Skip to content

Wasteland 3 – Đánh Giá Game

Wasteland 3 – Vào ngày 21/9/2020, Microsoft chính thức mua lại Zenimax Media, công ty mẹ của Bethesda Softworks, với giá 7,5 tỷ USD. Giữa những tràng “đoán già, đoán non” về số phận của các sản phẩm từ Bethesda, không ít người chỉ ra rằng Fallout có vẻ sẽ được “cứu sống” khi nó giờ đây nó gần với những người “cha đẻ” chính gốc của nó tại Obsidian Entertainment/cựu Interplay, hệt như cặp số 7 – 5 và 8 – 4 chỉ cách nhau một đơn vị.

Thế nhưng, người viết thật sự băn khoăn về cảm nghĩ của Brian Fargo – cựu sáng lập của hãng Interplay, sau thương vụ này.

Khi thương hiệu Wasteland “trôi theo mây gió” để rồi dẫn đến sự hình thành của Fallout, ông thành lập lên “hội tha hương nhân” inXile Entertainment để tìm kiếm những hướng đi mới, và rồi định mệnh cũng đưa họ đoàn tụ với chính Wasteland. Thế nhưng, được đa số fan cho là tựa game yếu nhất trong “tam trụ khởi nguyên” của thể loại cRPG (game nhập vai cổ điển) vào năm 2014, Wasteland 2 đánh dấu tham vọng tìm lại hào quang không thật sự thuyết phục của Brian Fargo và inXile Entertainment, đặc biệt khi hai dự án tiếp theo của hãng – Torment: Tides of NumeneraThe Bard’s Tale IV, theo ý kiến khiêm nhường của người viết, thật sự đáng thất vọng!

Vậy mà, họ lại không ngừng chùn bước.

Wasteland 3 là tựa game cuối cùng mà inXile sản xuất độc lập, đánh dấu cho nỗi hoài nghi lớn về nguy cơ rằng: hãng có thể sẽ từ biệt thể loại cRPG khi mà giờ đây Microsoft quyết định họ sẽ làm gì trong tương lai.

Kết quả? Wasteland 3: Director’s Cut có thể sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho ngôi vị cRPG xuất sắc nhất trong năm 2021 bên cạnh Baldur’s Gate 3!

BẠN SẼ THÍCH

THÁNH CHIẾN CA CỘNG HÒA

Những giây phút đầu tiên của Wasteland 3 mang lại khoảnh khắc “culture shock” thật sự!

Không cát sa mạc, không cỏ xanh bên vệ đường bê tông, không đô thị đổ nát. Trò chơi xuất phát giữa mùa đông lạnh giá tại tiểu bang Colorado và khung cảnh của nó chợt làm người viết nhớ đến… Metro Exodus nhiều hơn Fallout. Điểm khác biệt là, cái sự phát triển của nền văn minh nhân loại tại Colorado lại đối nghịch hoàn toàn với nhân tính bên trong nó.

Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn viện trợ cho Arizona, tiểu đoàn November thuộc lực lượng Desert Ranger liên lạc thành công với người cầm trịch tại Colorado – Saul Buchanan. Nếu như việc y trùng họ với tổng thống Hoa Kỳ thứ 15 chưa làm bạn ngộ nhận ra, thì y có vẻ khá là độc tài, và cách trị vì của y cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều: rằng y là cứu tinh chính nghĩa của Colorado, là kẻ đang đưa vùng đất này về nấm mồ, là người đánh đổ mọi thế lực ác bá, là một kẻ dối trá trắng trợn, là người mang ơn đức đã nuôi nấng niềm hy vọng mới về một tương lai không còn máu đổ, là một con hổ móng cùn đang lay lắt chờ chết dưới tay những đứa con nhiễu ương của y!

Y còn tự xưng là “Tộc trưởng” – Patriarch. Và cây đại búa mà y luôn lăm lăm bên cạnh có kích cỡ ngang ngửa cái tôi của y. Tuy nhiên, y là người duy nhất có tiềm lực lẫn chấp nhận hỗ trợ tiểu đoàn November, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bắt tay với y nếu muốn trở về bình an, lẫn đảm bảo sự tồn vong của Arizona.

Chẳng có gì quá sức cả, y chỉ muốn chúng ta còng đầu ba đứa con ngỗ nghịch muốn tiễn ông già của chúng xuống 8 thước đất để biến Colorado thành lâu đài cát của chúng. Những con hổ con muốn thịt hổ cha, nhưng tại đây, bạn có thể lựa chọn treo đầu chúng trên tường hoặc lột da chúng.

cái sự phát triển của nền văn minh nhân loại tại Colorado lại đối nghịch hoàn toàn với nhân tính bên trong nó

Cái sự thật rằng câu chuyện chính của Wasteland 3 xoay quanh giằng xé bởi “drama gia tộc”, nói lên khá nhiều về số phận của bản thân Colorado và lăn lóc vài chục – trăm người vô tội còn nương lại.

Trong cái xứ mà những kẻ “ăn thịt người” đông hơn cả nông dân, bất kỳ ai không có khả năng tự vệ buộc phải chọn lấy một phe để giữ lấy mạng mình. Tư tưởng lệ thuộc về những tay “tộc trưởng” như Saul truyền qua nhiều thế hệ, thế nên cái nhìn trung lập của bạn sẽ ngay lập tức bị thách thức bởi vô vàn người tốt về đạo đức nhưng có lý do để ủng hộ những kẻ độc tài như y.

Saul không phải là tên bỉ ổi duy nhất mà bạn chạm trán trong Wasteland 3. Kẻ có quyền cậy thế, lực lượng trị an thì lại mục ruỗng, giáo phái cuồng tín một bức tượng máy mang hình hài của… Ronald Reagan đến mức nực cười, và cái sự gian trá lộ liễu bên trong vỏ bọc thấu cảm của những cỗ máy.

Mọi cuộc thương thảo trong Wasteland 3 là một “con dao hai lưỡi” không có cán, nếu người tốt không bỏ mạng thì kẻ xấu cũng rời đi với lời cảnh báo, nếu đứng trung lập thì lợi ích của bạn là thứ bị đe doạ.

Cái chất “xám” của Wasteland 3 không chỉ được định hình bởi bản thân những lựa chọn và các thế lực ở hai đầu của chúng.

Colorado là địa ngục trần gian, nó hoạt động theo thể chế của thời đồ đá. Nếu lảng vảng trong rừng, có lẽ bạn sẽ dễ bắt gặp nô lệ đang trốn chui nhủi hơn cả thú rừng. Những khoảnh khắc tưng tửng, cố làm cho âm hưởng hứng khởi hơn của Wasteland 3 như một tay lãnh đạo thích cosplay, Vlad the Impaler, không mang lại cảm giác về niềm hy vọng, về “trong bóng tối có ánh sáng” hay những thứ xa xỉ như thế. Chúng đơn giản là “thuốc giảm đau” dành cho câu chuyện phiếm không có punchline của một tay bợm nhậu luôn nhìn thấy những cái đầu có mắt trợn ngược, nằm lăn lóc trên mặt đất bên trong ký ức của gã.

Và đó là lý do để mà các Desert Ranger nương lại Colorado.

Wasteland 3 hàm chứa lời thoại, phe phái và NPC được viết, không quá xuất sắc, nhưng thực sự chỉn chu và đáng nhớ. Nhưng cái níu kéo người viết nhất lại là cái viễn cảnh bạo lực phóng đại vô tình tạo nên những phản ứng nhân đạo cực kỳ tự nhiên. Cho dù đó có phải là dụng ý của inXile Entertainment trong nỗ lực tạo nên một nhân dạng riêng cho dòng game hay không, thì Colorado của Wasteland 3 thực sự đáng nhận được huy chương vàng, bởi những gì mà nó thể hiện được bên trong quy mô thế giới hạn hẹp và thái độ hoài nghi của nó.

NGUYỆN CẦU BẰNG TIẾNG SÚNG BÊN DƯỚI THUNG LŨNG

Wasteland 3 đơn giản hoá khá nhiều cơ chế tiến triển nhân vật so với game tiền nhiệm, bao gồm hệ thống perk.

Đáng kể nhất là một số perk và kỹ năng chuyên môn (specialization) được gộp chung lại và phân tách dựa vào loại hình vũ khí và thuộc tính, ví dụ như Small Arms ảnh hưởng độ chính xác của súng lục và shotgun cũng như bao hàm toàn bộ các perk nhỏ của hai loại vũ khí này, hay tầm xa ném lựu đạn/các loại trang bị đặt (deployable) được gán vào Strength. Thay đổi này khiến hệ thống tiến triển nhân vật không chỉ dễ hiểu và cho phép xây dựng một nhân vật thông thạo ở nhiều mặt hơn, mà còn tránh được hiện tượng thừa mứa perk Mk1, Mk2 của Wasteland 2.

Nó không sâu và đa dạng ngang ngửa Pathfinder: Kingmaker và cũng còn tồn đọng khá nhiều lỗ hổng, nhưng nó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ở một tựa game với chiều dài khoảng 25 – 30 giờ.

Điểm nhấn lớn nhất trong lối chơi của Wasteland 3 hẳn nhiên là chiến đấu theo lượt.

Nó biểu diễn tinh thần “chất lượng hơn số lượng” trong lõi của trò chơi khi mọi loại vũ khí đều có đất diễn riêng của mình: shotgun khá yếu ở đầu game nhưng lại có các đòn tấn công đặc biệt rất mạnh mẽ và có thể phá vỡ chỗ nấp, SMG không thể tận dụng cơ chế bắn chính xác nhưng có DPS cao và đạn dược rất rẻ, LMG có thể bắn trúng hai mục tiêu ở gần nhau nhưng tiêu tốn nhiều AP nhất, vũ khí cận chiến tuỳ vào loại có thể gây chảy máu qua từng lượt (loại bén như rựa…), gây hiệu ứng “choáng” giảm AP (loại cùn hạng nặng như búa).

Có một số loại súng trông không khác súng thường nhưng có thuộc tính đặc biệt, như bắn đạn băng hoặc lửa, bắn đạn năng lượng (hoàn toàn phớt lờ chỉ số giáp), hay thậm chí là… thu nhỏ mục tiêu bị bắn trúng. Chúng còn có cả các perk phụ khá là “quái gở” nhưng ít khi vô dụng, như nạp đạn không tốn AP nếu bắn trúng mục tiêu hai lần liên tiếp trong lượt, hoặc gây thêm sát thương nếu mục tiêu đang bị cháy.

Sự đa dạng này cũng áp dụng cho lối thiết kế giáp, kết hợp đúng trang bị, perk nhân vật và gắn mod thích hợp và bạn chẳng khác gì một… chiếc xe tăng di động, hoặc miễn nhiễm với đạn năng lượng!

Wasteland 3

Nó biểu diễn tinh thần “chất lượng hơn số lượng” trong lõi của trò chơi khi mọi loại vũ khí đều có đất diễn riêng của mình

Không chỉ dừng lại ở vô vàn cách thức biến mục tiêu thành bãi bầy nhầy đỏ bằng súng ống, Wasteland 3 còn cho bạn nhiều lựa chọn hơn thế.

Bắn một con robot hoặc ụ súng vào CPU để nó bị nhiễu loạn và xả đạn vào đồng bọn trong vài lượt, bắn vào tay một thằng điên đang cầm rựa vài lần và hắn sẽ chém bạn đau như thể đang bị một cọng mỳ spaghetti quật vào mặt, hoặc dùng Animal Whisperer để dụ một con mèo gần đó… cào chết vài con ễnh ương đột biến!

Wasteland 3 cũng tiếp thu kha khá các chỉ trích về lối thiết kế các “encounter” (đụng độ) trong Wasteland 2. Tùy vào bố cục khu vực, kiểu kẻ thù và chỉ số nhân vật, người chơi có thể lén lút phá hoại một ụ súng trong căn cứ địch trước khi giao chiến, hay đặt các thành viên nhóm vào vị trí thuận tiện trước khi bị địch phát hiện.

Các chủng loại kẻ địch mà người chơi đối đầu cũng tuỳ thuộc vào phe phái, chẳng hạn như lính của Vic Buchanan dùng súng phun lửa khá nhiều, bè lũ Scar Collector ưa thích súng năng lượng và những con Sawblade, Dorsey có khá nhiều máy móc và động vật, băng đảng hề ở Bizzare hay dùng lợn đánh bom liều chết.

Người chơi hoàn toàn có thể lập ra kế hoạch đối phó dễ dàng do luôn ở thế chủ động. Tuỳ vào khu vực mà có thể tận dụng bẫy treo, hay thậm chí nếu bắn nhau ở lối vào của khu vực, một vài pha… nhuộm đỏ mặt đất từ chiếc xe Kodiak sẽ cho bạn ưu thế không thể nào tuyệt vời hơn.

BẠN SẼ GHÉT

Wasteland 3

SỰ HY SINH CỦA BẦY CỪU

Phải bắt đầu từ đâu với số lượng khuyết điểm vô vàn của Wasteland 3?

Mặc dù người viết hài lòng với mật độ trải nội dung của Wasteland 3 (đặc biệt khi so với số lượng các trận đánh dài, lâu và siêu tốn thời gian vô ích của Wasteland 2), trò chơi thực sự vẫn đang thiếu thốn tầm… 30% lượng nội dung nữa mới thực sự mang lại cảm giác hoàn chỉnh.

Trò chơi chỉ có ba khu vực trung tâm chính: Colorado Springs, Bizarre và Denver. Toàn bộ chương 1 và tầm nửa chương 2 tập trung nhiều ở Colorado Springs cùng các thị trấn con của nó (Ranger HQ cũng nằm tại đây). Bizarre có quy mô tương đối nhưng chuỗi nhiệm vụ chính thực ra không nhiều, và Denver thì không chỉ nhỏ mà còn có số lượng nhiệm vụ phụ đếm trên đầu ngón tay.

The Gipper được xem là một trong những phe phái chính của game và cư ngụ tại Denver, nhưng tổng hành dinh của giáo phái này chỉ nằm gọn trong vỏn vẹn 3 – 4 căn phòng, 2/3 còn lại của Denver được chia cho khu vực riêng của Machine Commune và một loạt các điểm chiến đấu với phe Godfisher. Nó không thể hiện được sức ảnh hưởng của The Gipper, cũng như phô bày sự thật rằng Colorado trong Wasteland 3 thật ra bé nhỏ hơn nhiều so với mô tả của NPC hay từ những trang giấy mà bạn mò đọc được.

Dĩ nhiên, cũng giống như một số game cRPG trong những năm gần đây, 1/3 cuối cùng của Wasteland 3 được thiết kế cực kỳ… chắp vá. Sau khi hoàn thành tuyến truyện Aspen, bạn sẽ chỉ còn có 2 hoặc 3 nhiệm vụ phụ ở phía Tây và game sẽ đốc thúc bạn đối mặt với Liberty Buchanan để nhanh chóng hoàn thành game. Mặc cho lựa chọn cuối cùng được thể hiện bài bản dựa vào danh tiếng của bạn đối với các phe phái ở Colorado, câu chuyện dẫn đến thời điểm đó được diễn giải khá hời hợt, cũng như cho người chơi ít cơ hội thử nghiệm những loại vũ khí mạnh mẽ tìm được trong giai đoạn “endgame” (kết thúc game).

Điều này làm người viết chợt nhớ đến một game tương tự: Mutant Year Zero: Road to Eden, một game kiểu “đầu voi đuôi chuột” về mặt nội dung!

trò chơi thực sự vẫn đang thiếu thốn tầm… 30% lượng nội dung nữa mới thực sự mang lại cảm giác hoàn chỉnh

Hệ thống tiến triển nhân vật của Wasteland 3, như đã nói ở trên, vẫn còn khá nhiều lỗ hổng.

Sự tinh giản hóa các perk và thuộc tính nhân vật là một điểm cộng lớn, tuy nhiên trò chơi lại cho người chơi điểm tăng perk khi lên cấp rất nhiều, cộng với việc bạn có 6 thành viên trong nhóm, khiến cho các lựa chọn hội thoại kiểm tra chỉ số nhanh chóng trở nên… vô nghĩa ở nửa sau của game. Không khó để có thể tăng đủ một số kỹ năng đối thoại và hành động như Hard Ass/Kiss Ass, Medic, Mechanic, Explosive chỉ với 3 hoặc 4 thành viên, và do một vài trong số chúng cũng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu, bạn sẽ rất ít khi bị vướng vào các trường hợp không thoả mãn chỉ số hội thoại yêu cầu.

Dĩ nhiên không phải đoạn đối thoại nào cũng cho phép bạn dùng lời nói để vượt qua cho dù có đáp ứng được chỉ số, nhưng nhìn chung do game không đặt thêm tỷ lệ thành công sau skill check, việc chọn hội thoại mà người chơi muốn trong Wasteland 3 hơi quá… dễ dãi. Bởi do cái sự thừa mứa điểm perk/kỹ năng mà người chơi cũng ít khi phải cân nhắc xây dựng nhân vật của mình. Tay bắn tỉa của bạn hẳn sẽ có chỉ số Coordination và Luck tối đa khi đạt cấp 20, và trong các cấp còn lại, có lẽ bạn sẽ chỉ “nhét đại thí” điểm vào Strength để tăng máu, vì chẳng còn chỉ số nào khác thích hợp cho họ.

Wasteland 3 cũng mắc phải một khuyết điểm tương tự với Gears Tactics. Bạn có thể chiêu mộ nhân vật Ranger mới với sở trường riêng mà không hề tốn bất kỳ đơn vị tiền tệ nào. Kết quả là game cho phép người chơi thả những kỹ năng không cần thiết liên tục như Armor/Weaponsmith, Barter và Toaster Repair vào các nhân vật “thùng chứa” này, nếu cần thì nhấn Esc để tạm thời chuyển sang họ, rồi đổi lại nhân vật đang dùng vào tổ đội. Kiểu cơ chế không hậu quả, không hình phạt này giảm thiểu sức nặng của mối quan hệ rủi ro-tưởng thưởng của Wasteland 3 rất nhiều.

Wasteland 3

Cơ chế chiến đấu của Wasteland 3, về cốt lõi rất thú vị, nhưng nó cũng cần phải được mài dũa thêm kha khá.

Mặc dù trò chơi cho bạn cơ hội tiếp cận các trận đấu theo ý mình, nó vô tình phá hỏng chỉ số Initiative bởi chính cơ chế “Alpha Strike” này. Về cơ bản, game cho phép người chơi nã súng trước trong 95% các trường hợp đụng độ, và chiến thuật tối ưu nhất thường sẽ là: dùng súng phóng lựu, chờ nhiều mục tiêu di chuyển chụm lại nhau để gây tổn thất nhiều nhất, bắt đầu chiến đấu, thả hết các ụ súng/Sawblade/lựu đạn và sát thương hạng nặng mà bạn có, và cố gắng kết thúc giao tranh trong tối đa 3 – 4 lượt. Thế thì… bạn cần đến Initiative làm gì khi mà toàn bộ 6 thành viên của đội sẽ luôn bắt đầu đồng thời?

Vấn đề này có thể được giải quyết bằng các kiểu đụng độ đa dạng hơn: tiểu đoàn November bị phục kích đột ngột (có lẽ chỉ xảy ra duy nhất một lần trong game), bị kẻ địch vây hãm từ nhiều hướng hơn là chỉ ở hướng trực diện, không có các điểm mù buộc bạn phải cử nhân vật tiến lên để dò xét.

Việc thiếu vắng các trường đoạn chiến đấu da dạng khiến cho chiến thuật meta của Wasteland 3 hiện rõ từ sớm: bắn tỉa và phóng lựu luôn là lựa chọn số một. Lý do cho sự “lên ngôi” của bắn tỉa khá đơn giản: lối thiết kế giáp hơi… ba chấm của Wasteland 3. Nó có hai chỉ số con: giáp và đâm xuyên. Nếu đâm xuyên cao hơn thì nó hoàn toàn phớt lờ giáp. Nếu giáp cao hơn thì nó bắt đầu “debuff” (tối đa 85%) tùy vào khoảng cách chỉ số giữa giáp mục tiêu và đâm xuyên từ nguồn. Các thuộc tính như lửa, băng, điện và năng lượng hoàn toàn phớt lờ giáp.

Mối quan hệ siêu đơn giản này bị trầm trọng hóa do bản thân súng bắn tỉa có độ đâm xuyên cực kỳ cao (và đặc biệt các kẻ thù cấp cao ở nửa sau game có rất nhiều giáp). Nó không tính đến độ hao hụt đâm xuyên dựa theo khoảng cách hay chủng loại đạn, và bởi trò chơi “ném” cho bạn vũ khí năng lượng quá mạnh mẽ ở nửa sau, mà các chủng loại địch thủ giáp dày gần như không có đất sống.

Bạn hoàn toàn có thể hạ… một chiếc xe thiết giáp với hai – ba phát bắn tỉa, một công việc hoàn toàn có thể được thực hiện trong một lượt duy nhất nếu có chỉ số Coordination (đo lường số AP của nhân vật) và Luck (tăng khả năng chí mạng và hành động không tốn AP) cao. Một số loại vũ khí SMG hay HMG cũng sử dụng đạn năng lượng, tức bạn không cần phải tiêu tốn điểm kỹ năng vào thuộc tính “Weird Science” để sử dụng các loại vũ khí đặc biệt này.

Toàn bộ các khuyết điểm trên khiến cho chiến đấu của Wasteland 3 nhanh chóng biến thành vòng lặp “diệt nhanh trong 2/3 lượt đầu” hoặc “bị diệt trong 2/3 lượt đầu” khá một chiều. Bạn hoặc bắn địch mạnh như “xịt vòi nước” hoặc bắn chí mạng 95% đến mức cháu chắt của hắn bị “chu di cửu tộc”, và chính phát bắn đó sẽ quyết định xem bạn có hoàn thành được pha “encounter” đó hay không.

Kẻ địch rất ít khi có thể “vả” lại bạn những đòn đánh đau ngang ngửa, mà nếu có thì khả năng phục hồi tổ đội về tình trạng 0 vết trầy cũng nhan nhản. Nếu đồng đội bị hạ thì chỉ cần chạy tới… đỡ dậy (không tốn AP), các dụng cụ hồi máu không chỉ rẻ mà còn được phụ trợ hơi “quá tay” nếu dùng bởi nhân vật có chỉ số Medic cao!

Thậm chí nếu bạn dư thời gian thì cứ lái xe về Ranger HQ, Bizarre hoặc bất cứ nơi đâu có bác sĩ để được hồi máu + xóa vết thương với giá siêu rẻ! Nó khiến cho Wasteland 3 thiếu vắng nhân tố căng thẳng thường thấy sau khi đối mặt với kẻ địch khó nhằn trong các game khác (ví dụ XCOM: Enemy Unknown, ).

Wasteland 3

Cuối cùng, Wasteland 3 rất cần thêm cải thiện dành cho mặt UX (trải nghiệm người dùng).

Bỏ qua giao diện hơi “console hóa” (mà thật sự dùng tay cầm hay chuột cũng đều… kém như nhau), trò chơi thiếu rất nhiều tính năng quá sức cơ bản mà người viết không hiểu nổi tại sao một nhà làm game kỳ cựu như InXile lại để hụt mất?

  • Thùng đồ không có nút sắp xếp.
  • Thùng đồ bị thiếu mất một phần riêng chứa các vật phẩm Utility, bạn chỉ có thể tìm được chúng ở mục “Tất cả”.
  • Khi so sánh vũ khí thùng đồ, nó chỉ hiện chỉ số của vũ khí trong khe 1 thay vì của cả hai vũ khí trong hai khe.
  • Khi dò chuột vào vũ khí hoặc giáp, game không cho biết nó đang được gắn mod gì trong bảng thông tin?!
  • Nâng cấp nhân vật được chia làm ba mục trong trình đơn. Mỗi khi bạn nâng cấp chỉ số nào đó thì chỉ có thể xác nhận khi chuyển sang trình đơn khác, chứ không có nút “Apply” hay “Confirm” riêng.
  • Bạn không thể khiến camera tự đi theo nhân vật bằng cách nhấn đúp chuột lên vị trí chỉ định trên bản đồ.
  • Trong hội thoại, bạn không thể chỉ nhấn vào ô thoại để “skip”, mà bạn phải trực tiếp nhấn vào hàng chữ.
  • Trên bản đồ Colorado, bạn không thể nhấn chuột vào địa điểm muốn tới để Kodiak tự lái đến.

Nhắc đến Kodiak, bản đồ Colorado có vẻ cũng tồn tại chỉ để… làm màu. Bạn không tiêu tốn thể lực hay tài nguyên nào trong lúc di chuyển giữa các khu vực lớn. Trở ngại duy nhất mà bạn sẽ gặp phải là các vùng nhiễm phóng xạ (vốn chỉ cần tiền để mua khung chống cấp cao). Các trường hợp trở ngại như gặp phải kẻ địch ngẫu nhiên cũng “vô thưởng, vô phạt” do cơ chế kiểm tra chỉ số dễ dãi (như đã nói ở trên).


THÔNG TIN

  • Sản xuất: inXile Entertainment
  • Phát hành: inXile Entertainment
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 28/08/2020
  • Hệ máy: PC, Nintendo Switch, PlayStation 4, Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i5-3.3 GHz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Nvidia GTX 760
  • HDD: 52 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen 5 1600 3.7Ghz
  • RAM: 16GB
  • VGA: GTX 1070 8GB
  • SSD: Crucial BX500 960GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI INXILE ENTERTAINMENTCHƠI TRÊN HỆ PC

7.0

Wasteland 3 có thể được coi là sản phẩm "dễ nuốt" nhất của InXile Entertainment kể từ 2014 cho đến nay, và khá may mắn là những vấn đề của trò chơi không hề nằm ở cốt lõi lối chơi và hoàn toàn có thể được cải biên bằng một bản Director's Cut hoặc Definitive Edition để sửa chữa những vấn đề về cân bằng, UX và thêm nội dung vào khoảng trống trong 1/3 cuối của game. Ở tình trạng hiện tại, nó là một tựa game tạm ổn, hứng khởi, nhưng hơi lỏng lẻo và "an toàn".

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận