Skip to content

Uncharted 4: A Thief’s End – Đánh Giá Game

Uncharted 4

Uncharted 4Vận may của một người liệu sẽ tự tìm đến hay chính anh ta phải cất công đi tìm kiếm nó?

Liệu rằng không có nó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn hay mang tới nhiều rắc rối hơn?

Đó cũng là câu hỏi thú vị mà Uncharted 4: A Thief’s End mong muốn chúng ta khám phá, trải nghiệm trong chuyến hành trình cuối cùng của gã thợ săn kho báu nổi tiếng: Nathan Drake.

Cùng quay ngược dòng thời gian đôi chút, dòng game Uncharted là một cái tên quen thuộc trong làng game thế giới.

Nhất là Uncharted 2: Among Thieves khi mang lại thành công vang dội cho hãng game Naughty Dog.

Sau thành công của bộ ba Uncharted trên PS3 năm xưa, cũng như trò chơi nức tiếng khi ấy: The Last of Us, vào một ngày đẹp trời nọ, bất ngờ Naughty Dog công bố về sự hiện diện của bản Uncharted mới thông qua một đoạn “teaser” (phim) ngắn.

Được nhà phát triển hứa hẹn là phiên bản cuối cùng của dòng game nổi tiếng độc quyền cho PS4.

Thế nhưng, con đường phát triển của Uncharted 4: A Thief’s End lại không mấy suôn sẻ!

Nào là việc game “downgrade” (giảm thiểu) đồ họa, cho tới lời hứa hẹn trò chơi sẽ hoạt động ở mức 1080p 60fps (khung hình trên giây) nhưng rốt cuộc lại trở thành 1080p 30fps, hay đỉnh điểm hơn là sự ra đi của rất nhiều cựu thành viên của Naughty Dog, cũng như là người góp nên sự thành công của dòng game Uncharted: bà Amy Hennig.

Với nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình phát triển cũng như “gạch đá” từ một số bộ phận game thủ trên thế giới, sự kì vọng xen lẫn lo lắng của người chơi dành cho Uncharted 4: A Thief’s End ngày càng tăng cao.

Sau một thời gian tung ra nhiều đoạn giới thiệu lối chơi, cùng nền đồ họa không thể nào tốt hơn dành cho cấu hình PS4 đã có dấu hiệu chững tuổi, ngày Uncharted 4: A Thief’s End ra mắt đã đến.

Liệu rằng Uncharted 4: A Thief’s End có làm sống lại thời kì huy hoàng của dòng game hay không?

Liệu rằng game có đáp ứng được sự mong mỏi chờ đợi của game thủ ưa phiêu lưu hay không?

Liệu rằng game có vượt qua được 4 “cái bóng” đã quá đỗi xuất sắc của chính mình hay không?

Để giải đáp được gút mắt đấy, mời các bạn cùng “vượt qua” hàng chữ đánh giá của Vietgame.asia nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Chuyến hành trình “cuối cùng” đầy cảm xúc!

Uncharted 4: A Thief’s End lần này mang người chơi đến với một góc nhìn “mới lạ”: cuộc sống bình dị của Nathan Drake.

Giờ đây, Nathan đã có việc làm ổn định cùng một gia đình êm ấm. Vào một buổi chiều nọ, khi đang “phát ngán” với đống giấy tờ, bất ngờ một vị khách không mời xuất hiện, mà chính anh cũng rất ngạc nhiên!

Đó là sự trở lại của nhân vật được cho là “đã chết từ nhiều năm trước”: Sam – anh trai của Nathan.

Và đương nhiên, đây không chỉ đơn giản là sự tái ngộ giữa hai anh em, mà sâu xa hơn, là những tiềm tàng nguy hiểm khác, mà chính Nathan sẽ phải đấu tranh trong suốt cuộc hành trình bất đắc kì tử, để bảo vệ an toàn cho gia đình của anh.

Một lần nữa, Nate (tên gọi thân mật của Nathan) phải dấn thân vào cuộc hành trình truy tìm kho báu bị mất tích của thuyền trưởng Henry Avery, mà theo lời Sam, số tiền kếch xù từ kho báu ấy sẽ giúp anh ấy được tự do.

Và thế là câu chuyện chính thức bắt đầu!

Ở lần trở lại này, Uncharted 4: A Thief’s End đã trưởng thành hơn trong phong cách dẫn truyện, ngày càng “gần gũi” hơn với những thể loại phim Hollywood “bom tấn” như dòng phim Indiana Jones, hay phim hoạt hình The Adventures of Tintin.

Quá khứ – hiện tại, cứ thế xâu chuỗi với nhau thành một mạch truyện phức tạp, sâu sắc đi cùng với những rắc rối mới, không phải chỉ từ sự khó khăn trong hành trình mà còn đến từ những người đồng hành, từ những bộn bề trong những mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau.

Xuyên suốt chiều dài của Uncharted 4: A Thief’s End, bạn như được thưởng thức một bộ phim thật sự. 

Từ cách lựa chọn bối cảnh, tình huống cho tới những lời nói, câu thoại, cử chỉ đều bộc lộ nên cảm xúc của nhân vật.

Đan xen những tình tiết hành động nghẹt thở vốn phải có của dòng game đều được gọt dũa cẩn trọng và tinh tế, Naughty Dog “học tập” từ The Last Of Us, mang cảm xúc vào sâu từng tình tiết một, từng câu thoại một, lột tả mạnh mẽ tâm lý của các nhân vật.

Uncharted 4: A Thief’s End có lẽ là cái kết hay nhất cho toàn bộ dòng game nói chung, và Nathan Drake nói riêng. Một cái kết mà ở đó, nó không nhất thiết phải hoàn hảo, nó không nhất thiết phải buồn thảm

Lượng nội dung, nội tâm của từng cá nhân được Naughty Dog khai thác sâu hơn tất cả những phiên bản trước, dàn trải và có phần nặng nề, nên đâm ra những chương đầu của Uncharted 4: A Thief’s End khá dài và chậm rãi… (chiếm khoảng 30% thời lượng game)

Và cái hay của chuyến phiêu lưu kì này, chính là sự khắc hoạ rất sâu sắc trong hình ảnh gia đình, tình cảm anh em, vợ chồng được diễn ra xuyên suốt chiều dài của game.

Chuyến phiêu lưu tìm kho báu của hải tặc khét tiếng Henry Avery chỉ là một cái cớ, là một lớp vỏ ngoài để được lột ra dần dần, nhằm khắc hoạ tính nhân văn cùng những bài học về cuộc sống của game.

Cốt truyện của Uncharted 4: A Thief’s End sẽ không được lột tả đúng mức, nếu không thể không nhắc tới những người bạn đã cùng Nathan “vào sinh ra tử” trong các cuộc hành trình trước kia.

Tuy nhiên, phiên bản này chỉ đánh dấu sự trở lại của hai nhân vật, đó là cô nàng phóng viên thông minh, tài năng và cũng là vợ của Nathan – Elena, và ông bạn già chí cốt Sully.

Tình tiết trong câu chuyện được “xoáy” mạnh vào tình cảm gia đình (như người viết có nói ở trên), thế nên người chơi sẽ được gặp những trường đoạn tưởng chừng “rất đời thường” nhưng để lại ấn tượng rất mạnh mẽ, hay những câu nói khiến người chơi suy nghĩ về những tham vọng, sự mùi mẫn, thấm buồn đâu đó. 

Nhờ thế, Uncharted 4: A Thief’s End tồn tại một mặt rất sâu sắc thông qua những phân đoạn buồn bã, im lặng, nước mắt, cười đùa một cách luân phiên và chân thật nhất có thể trong chuyến hành trình cuối cùng này.

Tựu chung, khi nhìn lại cả một quãng hành trình mà Nathan đi qua, Uncharted 4: A Thief’s End có lẽ là cái kết hay nhất cho toàn bộ dòng game nói chung, và Nathan Drake nói riêng. 

Một cái kết mà ở đó, nó không nhất thiết phải hoàn hảo, nó không nhất thiết phải buồn thảm, mà cái kết ở đây sẽ gợi nhớ lại những gì người chơi đã cùng trải qua theo bước chân của Nathan, theo những cung bậc cảm xúc mà dòng game mang đến cho người hâm mộ, hay kể cả những người chơi cũ (không hẳn là fan) trước đây.

Naughty Dog đã dành trọn những gì tinh túy nhất trong bộ óc thiên tài của hãng, cho câu truyện cuối cùng này.


Giữ vững sở trường, leo trèo “lên ngôi”!

Câu truyện của Uncharted 4: A Thief’s End sẽ không được “thổi hồn” nếu thiếu đi một nền tảng lối chơi tốt! 

Không làm fan thất vọng, Uncharted 4: A Thief’s End vẫn đem đến những tinh tuý của dòng game, chỉ khác ở chỗ chúng được trau chuốt lại, chỉnh trang lại và đòi hỏi việc áp dụng kĩ năng của người chơi ở gần như mọi lúc, mọi nơi nếu muốn qua màn trót lọt.

Đầu tiên là những màn hành động, Uncharted sẽ không phải là Uncharted nếu thiếu đi những trường đoạn “bom bay, nhà đổ, cháy nổ tá lả” trong màn chơi, nhưng điều đáng nói ở đây, là những pha “phá phách” trong game đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều, mang tính chất khá tự nhiên nhưng cũng đầy thử thách, đôi lúc gây khó dễ cho người chơi, buộc bạn phải tập trung hơn nếu không muốn “rơi hố” và bắt đầu lại ở điểm lưu tạm (checkpoint) trước.

Cường độ và độ hoàng tráng của chúng cũng tăng dần, đi kèm với nhiều yếu tố gây bất ngờ đầy căng thẳng!

Kế đến, A.I của địch tỏ ra thông minh và chân thật hơn rất nhiều so với các phần trước. Ở mức độ Hard, kẻ địch sẽ biết tạo ra thử thách và căng thẳng bằng nhiều cách.

Chúng biết ném bom để “moi” người chơi ra khỏi chỗ núp, kết hợp với lính cầm shotgun càn quét hỗ trợ.

Người chơi vừa mới chạy ra khỏi chỗ núp là lính khác sẽ xông ngay tới với làn đạn dày đặc, còn không thì… lén chạy ra sau lưng người chơi để đánh lén, hoặc ôm cổ sau lưng để lính khác bay tới sẵn sàng “làm thịt”!

Đôi khi game còn có vài yếu tố bất ngờ như kéo cổ chúng rơi xuống vực, đột nhiên chúng bám lấy chân của Nathan hòng “chết chùm”.

Lượng lính xuất hiện trong một màn chơi cũng nhiều hơn so với những cấp độ thấp khác.

Và yếu tố lén lút cũng có “đất diễn” hơn ở Uncharted 4: A Thief’s End kì này.

Học tập từ các trò chơi lén lút khác, Nathan có thể trườn người dưới lùm cỏ cao, rậm rạp hoặc “phi thân” từ trên cao bay xuống đập vàp mặt đối thủ rồi nhanh chóng lẩn vào bụi cây hoặc các gờ vực, chỗ núp mà địch không nhìn thấy được.

Ngược lại, máy được “trang bị” hệ thống cảnh báo nếu phát hiện sự nghi ngờ, những ai đã chơi qua các game hành động lén lút như Hitman, Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist hay Metal Gear Solid V: The Phantom Pain hẳn sẽ không lạ gì!

Hệ thống cận chiến của Uncharted 4: A Thief’s End được tân trang lại, việc “xuất quyền tung cước” có nhịp độ cao hơn nhưng lại khó thuần phục hơn, do quân lính cũng biết đánh trả và mỗi lần đang bị địch chặn đường đánh, người chơi sẽ không còn được “slow motion” để ấn nút né nữa, buộc bạn phải có phản xạ nhanh để thoải mái hơn khi đánh cận chiến.

Chưa kể tới những phối hợp tay đôi khi rơi vào những tình huống cần “động tay, động chân” và theo người viết thấy, việc bỏ qua những trận đấu “duel” so với phiên bản trước là điều cần thiết – ngoại trừ một vài chương ban đầu do đang trong phần giới thiệu căn bản nên buộc phải “duel” thôi!

Một trong những yếu tố mới góp mặt trong Uncharted 4: A Thief’s End là “ngôi sao” đu dây! Phần lớn thời lượng leo trèo trong game đều có sự hiện diện của đu dây.

Thậm chí, cả việc thiết kế màn chơi cũng cố tình tạo ra rất nhiều tình huống cần phải có “đu dây”!

Cũng phải, game hành động săn tìm kho báu mà thiếu vắng sợi dây để leo trèo, mãi cho tới phần cuối mới có quả là kỳ quặc nhỉ?

Đu dây trong game không chỉ đơn thuần là giúp dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác mà đôi khi chúng khá hữu dụng trong cả cận chiến.

Cụ thể là bay dây phóng tới né bom, rồi gần tới chỗ địch thì phóng tới hạ một cú đấm trời giáng “đau điếng” lên mặt tên địch xấu số, hoặc vừa đu dây vừa xả đạn!

Ngoài yếu tố đu dây, thì người chơi còn gặp thêm yếu tố “trượt” ở những dốc nghiêng xuyên suốt game, xuất hiện khá nhiều trong Uncharted 4: A Thief’s End.

Ở một vài màn chơi có địch, thì những dốc nghiêng này giúp người chơi trong việc trượt xuống để di chuyển sang vị trí khác.

Vừa trượt vừa bắn, sau đó nhảy ném dây đu sang khu vực nọ, nhanh chóng núp vào lùm cây, hoăc có khi nhìn thấy một tên lính nào đó đang bất cẩn, mà chúng lại đứng gần dốc nghiêng.

Người chơi có thể lại, đạp vào… mông chúng và tiễn ngay xuống vực!

Tuy vậy, thực chất những dốc trượt này chủ yếu là để… làm khó người chơi, đồng thời tạo ra sự đa dạng trong sự “nguy hiểm”, thử thách hơn để người chơi đối mặt.

Và tương tự như đu dây, những trường đoạn “đậm chất Hollywood” cũng có sự xuất hiện của những đoạn trượt, một phần tạo nên cảm giác gấp gáp, một phần khác làm tăng sự đa dạng trong các tình huống xử lý trong Uncharted 4: A Thief’s End.

Uncharted 4: A Thief’s End vẫn đem đến những tinh tuý của dòng game, chỉ khác ở chỗ chúng được trau chuốt lại, chỉnh trang lại và đòi hỏi việc áp dụng kĩ năng của người chơi ở gần như mọi lúc, mọi nơi

Và đương nhiên, Uncharted 4: A Thief’s End cũng không thể nào bỏ quên một thứ rất là quan trọng mà thể loại phiêu lưu hành động luôn luôn phải có dù ít hay nhiều, đó chính là giải đố! 

Ở những phân khúc đầu, chúng đơn giản chỉ là những màn “dạo chơi”, như một sự hướng dẫn nhẹ nhàng để người chơi hiểu được lối chơi chính của Uncharted 4: A Thief’s End.

Về sau, đặc biệt ở màn Madagascar, thì người chơi mới cảm nhận được sự trau chuốt tỉ mỉ mà Naughty Dog mang tới cũng như việc họ cố gắng “cách tân” và đổi mới trong việc thể hiện các câu đố.

Ví như đan xen các đoạn cắt cảnh hoặc thể hiện những gợi ý nhằm giúp đỡ người chơi khá là đa dạng, việc giải chúng đôi khi phải đòi hỏi nhanh tay, khéo léo, hay phải suy nghĩ, ngẫm nghĩ khi vừa nhìn hình, vừa nhìn câu đố để giải.

Về mặt giải đố, Uncharted 4: A Thief’s End cũng khá đa dạng khi thì áp dụng cơ chế vật lý, khi thì vận dụng ánh sáng, hiệu ứng nước… tương tự phiên bản thứ 3 của dòng game. 

Độ khó của chúng cũng chỉ nằm ở mức vừa phải, dễ dàng suy luận nếu bạn là một người đã quá rành về việc giải đố.

Còn với những game thủ còn chập chững hoặc không thích giải đố thì mảng này của Uncharted 4: A Thief’s End cũng mang tới kha khá thử thách đấy!

Lối thiết kế màn chơi lần này của Uncharted 4: A Thief’s End có quy mô lớn hơn nhiều so với các bản trước.

Người chơi muốn đu dây từ chỗ này qua chỗ kia? Ok!

Hay chỉ đơn thuần là muốn trèo thôi cho nó “classic”, cũng có luôn! 

Hầu hết các màn đều cho phép người chơi có nhiều phương án để tiếp cận mục tiêu, nhưng đương nhiên vì Uncharted 4: A Thief’s End không phải là một game thế giới mở hoàn toàn, nên đằng nào người chơi cũng chỉ có một đích đến mà thôi (cho dù có bao nhiêu ngã rẻ đi chăng nữa).

Có thể nói, sự thay đổi nhỏ này cũng mang lại được sự thoải mái cho người chơi.

Việc tìm đường của game cũng khó khăn hơn do màn chơi rộng lớn hơn nhiều.

Cũng vì vậy, nên lần đầu tiên trong lịch sử dòng game, Nathan Drake đã có thể… lái xe một cách thoải mái!

Những phân đoạn sử dụng chiếc xe Jeep để di chuyển cũng rất là thú vị nhờ vào độ phản hồi của xe tốt, tăng phần sảng khoái khi ngao du trong các màn chơi tuyệt đẹp và ngoạn mục của game.

Học tập từ những phiên bản trước cũng như những trò chơi cùng thể loại, Uncharted 4: A Thief’s End tiếp tục mang tới những kho báu ẩn xuyên suốt màn chơi rộng lớn của mình.

Chưa kể, còn có thêm các tập tài liệu (“document” – có lẽ học tập từ Tomb Raider 2013), và các đoạn hội thoại ẩn (chúng chỉ xuất hiện trên đầu các NPC và được kích hoạt khi ấn nút tam giác ở những phân đoạn nhất định). 

Tuy nhiên, khác với Tomb Raider 2013 và Rise of the Tomb Raider, các văn bản trong Uncharted 4: A Thief’s End cung cấp một kho tư liệu đúng nghĩa về cuộc hành trình mà Nathan đang đi.

Không phải chỉ là những dòng tâm tư của một tên địch nào đó “vô tình” để lại lai rai một cách khá là vô lý như Tomb Raider 2013, những tư liệu này có thể được tìm thấy ở một đống tro tàn, ở trong hang động bí ẩn nào đó dưới thác nước, hay đôi khi ở một bộ xương cổ xưa nào đó trong màn chơi.

Chúng được đặt khá hợp lý, tự nhiên và đòi hỏi người chơi phải tinh mắt chút, và việc tìm kiếm chúng sẽ giúp “mở khóa” các trang phục mới, các “concept art” (ảnh phác thảo) hoặc các “filter” (chế độ hình ảnh) để nghịch ngợm trong game…

Yếu tố khá kích thích này phần nào làm gia tăng giá trị chơi lại của game cũng như sự hài hước mà chúng mang lại.

Bạn có thích cho Nathan mặc đồ lặn, bắn súng ở vùng Madagascar không? 

Hoặc nghịch ngợm hơn với chế độ “Cel-shading” và “Bullet Mode”, làm game trở nên trông như một Borderlands 2 kết hợp với khả năng bắn súng làm chậm thời gian của Max Payne, biến Uncharted 4: A Thief’s End thành “Uncharted: The Max Borderland”!


Uncharted 4: A Thief's End - Đánh Giá Game

Chuyến “dã ngoại” vĩ đại nhất của dòng game!

Có cảm giác, ở phần bốn và cũng là cuối cùng của dòng game này, Naughty Dog đang có ý định “thử nghiệm” game thế giới mở cho tương lai chăng?

Bằng chứng là xuyên suốt game, họ không ngừng “phô diễn” RẤT NHIỀU các khung cảnh rộng lớn vô cùng chi tiết và mãn nhãn! 

Những màn chơi ở Scotland băng giá, ở Madagascar đầy nắng, gió và biển nước mênh mông là các minh chứng tuyệt vời nhất mà Uncharted 4: A Thief’s End mang tới cho người chơi thưởng lãm và chúng gần như “vắt kiệt” tài nguyên của PS4!

Không thể không kể đến hai hiệu ứng cực kì quan trọng, góp phần lớn tạo nên những khung cảnh kỳ vĩ, hùng tráng của game: ánh sáng và đổ bóng.

Ở rất nhiều khung cảnh, gần như không thể phân biệt được giữa game và đời thật nhờ ứng dụng quá tốt hai hiệu ứng trên!

Uncharted 4: A Thief's End - Đánh Giá Game

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của những hiệu ứng “nhỏ mà có võ”, phổ biến hiện nay như Ambient Oclusion (đổ bóng giả), Anti-Aliasing (khử răng cưa), Depth of Field (độ sâu trường ảnh), khả năng vận dụng Draw Distance (tầm nhìn xa) nhằm hạn chế hết mức việc bất thình lình xuất hiện vật thể ở xa để mang lại “bữa tiệc” hình ảnh đặc sắc, khó phai nơi người chơi…

Nói về mặt đồ hoạ của Uncharted 4: A Thief’s End thì phải nhắc đến hiệu ứng vật lý, góp phần ấn tượng, chân thật cho mảng hành động của game.

Ví như khi người chơi bắn trúng một tên lính, bắn trúng vai trái thì chúng sẽ bị đẩy sang một bên, hoặc khi nhân vật bước vào những tán cỏ lớn, chúng sẽ tự động “rẽ” ra. Chúng bị tác động bởi mọi vật tương tác vô nó, từ các nhân vật đồng hành, lính gác, xe cộ, hay rõ ràng nhất là bạn hãy thử… ném bom vào cỏ rồi sẽ thấy! 

Ngay cả một mảnh vỡ nhỏ văng trúng Nathan, cũng bị chặn lại chứ không xuyên qua Nathan!

Hiệu ứng vật lý ở Uncharted 4: A Thief’s End còn được thể hiện rõ nét hơn, như ở một phân đoạn lái xe rung lắc qua lại và đụng phải một tảng đá, các nhân vật đó sẽ bị dội ngược mạnh gần sát như thực tế và đều bị “giật lắc” khác nhau tùy vào vị trí của họ.

Chưa kể, hiệu ứng nước và lửa của Uncharted 4: A Thief’s End đều có thể sánh ngang với những trò chơi có hiệu ứng khủng thuộc hàng “top” hiện nay như Just Cause 3 hay Grand Theft Auto V.

Uncharted 4: A Thief's End - Đánh Giá Game

Naughty Dog đang có ý định “thử nghiệm” game thế giới mở cho tương lai chăng? Bằng chứng là xuyên suốt game, họ không ngừng “phô diễn” RẤT NHIỀU các khung cảnh rộng lớn vô cùng chi tiết và mãn nhãn!

Về mặt cảm quan hình ảnh, Uncharted 4: A Thief’s End đã làm quá tốt. Thế còn yếu tố khác?

Đầu tiên là game chạy ở độ phân giải Full HD (1080p) với tốc độ khung hình 30fps (như đề cập đầu bài). Và ngạc nhiên thay, cho dù trận đấu súng có đầy rẫy khói lửa khủng khiếp với tần suất diễn ra “ngộp thở” với các hiệu ứng khói, ánh sáng hay một màn chơi nào đó có mật độ dân cư đông, game vẫn không “rơi” một tí khung hình nào!

Chưa hết ngạc nhiên vì nền đồ hoạ chi tiết, ổn định, thì diễn hoạt và biểu cảm khuôn mặt của Naughty Dog dành cho Uncharted 4: A Thief’s End đích thị là hàng cao cấp nhất hiện nay!

Biểu cảm gương mặt chính là điểm sáng lớn nhất giúp cho những phân đoạn cắt cảnh trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết. 

Nếu như bạn đọc từng cảm thấy ngạc nhiên trước biểu cảm của các nhân vật trong L.A Noire hay biểu cảm quá ư là “kawaii” của nàng Lara Croft trong Rise of the Tomb Raider, thì Uncharted 4: A Thief’s End – theo cá nhân người viết, còn làm tốt hơn thế!

Uncharted 4: A Thief's End - Đánh Giá Game

Còn mảng âm thanh và lồng tiếng thì sao?

Nếu bạn từng là một fan kinh điển của dòng game hay là người theo dõi từng tin tức trong quá trình sản xuất của Uncharted 4: A Thief’s End, thì chắc chắn bạn sẽ biết được sự đầu tư một cách công phu dành cho nó.

Tất cả các bản nhạc nền đều làm ta gợi nhớ tới những bài nhạc hùng tráng của các bộ phim cướp biển, được lồng ghép đúng thời điểm cần đưa và đẩy mạnh cao trào!

Phần âm thanh môi trường và nhạc nền của Uncharted 4: A Thief’s End đã làm tốt, thì chẳng có lí do gì mà phần lồng tiếng bị làm ngơ cả!

Uncharted 4: A Thief's End - Đánh Giá Game

Có khi bạn cũng chả cần xem hình, cũng “thấy” được cảm xúc nhân vật thông qua lời nói, hội thoại mà nhân vật nói chuyện qua lại với nhau.

Lúc nhân vật đang nói chuyện, bỗng người chơi làm một cái gì đó để ngắt quãng thì họ sẽ dừng lại không nói nữa cho đến khi người chơi… “hết làm phiền”, thì nhân vật chính của chúng ta tự gợi lại cho NPC nói tiếp. Khá là thú vị đấy chứ!

Tóm gọn lại rằng, “bữa tiệc” hình âm mà Uncharted 4: A Thief’s End là minh chứng cho khả năng tài ba của Naughty Dog trong việc tối ưu đến mức vận dụng toàn bộ sức mạnh của PS4!

Dẫu cho tin đồn “downgraded” (giảm chất lượng) là sai hay đúng thì với mặt hình ảnh hiện nay mà Uncharted 4: A Thief’s End mang tới là không thể tin được!

BẠN SẼ GHÉT

Mém tí hoàn hảo!

Khuyết điểm đầu tiên phải kể đến đó chính là… cốt truyện chưa được ổn định!

Có lẽ vì bị ảnh hưởng quá nhiều, cũng như do cố gắng mang âm sắc của The Last of Us, nên sự dàn trải và phân bố tình tiết hơi bị xao lãng khá nhiều, khiến mạch truyện diễn ra tương đối bất ổn định, không nhịp nhàng ở vài chương, có thể khiến người chơi khó chịu.

Ngoài ra, Uncharted 4: A Thief’s End kì này không còn hành động dồn dập như ba phần trước, đôi lúc làm người chơi cảm thấy hụt hẫng rất nhiều!

Tiếp đến là sự thiếu vắng của một tính năng đáng lẽ phải có khi người chơi “ham muốn” lén lút hạ thủ: ném đồ vật sang chỗ khác để làm phân tán địch.

Thật ra thì người chơi có thể ném… bom để dụ địch “ồ” lên trong chốc lát để tranh thủ di chuyển sang chỗ núp khác, nhưng như vậy thì còn gì là “lén lút” nhỉ?

Trí thông minh nhân tạo (A.I) của trò chơi cũng mắc phải vài thiếu sót.

Tuy lính có thông minh hơn nhưng chưa đủ thuyết phục cho lắm khi người chơi chuyển sang chế độ lén lút.

Chúng còn khá dễ dàng “thả lỏng” cho người chơi khi không truy đuổi gay gắt, dễ dàng “làm ngơ” khi vô tình thấy người chơi!

Ví dụ như khi người viết vừa hạ một tên địch, tên lính ở gần chợt “chuyển vàng”, tức là chúng đang nghi ngờ.

Nếu người chơi không động thủ, núp kỹ càng một chút thì thay vì truy lùng, hoặc tìm hiểu thì hắn chỉ: “Có lẽ mình nhìn nhầm thôi!” và chấm hết!

Lính tráng gì mà ngây ngô quá nhỉ? 

Chỉ hiếm lắm trong vài tình huống, chúng mới cử đồng đội đi khám nghiệm thử, chứ trong phần lớn thời gian, kẻ địch đều dễ dàng bỏ qua khi nghi ngờ.

Khuyến điểm còn lại nằm ở mảng giải đố trong Uncharted 4: A Thief’s End: những màn giải đố chưa đủ thử thách và “phê” như phần ba từng mang lại bởi trong các phần cũ, người chơi không chỉ dừng lại ở bay nhảy, suy nghĩ, mà còn vận dụng ánh sáng, góc nhìn để giải đố nữa.

Ngược lại, chưa có câu đố nào trong Uncharted 4: A Thief’s End khiến người viết tốn quá… 2 phút để giải.

Nhưng có lẽ cũng khó trách, vì dòng game Uncharted luôn chú trọng vào hành động, ít giải đố.

Nhưng nếu quả thật so sánh với phần ba, thì mảng giải đố của Uncharted 4: A Thief’s End có phần thụt lùi.

Một vài khuyết điểm nhỏ khác như loại bỏ việc “duel” vô duyên khi chiến đấu trong phần ba, nhưng nếu rơi vào tình huống định sẵn của diễn biến cốt truyện thì người chơi có cố mấy cũng phải chuốc lấy bực bội.

Trong tình huống đánh nhau với nữ phản diện Nadine, người chơi hầu như không thể đánh đấm được vì… tất cả đã được định sẵn hết!

Rất ức chế!

Và còn một tính năng bỏ uổng khác mà Naughty Dog từng giới thiệu, đó là lựa chọn hội thoại ở một vài phân đoạn trong chuyến hành trình của Uncharted 4: A Thief’s End tuy có khác đi tùy vào lựa chọn của người chơi, nhưng chúng thật ra chẳng có tác động gì tới cốt truyện cả.

Phải chăng, Naughty Dog cũng đang thử nghiệm nhằm cho “ra lò” một tựa game nhập vai thế giới mở nào đó chăng?

Khuyết điểm đầu tiên phải kể đến đó chính là… cốt truyện chưa được ổn định

Vàng 9.5

Uncharted 4: A Thief's End còn đó những thiếu sót và về mặt dàn trải tình tiết ở những chương đầu chưa được tốt lắm.
Nhưng tựu chung, đây đích thị là một trong những trò chơi phiêu lưu, hành động có chất lượng xuất sắc nhất ở thời điểm hiện tại, bên cạnh dòng game Tomb Raider lẫy lừng.
Với phong cách thiết kế lối chơi đa dạng hơn, phong cách kể chuyện có chiều sâu, nền tảng đồ hoạ và âm thanh, lồng tiếng cực kì hoàng tráng, mĩ mãn mà không kém phần "mùi mẫn", ắt hẳn, nếu bạn là một người sở hữu PS4, việc "rinh" về Uncharted 4: A Thief's End là không thể tránh khỏi! Thật đấy!
Chưa kể, đây còn là một cái kết trọn vẹn nhất, xuất sắc nhất dành cho dòng game danh tiếng này.

Thông tin

  • Uncharted 4: A Thief's End
  • Nhà phát triển
    Naughty Dog
  • Nhà phát hành
    Sony
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    10/05/2016
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SONY COMPUTER ENTERTAINMENT ASIA. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.

Thảo luận