn đọc trong bài viết này.


6. TOM CLANCY’S THE DIVISION 2

Ubisoft tiếp tục “góp một chân” vào danh sách Game Benchmark lần này với một game cũng thuộc hàng “bom tấn” khác là Tom Clancy’s The Division 2, một trò chơi kết hợp giữa bắn súng và… du lịch thành phố Washington DC. cùng với hàng tá bạn bè cùng chơi trò chơi trốn tìm.

Phải nói rằng các game của Ubisoft rất hay được tích hợp công cụ Benchmark để người chơi thuận tiện tinh chỉnh các thông số bởi chúng thường… quá nhiều lỗi, có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi chỉ với một vài hiệu ứng “kén máy” mà thôi.

Đó là chưa kể engine Snowdrop mà Massive Entertainment ứng dụng vào game lại là một engine “tự trồng”, có rất ít tựa game ứng dụng và cần nhiều thời gian căn chỉnh đến từ phía nhà sản xuất.

Thế nên bỏ qua một cốt truyện với mô tuýp cũ, một lối chơi lặp lại khá nhiều vấn đề của phiên bản đầu tiên thì nền tảng đồ họa của trò chơi ở mức khá trong nhóm các trò chơi hành động môi trường mở ra mắt trong năm nay.

Game Benchmark

Để chạy chương trình Benchmark tích hợp sẵn:

  • Vào trình đơn (menu) chính – Settings – Benchmark.

Khuyến cáo duy nhất của người viết đối với trò chơi chính là bạn nên cập nhật đến phiên bản mới nhất để có được kết quả thử nghiệm ổn định nhất, tránh phải các lỗi vụn vặt có thể ảnh hưởng đến quá trình benchmark không cần thiết.


5. TOTAL WAR: THREE KINGDOMS

“Khách quen” thứ hai của nhóm thử nghiệm Vietgame.asia xuất hiện trong danh sách này chính là trò chơi chiến thuật mới nhất đến từ Creative Assembly mang tên Total War: Three Kingdoms.

Đây cũng là game thứ hai sau Metro: Exodus đạt điểm số thuộc nhóm cao nhất trong danh sách các bài đánh giá của Vietgame.asia nằm trong danh sách Game Benchmark lần này, và trở thành một trong những công cụ chấm điểm mạnh nhất của nhóm thử nghiệm kể từ khi ra mắt, tập trung vào mảng RAM đồ họa (VRAM).

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Creative Assembly đã tạo ra được một trong những engine mạnh nhất cho đến thời điểm hiện nay về khả năng hiển thị số lượng cực kỳ nhân vật trên màn hình, mà mỗi nhân vật trong đó đều có vẻ mặt, phục trang, trang bị, và các điều kiện khác hoàn toàn khác nhau.

Điều đó có nghĩa là mỗi cảnh trong game đều cần phải nạp sẵn vào hệ thống RAM đồ họa một lượng lớn các loại vân bề mặt (texture), hậu quả là Total War: Three Kingdoms biến thành một con “quái vật ngốn VRAM” thực sự, thậm chí cùng sử dụng nhân xử lý nhưng khác nhau về lượng VRAM như Sapphire Pulse RX 5500 XT 4GGigabyte RX 5500 XT Gaming OC 8G thì tốc độ khung hình cũng có sự khác biệt rõ nét.

Game Benchmark

Để vào chế độ benchmark, người chơi chỉ cần vào mục:

  • Extra/Options – Benchmark sẽ xuất hiện ngay góc dưới bên phải.
  • Người chơi chỉ cần lựa chọn bài thử nghiệm, bao gồm thử nghiệm phần chơi chiến dịch và thử nghiệm phần chơi trận chiến, trong đó, phần thử nghiệm trận chiến vẫn “sát phần cứng” hơn cả.

Nhìn chung, đây là một thử nghiệm toàn diện về khả năng xử lý của CPU, GPU, đặc biệt là về lượng RAM đồ họa mà các bạn không thể bỏ qua nếu muốn thử thách dàn PC “chiến” của mình.


4. GEARS 5

Sau khi về tay The Coalition từ phiên bản Gears of War 4, người hâm mộ dòng game Gears of War lại có thể tiếp tục cuộc hành trình của Kait Diaz khám phá thêm về chủng Locus đang xâm lăng Trái Đất trong phiên bản mới nhất với tên gọi vô cùng ngắn gọn là Gears 5.

Mặc dù không phải một “quả bom” về mặt lối chơi và đồ họa như khi dòng game mới ra mắt, thế nhưng phiên bản này là một trong những game có độ ổn định cao khi được xây dựng trên nền tảng Unreal Engine 4 (tương tự như Mortal Kombat 11), thế nhưng đi theo hướng “tủ” của engine này là các game bắn súng, hành động.

Gears 5 có thể xem như một phép thử chuẩn mực cho các game sử dụng nền tảng Unreal Engine 4 hơn cả Mortal Kombat 11 vì nó phát huy hầu hết điểm mạnh của engine này như môi trường rộng lớn, lượng vật thể “ngồn ngộn”, các hiệu ứng vật lý và môi trường đan xen, cộng thêm vào đó là các hiệu ứng cháy nổ hoành tráng thường thấy của một game hành động.

Bên cạnh đó, Gears 5 là một game tương đối “trung tính” dù được các kỹ sư của AMD hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong suốt thời gian phát triển game, nhưng không thể phủ nhận là trò chơi không sở hữu các tính năng đặc thù chỉ có thể hoạt động được trên các card đồ họa của AMD hay của NVIDIA như nhiều game khác.

Game Benchmark

Chính vì thế mà kết quả của game khá chính xác khi dùng để so sánh các dòng card đồ họa của cả hai bên với nhau, xứng đáng là một trong những game “cọc tiêu” trong danh sách Game Benchmark “khủng” dành cho PC “xịn sò”.

Để có thể kích hoạt tính năng này:

  • Trình đơn (menu) chính – mục Extra – chỉ mục Benchmark sẽ xuất hiện và mọi việc sau đó sẽ được tiến hành hoàn toàn tự động.

3. BORDERLANDS 3

  • Ngày ra mắt: 13/09/2019
  • Hệ máy: PC, XBOX One, PS4, Stadia
  • Nhà phát triển: Gearbox Software
  • Nhà phát hành: 2K Games

Lại tiếp tục một game ứng dụng Unreal Engine 4 lọt vào danh sách Game Benchmark “khủng” dành cho PC, Borderlands 3 thể hiện thế giới game hành động theo một cách rất khác bằng kỹ thuật đồ họa Cel Shading độc đáo, ít “đụng hàng” trong thế giới game hiện nay.

Tương tự với Gears 5 được đề cập đến ở mục trên, Borderlands 3 cũng là một game được đội ngũ kỹ sư của AMD hỗ trợ trong quá trình phát triển nhưng vẫn giữ được rất nhiều “quy chuẩn” của một game “trung tính”, xứng đáng làm cột tiêu cho các phép thử game nặng hiện nay.

Đây cũng là một game tương đối nặng sử dụng Unreal Engine 4, nặng hơn cả Gears 5 với lượng vân bề mặt nhiều, có khuynh hướng “ngốn” VRAM nhiều hơn hẳn, nên với phép thử này, các card đồ họa sở hữu nhiều VRAM với băng thông lớn hơn, tốc độ nhanh hơn sẽ chiếm lợi thế hơn các card đồ họa sử dụng cùng chip xử lý đồ họa.

Game Benchmark

Chính vì thế mà kết quả thu được từ phép thử Borderlands 3 cũng có thể được dùng để tham khảo, so sánh giữa các game có thể chạy cho các hệ thống PC tầm trung và các hệ thống trung – cao cấp dễ dàng hơn so với phép thử Gears 5.

Để mở tính năng Benchmark sẵn có trong game:

  • Trình đơn chính – Options – Visuals, nơi đó có biểu tượng đồng hồ đo tốc độ – Start Benchmark

2. TOM CLANCY’S GHOST RECON BREAKPOINT

  • Ngày ra mắt: 04/10/2019
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4, Stadia
  • Nhà phát triển: Ubisoft Paris
  • Nhà phát hành: Ubisoft

Một “bom tấn xịt” ít ỏi của thập kỷ “chen” được vào danh sách Game Benchmark “khủng” dành cho PC lần này chính là Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint.

Đây cũng tiếp tục là một game do Ubisoft phát hành, và đương nhiên, game của hãng thường không thiếu chương trình Benchmark tích hợp cho người chơi tinh chỉnh.

Mặc dù sở hữu một cốt truyện nhạt phèo, lối chơi chẳng có chút nào lôi cuốn, nhưng không thể phủ nhận được rằng Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint là một game được đội ngũ phát triển của Ubisoft Paris cực kỳ chăm chút về mặt đồ họa đến từng chi tiết nhỏ.

Chẳng hạn như kính nhìn đêm rà nhiệt có thể nóng dần lên và hiện rõ trong hình ảnh… kính rà nhiệt của người chơi khác nếu bạn sử dụng thiết bị này quá nhiều.

Phải nói rằng được thiết kế dựa trên nền tảng engine AnvilNext 2.0 lạ mà quen, trò chơi được tận hưởng một cơ cấu đã khá hoàn thiện trong rất nhiều năm, sửa chữa được rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cốt lõi của engine

Thực vậy, AnvilNext 2.0 khởi đầu với một “bom tấn xịt” khác là Assasin’s Creed: Unity bằng hàng tá lỗi nghiêm trọng mà người chơi chẳng thể nào “nuốt được”, để rồi sau nhiều năm hoàn thiện và “thăng hoa” cùng Assasin’s Creed Odyssey, “khách quen” của nhóm thử nghiệm Vietgame.asia trong rất nhiều thử nghiệm phần cứng của nhóm trong một năm trở lại đây, engine đã đạt “độ chín” cần thiết cho trò chơi bắn súng mang thương hiệu Tom Clancy’s.

Dĩ nhiên là cũng giống như các “đàn anh” của mình, engine này có đôi chút “thiên vị” cho các card đồ họa đến từ “đội xanh” NVIDIA, nên kết quả thu được hoàn toàn có thể sử dụng để tham khảo thêm mà thôi.

Game Benchmark

Để mở được trình Benchmark Beta:

  • Vào trình đơn (menu) – Options – Settings – Videos – Benchmark Beta sẽ xuất hiện ở góc dưới bên phải màn hình cho bạn lựa chọn.

1. RED DEAD REDEMPTION 2

Cuối cùng, không thể bỏ qua “bom tấn” hành động miền Viễn Tây nước Mỹ là Red Dead Redemption 2 vừa được ra mắt trên hệ máy PC vào cuối tháng 10 vừa qua.

Sau khi ra mắt trên các hệ máy console gần một năm trời, phiên bản dành cho PC mới được Rockstar Games cho ra mắt trên hệ máy PC.

Cũng tương tự như tựa game Grand Theft Auto V ra mắt hồi năm 2015, phiên bản trên PC của dòng game này không đơn thuần chỉ là một bản chuyển hệ (port) “rẻ tiền” như cách một vài hãng đã làm khi đưa các sản phẩm của mình lên PC.

Ngoài một vài nhiệm vụ mới, nhân vật mới và khu vực mới về mặt nội dung, đáng quan tâm nhất là đội ngũ phát triển đã cải thiện rất nhiều về mặt hình ảnh khi cho phép trò chơi hoạt động ở độ phân giải 4K, hỗ trợ HDR với lượng vân bề mặt “siêu nét” được cập nhật đầy đủ, biến trò chơi thành một con “quái vật dung lượng” lên đến 150GB.

Nặng là thế, nhưng với đầy những lỗi trong ngày đầu ra mắt khiến cho Red Dead Redemption 2 trên PC còn “sát thủ phần cứng” hơn cả một Metro: Exodus ứng dụng “ngồn ngộn”, thậm chí trò chơi còn nặng đến nỗi các card đồ họa xử dụng chip xử lý “đỉnh” nhất hiện nay là RTX 2080 Ti cũng phải chào thua ở mức thiết lập cao nhất và độ phân giải 4K.

Rất may mà các bản cập nhật sau đó đã kéo trò chơi “về lại với trần thế”, khiến cho các máy cấu hình trung bình cũng có thể “gánh” nổi trò chơi ở các mức thiết lập nhất định, điều này khiến cho Red Dead Redemption 2 trên PC hoàn toàn xứng đáng là một phép thử có độ phổ biến rộng rãi dành cho máy có cấu hình từ trung bình đến “đỉnh cấp”.

Game Benchmark

Để chạy được trình Benchmark tích hợp:

  • Vào trình đơn (menu) – Settings – Graphics

Từ đây, người chơi có thể thay đổi các thiết lập sao cho phù hợp và thử nghiệm “nóng” bằng trình benchmark chỉ với một nút X.


GAME BENCHMARK NÀO BẠN MUỐN THỬ SỨC?

Các Game Benchmark kể trên đã được nhóm thử nghiệm của Vietgame.asia sử dụng trong việc kiểm tra và thử nghiệm các sản phẩm phần cứng trong vòng một năm qua, nhưng chắc chắn bạn đọc cũng có những “ứng cử viên” của riêng mình.

Hãy chia sẻ với Vietgame.asia những game mà bạn đã thử nghiệm, không có trong danh sách trên qua bình luận dưới đây. Chúng tôi sẽ cập nhật và đưa chúng vào trong nhóm các sản phẩm dùng để thử nghiệm phần cứng trong thời gian tới!